Thứ Tư, ngày 07 tháng 1
năm 2015
Thứ Hai đầu tuần này có hai cuộc họp quan trọng, một ở nước ta, một ở Mỹ,
bàn về tương lai Việt Nam trong năm năm tới. Trong cả hai hội nghị, không ai
đưa cây đinh ốc vào chương trình nghị sự, thật đáng tiếc.
Câu chuyện cái đinh ốc bùng lên trong nước từ tháng
Chín. Báo chí đăng tin công ty Samsung Điện Tử thú nhận cơ xưởng ráp máy điện
thoại của họ ở Bắc Ninh không tìm ra xí nghiệp nào của người Việt Nam có thể
cung cấp những cây đinh xoắn trôn ốc, còn gọi là ốc vít.
Tại sao nhân dân ta anh hùng vẫn chưa làm được cái đinh ốc, sau 70 năm tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, và sau 30 năm đổi mới kinh tế cho nó giống xã hội tư bản thời hoang sơ? Trong hai cuộc hội nghị ở Boston và Hà Nội không ai trả lời cho câu hỏi đó.
Tại sao nhân dân ta anh hùng vẫn chưa làm được cái đinh ốc, sau 70 năm tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, và sau 30 năm đổi mới kinh tế cho nó giống xã hội tư bản thời hoang sơ? Trong hai cuộc hội nghị ở Boston và Hà Nội không ai trả lời cho câu hỏi đó.
Cuộc hội thảo, tổ chức tại đại học Harvard ngày 5 tháng Giêng năm 2015,
bàn về “Các chính sách cho kinh tế Việt Nam trong năm năm tới.” Chương trình buổi sáng dành cho các chính sách gọi là vĩ mô, tức là những
vấn đề lớn lao cho toàn thể kinh tế quốc dân như lạm phát, tiền tệ, thất nghiệp,
vân vân. Giữa các chuyện to lớn đó, những cái đinh ốc nhỏ bé không thể chen
chân vào được. Buổi chiều, các chuyên gia lại dành thời giờ tìm hiểu xem họ
đang nghiên cứu những cái gì về kinh tế Việt Nam. Những cây đinh ốc chắc chắn
không có cơ hội nào xuất hiện!
Trong cùng ngày Thứ Hai, Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản
VN khai mạc, trễ một tháng. Hội nghị này sẽ bỏ phiếu tín
nhiệm cho các nhà lãnh đạo mà họ bầu ra từ đại hội trước; đồng thời sẽ bàn về
“công tác nhân sự” đại hội thứ 12 năm 2016, tức là xem ai còn, ai mất, ai sẽ ngồi
vào cái ghế nào. Trước ngày họp, dân lên mạng ở Việt Nam đã được chứng kiến cuộc
đấu đá công khai giữa các phe trong đám Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng,
Trương Tấn Sang. Chủ yếu là phao tin đồn, chửi rủa, phe này bới móc phe khác.
Khi họ vào họp, chắc chắn không ai nghĩ tới câu chuyện Samsung không dùng được
những cái đinh ốc làm ở Việt Nam.
Câu chuyện hãng Samsung và những cây đinh ốc đáng
chú ý vì trong năm 2013 Samsung ở Việt Nam (Samsung Electronics Vietnam, hay
SEV) đã xuất cảng số điện thoại di động trị giá 23,9 tỷ đôla, gần bằng một phần
năm (18%) tổng số tiền cả nước thu được nhờ xuất khẩu. Trong số hơn 400 triệu
máy điện thoại di động mà Samsung bán ra trên thế giới thì số điện thoại ráp ở
các nhà máy ở Bắc Ninh, Thái Nguyên chiếm 35% – trong tương lai sẽ tăng lên
50%. Để lắp ráp hơn 140 triệu cái máy đó, Samsung phải dùng các bộ phận, gọi là
linh kiện, trị giá các bộ phận này lên tới gần 20 tỷ (19.8 tỷ) đô la. Tất
nhiên, những bộ phận đắt tiền nhất trong số này do chính Samsung làm ra ở nước
họ, Nam Hàn. Nhiều thứ bộ phận họ có thể mua ở các nước khác, rẻ hơn là làm tại
Hàn Quốc. Nếu Samsung mang tất cả các bộ phận từ Nam Hàn qua thì nền kinh tế địa
phương sẽ bất lợi. Chính phủ nước nào cũng yêu cầu các công ty ngoại quốc phải
đặt mua nhiều hàng “bản xứ” để giúp các xí nghiệp địa phương. Nếu các xí nghiệp
Việt Nam có cơ hội cung cấp một số bộ phận cho Samsung thì sẽ tạo thêm công việc
làm cho công nhân Việt Nam.
