Sunday 19 January 2014

TỔ QUỐC Ở HOÀNG SA (Trung Hiếu - Quê Choa)




Trung Hiếu 
19-01-2014

NQL: Tình hình đổi thay nhanh như chong chóng. Mấy ngày trước các báo lề phải rộn ràng nói chuyện Hoàng Sa thì hôm  nay hầu hết đã tắt tiếng hoặc đã xuống giọng. Trung Hiếu là phóng viên báo. Anh viết loạt bài về Hoàng Sa cho đăng chưa được 1 giờ đã bị gỡ bỏ " để kỉ niệm 64 năm quan hệ Việt- Trung". Tiếc của giời tui xin anh đem về đăng ở Quê Choa.

----------------------------------

Hạm phó Nhật Tảo HQ - 10, đại úy (sau này được truy thăng thiếu tá) Nguyễn Thành Trí hi sinh vào ngày 28 tháng Chạp, tức ngày 20.1.1974, trong trận hải chiến Hoàng Sa nhưng đến mùng 2 tết, vợ ông - bà Ngô Thị Kim Thanh với con gái – ở Nha Trang mới vào tới Sài Gòn để chịu tang và làm lễ truy điệu chồng mình.

Thiếu tá Nguyễn Thành Trí

Chết lặng khi nghe chồng hi sinh

Bà Thanh kể, trước khi chồng nhận lệnh tham chiến ở Hoàng Sa, ông Trí dặn vợ về nhà ngoại ở Nha Trang, chờ ông đi xong chuyến này rồi ghé vào thăm.

“Anh Trí hi sinh khi mẹ con tôi đang ở Nha Trang. Không ai cho mẹ con tôi biết cả nhưng đêm đó không hiểu tại sao tôi mơ thấy anh về thăm với vẻ mặt rất buồn. Điều này lạ lắm vì bình thường anh hay cười và kể chuyện vui với mọi người trong gia đình và cấp dưới. Tôi đang mải nhìn anh thì bé Thảo (con gái đầu của ông Trí và bà Thanh - PV) lay tôi dậy. Nó bảo con vừa nằm mơ thấy ba về. Ba ôm hôn con và hôn mẹ”, bà Thanh kể.

Thứ tự từ trái qua: mẹ, vợ và con trong lễ tang ông Trí

Khi đó bà Thanh chỉ nghĩ vì quá thương chồng, nhớ cha nên mẹ con bà mới có một giấc mơ trùng hợp lạ lùng. Nhưng sau đó mấy ngày, bà nghe đài Dạ Lan, tới chương trình phát cho quân nhân lúc gần nửa đêm, bà chết lặng khi nghe gia đình chồng bà nhắn bà về Sài Gòn chịu tang chồng.

“Lúc đó tôi mang bầu hơn hai tháng đứa con thứ hai. Tin chồng mất như sét đánh ngang tai. Tôi như muốn xỉu, cái thai như muốn rớt ra ngoài”, bà Thanh hồi tưởng.

Bà Thanh kể quê bà ở Nha Trang. Từ nhỏ đến lớn, nghề mà bà thích nhất là nghề giáo. Nhưng hồi đó Nha Trang chưa có trường sư phạm. Muốn làm nhà giáo, bà phải học trường sư phạm ở Bình Định hay phải vào Sài Gòn. Mẹ bà lại không thích con gái đi xa. Thế là hết cấp 3, bà xin vào làm chân bán vé ở rạp chiếu bóng Minh Châu ở Nha Trang.

Tại đây bà Thanh gặp ông Trí khi đó đang học khóa 17 trường sĩ quan hải quân ở Nha Trang. Những ngày rảnh rỗi ông Trí vẫn thường đến rạp Minh Châu xem phim giải khuây. “Quen nhau mấy tháng là cưới, vào ngày 20.9.1968. Lúc đó anh Trí 28 tuổi, tôi 23 tuổi. Cưới xong vợ chồng tôi chuyển về nhà chồng ở số 2B đường Bà Triệu ở quận 5”, bà Thanh kể. Năm 1969, bà sinh người con gái đầu đặt tên Nguyễn Thị Thanh Thảo.

