Wolfgang
Kemp
Phạm
Thị Hoài dịch
Tháng 1 18, 2014
Trong sự bế tắc của ngành giáo dục Việt Nam hiện
tại, người Việt đương nhiên đặt kì vọng vào những mô hình giáo dục đào tạo ở
các nước phát triển, đặc biệt ở Mỹ. Hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang du học
tại Mỹ. Bài viết sau đây của một học giả Đức, đăng trên tờ Süddeutsche
Zeitung, cung cấp một góc nhìn cảnh báo về nền đại học ở đất nước có nhiều
trường đại học được coi là tốt nhất thế giới này. Độc giả quan tâm có thể tham
khảo thêm bài viết của nhà báo Mỹ Thomas
Frank đăng trên The Baffler số mới nhất về
cùng chủ đề.
Người
dịch
________
Đó là hệ thống đại học ở Mỹ (higher education).
Trong khi tiểu bang cuối cùng ở Đức vừa bỏ hẳn chế độ thu học phí đại học[1] thì tiền học ở Mỹ lại tăng vô kể. Mức học phí ở Mỹ
không căn cứ vào phí tổn và dịch vụ được cung ứng. Không, các trường đại học
ngự trên đống tài sản cao nhất cũng đòi những mức học phí cao nhất, vì đó “là
chiến lợi phẩm, là biểu tượng”, như ông cựu hiệu trưởng Đại học George
Washington đã thẳng thừng tuyên bố vài năm trước. Học phí ở trường này thời ông
đương chức là 50.000 dollar. Thêm vào đó là 10.000 dollar tiền ăn ở trong kí
túc xá sinh viên. Tất nhiên một người trẻ tuổi còn có những nhu cầu khác. Bỏ rẻ
vào đó 5000 dollar nữa, thế là thành 65.000 dollar một năm, theo tỉ giá hiện
nay tức là khoảng 47.000 euro. Nhìn vào con số đó thì biểu dương tính phúc lợi
xã hội của đại học ở Đức bao nhiêu cũng chưa đủ – dù là giữ hay bỏ chế độ học
phí 500 euro một học kì.
Trong số mới nhất (số 23) của tạp chí The Baffler,
Thomas Frank đã cất lên một khúc “chiến ca hàn lâm” (Academy
Fight Song) thật sôi sục. Chiến ca (fight songs) là những ca
khúc cổ xúy các đội thể thao của các trường đại học ở Mỹ. Khúc ca ra trận của
Thomas Frank vừa phẫn nộ, vừa có cả tuyệt vọng và tự phê bình. Ông viết: “Chúng
ta là thế hệ những kẻ trố mắt đứng nhìn một nhúm kí sinh trùng và tỉ phú phá
nát nền đại học để vụ lợi”. Sự phê phán triệt để của ông tập trung vào những
điểm sau: cuộc chạy đua của mức học phí, sự thống soái của bộ máy quản trị,
những công cụ thống trị mới của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism), hệ thống
đại học trong vòng tay của “giới độc quyền, các tập đoàn và những đám mãnh thú
thả giàn khác”. Những đám mãnh thú mà Frank đề cập liên quan đến vòng xoáy phi
lí của giá bán các giáo trình bắt buộc; toàn bộ ngành luyện trắc nghiệm để
chuẩn bị cho các thí sinh được nhận vào trường (test prep); hệ thống quản lí
tuyển sinh (enrollment management), tức một hệ thống kinh doanh tư nhân phụ
trách việc điều phối tuyển sinh. Thêm vào đó là hoạt động kinh doanh của các
trường đại học trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao và bằng sáng chế. Sản
phẩm của cạnh tranh thả giàn là cái được mệnh danh “university inc.”, hay công
ti cổ phần đại học. Trước hết, đó là cuộc cạnh tranh giữa các đại học có vốn
tài trợ phải bảo tồn lợi nhuận và các trường đại học doanh lợi (for-profit).