Vậy người Việt Nam đã bán cho Samsung được những thứ
gì?
Bộ Công nghiệp, Thương mại trong chính phủ đã trình
làng một bản danh sách dài liệt kê 144 thứ bộ phận do các công ty ở Việt Nam
cung cấp cho SEV; thí dụ pin điện, núm nghe đặt vào tai, USB chứa dữ liệu, giấy
cách nhiệt, vân vân. Trong đó, 91 món dùng để ráp máy điện thoại Galaxy S4, 53
món cho loại “độc bản” (tablet) đường chéo 7 đốt (7 inches). Riêng hãng Samsung
cho biết họ sẽ tăng số bộ phận đặt mua tại Việt Nam lên 170 món.
Rốt cuộc, có 67 doanh nghiệp cung cấp các linh kiện
cho SEV; nhưng đại đa số là các doanh nghiệp của người Đại Hàn, Nhật Bản,
Singapore, Mã Lai. Chỉ có bốn doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm và dịch vụ
cho SEV, mà món chính là làm bao bì, in ấn.
Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung ở Việt Nam
mới nói tại một hội thảo tại Hà Nội vào tháng Chín vừa qua, rằng “không doanh
nghiệp Việt Nam nào ‘nắm bắt’ được cơ hội.” Họ chỉ cung ứng được những sản phẩm
in ấn, bao bì!” Còn những thứ “cao cấp” như cái đinh ốc vít, người Việt Nam làm
không được theo tiêu chuẩn của Samsung! Ông Shim Won Hwan cũng không kiếm được
những bộ phận “sạc” điện cho xeo phôn (cell phone) do người Việt Nam làm.
Giáo Sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp
đầu tư nước ngoài (VAFIE) xác nhận đây là tình trạng chung. Ông nói rằng các doanh
nghiệp ta không thể cung cấp những món giản dị, rẻ tiền như bộ phận sạc pin,
đinh ốc vít cho các doanh nghiệp vốn ngoại quốc. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch
Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm rằng trước đây các
công ty Nhật làm việc tại Việt Nam như Canon, Sony, cũng chỉ đặt mua bao bì của
người Việt, những thứ khác không mua được hàng đúng tiêu chuẩn! Nghĩa là khi xuất
khẩu một món hàng của Canon, Sony hay Samsung, trong một trăm đồng đô la thu
vào thì người Việt Nam, kinh tế Việt Nam chỉ thực sự lãnh được một đồng hay hai
đồng mà thôi. Đó là tiền công lắp ráp và cung cấp bao bì. Ngay trong giá bán
các thứ bao bì cũng vẫn có một phần phải trả lại cho nước ngoài, vì mình mua
các chất làm giấy, làm plastic, mua mực tốt đủ tiêu chuẩn, vân vân, từ nước
khác, các công ty Việt Nam chưa làm được. Trừ những món chi đó rồi thì các
doanh nghiệp nước ta thu được thành quá nhỏ. Bao giờ các doanh nghiệp nước ta
còn chưa làm nổi cây đinh ốc thì nền công nghiệp nước ta vẫn là công nghiệp ăn
mày như thế. Người Việt Nam thông minh, người Việt Nam cần cù chịu khó. Tại sao
không xí nghiệp Việt Nam nào làm nổi cái đinh ốc cho hãng Samsung?
