Tuesday, 21 January 2014

TRAO GỞI VỚI NHỮNG NHỊP DẬP DÂN TỘC VỀ HOÀNG SA (Nguyễn Thị Thanh Bình - Danlambao)




1-20-2014

Sự kiện tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa 1974 để tưởng nhớ 74 chiến sỹ VNCH đã anh dũng hy sinh để bảo về quần đảo Hoàng Sa trước sự xâm lăng của cộng sản Trung Quốc. Nguyễn Thị Thanh Bình có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích về sự kiện này:

1. Thưa Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhân sự kiện lịch sử bi hùng 40 năm Ngày Hoàng Sa, 40 năm dường như vô vọng nhìn lại hình hài chữ S bị cắt lấn biển đảo, 40 năm theo tôi là của đỉnh điểm phong ba bão táp, và như thế vào phút giây “truy điệu” tưởng nhớ này, Gs có đang tự hỏi với chính mình một điều gì không?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Câu trả lời thật đã quá rõ. Sự thật không thể che giấu mãi được. Trong khi Hà Nội (ông Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng Ngoại giao của VNDCCH) hồi bấy giờ còn lấy làm hãnh diện là để cho Trung quốc đánh chiếm “hộ” miền Bắc thì Hải quân VNCH đã nghênh chiến và dù thua, vẫn giữ được chính nghĩa bởi 74 chiến sĩ Hải quân chết trong trận chiến đó đã vùi thân trong biển cả để chứng minh cho toàn thể thế giới biết rằng đó là lãnh thổ VN. Cuối cùng, cả nước giờ đây đã biết về trận chiến oai hùng đó, đòi hỏi nó phải được đưa vào sách giáo khoa để đối chiếu với công hàm hèn nhát của Phạm Văn Đồng vào ngày 14/9/1058.

2. Một điều gì tưởng như chúng ta không chỉ muốn đứng dậy, viết trên những miếng vải liệm trắng, như cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên ngày nào, hoặc viết như chúng ta đang gởi cho nhau những lời nhắn nhủ rực nóng, hay chỉ đơn thuần nói với ngư dân Lý Sơn, với người phu quét đường bên lề, hoặc nói với im lặng, với bốn bức tường câm…? Hành động đứng, nói, gào, hét, la, rống, viết, kiện… theo anh chị thì điều nào hợp lý nhất trong hiện trạng đất nước lúc này, khi chính vào thời khắc chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm thì Đại Hán lại càng dở trò hung hăng hơn bao giờ hết, và chính họ lại ra lệnh thi hành luật cấm đánh cá, dĩ nhiên cho cả ngư dân Việt Nam trong diện tích 80% của Biển Đông?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Càng vì Trung quốc hiện đang hung hăng gây hấn với hầu hết các nước có lãnh thổ lãnh hải trong Biển Đông, ta mới lại càng thấy rõ việc trắng trợn xâm chiếm Hoàng sa của VNCH vào tháng Giêng năm 1974 là bước đầu trong một tiến trình cướp nước, cướp biển, cướp tài nguyên (hải sản, và dầu khí nằm dưới thềm lục địa của các quốc gia ven biển Đông) giờ đây lên đến 80 phần trăm diện tích Biển Đông, một đòi hỏi phi lý, hoàn toàn không có căn bản lịch sử hay pháp lý nào cả. Vì vậy “gào, la, hét, rống, viết...” hay biểu tình lên án âm mưu cướp nước, cướp biển, cướp tài nguyên của chúng ta (như tuổi trẻ VN đã làm trong quá khứ hay mới làm tức thì hôm 18/1 ở vườn hoa Lý Thái tổ Hà nội) đều là những hành động cần thiết, nói lên tấm lòng của người dân VN trước những hành động ăn cướp của Trung Cộng. Những hành động như trên của tuổi trẻ VN như vậy là đúng, tuy chưa đủ. Chúng ta cần đánh thức lòng yêu nước của toàn dân, cần một sự phẫn nộ trên toàn quốc và cần sự đồng minh, đồng hành của quốc tế nữa thì mới mong ngăn chặn được bàn tay máu đi cướp nước, cướp biển của Trung quốc.