Mới đây Thượng viện Hoa Kì đã thực hiện một công trình nghiên cứu về ngành kinh
doanh đang nở rộ này. Sau đây là một con số rút ra từ công trình dày 800 trang
đó: Tại các trường đại học doanh lợi, trung bình chỉ 17,4 % doanh thu được dành
cho giảng dạy, tất cả phần còn lại là lợi nhuận, quảng cáo và quản lí. Những
trường này không hề có nghiên cứu. Hiệu trưởng các trường đại học truyền thống
có nằm mơ cũng không thấy cái tỉ lệ ấy, nhưng họ đang hăng hái tiến theo hướng
đó. Đến nay, 75 % số tiết học là do các giáo sư trợ giảng (adjunct professor),
tương ứng với giảng viên hợp đồng ở Đức, đảm nhiệm. Ở Mỹ đã xuất hiện khái niệm
“giáo sư giẻ rách”. Giải quyết xong vấn đề khó chịu là ai sẽ phải đứng lớp thì
ban quản trị nhà trường sẽ rảnh tay lo việc chính: việc chiêu mộ các giáo sư
ngôi sao. Từ lâu câu nói tếu sau đây đã được truyền tụng trong các trường đại
học: Hỏi: Thượng đế và một giáo sư ngôi sao khác nhau ở điểm nào? Đáp: Thượng
đế ở khắp nơi, tức ở đây cũng có. Giáo sư ngôi sao cũng ở khắp nơi, nhưng ở đây
thì không bao giờ. Giờ đây cái nghề ngoại trú, hiện diện bao la này còn có một
danh xưng riêng: trong hệ thống vươn ra toàn cầu của Đại học New York (NYU) nó
được gọi là “giáo sư toàn cầu” (global professor). Slavoj Žižek chẳng hạn, bây
giờ là “giáo sư tiếng Đức uy tín toàn cầu” (global distinguished professor of
German) của NYU (mà chắc tự ông ta cũng thấy khoái) và cũng ở đó Ernst Fehr là
“giáo sư kinh tế uy tín toàn cầu” (global distinguished professor of
economics). Những ngôi sao đó cũng là chiến lợi phẩm như các mức học phí cực
khủng. Giới lãnh đạo bộ máy quản lí rất yêu các ngôi sao, vì khi trả cho các
ngôi sao một mức lương mà ta cứ tạm tính là 400.000 dollar (cộng các khoản phụ
cấp, trong khi mức trung bình ở đại học Mỹ là 98.000 dollar) thì giới lãnh đạo
khỏi phải lo mức lương khủng của chính họ quá lẻ loi. Hiện nay huấn luyện viên
các đội thể thao ở đại học không còn dẫn đầu bảng lương nữa – trừ khu vực miền
Trung Tây Hoa Kỳ, ở đó thì quả thật ngoài thể thao còn có gì đáng kể nữa? Lương
cao nhất bây giờ thuộc về các hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa, chánh văn phòng, họ
sẵn sàng nhận “thù lao” ở mức một triệu dollar. Ngoài ra lại còn các khoản tiền
thưởng, vì trong các doanh nghiệp kinh tế cũng có tiền thưởng kia mà – và trong
chế độ tư bản hàn lâm thì không có gì đáng phấn đấu hơn cái gọi là hoạt động
doanh nghiệp (entrepreneurial). Cái từ vựng khủng khiếp của những “tuyên ngôn
về sứ mệnh kinh doanh” và “dự thảo chiến lược”: nào là “tác nhân thay đổi”
(change agent), nào là “năng động chiến lược” (strategic dynamism), nào là tăng
trưởng (growth)…, đều từ đó mà ra. Nghe khá quen tai – ở Đức bây giờ danh hiệu
thần chú “Exzellenz” (Đại học Ưu tú) cũng ngày càng thông dụng.
Bộ máy hành chính quản trị đã củng cố địa vị thống
soái của nó trong các đại học Mỹ từ rất nhiều năm nay. Số lượng nhân viên hành
chính đã vượt xa số lượng giáo sư từ lâu. Công trình nghiên cứu mang tên The
Fall of the Faculty của Benjamin Ginsberg (2011) đã chỉ ra quá trình từng
bước tước đoạt quyền lãnh đạo và quản trị của các giáo sư ở đại học: Từ 1975
đến nay, số lượng nhân viên cao cấp trong bộ máy quản trị tăng đến 85 %, số
lượng nhân viên cấp dưới tăng 240 %, trong khi các khoa giảng dạy chỉ tăng 50 %[2].