Ông Vũ Tiến Lộc giải thích “nguyên nhân sâu xa là
môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thực sự bình đẳng.” Chưa bình đẳng, cho
nên những doanh nhân có vốn, có trí óc vẫn không có cơ hội phát triển. Môi trường
như thế nào mà ông Lộc nói rằng không bình đẳng? Ông nêu một thí dụ: “nhiều
doanh nghiệp không nhất thiết đầu tư vào công nghệ, quản trị nhưng vẫn cạnh
tranh được nhờ vào mối quan hệ.” Nói rõ hơn là như thế này: Có doanh nghiệp tư
nhân cố đổ thêm tiền bạc, thời giờ cải thiện kỹ thuật, cải tiến phương pháp quản
trị cho hiệu quả hơn, nhưng vẫn thua các doanh nghiệp chẳng làm gì cả. Chỉ vì
những anh không làm gì cả đó hoặc là của nhà nước, hoặc do các cán bộ, đảng
viên cộng sản cầm đầu, họ có “quan hệ” cho nên khi cần vay tiền là có tiền, vay
với lãi suất thấp, khi cần thì xin giấy phép gì cũng nhanh, mua bán gì cũng dễ.
Còn các xí nghiệp tư nhân cái gì gặp cũng khó, cũng chậm, bị hoạnh họe đủ thứ.
Cả guồng máy nhà nước dựng lên chỉ gây thêm trở ngại cho những người kinh
doanh, chứ không hỗ trợ giới làm ăn như ở Nam Hàn, ở Đài Loan từ thập niên
1970, 80.
Giáo sư Tạ Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận xét
rằng “doanh nghiệp và cơ quan chức năng (tức các đấng cán bộ ngồi bàn giấy) vẫn
như hai bánh xe răng cưa chạy hai hướng khác nhau.” Một người lãnh đạo công ty
Điện tử và Dịch vụ công nghiệp Sài Gòn (Sagel) cho biết ngày xưa Sagel từng đầu
tư để sản xuất một số hàng xuất khẩu; nhưng “việc xin giấy phép phải mất 3 năm,
khi mình xin giấy phép xong, khởi sự đầu tư thì trên thế giới nhiều sản phẩm đã
thay đổi, công nghệ đã khác trước rồi.” Có người thú nhận trong một cuộc hội thảo,
“Giờ công nghệ ta thua Campuchia, họ làm được ô tô, ta có làm được đâu?”
Tất nhiên, nếu chưa ráp được cái ô tô thì cũng cố
làm ra được những cái đinh ốc để ráp ô tô. Nếu không làm được thì lại chỉ ráp bằng
những thứ bộ phận được chế tạo sẵn ở Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Mã
Lai, Indonesia, Campuchia, vân vân. Nghĩa là suốt đời làm những công việc lương
thấp nhất thế giới, thứ lương ăn mày! Đảng
Cộng sản Việt Nam đã quen làm “kinh tế ăn mày” từ thập niên 1950, 60. Mỗi
năm, ông Lê Thanh Nghị mang một bản danh sách những món cần viện trợ sang Bắc
Kinh hay Maskba, xin từ bao bột mì, bo bo, từ cây kim đến sợi chỉ. Một nước độc
lập, tự chủ không thể giữ thói quen ăn mày mãi như thế được! Nhưng đến bây giờ,
những người cầm đầu đảng Cộng sản vẫn chưa bỏ được thói xấu cũ. Chỉ đi xin người
nước ngoài giúp bỏ tiền đầu tư, mà không lo làm sao chính dân mình tự làm được
ra một cái đinh ốc.
Tại sao Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng
sản không bàn gì về những cái đinh ốc? Bởi vì mối lo lắng của họ không phải là
chuyện người Việt Nam có làm ra nổi cái đinh ốc hay không. Ho không lo chuyện
các xí nghiệp Việt Nam làm ra được cái gì! Quanh năm, suốt tháng, cả ngày, suốt
24 giờ, họ chỉ lo làm sao bảo vệ quyền hành và lợi lộc cho bản thân và cho phe
đảng. Họ sinh ra dưới một chế độ như vậy, được đào tạo như vậy. Trong tất cả
các nước độc tài, cộng sản hay không cộng sản, hệ thống thăng tiến xã hội đều
theo nền nếp “quan hệ” đó. Những cuộc đấu đá trên mạng gần đây cho thấy, những
phe Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang không một anh nào trình
bầy cho mọi người thấy phe mình có những chính sách nào tốt hơn phe bên kia. Bởi
vì phe nào cũng vậy, họ không coi chuyện nước Việt Nam có sản xuất được đinh ốc
là chuyện quan trọng. Ít nhất, không có thứ tự ưu tiên bằng vấn đề họ có còn giữ
được địa vị và của cải hay không! Họ chỉ đem nhau ra chửi, bên này chửi bên kia
tham nhũng hơn mình. Một phe tố cáo Trần Văn Truyền nhà cao cửa rộng thì phe
bên kia tố giác Nguyễn Xuân Phúc còn nhiều nhà cửa hơn. Vì vậy, Hội nghị
Trung Ương Đảng chắc chắn không có thời giờ bàn chuyện những cái đinh ốc.