3. Vậy thì nếu phải gởi một thông điệp cho toàn dân Việt Nam và toàn cầu với cộng đồng thế giới về những vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thì Gs sẽ chia sẻ ra sao?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Mình cần bình tĩnh nhưng thuyết phục. Phải đưa ra bằng chứng lịch sử, bằng chứng pháp lý (tỷ như dựa vào Luật Biển Liên hiệp quốc, tức UNCLOS, United Nations Convention on the Law of the Sea), cũng như đẩy Tuyên bố về Qui tắc Ứng xử (trên Biển Đông), viết tắt là DOC (Declaration of Conduct) đã được cả Trung Cộng lẫn Tổ chức các Quốc gia Đông Nam Á đồng thuận năm 2002, tiến thêm bước nữa để thành Bộ luật Qui tắc Ứng xử (COC, Code of Conduct) hữu hiệu cho toàn vùng.

4. Một câu hỏi khác khá tế nhị hơi đụng đến tim đen của mấy ngài chóp bu. Những vị chẳng bao giờ dám cả gan nhìn nhận sự thật, mà trái lại lâu lâu chỉ muốn “mượn” nó để mơn trớn, mua vui với bàng dân hoặc để tìm vây cánh. Chẳng hạn những tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc Hội và cũng như ở Nha Trang. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ là năm 1974, chính Trung Cộng đã đánh V.N.C.H để chiếm đóng Hoàng Sa, và ông cũng đã nhắc đi nhắc lại chủ quyền của Hoàng Sa là của V.N.C.H. Nguyên văn ở Quốc Hội vào tháng 11/2011 là: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đúng là “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”! Cũng như những tuyên bố của ông ở hội sử học, về sự kiện Hoàng Sa đem vào sách lịch sử giáo khoa… Và điều này thì cũng dễ hiểu thôi vì “lịch sử được viết lại bởi người thắng cuộc” (Napoléon).

Thế thì theo suy nghĩ của Gs, hẳn nhiên là mấy đấng trời (ơi) này cũng quá thấy những cách hành xử của thiên triều “16 chữ vàng 4 tốt” này. Dĩ nhiên là không chỉ với sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa mà còn vô số những càn rỡ âm mưu khác, tuy nhiên không lẽ chỉ có trời mới hiểu tại sao họ không muốn dựa vào sức mạnh của một dân tộc vốn dĩ hào hùng (lại cấm biểu tình thể hiện lòng yêu nước, cấm nói những điều không hay về Trung Quốc…) để khỏi bị đời đời nguyền rủa và đắc tội với tiền nhân, mà đằng này cứ chăm chăm đi dựa vào những thứ thế lực đồng chí không có thật, luôn luôn sẵn sàng thôn tính tổ quốc mình?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Ông Nguyễn Tấn Dũng thỉnh thoảng cũng nói được vài lời hay nhưng toàn là những lời không có hiệu quả tích cực. Nói cách khác, ông nói và làm bất nhất, mâu thuẫn như lời nói và việc làm của một đứa trẻ con. Nói mà không có tiếp nối, nói rồi mà việc làm sau đó như tát vào cái miệng nói của chính mình. Ông biết người và Đảng CS của ông đã phản bội tổ quốc trong vấn đề Hoàng sa Trường sa, ông bèn nói mấy câu huênh hoang để lấy lòng dân, tự đặt mình vào hàng ngũ dân tộc. Nhưng đã là Cộng sản rồi thì làm sao còn bao nhiêu chất dân tộc. Nói như Lê Duẩn, “chúng ta [tức đảng CSVN] đánh là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc.”