Mới đây, khi thỉnh giảng tại Đại học New York (học
phí 60.000 dollar một năm), tôi chứng kiến một vụ xung đột quyền lợi kéo theo nhiều
hậu quả. Châm ngòi là sự đối đầu kinh điển giữa một bên là quyền quyết định và
mong muốn thay đổi của chủ sở hữu và một bên là thái độ khoanh vùng của người
sử dụng. Tôi sống trong một tòa nhà đồ sộ về chiều ngang, một quần thể dài vô
tận, với 13 tầng, một kiến trúc như của Le Corbusier, nhưng vẫn không đủ hiện
đại, vì đằng sau dãy nhà này là một công viên với sân chơi cho trẻ em, bể bơi
và cây xanh, rồi lại đến một dãy khác, và cả hai chụm lại thành một không gian
văn hóa của một thế giới đô thị khép kín khá khác thường ở Manhattan. Quần thể
đó được gọi là “Washington Square Village”, và có lẽ cũng nên nhắc đến là toàn
bộ khu vực này từng thuộc về một quỹ phúc lợi mang một cái tên đẹp: Snug
Harbor, Bến Nương thân. Ông John Sexton, hiệu trưởng NYU, vốn đã được thỏa lòng
hăng say xây cất bằng việc thành lập hai chi nhánh của NYU ở Abu Dhabi và
Thượng Hải [3] – tất nhiên là bằng tiền của bên xin nhận quyền
kinh doanh đại học này – và bằng cách đó dựng nên cái Đại học Mạng Toàn cầu
(Global Network University) đầu tiên, với những “giáo sư toàn cầu” nêu trên –
nhưng xem ra vẫn chưa đủ: ông ta trình ra thêm một dự án xây dựng quy mô 3,5 tỉ
dollar ở khu vực Bến Nương thân, số tiền mà ở nơi khác đủ để xây và trang bị
toàn bộ một trường đại học mới. NYU vốn đã là chủ bất động sản lớn nhất ở phía
Nam Manhattan. Bây giờ khoảng không gian đẹp đẽ giữa hai dãy nhà nói trên sẽ bị
hai tòa nhà cao tầng cuốn vào nhau kì quặc đè lên, trung tâm thể thao sẽ bị
giải tỏa mặt bằng và một loạt nhà cao tầng khác sẽ mọc lên. Bao nhiêu nền văn
hóa đã tiêu vong, chỉ vì ham xây dựng quá mức. Trong trường hợp này thì chỉ có
ông hiệu trưởng bị đi tiêu. Giảng viên và sinh viên đã quá chán tình trạng bị
cai trị từ trên xuống ròng rã nhiều năm trời và liên tục phải đối mặt với những
chiến lược tăng trưởng mới. Đa số các phân khoa đã biểu quyết bất tín nhiệm.
Kết quả: nhiệm kì của ông hiệu trưởng sẽ kết thúc vào năm 2016. Từ nay đến lúc
đó, ông ta hưởng một mức lương là 1,5 triệu dollar một năm, cộng thêm 2 triệu
do thâm niên công tác. Sau đó, tiền lương hưu ít ỏi của ông ta sẽ là 800.000
dollar cộng thêm khoản tín dụng cho ngôi nhà nghỉ ở đảo Fire Island. Chuyện đó
có giấu cũng không được nữa: Trường đã cấp 72 triệu dollar tín dụng để các chủ
nhiệm khoa, cán bộ quản trị cấp cao và các giáo sư ngôi sao mua nhà, nhà trong
thành phố và cả nhà nghỉ, thậm chí là cả một trang trại. Hội đồng Quản trị
không hề thấy thông lệ này có gì đáng trách. Đúng thế: đó là tiêu chuẩn sống
đương nhiên của giới này. Vì thế, trước vụ phản kháng của giảng viên và sinh
viên năm 2013, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Ban Quản trị tỏ ra mềm nhũn
nhưng không hủy bỏ thông lệ cấp tín dụng xây dựng nói trên. Một hệ quả khác:
Một thỏa thuận tạm hoãn xây dựng 9 năm với khu Snug Harbour. Ở phía sau, các
tòa nhà cao tầng sẽ tới tấp mọc lên.