Còn quý vị kinh tế gia, khoa học gia họp tại
Boston, họ cũng không bàn đến những cái đinh ốc, nhưng vì lý do khác. Họ chỉ
bàn các vấn đề lớn, gọi là kinh tế vĩ mô mà thôi. Việc sản xuất đinh ốc chắc chắn
là chuyện nhỏ, kinh tế học gọi là vi mô. Lý do, không phải vì thân phận những
cái đinh ốc quá nhỏ! Lý do chính là việc sản xuất và phân bố hàng hóa, dù nhỏ
như cây đinh ốc, lớn như cái máy bay, đều thuộc phạm vi nghiên cứu kinh tế vi
mô.
Môn kinh tế học vi mô khảo sát cơ cấu vận động xem
các doanh nghiệp làm ăn theo những quy luật nào, cạnh tranh, trao đổi với nhau
ra sao. Nếu sống trong môi trường theo đúng quy luật tự do cạnh tranh, trong
khung cảnh pháp lý có luật pháp rõ ràng, công khai và công bằng, thì tự nhiên
các doanh nghiệp phải chạy đua với nhau chế ra những thứ hàng tốt nhất với giá
thành rẻ nhất. Còn trong khung cảnh kinh tế bao cấp xã hội chủ nghĩa thì các
doanh nghiệp không được khích lệ một cách tự nhiên để làm ăn như vậy. Giám đốc
các doanh nghiệp nhà nước không cần cải thiện về kỹ thuật hay quản trị hữu hiệu,
cũng vẫn thăng quan tiến chức. Họ chỉ cần đứng trong phe đang lên là vững chân.
Cho nên, như ông Trần Việt Thanh, thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghiệp công nhận,
“phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang dùng các kỹ thuật lạc hậu” đi sau thế giới
trung bình 2 đến 3 thế hệ.” Cũng vậy, không ai lo cải thiện năng suất lao động,
cải tổ phương pháp quản lý. Vì chúng ta đều biết, cha chung thì không ai khóc!
Từ thập niên 1990, người ta đã nhận thấy một khuyết
điểm của việc cải tổ kinh tế các nước cựu cộng sản là chỉ chú trọng thay đổi về
vĩ mô. Bởi vì phần lớn các chuyên gia kinh tế được dùng ở ở Liên Xô cũ và Đông
Âu thời đó đều chuyên ngành kinh tế vĩ mô. Rất hiếm người đào tạo trong ngành
quản lý, rất ít người có kinh nghiệm về điều khiển các xí nghiệp từ các nước tư
bản, không quen lo các vấn đề từ sản xuất đến tiếp thị. Nhưng học các nước cựu
cộng sản học theo kinh tế tư bản, đưa ra các chính sách kinh tế vĩ mô mới mà vẫn
không tiến được. Bởi vì một chính sách vĩ mô đưa ra dẫn tới những tác dụng nào
là do phản ứng của các nhà sản xuất, các ngân hàng, cũng như giới tiêu thụ. Phản
ứng của họ trong thế giới cộng sản và tư bản rất khác nhau! Trong kinh tế thị trường, tiêu chuẩn hành động là lời, lỗ.
Ở các nước độc tài, cộng sản cũng như không cộng sản, tiêu chuẩn chính là quan
hệ chính trị.
