Monday, 13 January 2014

TỪ HOÀNG SA NGHĨ VỀ TƯƠNG LAI BIỂN ĐÔNG (ThS Hoàng Việt gửi BBC)




Thạc sỹ Hoàng Việt
Gửi cho BBCVietnamese.com từ TP HCM
Cập nhật: 05:05 GMT - thứ hai, 13 tháng 1, 2014

Cách đây 40 năm, cũng vào tháng 1, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH).

Hoàng Sa là sự kiện khởi đầu cho một chuỗi những hành động quân sự của Trung Quốc đối với các đảo, đá ngoài khơi trên vùng biển Đông. Tiếp sau sự kiện Hoàng Sa năm 1974 đó là sự kiện Trường Sa năm 1988, sự kiện bãi Vành Khăn năm 1995.

Cho đến nay, 40 năm đã trôi qua, bài học về Hoàng Sa là gì? Và khả năng trong tương lai Trung Quốc sẽ lặp lại những sự kiện như Hoàng Sa trên biển Đông và biển Hoa Đông không?

Đây là những vấn đề luôn có những tranh luận khác nhau, bài viết này chỉ nhằm cung cấp với độc giả một cái nhìn.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính, nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) nằm ở phía Tây Nam quần đảo, nhóm An Vĩnh (Amphitrite) nằm ở phía Đông Bắc. Năm 1956 nhân khi người Pháp sau khi ký hiệp định Geneve và rút khỏi Đông Dương, quân đội Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm (Woody) thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite).

Trước đó, quân đội Pháp đã chiếm đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc nhóm Trăng Khuyết (Crescen), rồi đến năm 1956, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thay chân Pháp kiểm soát đảo này. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, quân đội Trung Quốc đã tấn công quân đội VNCH và đến ngày 20/1/1974, quân đội Trung Quốc đã thành công trong việc chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Sự kiện Hoàng Sa năm 1974 cho thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ thời điểm để họ ra tay.

Tầm nhìn chiến lược

Trung Quốc đã thấy những lợi ích to lớn của biển và đại dương cả ở góc độ kinh tế lẫn chiến lược. Năm 1958, Hội nghị đầu tiên về Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc đã được nhóm họp, và đã cho ra đời bốn công ước về biển.

Lúc này nhiều quốc gia cũng đã giành nhau những khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vốn rất giàu tiềm năng kinh tế. Thấy trước các lợi ích đó nên Trung Quốc đã tham gia tích cực trong hội nghị này.

Những sự đụng độ giữa Trung Quốc và VNCH trên khu vực nhóm đảo Trăng Khuyết đã diễn ra từ năm 1959. Đầu năm 1959, hải quân của VN cộng hòa bắt đầu thách thức sự có mặt của hải quân Trung Quốc nơi đây. Tháng 2 năm 1959, quân đội VNCH đã bắt giữ 82 ngư dân Trung Quốc trên đảo Quang Hòa (Duncan) và Trung Quốc đã chỉ trích hành động này rất mạnh mẽ.

Tháng 3 năm 1959, các tàu của quân đội VNCH đã xua đuổi ngư dân Trung Quốc khi họ xuất hiện trên đảo Quang Hòa. Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian từ năm 1960 cho đến năm 1973, giữa Trung Quốc và VNCH đã không xảy ra căng thẳng nào, ngoại trừ một lần vào năm 1961.

Hành động “xuống thang” này của Trung Quốc thực ra bởi hai lý do: Thứ nhất, sức mạnh của Hải quân Trung Quốc còn quá yếu; thứ hai, Trung Quốc luôn e ngại sự tham chiến của Hải quân Hoa Kỳ, vốn đang bảo trợ cho đồng minh VNCH.

Sau những lần đụng độ với VNCH trên đảo Quang Hòa năm 1959, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã chỉ thị cho Bộ trưởng quốc phòng Bành Đức Hoài cần phải tăng cường lực lượng tác chiến cho hạm đội Nam Hải.

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc lúc này vẫn chưa có tàu khu trục nào. Hạm đội này chỉ có 96 tàu tuần tra mà hầu hết là các loại tàu phóng ngư lôi loại nhỏ. Năm 1960, loại tàu lớn nhất trong hạm đội này là loại tàu hộ tống với độ choán nước khoảng 1000 tấn. Đến cuối năm 1973, hải quân Trung Quốc đã điều động tổng cộng 76 tàu tuần tra loại lớn tới khu vực này, hầu hết các tàu này hoạt động tại khu vực nhóm đảo An Vĩnh, nhưng cũng có khi hoạt động sang cả khu vực của nhóm Trăng Khuyết.
Như vậy, sức mạnh tác chiến của hải quân Trung Quốc tại đây đã được cải thiện đáng kể.