Ở Đức, tuy nhiều thứ còn rất chừng mực nhưng sự phát
triển đáng kinh ngạc ở Mỹ nên được coi là cảnh báo nghiêm trọng. Trong thời
gian gần đây, các trường đại học lớn ở Đức đã thuê hơn 1000 giảng viên hợp đồng
một học kì, với mức thù lao tồi tệ. Đồng thời, chế độ minh tinh cũng bắt đầu
phát triển, các trường đại học tư đã và đang được thành lập, ngôn ngữ quản trị
hoành hành, bộ máy hành chính càng ngày càng phình to – ở Đại học LMU tại
München cán cân đã ngang bằng: 700 giáo sư và nhân viên hành chính cũng chừng
ấy. Ngày nay, tất cả những gì được mệnh danh đại học: cử nhân (bachelor), thạc
sĩ (master), tín chỉ (credit points), công nhận chứng chỉ, đánh giá, cam kết
mục tiêu.., được thử nghiệm đầu tiên ở Anh hai mươi năm trước. Năm 2010, người
Anh lại tiến thêm một bước lớn về phía chủ nghĩa tư bản hàn lâm: Họ điều chỉnh
ngân sách của các trường đại học bằng nguồn thu học phí. Nhà nước chỉ còn tài
trợ một số trường hợp cá biệt và những bộ môn “định hướng tương lai”. Báo cáo
về kết quả bước đầu đã có. Mới đây trong tạp chí London Review of Books,
ông Stefan Collini, giáo sư Anh ngữ và Lịch sử Tư tưởng tại Cambridge, bản thân
là một ngôi sao, đã có bài về sự biến chất của các trường đại học từ những
thiết chế giáo dục công ích thành những doanh nghiệp kinh tế toàn cầu. Nhan đề
cho bài viết về kết quả thê thảm này là: “Sold out”. Đã bán sạch.
___________
GS Wolfgang Kemp là nhà nghiên cứu Lịch sử
Nghệ thuật, từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Hoa Kì. Hiện ông là giáo
sư tại Đại học Leuphana, Lüneburg.
Nguồn: “Akademischer Kapitalismus”, Süddeutsche Zeitung 4/1/2014 (bản
in, không có bản online)
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra
[1] Trước 1970, học phí đại học ở CHLB Đức (Tây Đức cũ)
đồng đều là 150 DM, sau đó bỏ hẳn. Năm 2005, 7 tiểu bang thuộc Tây Đức cũ khôi
phục chế độ học phí 500 Euro / học kì. Năm học 2012/2013, chỉ còn 2 tiểu bang
và năm học 2013/14 chỉ còn một tiểu bang giữ chế độ đó. Năm học 2014/2015, tiểu
bang cuối cùng sẽ bỏ chế độ học phí đại học. (Các chú thích trong bài đều của
người dịch.)
[2] So sánh với Đức: trong vòng 10 năm gần đây (2002-2012), số người
làm việc tại các đại học ở Đức tăng 28%, hiện tổng cộng là 639.700 người, trong
đó nhân viên hành chính, dịch vụ chỉ tăng 6%, còn nhân viên khoa học, nghệ
thuật tăng gấp đôi.
[3] Một bài viết trên New York Times (“Liberal Education in Authoritarian Places“) được Vietnamnet dịch đăng dưới nhan đề “Trường Mỹ xuất khẩu danh tiếng, liệu còn tự do học thuật?“. Bài viết rất khơi mở này dường như quá xa xỉ với công chúng Việt Nam.
Nếu đại học NYU cũng thiết lập một chi nhánh tại Việt Nam – như ở Abu Dhabi và
Thượng Hải – thì người Việt chắc chắn không đặt câu hỏi về việc cái thường được
ca ngợi là tự do học thuật của các đại học Mỹ có thể bị nướng vào công cuộc
kinh doanh toàn cầu của phương Tây, nếu cần thì với cả các quốc gia chuyên chế.
Tư bản không có hệ tư tưởng.
No comments:
Post a Comment