Tuesday 21 January 2014

VIÊT NAM HÔM NAY, NGÀY 21-1-2014 (PV.VRNs)




Pv.VRNs
Đăng ngày: 21.01.2014

VRNs (21.01.2014) – Sài Gòn -

1. Ông Lý Văn Dinh, Dân tộc H’Mông bị bắt giam trái phép
Ông Lý Văn Dinh, Dân tộc H’Mông sống ở tỉnh Tuyên Quang bị nhà cầm quyền bắt cóc và cáo buộc có hành vi “lợi dụng quyền tự do xâm phạm lợi ích của nhà nước bất hợp pháp”, theo Điều 258 BLHS.”
Hiện nay, ông Lý Văn Dinh đang bị giam ở công an tỉnh Tuyên Quang và sức khỏe của ông rất yếu.
Vào ngày 20.01.2014, anh Lý Văn Sình, con trai ông Lý Văn Dinh, Dân tộc H’Mông ở Tuyên Quang báo cho VRNs biết: “Ông bị nhà tù cs tra tấn khiến cánh tay trái của ông đã bị tê liệt, cử động rất khó khăn. [Nguyên nhân xảy ra] là do trong khi công an bắt cóc ông thì công an đã dí roi điện vào ông. Hiện nay, sức khỏe của ông rất yếu. Ông mong muốn tất cả mọi người hãy lên tiếng đòi [nhà cầm quyền] trả lại tự do cho ông.”
Anh Lý Văn Súa, con của ông Lý Văn Dinh và anh trai của Lý Văn Sình, kể lại sự việc ông Dinh bị bắt mà không có bất kỳ lệnh bắt giam nào. Anh Súa kể: “Vào ngày 19.11.2013, ông đi làm nương rẫy [như mọi ngày] nhưng tối không thấy ông trở về nhà. Gia đình đi kiếm ông nhưng không tìm ra ông, chỉ thấy những vết chân ở nương rẫy. Đến 7 giờ sáng ngày 20.11.2013, trưởng công an xã Yên Phú là ông Võ Văn Nam gọi điện thoại và thông báo cho người nhà biết là ông Dinh đã bị bắt. Và yêu cầu gia đình lên lấy giấy thông báo bắt tạm giam ông Dinh.”
Anh Lý Văn Súa cho biết “Gia đình tôi đã phản đối nhưng công an gây sức ép cho gia đình, nếu gia đình không hợp tác họ sẽ không cho gia đình thăm gặp ông Dinh. Nhưng gia đình kiên quyết không đồng ý.”
Anh Súa khẳng định: “Bố tôi không có tội gì hết. Bố tôi luôn nói lên nguyện vọng của bà con với [nhà cầm quyền] là muốn đổi mới phong tục [chôn cất] của bà con, nhưng [nhà cầm quyền] không đồng ý và bắt giam ông.”
Trong năm 2013 vừa qua, bà con Dân tộc H’Mông ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng luôn bị nhà cầm quyền cưỡng chế và đập phá ngôi nhà tang lễ của bà con Dân tộc H’Mông. Không những thế, lực lượng công quyền còn sách nhiễu, đánh đập và bắt giam một số bà con Dân tộc H’Mông đang đấu tranh đòi lại quyền tự do cho họ.
Nhà tang lễ của bà con Dân tộc H’Mông có chứa một con cóc, một con ve sầu để làm nghi thức tiễn đưa người vừa mới qua đời, do ông Dương Văn Mình khởi xướng và thay thế cho phong tục cổ truyền.