Tự bảo đảm an ninh

Còn về phía Hoa Kỳ, sau khi tỏ rõ sự thất bại của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, năm 1969, Nixon đã tuyên bố một học thuyết về an ninh, theo đó, các đồng minh của Hoa Kỳ cần phải tự đảm bảo an ninh cho mình. Đến năm 1973, Hoa Kỳ đã tham gia ký kết Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam, theo đó, Hoa Kỳ sẽ lần lượt rút quân khỏi Việt Nam.
Trước đó, năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ - Nixon đã sang thă
m Trung Quốc. Chi tiết về trao đổi giữa các bên không được công bố, thế nhưng dường như phía Trung quốc đã nhận được tín hiệu “mi không động đến ta thì ta không động đến mi” từ phía Hoa Kỳ.

Chính vì vậy, thời điểm năm 1974 là thời điểm chín muồi để Trung Quốc ra tay. Sức mạnh của hải quân Trung Quốc lúc này đã được cải thiện đáng kể, hải quân Hoa Kỳ không còn là mối lo ngại, chưa kể lúc này tinh thần của VNCH đang đi xuống, khi đồng minh quan trọng của VNCH là Hoa Kỳ đang “tháo chạy”. Trung Quốc đã giương ra một cái bẫy, quân đội VNCH không kiềm chế được nên đã rơi vào bẫy mà Trung Quốc đã giăng ra. Và kết cục là Trung Quốc đã thành công.

Bài học cho sự kiện Hoàng Sa năm 1974 có thể tổng kết ngắn gọn là: thứ nhất, Trung Quốc sẵn sàng ra tay bằng biện pháp vũ lực nếu thời, thế chín muồi đối với họ; thứ hai, Hoa Kỳ có thể “bán rẻ” đồng minh vì lợi ích của chính họ.

Người Trung Quốc được Nguyễn Trãi tổng kết là “hiếu đại, hỷ công, cùng binh, độc vũ”. Họ luôn sẵn sàng dùng vũ lực nếu thấy cần thiết. Thấu triệt tư tưởng này của người Trung Quốc chính là Mao Trạch Đông – lãnh tụ sáng lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông đã từng phát biểu “họng súng đẻ ra chính quyền”. Còn các cường quốc, khi vì lợi ích của chính họ, sẵn sàng “bỏ rơi” các đồng minh mà họ từng cam kết bảo vệ. Câu chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH năm 1974, Liên Xô làm ngơ trước sự kiện 1988 đã chứng minh cho điều đó.

Biển Đông hiện nay vẫn như một nước cờ trong ván cờ toàn cầu với hai “tay chơi” chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về mặt toàn cầu, Hoa kỳ vẫn đang là một siêu cường, một cường quốc thế giới, chi phối an ninh toàn cầu. Còn Trung Quốc với vị thế là một cường quốc khu vực, đang “dợm mình” vươn lên để trở thành một siêu cường, cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Về mặt ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu thì Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhưng tại khu vực Đông Á, rõ ràng Trung Quốc đang tìm cách thách thức vị trí của Hoa Kỳ, nhằm “thay chân” ảnh hưởng của Mỹ tại đây.

Tương lai trên Biển Đông?

Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ bận với mối lo khủng bố từ khu vực Trung Đông và khủng hoảng kinh tế của mình, nên đã để cho Trung quốc gần như “múa gậy vườn hoang” tại khu vực Đông Á. Cho tới 2009 khi thấy Trung Quốc quá lấn lướt tại khu vực Đông Á, Hoa Kỳ mới quay trở lại và sau đó tung ra chính sách “xoay trục châu Á”, nhằm duy trì lại và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thế nhưng, những sự kiện nối tiếp nhau trên biển Đông và biển Hoa Đông từ năm 2007 tới nay, đã cho thấy các hành động “leo thang” có tính toán kỹ lưỡng từ phía Trung Quốc cùng với sự “bất lực” của Hoa Kỳ và các đồng minh trước các sự kiện này.

Các hành động này của Trung Quốc dường như để đạt hai mục tiêu: thứ nhất, đây là những phép thử để Trung Quốc có thể tính toán được mức độ can dự của Hoa Kỳ vào khu vực này; thứ hai, đây là những tín hiệu để cảnh báo các quốc gia Đông Á “Thượng đế ở xa mà Trung Quốc lại ở sát bên cạnh”, chớ có dại mà chạy theo Hoa Kỳ chống lại “Thiên triều”.

