Sunday 30 October 2016

SỰ HOÀI NGHI HỢP LÝ VỀ THIÊN CHÚA & VIỆC CHẤP NHẬN MỘT THỰC TẠI NHÂN SINH (Nguyễn Hoài Vân)




Chủ Nhật, ngày 30 tháng 10 năm 2016

Tư tưởng hoài nghi sự hiện hữu của Thần Linh và sau đó, của Thiên Chúa, đã hiện hữu ở Tây Phương từ ít nhất là 600 năm trước Công Nguyên. Bên Đông Phương thì các lý thuyết về « Đạo », như một nguyên lý, « thiên », trời, như một vật thể ai cũng nhìn thấy (trước khi trở thành « ông » trời của dân gian), vốn đã không cho thấy một quan điểm thần quyền rõ rệt. Xem :

Nói chung, với sự hiểu biết ngày càng phát triển, con người dần dần thoát khỏi những cách giải thích vũ trụ vạn vật dựa trên niềm tin vào những thần linh nắm giữ các thế lực thiên nhiên. Để thay vào đó, họ đề nghị những mô hình giải thích sự vật đặt nền tảng trên lý trí, suy luận. Xin đang cử vài thí dụ :

Nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, theo Thales, chính là nước, theo Anaximène thì đó là không khí, và theo Anaxamandre thì lại là “chân không”. Ba vị này đều là người thành Milet. Empedocle, sinh khoảng 492 trước Công Nguyên tại thành Agrigente, Sicilia, thì cho là vũ trụ có 4 nguyên tố: hoả, khí, thuỷ và thổ.

Tiếp đến, Leucippe và Democrite (thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên) đề ra khái niệm « nguyên tử ». Theo hai ông này, mọi sự vật đều đựơc cấu tạo bởi những hạt vật chất cực nhỏ đến nỗi không thể nào bị cắt nhỏ thêm nữa được (nghĩa của chữ A-Tome : A là không, Tomos là cắt). Thậm chí đến trí tuệ, linh hồn và quỷ thần cũng đều là những tập hợp đặc biệt của các hạt nguyên tử, tức đều tuân theo những định luật vật lý như mọi chuyện khác (cho thấy duy vật không phải là không có thần linh !).

Rõ ràng nhất là Protagoras (người thành Abdere như Democrite) thẳng thừng gạt bỏ mọi ý niệm về thần linh trong cuộc sống. Ông nói: « Tôi không biết thần thánh là cái quái gì cả. Vấn đề quá mờ mịt…. »

Một triết gia « nguyên tử » quan trọng khác là Epicure. Triết lý của ông trở thành những tuyệt tác văn chương với văn hào Lucrece, ảnh hưởng mạnh trên trường trí thức cho đến ngày nay (Thomas More, Giordano Bruno, Montaigne, La Fontaine, Rousseau, Thomas Jefferson v.v…). Tôi sẽ viết riêng một bài về Lucrece.

Ý tưởng gạt bỏ mọi thần linh ra khỏi thiên nhiên (quan điểm của thuyết độc thần Do Thái) đã là nền tảng trên đó người ta xây dựng sự hoài  nghi về vị Thần duy nhất là Thiên Chúa, và phổ biến nó khi bối cảnh chính trị cho phép, tức vào khoảng thế kỷ 18. Các biện minh cho sự hoài nghi ấy dần dần kết tinh quanh khái niệm Thiên Chúa (đấng toàn năng, toàn tri, toàn thiện, nhân từ tuyệt đối, không gì lớn hơn), của thần học Ky Tô Giáo. Xin mời đọc một đoạn văn của Nietzsche :