2. Nhân vụ ‘in sai sự tích Hồ Gươm’ bàn về những góc nhìn khác nhau.
Gần đây, nhiều người đã chia sẻ trên mạng xã hội một tấm ảnh chụp được chụp lại từ một tờ lịch bloc.
Theo đó, trang lịch bloc này thuật lại sự tích Hồ Gươm với nội dung như sau: “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.
Nội dung được cho là sản phẩm của ngân hàng SHB đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trên các diễn đàn mạng. Tờ Depplus ghi nhận: gần như các ý kiến đều thể hiện thái độ rất bất bình với cách mô tả “sinh vật Rùa lớn” và động tác “xua rùa” của Vua Lê…
Bỏ bên ngoài cuộc tranh luận để xem ai đúng, ai sai, tờ Depplus trính dẫn một nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức, người từng giành giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần 3, tác giả của nhiều cuốn sách được đánh giá cao như Ngàn năm mũ áo, Trà kinh, Trường An loạn…
Ông viết: “Phương pháp dạy sử tốt hơn hết là cung cấp cho người học nhiều ý kiến, luận thuyết khác nhau, để người đọc tự suy ngẫm và thể nghiệm, thay vì áp đặt 1 quan điểm, 1 cách nghĩ, 1 thông tin do 1 số người chọn ra rồi tự cho là chuẩn mực. Truyền thuyết rùa hồ Gươm là ví dụ điển hình. Trong trường hợp này, không có truyền thuyết nào đáng tin hơn truyền thuyết nào. Quan trọng là đừng vội cười nhạo những ý kiến khác với vốn hiểu biết thông thường của mình”.
Trước đó, nhà nghiên cứu cũng trích dẫn một số câu chuyện khác về Hồ Gươm qua các thời kỳ như Lê mạt, Lê mạt Nguyễn Sơ, Nguyễn Trung kỳ v.v…
Trước sự ghi nhận của bài báo rằng ‘gần như các ý kiến đều thể hiện thái độ rất bất bình với cách mô tả’ của tờ lịch, có thể thấy rằng, thực tế hầu như phương pháp dạy sử cũng như nhiều môn học khác tại Việt Nam đều ‘áp đặt 1 quan điểm, 1 cách nghĩ, 1 thông tin do 1 số người chọn ra rồi tự cho là chuẩn mực’ như nhà nghiên cứu đã đề cập.
Hơn thế nữa, việc ‘gần như các ý kiến đều thể hiện thái độ rất bất bình’ phải chăng còn cho thấy một thực tế khác ? Có phải người Việt Nam vẫn chưa có thói quen đón nhận ý kiến đa chiều ? Có phải người Việt Nam vẫn chưa thể chấp nhận việc tồn tại nhiều ý kiến đúng ? Có phải người Việt vẫn chưa thoát khỏi tư duy ‘độc đảng’ ?
Trong một bài viết trên Vietnamnet, nhà văn Nguyên Ngọc cũng từng đề nghị: “Dạy lịch sử nên cố gắng giúp cho người học khắc phục suy nghĩ đơn giản, một chiều về quá khứ, đặc biệt về quá khứ chiến tranh, về sự vô cùng phức tạp, nhiều chiều. Học lịch sử là để giúp cho con người người hơn, nhân văn hơn, khoan dung, bình tĩnh hơn, minh triết hơn, qua những bài học hay ho hay đắng cay của số phận làm người.”
Theo báo Thể thao Văn Hóa, văn bản về sự tích Hồ Gươm được biết đến nhiều nhất hiện nay là
văn bản được in trong sách giáo khoa lớp 6, tập Một, theo ghi chép Giáo sư Nguyễn Đổng Chi.
Văn bản viết: Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm Lê Lợi – bấy giờ đã làm vua – cưỡi thuyền rồng, dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân dịp đó, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Đứng ở mạn thuyền, vua thấy lưỡi gươm thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Con Rùa Vàng không sợ người, nhô đầu lên cao nữa và tiến về phía nhà vua. Nó đứng nổi trên mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”
Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Gươm và rùa đã chìm đáy nước, người vẫn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh.
Từ đó, hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

3. Ca tử vong đầu tiên do bệnh cúm A/H5N1 năm 2014
Dẫn nguồn thông tin từ  Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, TTXVN cho biết, trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên năm 2014 là tại tỉnh Bình Phước.
Bệnh nhân là nam, 52 tuổi, cư trú tại thôn 2, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Bài báo cho biết thêm, điều tra dịch tễ cho thấy gia đình bệnh nhân có giết mổ, ăn thịt vịt, gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh có hiện tượng gà ốm, chết không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân đã tử vong hôm 18/1.

4. Lại là câu hỏi ‘Tại sao hàng Trung Quốc tràn lan thị trường VN ?’
Tờ Dân trí đưa tin, sau khi 32 học sinh của trường tiểu học Chu Văn An (tỉnh Đắk Nông) nhập viện cấp cứu vì đồ chơi phát nổ, xuất viện chưa lâu thì lại có 7 em phải tái nhập viện để điều trị vào sáng ngày 20/1 trong tình trạng đáng ngại.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, bệnh viện tiếp nhận các em học sinh trong tình trạng khó thở, buồn nôn, tức ngực, chóng mặt… Sau đó, các bác sĩ của khoa nhi điều trị liên tục 6 giờ đồng hồ như thở oxy, chuyền đạm thì tình trạng sức khỏe của các em tương đối ổn định.
Thông tin cũng cho biết, khi các bác sĩ lấy máu để xét nghiệm thì có em còn xảy ra tình trạng máu đông cứng ngay trong xi lanh.
Bạn đọc Người Việt Nam nhận xét: “Hàng TQ tràn lan thị trường VN, đặc biệt là đồ chơi rẻ tiền và hàng ăn vặt trẻ em rẻ tiền. Tôi nghĩ rất hại cho trẻ khi ăn và chơi những thứ đó. Đề nghị Quản lý thị trường có trách nhiệm hơn với những mặt hàng này.”
Trước đó vào ngày 16/1, theo tờ Thanh Niên cho biết, một số học sinh Trường tiểu học Chu Văn An mua đồ chơi phát nổ (hay còn được gọi là banh hơi, bom thối) trước cổng trường. Sau khi nghịch, số đồ chơi này phát nổ khiến 32 học sinh (số liệu từ báo Thanh Niên là 39) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tức ngực, khó thở, toàn thân mẩn ngứa, sưng đỏ.

Bạn đọc Trần Trương Thành mỉa mai: “Cơ quan chức năng còn bận…nhiều việc, bận quá nên thành ra họ …chẳng làm gì đến nơi đến chốn cả.” Bạn đọc PhamVan thì đặt câu hỏi: “Sao các cơ quan chức năng lại để tràn lan các đồ chơi và đồ ăn Trung Quốc nguy hiểm bán ở cổng trường học nhiều thế ? ..Đâu đâu cũng thấy bán tràn lan cho học sinh. Quản lý lỏng lẻo thế này thì các bậc phụ huynh phải tự bảo vệ con em mình thôi.” Bạn đọc lovesick.info: “xóa sạch hết hàng Trung Quốc kém chất lượng ra khỏi VN đi thôi…”

Pv.VRNs


No comments:

Post a Comment

View My Stats