Hồi mới tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân, ông Trí được điều về Bộ Tư lệnh vùng 3 duyên hải, giữ cương vị chỉ huy trưởng đài kiểm báo 302 đóng ở Vũng Tàu. Năm 1973, ông Trí được điều về làm hạm phó Nhật Tảo HQ – 10.

“Tự hào được làm con ba Trí”


Ảnh bên: Bà Ngô Thị Kim Thanh (đeo khăn tang) khóc trong lễ tang chồng. Người phụ nữ bên cạnh là mẹ ông Trí

“Ba tôi bị điều về tàu Nhật Tảo”, con gái ông Trí – chị Nguyễn Thị Thanh Thảo – khẳng định. Rồi chị Thảo kể khi còn làm chỉ huy trưởng đài kiểm báo 302, có lần ông Trí bắt được một chuyến tàu buôn lậu thuốc lá với số lượng rất lớn. Chủ tàu khi đó ra giá nếu bỏ qua hoặc tha cho nửa lô hàng, ông Trí sẽ được một ngôi nhà ở Sài Gòn tùy ông chọn cùng số tiền khá lớn.

Nghe xong lời ve vãn khá bùi tai này, bản thân ông Trí lúc đó ít nhiều bị dao động. Ông bảo với chủ tàu sẽ có câu trả lời vào hôm sau. Tối hôm đó, ông Trí một mình phóng ô tô về Sài Gòn trong đêm để hỏi ý kiến cha mình – một nhà địa chất mà ông rất kính trọng. Câu trả lời của người cha là “con cứ theo luật pháp mà làm”.

“Nghe lời ông nội, ba tôi ra lệnh tịch thu toàn bộ số hàng. Chính vì quyết định này mà sau đó ông bị điều ra làm hạm phó tàu HQ – 10 vì lý do không biết làm quản lý. Quyết định điều chuyển đó khiến ông nội tôi sau này sống rất day dứt vì ông nghĩ mình đã góp phần đẩy con trai vào đường chết”, chị Thảo nói.

Bà Thanh cho biết chồng bà nhận nhiệm vụ hạm phó HQ – 10 vào cuối năm 1973. Chuyến tham trận ở Hoàng Sa là chuyến đi đầu tiên của ông Trí trên tàu HQ – 10 với cương vị hạm phó và mãi mãi ông không bao giờ trở về với mẹ con bà nữa. 

Sau khi chồng mất, bà Thanh được nhận vào làm ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Sau 1975, bà vẫn tiếp tục làm ở ngân hàng nhưng do công việc phải điều chuyển đến nhiều nơi, hai con nhỏ bị bệnh thủy đậu, cha mẹ chồng già yếu buộc bà phải nghỉ việc ở nhà chăm con.

Năm 2000, căn nhà gia đình chồng ở số 2B Bà Triệu được bán đi để chia đều cho 8 người con. Bà Thanh dùng số tiền được chia mua một căn hộ nhỏ ở chung cư ở quận 3 và sống khá lặng lẽ với người con gái đầu bị bệnh nặng, đang phải xạ trị cho đến nay.

Ảnh bên: Bà Thanh và con gái trò chuyện với PV Thanh Niên Online (Ảnh: Tấn Cư)

Cũng có người hỏi chồng mất khi còn trẻ, lại có nhan sắc sao bà không đi bước nữa, bà Thanh đáp: “Tôi với anh Trí quen nhau có mấy tháng rồi cưới. Lúc quen nhau chưa bao giờ tôi và anh đi chơi riêng. Tay cũng chưa dám nắm. Tình cảm khi đó phải nói là không nhiều. Nhưng càng sống tình cảm càng mặn nồng. Rồi còn lo cho hai đứa con. Sau khi anh mất, chưa bao giờ tôi có ý định đi bước nữa dù lúc đó tôi còn trẻ, còn đẹp”.