Hoài nghi hợp lý về Thiên Chúa - Vấn đề "vô minh" - Quan điểm của Nietzsche
« Một Thiên Chúa toàn tri và toàn năng mà không chịu làm mọi cách để cho tạo vật thông hiểu chủ tâm của mình, có thể nào là một vị Chúa nhân từ ? Thật vậy, một Thiên Chúa có thể yêu thương được chăng, khi để cho vô số hoang mang, ngờ vực, tồn tại suốt nhiều ngàn năm, như thể những hoang mang và ngờ vực ấy không quan trọng chút nào cho sự cứu rỗi của loài người, nhưng lại sắp đặt bao hình phạt rùng rợn cho kẻ nào hiểu sai chân lý ? Có thể nào vị Chúa ấy không ác độc, khi biết sự thật, nhưng vẫn lạnh lùng chứng kiến nhân loại quằn quại khổ đau trong mù quáng vô minh ?
Tuy nhiên, không chừng vị Chúa ấy chính là một vị Chúa yêu thương, nhưng chỉ không thể diễn bày được chân lý một cách rõ ràng hơn ! Phải chăng ngài không đủ trí lực cho điều ấy ? Hay không đủ khả năng giảng thuyết ?
Trong trường hợp ấy, sự thể sẽ còn bi đát hơn gấp bội phần ! Vì, có thể Thiên Chúa đã lầm lẫn trong điều mà ngài coi như "chân lý" của mình, và trở nên rất giống một chú "quỷ con bị lừa" ! »
(Nietzsche - Aurore I, 91)

*
Tiếp đến, xin giới thiệu một đoạn văn được công bố năm 1993, của John Schellenberg, triết gia thuộc trường phái « phân tích », tức trường phái triết học mới nhất, được coi như « đang làm triết học dưới mắt chúng ta » (« vấn nạn xe điện », thí nghiệm « bộ óc trong bồn kính », còn gọi là thí nghiệm « Matrix », v.v… đến từ trường phái này).

Từ Hoài Nghi Hợp Lý đến bằng chứng Thiên Chúa không hiện hữu

«Tại sao Thiên Chúa lại lẩn trốn con người ? Điều chắc chắn là một hiện hữu hoàn hảo trên phương diện đạo lý, tức là tốt lành, công bằng, nhân ái, phải hiển hiện một cách rõ ràng hơn. Vì thế, việc thiếu thốn những chỉ dấu về sự hiện hữu của Thiên Chúa không có nghĩa là Thiên Chúa lẩn trốn, mà làm hiển lộ sự kiện Thiên Chúa không hiện hữu.

Một Thiên Chúa hoàn hảo đầy tình yêu sẽ luôn tìm quan hệ, giao tiếp cá nhân giữa Ngài với mỗi một con người có thể có được quan hệ ấy. Tuy nhiên một điều kiện thuần lý cho tương quan qua lại như thế, giữa Thiên Chúa và nhân loại, chính là niềm tin của con người vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tức là một vị Chúa hoàn toàn nhân từ sẽ làm mọi cách để bảo đảm cho mỗi con người (…) những bằng chứng cần thiết để người ấy có thể tin vào sự hiện hữu của Ngài.

Tuy nhiên, những chứng cớ hiện có không đạt được tiêu chuẩn vừa nêu. Dấu hiệu rõ ràng nhất của điều này là sự hiện hữu hiển nhiên của một tâm lý hoài nghi không đáng trách, hay chính xác hơn, một sự hoài nghi hợp lý.

Cho nên, từ sự yếu kém của những chỉ dấu biện minh cho thuyết Hữu Thần, đặc biệt là từ tính cách hợp lý của sự hoài nghi, chúng ta có thể kết luận là Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, không hiện hữu.

Tuy nhiên, Thiên Chúa, nếu có thật, thì phải hoàn toàn nhân từ, yêu thương, nên từ tính hợp lý của hoài nghi, chúng ta có thể kết luận là Thiên Chúa không hiện hữu ».

John Schellenberg - Divine Hiddeness and Human Reason (Cornell University Press - 1993)

Sự cần thiết của một định nghĩa ?
Cần nhận xét là các lập luận trên đây không phủ định sự hiện hữu của Thiên Chúa như một thực tại, mà chỉ phủ định (hay hoài nghi) Thiên Chúa như một khái niệm. Nói cách khác, bạn có thể sử dụng một định nghĩa khác của Thiên Chúa, không bị phủ định bởi các lập luận này.