Nếu hành vi của các doanh nghiệp, của các nhà quản
đốc chưa thay đổi, thì họ không phản ứng như thói quen trong kinh tế thị trường
thực sự. Họ vẫn theo thói quen thời “bao cấp” chứ không hành động theo lối giới
quản trị ở kinh tế thị trường. Vì chức vị của họ, quyền lợi của họ không giống
giới quản đốc vẫn quen sinh hoạt theo lối thị trường. Ở các nước kinh tế thị
trường thật sự, nhà quản đốc lo làm sao tiết giảm phí tổn, khuyến khích sáng kiến,
tìm cách làm người tiêu thụ được hài lòng. Lý do vì đại đa số các công ty, xí
nghiệp là của tư nhân, lời ăn lỗ chịu. Còn ở các nước cộng sản các vấn đề đó đều
là chuyện nhỏ, mối quan tâm lớn nhất của giới quản lý là làm sao cấp trên của
mình vui lòng, làm sao phe mình thắng thế trong Bộ Chính Trị hay Trung Ương Đảng.
Khi các nước cộng sản “đổi mới” mà vẫn bảo vệ cái khung doanh nghiệp nhà nước để
chia chác quyền lợi, thì cách hành xử của giới quản đốc vẫn như cũ. Nền tư pháp
chưa thay đổi, chưa độc lập với chính trị, pháp luật chưa công bằng, thì nạn
tham nhũng làm méo mó cả các quyết định kinh doanh. Guồng máy tham nhũng nâng đỡ
các doanh nghiệp tư biết hối lộ; mối quan tâm tự nhiên của giới quản trị không
phải là nâng cao năng suất hay khám phá thị trường, mà chỉ là làm cách nào đút
lót đúng chỗ. Trong hệ thống kinh tế tư bản, một công ty muốn vay tiền thì phải
trình bày được những dự án có lời cho các ngân hàng; trong các nước cộng sản,
doanh nghiệp nhà nước tha hồ vay tiền các ngân hàng, cũng của nhà nước. Chính
các ngân hàng cũng vậy, khi còn nằm trong tay các đảng viên thì họ quyết định
theo lệnh của đảng chứ không theo tiêu chuẩn lời lỗ. Trong kinh tế thị trường,
ngân hàng không đòi được nợ thì sẽ phá sản. Ở các nước chưa cải tổ thì “nợ xấu”
chồng chất cũng không sao. Tóm lại, các chính sách vĩ mô trở thành vô hiệu vì
cơ cấu vi mô chưa được cải tổ.
Muốn cải tổ vi mô thì trước hết phải tư nhân hóa
các doanh nghiệp nhà nước, càng nhiều càng tốt. Luật lệ phải công bằng, minh bạch
và công khai để các xí nghiệp, các công ty có thể cạnh tranh trên một sân chơi
bằng phẳng. Có như vậy mới có thể khuyến khích tư nhân tiết kiệm và đầu tư. Cần
giải phóng hệ thống ngân hàng cho khỏi lệ thuộc nhà nước, lập sân chơi bằng phảng
cho các ngân hàng tư có thể phát triển, cạnh tranh với nhau. Nói tóm lại, muốn
cải tổ vi mô thì phải tách sinh hoạt kinh tế ra khỏi guồng máy thao túng của một
đảng chính trị độc quyền.
Câu chuyện hãng Samsung và những cây đinh ốc cho thấy trở ngại lớn nhất
khiến kinh tế nước ta không tiến được là do một đảng chiếm độc quyền cả về
chính trị lẫn kinh tế suốt 70 năm qua.
Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất nếu
muốn vực dậy kinh tế Việt Nam trong năm, mười năm tới không phải là những chính
sách vĩ mô như tiền tệ, lạm phát, kích cung hay kích cầu. Quan trọng nhất là chấm
dứt tình trạng một nhóm người gian tham và dốt nát chiếm độc quyền nắm trọn cả
nền kinh tế trong tay. Muốn vậy, trước hết phải chấm dứt độc quyền cai trị của
đảng cộng sản Việt Nam. Chấm dứt chế độ cộng sản rồi mới hy vọng sau ba năm,
năm năm, có những doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu sản xuất được những cái đinh ốc
đúng với tiêu chuẩn của Samsung, Canon hay Sony!
No comments:
Post a Comment