Một lý do khiến bà ở vậy nuôi con là vì khi còn sống ông Trí rất thương và có trách nhiệm với vợ con. Mỗi khi tàu cập bờ, ông Trí về thẳng nhà giúp vợ mọi công việc nội trợ trong nhà.

Dù đã 40 năm trôi qua nhưng thỉnh thoảng chị Thảo vẫn mơ thấy ba mình. Lần gần đây nhất chị Thảo thấy ba về đứng nhìn chị, kiểm tra chữ chị đẹp hay xấu, rồi vẫy tay đi mãi. Tỉnh dậy, chị thấy gối mình nằm ướt đầm nước mắt.

“Cuộc sống có đổi dời thế nào thì đó vẫn là ba của mình không thể thay đổi được. Dù sau này cuộc sống của gia đình có nhiều biến động nhưng tôi luôn tự hào vì được làm con ba Trí”, chị Thảo xúc động nói.

Lá thư được chuyển cho bà Thanh sau khi chồng hi sinh ở Hoàng Sa

BOX:

Tìm cách giải mã lá thư ghi hành trình tàu HQ 10 bị nạn

Bà Ngô Thị Kim Thanh và con gái trao cho PV Thanh Niên Online một lá thư rất đặc biệt, giống như một nhật ký ghi lại hành trình của tàu HQ-10 trước và sau khi gặp nạn.

Bà Thanh cho hay khi chồng mất, bà về Sài Gòn chịu tang. Một thời gian ngắn sau, bà nhận được lá thư này bỏ trong thùng thư trước nhà, với dòng chữ ngoài bìa ghi “Kg chị Trí, 2B đường Bà Triệu, SGN 5”. Bức thư không đề tên tác giả.

“Tôi đoán tác giả lá thư chính là một trong số 23 người sống sót ở trận hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm. Đây là lần đầu tiên tôi công bố lá thư với mục đích tìm kiếm sự thật lịch sử”, bà Thanh nói.

Bức thư viết:

Đêm 17/01/74: HQ 10 khởi hành từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa.

19/01/74, 1 giờ sáng: Đại úy Trí – hạm phó tập hợp binh sĩ ra lệnh sẽ ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu lúc 06 giờ sáng.

19/01/74, khoảng 11 giờ trưa: Hải chiến với Trung Cộng. Bắn xong đợt đầu thì trở ngại tác xạ: trúng 1 tàu Trung Cộng bốc cháy. Cách nhau khoảng 100 m. Bị phản pháo, trúng ngay đài chỉ huy: thiếu tá Thà hạm trưởng gục chết liền, Đ/u (đại úy - PV) Trí bị thương ở đầu, chân (mất 1 miếng thịt và té xuống pont tàu).

Khoảng 11g30: Đ/u Trí ra lệnh xuống bè (phao) cho tất cả binh sĩ đào thoát. Đ/u Trí lết đến từng chỗ mà kéo vực họ đào thoát. Chính trung úy Phạm Văn Ngữ đang thủ cùng đại liên được vực xuống, và đã chạy xuống bè. Có tất cả 4 bè. 3 bè đầu đã kết chung và ra đi gồm trung úy Phạm Đăng Ngân, hạ sỹ Lưu Tố Nữ, hạ sỹ Nguyễn Hồng Cương. Còn lại bè cuối cùng hạ sỹ trọng pháo Trần Ngọc Sơn và thủy thủ thám sát Trương Văn Long, 2 người này đã cặp Đ/u hạm phó và lôi xuống bè (6 người). Khi xuống bè đi, thấy 3 tàu Trung Cộng bị bốc cháy.