Thật vậy, ngoài hình ảnh Thiên Chúa như một ông tây râu dài ngồi trên một đám mây với ánh sáng chớp chớp chung quanh (quan điểm nhân cách), người ta có thể nghĩ Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên của hiện hữu (nguyên nhân ấy có thể chỉ là vật lý !), Thiên Chúa là tha nhân (Ky Tô Giáo), Thiên Chúa là mọi con người (cũng Ky Tô Giáo) (*), Thiên Chúa là toàn bộ hiện hữu (Spinoza, Ấn Giáo), Thiên Chúa hoàn toàn « siêu nhiên » (Do Thái giáo) nằm ngoài thiên nhiên (« siêu » mà), ngoài hiện hữu (tức không hiện hữu, vì thiên nhiên là toàn thể hiện hữu),  v.v… Mỗi Thiên Chúa được khái niệm hóa như thế sẽ đưa đến những lập luận chứng minh cũng như phủ định. Điều cần hiểu rõ là : dù chứng minh hay phủ định, người ta cũng chỉ chứng minh hay phủ định một khái niệm, chứ không phải một thực tế. Xem :

Kể từ Hume, rồi Kant, đến Derrida, một mảng triết học gọi là « siêu hình học tư biện » bị loại bỏ, vì không thể kiểm chứng, bị coi như chỉ là vận động khái niệm. Thiên Chúa, như đã nói, nằm trong phạm vi này. Xem :

Thật ra, tuy loại bỏ thực tính của chúng, Kant vẫn chấp nhận tính thực dụng của một số khái niệm siêu hình học. Thí dụ người ta sẽ dễ làm điều thiện hơn, nếu tin có Thiên Chúa và có linh hồn vẫn"sống" sau khi chết. Nhưng đồng thời Kant lại nhận xét là làm điều thiện để được hưởng phúc lợi ở đời sau, không hẳn là làm điều thiện. Tức là những gì còn lại để biện minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và linh hồn lại trở thành mong manh như hạt sương trên cọng cỏ ...

Một thực tại « Nhân Sinh »

Bây giờ giả sử người ta từ chối định nghĩa Thiên Chúa, coi đó không phải là một khái niệm, mà là một ý tưởng vô định, thì sao ? Có thể rất nhiều người nghĩ về Thiên Chúa như thế. Triết học có thể làm ngơ trước thực tại ấy hay không ? Chưa kể một số người, trong điều kiện nào đó, quả quyết họ có một kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa. Triết học có thể loại bỏ những kinh nghiệm nhân sinh ấy hay không ?

Câu trả lời có thể là không. Tất cả những gì thuộc về con người cần được khảo sát, tìm hiểu. Mọi hiểu biết về con người đều đáng quý. Người ta cần tìm xem ý tưởng Thiên Chúa của một nhân vật hay cộng đồng mà mình nghiên cứu đến từ đâu ? Từ điều kiện sinh sống, truyền thống lịch sử, thâm nhập văn hóa, hay những biến cố đặc biệt, thực có hay thuộc về huyền thoại. Trong trường hợp kinh nghiệm cá nhân, thì còn cần xét kỹ xem những yếu tố nào thực sự đến từ kinh nghiệm chủ quan và tình cờ của cá nhân ấy, và những yếu tố nào đến từ ảnh hưởng của giáo dục, gia đình xã hội, tín lý, thần học v.v...

Ngày nay, nhiều chuyên khoa bên cạnh triết học « chính ngành », đặc biệt quan tâm đến Thiên Chúa, thần linh và tôn giáo, như nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, khoa học thần kinh, hay cả chính trị học, với hiện tượng tôn giáo cực đoan.

Còn trên phương diện tổ chức xã hội, tức việc sắp đặt sự chung sống giữa con người với nhau, thì đương nhiên là Thiên Chúa, thần linh, hay tôn giáo nói chung, được đặt vào lãnh vực cá nhân, trong sự tôn trọng lẫn nhau, với những quy luật cư xử được bảo đảm bởi luật pháp.

Nguyễn Hoài Vân
23/10/2016

(*) Phúc âm Gioan 17 : 20-21







No comments:

Post a Comment

View My Stats