5. Và rồi thì buổi thắp nến tri ân 74 tử sĩ VNCH đã “lính chết theo tàu”, “tướng chết theo thành” một cách anh dũng ngày 18/1/2014 tại Đà Nẵng cũng đã vì “lệnh trên” hủy bỏ, cũng như kể từ ngày 18/1 này, những nhà báo dũng cảm đã không còn được nhân danh chút tấc lòng yêu nước và lương tri cao cả của ngòi bút để dàn trải và đăng những bài viết đã bị gỡ xuống của họ, như chúng ta vừa được chứng kiến khá ngoạn mục ở những tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet… Hết Nghị Định 72, rồi đến Nghị Định 174 vừa mới ra quân hôm 15/1/2014, hứa hẹn sẽ treo nồi cơm của nhiều cây bút mà họ cho là: “Tuyên truyền viết bài phản động, sẽ bị xử án từ mức 10 triệu, 20 triệu tới 100 triệu”. Giáo sư có thấy đất nước của chúng ta quả là có nhiều điều bất hạnh, và chừng như vô phương cứu chữa, mà tại sao nhà cầm quyền lại cứ tiếp tục đánh mất những cơ hội đáng ra phải “Hóa giải lòng mình để thấy non sông”?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Nhiều người trong chúng ta đã từng hiểu lầm và sẽ tiếp tục hiểu lầm nếu chúng ta nghĩ nhà cầm quyền VN ngày hôm nay là một nhà cầm quyền yêu nước. Đó là một nhà cầm quyền chuyên chế (như họ tự định nghĩa) và họ sẽ làm hết mọi cách để giữ cái tính cách chuyên chế đó của chế độ, ngay cả nếu họ phải tỏ ra phản quốc. Do vậy nên mới có mấy trò hề như “sửa đổi Hiến pháp” mới xảy ra gần đây, do đó mới có trò hể nói sẽ phải viết lại lịch sử, đưa trận Hoàng sa vào sách giáo khoa, nhưng hủy bỏ vào phút chót “lễ tưởng niệm Hoàng sa” bằng những ngọn nến yên lành đốt vào đêm hướng về Hoàng sa.

6. Một câu hỏi coi như là “vui vui” cuối cùng dù chưa chắc là chúng ta có thể vui nổi. Có thể là Gs không muốn làm chiêm tinh gia, “lốc cốc tử chi gia” đoán mò, nhưng cứ thử suy đoán xem là năm 2014 chúng ta có thể khôi phục được Hoàng Sa và một phần của Trường Sa hay chăng? Khi mà tình hình đã trở nên nghiêm trọng và có nguy cơ bùng vỡ chiến tranh giữa Nhật và Trung Cộng, rồi biết đâu những bức xúc nội chiến ở Trung Quốc trước hội nhập toàn cầu cũng có thể xảy ra, để Việt Nam có thể biết lợi dụng tình thế này. Nếu năm 2014 hay dài dài vẫn không nằm trong sự tiên đoán của Gs, thì liệu chúng ta có thể kiếm một giải pháp nào khả thi để chạy đua với mức độ hà hiếp, không chỉ đặt trên nền tảng công lý và pháp lý quốc tế? Đợi chờ một “phép lạ” nào đây cho những ngày tháng trước mặt, và liệu phong trào ký thỉnh nguyện thư, tranh tụng lên LHQ... này vẫn còn tiếp nối cho đến bao giờ? 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Nếu nghĩ là chúng ta có thể khôi phục được Hoàng sa Trường sa trong năm 2014 thì, theo tôi, đó là mộng mơ chứ không phải một lời tiên đoán bới lối suy nghĩ đó thiếu quá nhiều yếu tố thực tế. Ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự của VNCS ở Quảng châu cho rằng kiện Trung quốc ra trước Tòa Án Luật Biển như Phi đang làm là vô ích. Tôi không bi quan đến thế. Tôi cho rằng mọi phương tiện đều tốt ngay dù như tôi cũng nghĩ như ông Dương Danh Dy có lẽ đúng khi cho rằng VN sẽ chỉ lấy lại được Hoàng sa Trường sa khi nào Trung quốc rơi vào một tình hình nội bộ hỗn loạn, một viễn ảnh có thể không xa lắm. 

Xin cám ơn GS Nguyễn Ngọc Bích.


