Monday, 12 August 2019

BẢN TIN NGÀY 12-8-2019 (Báo Tiếng Dân)




12/08/2019

BÀI MỚI

12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019
12/08/2019

*
*
Bản tin ngày 12-8-2019

Tin Biển Đông

Trang Nông Nghiệp VN có bài: Con tàu từng 100 lần bị bắt ở Hoàng Sa. Đó là con tàu của ngư dân Bùi Trửu ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, cùng với chủ nhân của nó, đã bị Trung Quốc truy đuổi và bắt bớ hơn 100 lần.

Ngư dân Bùi Trửu là người đầu tiên bị TQ bắn ở Hoàng Sa. Ảnh: Báo NNVN

Ông Trửu kể, ông là ngư dân đầu tiên bị lính tuần tra TQ bắn ở Hoàng Sa khi đang đánh cá gần đảo Phú Lâm. Khi các ngư dân trên tàu sợ hãi, chui vào ca bin, là thuyền trưởng, ông Trửu vẫn tiếp tục cầm lái cho con tàu chạy. Lần đó, ông bị đạn bắn xuyên qua đùi, đã nghiến răng chịu đau, chạy thoát thân vào đất liền để vào bệnh viện phẫu thuật.

BBC có bài phỏng vấn TS Hà Hoàng Hợp về diễn biến tiếp theoở Bãi Tư Chính: Rủi ro an ninh thế nào nếu Trung Quốc quay trở lại? Tàu Hải Dương Địa Chất 8 rút về Đá Chữ Thập nhưng một số tàu hải cảnh vẫn còn lưu lại khu vực thềm lục địa Việt Nam, ông Hợp phân tích: “Phía Trung Quốc không tuyên bố lý do rút tàu, vì thế có thể phán đoán rằng, nếu tàu đó đã khảo sát địa chấn xong rồi, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể kéo giàn khoan vào khoan thăm dò và nếu có dầu khí trữ lượng thương mại, họ sẽ khoan khai thác luôn”.
Về chuyện chính quyền VN lần này tuy có phản đối mạnh hơn các lần đối đầu với TQ trên Biển Đông trước đó, nhưng vẫn chưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, ông Hợp bình luận:“Lúc này phía Việt Nam chưa áp dụng biện pháp pháp lý, có thể là do đang cân nhắc mọi điều kiện không phải là điều kiện pháp lý, ví dụ, cần dự báo các hành động kinh tế, thương mại, chính trị… của phía Trung Quốc”.

Loạt bài nhiều kỳ trên báo An Ninh Hải Phòng: Chủ quyền biển, đảo Việt Nam (Kỳ 1): Biển Đông — Kỳ 2: Tiềm năng, vị thế Việt Nam — Kỳ 3: Khẳng định chủ quyền. Loạt bài lặp lại quan điểm đã xuất hiện trên các báo “lề đảng” trước đó: Khu vực Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn Biển Đông có vai trò chiến lược về địa – chính trị và tài nguyên với Việt Nam, phải giữ bằng mọi giá. Dù vẫn còn tiếp, nhưng 3 bài đầu hầu như không đề cập đến vụ căng thẳng vừa tạm “hạ nhiệt” ở Bãi Tư Chính. 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Lật tẩy giải pháp ‘hòa bình’ kiểu Trung Quốc ở biển Đông. Bài báo dẫn lời ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, bình luận vụ Trung Quốc đưa đội tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam: “Có thể thấy TQ thích sử dụng chiến thuật đe dọa, bắt nạt chứ không động đến lực lượng quân đội thật sự của nước này để bảo vệ yêu sách của mình”.

Infonet có bài: Tuyên bố lạ đời của quan chức Trung Quốc tại Philippines về căng thẳng Biển Đông. Đài ABS-CBN dẫn lời đại sứ TQ tại Philippines, Zhao Jianhua phát biểu hôm 9/8: “Có rất nhiều tàu thuyền di chuyển qua khu vực Biển Đông. Dưới góc nhìn quân sự, tôi nghĩ mọi con tàu mà nhất là tàu của hải quân các nước, đều cần được giám sát chặt chẽ. Điều này ai cũng biết cả, chứ không chỉ riêng Trung Quốc và Philippines“.

Đại sứ Zhao hứa rằng, họ vẫn sẽ là người bạn tốt và hàng xóm tốt của Philippines và rằng những bất đồng ở Biển Đông chỉ chiếm 1% trong mối quan hệ giữa hai nước. Ông Zhao nói: “Có một thứ mà tôi muốn đảm bảo với chính quyền và người dân Philippines, đó là chúng tôi quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tất cả những bất đồng giữa hai nước. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, không tìm kiếm rắc rối. Điều này là hoàn toàn chắc chắn”.

Dù đại sứ TQ tuyên bố như vậy, nhưng Philippines lo ngại Trung Quốc thâu tóm đảo chiến lược, theo báo Thanh Niên. Người phát ngôn quân đội Philippines, ông Edgard Arevalo đề nghị chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte không nên bàn giao các đảo Fuga, Grande và Chiquita cho các nhà đầu tư Trung Quốc vì lý do an ninh. 