Thực tế những hành động mang tính “khiêu khích” trong suốt thời gian qua của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông đã cho thấy hiệu quả trong chính sách của họ cũng như những giới hạn trong việc can dự vào khu vực này của Hoa Kỳ. Trước những hành động quyết đoán của Trung Quốc, Hoa Kỳ luôn có những phản ứng, nhưng những phản ứng này chỉ dừng lại ở việc “lên tiếng”, khiến cho các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ không thực sự an tâm trước tình thế này.

Các chính khách Hoa Kỳ đã tỏ rõ là chính sách “xoay trục châu Á” của họ không bao gồm các biện pháp quân sự, mà chỉ nhằm thúc đẩy vai trò kinh tế của Hoa Kỳ với các nước châu Á, cũng như các cam kết mang tính chiến lược với các đồng minh và các đối tác liên minh.

Hiểu rõ giới hạn đó nên Trung Quốc tìm cách gia tăng hành động trên mọi phương diện, lúc sử dụng lực lượng bán quân sự, lúc thì sử dụng biện pháp ngoại giao, kinh tế cùng với các đe dọa quân sự đối với các quốc gia Đông Á. Và cho đến nay, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này dường như đang tăng lên, bất chấp các lo ngại về các chính sách di dân, hàng hóa rẻ tiền, và các tham vọng lãnh thổ của họ.

Điều mà Việt Nam và các quốc gia khác vẫn đang lo ngại là liệu Hoa Kỳ có thực tâm giữ vững các cam kết của mình? Và khả năng can dự của Hoa Kỳ sẽ đến đâu nếu xảy ra xung đột? Trong cuộc tranh chấp Scarborough, chiến thuật “cải bắp” của Trung Quốc dường như đã phát huy tác dụng, phản ứng của Hoa Kỳ vẫn chỉ là “lên tiếng” và thực tế, cho đến nay, Philippines đã mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough.

Và Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Á, trước những hành động “leo thang” căng thẳng của Trung Quốc tại khu vực Senkaku, đã phải tính đến những phương án xấu nhất, khi Trung Quốc lặp lại kịch bản Hoàng Sa đối với Senkaku, và đồng minh Hoa Kỳ sẽ “bỏ rơi” họ như đã từng làm với VNCH. Tuy nhiên, Nhật Bản còn là quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự ngang ngửa với Trung Quốc, chứ còn Việt Nam hay Philippines thì còn lâu mới so sánh tiềm lực được với Trung Quốc.

Như thế, kịch bản Hoàng Sa năm 1974 luôn có thể diễn ra trong tương lai, nhưng có thể dưới những hình thức khác, khi mà trên bàn cờ quốc tế, các cường quốc như những chú voi, khi “yêu nhau” hay “đánh nhau” thì đám cỏ - những nước nhỏ, luôn bị chúng dẫm nát.

Vì vậy, mỗi quốc gia tranh chấp lãnh thổ biển với Trung Quốc nên cần tự đặt riêng cho mình một chiến lược để đối phó với các tình huống xấu nhất trong tương lai.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu về luật pháp quốc tế và Biển Đông.


3 comments:

  1. Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam. Tranh chấp biển Đông xảy ra là tham vọng quá lớn của Trung Quốc, nhưng chúng không thể cướp được Hoàng Sa của Việt Nam. Chúng ta luôn mong muốn một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, vì vậy chúng ta luôn muốn giải quyết trong hòa binh, không có nghĩa là chúng ta chịu thua. Chủ quyền của Việt Nam sẽ không có bất kì quốc gia, thế lực nào có thể xâm chiếm.

    ReplyDelete
  2. Tương lai Biển Đông ư? Tương lai đó là không một kẻ nào có thể xâm chiếm chủ quyền của nước Việt Nam. Hoàng sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Rất nhiều chứng cứ lịch sử để lại đã chứng minh Hoàng sa là của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết bảo vệ chủ quyền của mình. Những kẻ đang hống hách thể hiện tham vọng xâm chiếm sẽ nhận những kết cục xấu, chúng sẽ không nhận được gì? Không bao giờ có thể xâm chiếm được Việt Nam.

    ReplyDelete
  3. Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Phần lớn thư tịch cổ quốc gia trong các giai đoạn đó đã bị quân xâm lược tiêu hủy với mục tiêu xóa sạch văn hóa Việt để dễ bề đồng hóa. Tuy nhiên, chỉ với những tài liệu chính sử còn lại đến nay cũng đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế về việc xác lập và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

    ReplyDelete

View My Stats