--------------------------------------

1/21/2014              2 Comments

Xin gửi tới quý độc giả Phần 2 bài “Trao gởi với những nhịp đập dân tộc về Hoàng Sa”, lần này Nguyễn Thị Thanh Bình phỏng vấn nhà văn Nguyễn Viện:

- Thưa nhà văn Nguyễn Viện, nhân sự kiện lịch sử bi hùng 40 năm Ngày Hoàng Sa, 40 năm dường như vô vọng nhìn lại hình hài chữ S bị cắt lấn biển đảo, 40 năm theo tôi là của đỉnh điểm phong ba bão táp, và như thế vào phút giây “truy điệu” tưởng nhớ này, nhà văn có đang tự hỏi với chính mình một điều gì không?

Nhà văn Nguyễn Viện: Năm 1974, tôi đã sống những giây phút đất nước bị đánh cướp. 40 năm sau, tôi vẫn sống những giây phút đất nước bị đánh cướp. Điều này vẫn còn đang xảy ra và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Tôi tự hỏi có phải chúng ta đang sống những giây phút bất hạnh nhất của lịch sử dân tộc không? Và liệu chúng ta có thể làm gì hay đành bất lực?

- Một điều gì tưởng như chúng ta không chỉ muốn đứng dậy, viết trên những miếng vải liệm trắng, như cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên ngày nào, hoặc viết như chúng ta đang gởi cho nhau những lời nhắn nhủ rực nóng, hay chỉ đơn thuần nói với ngư dân Lý Sơn, với người phu quét đường bên lề, hoặc nói với im lặng, với bốn bức tường câm…? Hành động đứng, nói, gào, hét, la, rống, viết, kiện… theo anh chị thì điều nào hợp lý nhất trong hiện trạng đất nước lúc này, khi chính vào thời khắc chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm thì Đại Hán lại càng dở trò hung hăng hơn bao giờ hết, và chính họ lại ra lệnh thi hành luật cấm đánh cá, dĩ nhiên cho cả ngư dân Việt Nam trong diện tích 80% của Biển Đông?

Nhà văn Nguyễn Viện: Đứng, nói, gào, hét, la, rống, viết… hành động nào cũng hợp lý và hành động nào cũng chỉ cho chúng ta thấy chúng ta bất lực. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta nên im lặng. Bởi vì nếu chúng ta im lặng là chúng ta chấp nhận bị đánh cướp, bị ăn hiếp.

- Vậy thì nếu phải gởi một thông điệp cho toàn dân Việt Nam và toàn cầu với cộng đồng thế giới về những vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thì nhà văn sẽ chia sẻ ra sao?

Nhà văn Nguyễn Viện: Chúng ta cần phải nói với thế giới và phải nói với nhau không ngừng từ đời này sang đời khác rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Thế hệ này chúng ta chưa lấy lại được thì con cháu chúng ta sẽ lấy lại, như di chúc của vua Trần Nhân Tông: "Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".

- Một câu hỏi khác khá tế nhị hơi đụng đến tim đen của mấy ngài chóp bu. Những vị chẳng bao giờ dám cả gan nhìn nhận sự thật, mà trái lại lâu lâu chỉ muốn “mượn” nó để mơn trớn, mua vui với bàng dân hoặc để tìm vây cánh. Chẳng hạn những tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc Hội và cũng như ở Nha Trang. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ là năm 1974, chính Trung Cộng đã đánh V.N.C.H để chiếm đóng Hoàng Sa, và ông cũng đã nhắc đi nhắc lại chủ quyền của Hoàng Sa là của V.N.C.H. Nguyên văn ở Quốc Hội vào tháng 11/2011 là: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đúng là “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”! Cũng như những tuyên bố của ông ở hội sử học, về sự kiện Hoàng Sa đem vào sách lịch sử giáo khoa… Và điều này thì cũng dễ hiểu thôi vì “lịch sử được viết lại bởi người thắng cuộc” (Napoléon).