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ trích các doanh nghiệp nội địa không tham vấn các cơ quan quốc phòng khi làm việc với nhà đầu tư Trung Quốc, đồng thời cảnh báo “các thỏa thuận hợp tác đầu tư với Trung Quốc ở 3 đảo kể trên có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia”.


Cựu Chủ tịch Đã Nẵng Trần Văn Minh tại ngoại hầu tra?

Facebook Báo Chí Sạch đưa tin: Ông Trần Văn Minh tạm rời phòng giam. Trang này cho biết, ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Đà Nẵng, “đã tạm rời nhà tù để chờ hầu toà sau hơn 1 năm bị giam để phục vụ điều tra các vụ việc liên quan đến sĩ quan tình báo công an Vũ Nhôm. Ông Minh về nhà đêm qua, 9/8, nhưng chẳng có tờ báo nào đưa tin này dù nhiều phóng viên ở Đà Nẵng biết tin“.

ông Trần Văn Minh – cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: LĐ

Không thấy báo chí “lề đảng” đưa tin này. Vẫn không rõ lý do vì sao ông Minh được ra khỏi nhà tù để chờ ra tòa, phải chăng ông được tại ngoại? Ông Trần Văn Minh bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 17/4/2018, để điều tra các vi phạm về quản lý đất đai, công sản, bán cho Vũ “nhôm”, không qua đấu giá, khi ông làm Chủ tịch Đà Nẵng. Ông Minh bị bắt gần 4 tháng sau mới bị đề nghị khai trừ đảng.

Bộ GTVT: Dự án Cát Linh – Hà Đông, lỗi do phía TQ

Trang web của Bộ GTVT cho biết, Bộ này đã gửi công văn tới Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trả lời kiến nghị cử tri, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Theo Bộ GTVT, trách nhiệm chính thuộc về phía tổng thầu EPC Trung Quốc là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Bên cạnh 7 nguyên nhân chủ quan, còn có 5 nguyên nhân khách quan, trong đó có nguyên nhân, “sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện dự án”.

Về khắc phục hậu quả, Bộ GTVT cho biết, mặc dù Bộ GTVT và các bên liên quan “đã quyết liệt chỉ đạo nhưng Dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay Dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung Tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết nhằm đưa Dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất“.

Mặc dù Bộ GTVT đã nêu lỗi từ phía TQ, nhưng vẫn chưa thấy lãnh đạo, quan chức bộ này lên tiếng về trách nhiệm để cho TQ có cơ hội gây ra những lỗi này, cũng như không thấy khả năng VN ngừng hợp tác với TQ trong các dự án giao thông, trong khi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã trở thành một “quả bom nợ”, trả cho một đống sắt vụn.

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm kể: “Hôm qua gặp ông đi bộ cùng, có vẻ là cán bộ to ở Bộ Giao thông, một ông hỏi: Bao giờ đường sắt Cát Linh-Hà Đông chạy? Ông nói với người bạn: Tàu Cát Linh-Hà Đông còn lâu mới có vì không thằng nào dám ký nghiệm thu. Không nghiệm thu thì chạy thế đ3o nào được. Mà không thằng chó nào dám ký vì sai từ thiết kế đến thi công, vật liệu ‘đểu’. Thép đường ray, ốc, nẹp… của Pháp hơn trăm năm qua vẫn không rỉ nhưng thép của Tàu chưa sử dụng đã rỉ toe toét.

Có vẻ như họ làm từ thép phế liệu, đặc biệt hầu như không có khâu nào tự động hóa, khi chạy phải có hơn 600 lao động điều hành, quản lý… thì lấy tiền đâu mà bù lỗ hàng bao nhiêu năm. Đặc biệt, mai đây hỏng hóc cần thay phụ tùng, vật tư mà TQ giở trò chậm trễ hoặc cắt thì chỉ có bỏ. Nói chung là bây giờ ‘tiến thoái lưỡng nan’. Cứ duy trì đống bê tông ấy thì tức mắt, đập đi thì tốn công mà số bê tông ấy đổ ở đâu cho hết…


Gánh nặng đường sắt

Trang Đầu Tư Tài Chính VN cập nhật tình hình đường sắt đô thị tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi: ‘Đội vốn gấp 9 lần ban đầu’. Văn bản trên cũng trả lời về vấn đề triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi. Bộ GTVT hứa rằng đến năm 2024 sẽ hoàn thành tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Bài báo cho biết, theo kế hoạch của Chính phủ vào năm 2002, tuyến Metro số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 9.197 tỉ đồng, nhưng đến năm 2018, mức đầu tư cho toàn bộ dự án đã được điều chỉnh tăng lên thành 44.000 tỷ đồng, đến thời điểm này là 81.537 tỉ đồng, nghĩa là đội vốn gấp 9 lần so với ban đầu.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Vì sao dự án đường sắt 8.000 tỉ đồng dang dở. Đó là dự án dự án đường sắt Phả Lại – Hạ Long, đã được triển khai qua 15 năm nhưng chưa xong và hiện đang dừng thi công. Hậu quả: “Chia cắt hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, chia rộng ô thửa lớn thành ô thửa nhỏ”. Cử tri tỉnh Hải Dương bề nghị Bộ GTVT sớm khôi phục dự án hoàn thành trong thời gian sớm nhất hoặc dừng hẳn và hoàn trả mặt bằng.
Đáp lại, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại để hoàn thành dự án: “Như vậy, khi có nhà đầu tư quan tâm hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương để tiếp tục thực hiện dự án”.