Thế thì theo suy nghĩ của nhà văn hẳn nhiên là mấy đấng trời (ơi) này cũng quá thấy những cách hành xử của thiên triều “16 chữ vàng 4 tốt” này. Dĩ nhiên là không chỉ với sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa mà còn vô số những càng rỡ âm mưu khác, tuy nhiên không lẽ chỉ có trời mới hiểu tại sao họ không muốn dựa vào sức mạnh của một dân tộc vốn dĩ hào hùng (lại cấm biểu tình thể hiện lòng yêu nước, cấm nói những điều không hay về Trung Quốc…) để khỏi bị đời đời nguyền rủa và đắc tội với tiền nhân, mà đằng này cứ chăm chăm đi dựa vào những thứ thế lực đồng chí không có thật, luôn luôn sẵn sàng thôn tính tổ quốc mình?

Nhà văn Nguyễn Viện: Nói chung, theo những logic thông thường thì thái độ ứng xử của chính quyền trong các vấn đề biển đảo và những biểu lộ của nhân dân trong vấn đề này, với tôi là không hiểu được và không thông cảm được.

- Và rồi thì buổi thắp nến tri ân 74 tử sĩ VNCH đã “lính chết theo tàu”, “tướng chết theo thành” một cách anh dũng ngày 18/1/2014 tại Đà Nẵng cũng đã vì “lệnh trên” hủy bỏ, cũng như kể từ ngày 18/1 này, những nhà báo dũng cảm đã không còn được nhân danh chút tấc lòng yêu nước và lương tri cao cả của ngòi bút để dàn trải và đăng những bài viết đã bị gỡ xuống của họ, như chúng ta vừa được chứng kiến khá ngoạn mục ở những tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet… Hết Nghị Định 72, rồi đến Nghị Định 174 vừa mới ra quân hôm 15/1/2014, hứa hẹn sẽ treo nồi cơm của nhiều cây bút mà họ cho là: “Tuyên truyền viết bài phản động, sẽ bị xử án từ mức 10 triệu, 20 triệu tới 100 triệu”. nhà văn có thấy đất nước của chúng ta quả là có nhiều điều bất hạnh, và chừng như vô phương cứu chữa, mà tại sao nhà cầm quyền lại cứ tiếp tục đánh mất những cơ hội đáng ra phải “Hóa giải lòng mình để thấy non sông”?

Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng, quả là bất hạnh. Nói thật, tôi chán đến độ không muốn trả lời cả cuộc phỏng vấn này của chị.

- Một câu hỏi coi như là “vui vui” cuối cùng dù chưa chắc là chúng ta có thể vui nổi. Có thể là nhà văn không muốn làm chiêm tinh gia, “lốc cốc tử chi gia” đoán mò, nhưng cứ thử suy đoán xem là năm 2014 chúng ta có thể khôi phục được Hoàng Sa và một phần của Trường Sa hay chăng? Khi mà tình hình đã trở nên nghiêm trọng và có nguy cơ bùng vỡ chiến tranh giữa Nhật và Trung Cộng, rồi biết đâu những bức xúc nội chiến ở Trung Quốc trước hội nhập toàn cầu cũng có thể xảy ra, để Việt Nam có thể biết lợi dụng tình thế này. Nếu năm 2014 hay dài dài vẫn không nằm trong sự tiên đoán của nhà văn, thì liệu chúng ta có thể kiếm một giải pháp nào khả thi để chạy đua với mức độ hà hiếp, không chỉ đặt trên nền tảng công lý và pháp lý quốc tế? Đợi chờ một “phép lạ” nào đây cho những ngày tháng trước mặt, và liệu phong trào ký thỉnh nguyện thư, tranh tụng lên LHQ… này vẫn còn tiếp nối cho đến bao giờ?

Nhà văn Nguyễn Viện: Thưa chị, tôi không tin có phép lạ. Cũng không có một cơ hội nào khi chúng ta không mạnh lên.

- Cám ơn nhà văn Nguyễn Viện.

Nhà văn Nguyễn Viện sinh năm 1949 tại Hải Dương, hiện đang sống và viết văn tại Sài Gòn.





No comments:

Post a Comment

View My Stats