Bê bối ở Bình Định

Báo Giao Thông đưa tin: Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý vụ tố cáo tại Sở Nội vụ Bình Định. Ngày 11/8/2019, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong vấn đề thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2017, phát hiện 8 vụ việc có dấu hiệu phạm tội, liên quan đến hành vi tham nhũng, với số tiền gần 4 tỷ đồng, đã chuyển Cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.

VOV thống kê: Bình Định có 55 trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn. TTCP phát hiện, kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ cho thấy, Bình Định có 55 trường hợp bổ nhiệm còn thiếu tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, đến nay, đa số đã được cử đi đào tạo bổ sung hoặc có kế hoạch đào tạo.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định không tuyển dụng công chức qua hình thức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển một số ít công chức (không đủ chỉ tiêu biên chế đã được xét duyệt), nhất là tại UBND các huyện, dẫn đến hiện tượng các cơ quan, đơn vị thiếu hụt nhân lực, phải ký hợp đồng lao động làm công việc thường xuyên.


Sắp công bố ranh quy hoạch Thủ Thiêm?

Zing đưa tin: TP.HCM sắp họp báo công bố ranh quy hoạch khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm. Một lãnh đạo UBND TP HCM thông báo, lãnh đạo TP dự kiến chiều ngày 14/8 sẽ tổ chức họp báo, thông tin các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm. Buổi họp báo sẽ xoay quanh 2 nội dung chính là công bố ranh vấn đề 4,3 ha nằm ngoài ranh và kế hoạch của UBND TP thực hiện những nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Phía quan chức TP cho rằng, “phần lớn hộ dân muốn chọn phương án đất đổi đất, số ít chọn nhận tiền. Tổ công tác đã tổng hợp các đề xuất để báo cáo Thường trực UBND TP”. Tuy nhiên, họ mới chỉ gặp 331 hộ thuộc khu 4,3 ha, trong khi có đến hàng ngàn hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị cướp nhà, cướp đất.


Ám ảnh thủy điện, xả lũ, người chết

Báo Thanh Niên có bài: Nơm nớp lo vỡ đập thủy điện mùa mưa lũ. Sự cố ở cả đập thủy điện Đắk Kar và Đắk Sin 1, tỉnh Đắk Nông, hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ông Võ Công Tuấn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương Đắk Nông cho biết, Sở đã rà soát tình hình hoạt động của các công trình thủy điện trên địa bàn, nhận thấy “công trình không có vấn đề gì… Do mưa lũ, nước về lớn quá nên mới xảy ra các sự cố đột xuất đối với hai công trình thủy điện này… chứ trước đó chưa thể lường trước được”.

Tình hình mưa lũ ở Đồng Nai: 2 người chết trong mưa lũ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, Infonet đưa tin. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đồng Nai cho biết, đến trưa ngày 11/8, mưa lớn cùng với chuyện Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ đã làm 2 người tử vong, gần 3.000 ha đất nông nghiệp bị ngập, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Chỉ riêng ở huyện Tân Phú, có hàng chục bè cá của người dân bị nước từ nhà máy thủy điện xả lũ cuốn trôi, khiến hơn 5.000 tấn cá nuôi bị chết hoặc thoát ra ngoài, ước tính thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.


Báo Người Lao Động bàn về vụ thủy điện đe dọa nhiều tỉnh: Không dễ rõ địa chỉ trách nhiệm! Vụ thủy điện Đắk Kar gặp sự cố suýt vỡ đập, ông Chu Văn Quyền, GĐ Công ty CP Thủy điện Đắk Kar, cho biết, đã vận hành được van cửa xả của nhà máy thủy điện này và hiện chỉ xả nước từ 80 đến 100 m3/giây để tránh ngập lụt, nhưng van xả nước của đập thủy điện vẫn còn kẹt. Lực lượng của công ty vẫn đang tìm các phương án nâng cửa xả.

Ông Bùi Huy Thành, GĐ Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông trả lời về trách nhiệm quản lý nhà máy để xảy ra sự cố: “Nhà máy Thủy điện Đắk Kar nằm ở tỉnh Bình Phước. Tỉnh Đắk Nông chỉ có cơ chế phối hợp chứ trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lại nói: “Anh hỏi tôi mưa vừa rồi ảnh hưởng thế nào đến Bù Đăng chứ Nhà máy Thủy điện Đắk Kar là của tỉnh Đắk Nông, Bù Đăng không có xía vào được đâu”. Tai họa sắp ập xuống đầu dân, trong khi hai quan chức chính phủ và huyện Bù Đăng đổ trách nhiệm cho nhau.



***





No comments:

Post a Comment

View My Stats