20/1/74, 2 giờ sáng: Đ/u Trí chết. Trước lúc chết rất bình tĩnh. Trong khi các thủy thủ cùng bè tiếc rẻ không đeo đồng hồ lúc tác chiến nên đã mất toi. Đ/u Trí còn nói: đồng hồ omega của tao đáng giá 40-50 ngàn và mấy chục ngàn đồng còn để trong két trên tàu. Đồng hồ của tụi bây giá trị chỉ mười mấy ngàn mà tiếc gì. Đồng hồ của tao ông già cho.

-          Tấm thẻ bài còn để trong quần Civil lúc ghé Đà Nẵng đi dạo chơi.


Khi nối bè xong, 2 tàu Trung Cộng cặp lại bắn HQ 10 cách khoảng 39 m. Chiếc tàu HQ 16 muốn cứu HQ 10, xoay lại nên bị bắn trúng bong tàu và vọt chạy đào thoát luôn.

20/1/74, 8g: bỏ xác Đ/u Trí cách Hoàng Sa khoảng 2 hải lý. 

22/1/1974: Tàu Hòa Lan đã vớt được 4 bè của HQ 10. 23 người.

Bà Thanh cho hay từ đó đến nay gia đình bà đã cố gắng tìm kiếm người viết bức thư, kể cả liên hệ với ông Trần Văn Hà – lính thợ máy tàu HQ 10 , người sống sót sau trận hải chiến – nhưng chưa có lời giải đáp. 

Đến nay tác giả bức thư vẫn còn là ẩn số.

........................
Tác giả gửi Quê Choa
Tên bài chung của Quê Choa

*
*

Trung Hiếu
19-01-2014

“Những ngày giáp tết tôi nhớ ổng hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ này tôi chỉ biết giấu kín trong lòng suốt 40 năm qua” – bà Huỳnh Thị Sinh, góa phụ của trung tá Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà – giọng ngắt quãng khi nhớ về người chồng thân yêu của mình.

Bà Huỳnh Thị Sinh (Ảnh: Trung Hiếu)

Ngày 16.1 này, nếu còn sống ông Thà tròn 71 tuổi nhưng trái tim dũng khí của người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ngừng đập cách đây 40 năm, vào ngày 19.1.1974, khi chính quyền Trung Quốc xua tàu cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 “Làm vợ anh nhé”

Ảnh bên: Ông Ngụy Văn Thà và bà Huỳnh Thị Sinh khi mới quen nhau

 Năm 1965, Huỳnh Thị Sinh tròn 17 tuổi. Khi đó Sinh đang là nữ sinh trường trung học Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1 (Sài Gòn).

Qua nhóm bạn, Sinh làm quen với chàng sỹ quan mới ra trường Ngụy Văn Thà. Khi đó Thà vừa tốt nghiệp khóa 12 trường sĩ quan hải quân ở Nha Trang và đang là thiếu úy đóng quân ở giang đoàn 23 tít tận Vĩnh Long.

Yêu nhau được chừng hơn một năm, hai người xin phép hai bên gia đình làm lễ cưới. Bà Sinh nhớ lại: “Mang tiếng là sĩ quan hải quân nhưng anh Thà hiền lành lắm. Ảnh ít nói. Hồi mới quen, đến nhà tôi chơi anh chỉ chào hỏi dăm ba câu rồi vào giúp mấy đứa em tôi học bài”.

Tôi hỏi có bạn trai ít nói như thế, vậy ai là người ngỏ lời cầu hôn trước, bà Sinh mỉm cười nói tiếp: “Có ai cầu hôn ai đâu. Khi đó tôi mới học xong cấp ba còn nhút nhát lắm. Một bữa chỉ có hai đứa, ảnh mở lời rằng em làm vợ anh nhé. Để anh về nói ba xin phép đến hỏi cưới. Lúc đó mình cũng thương thầm ảnh nên gật đầu đồng ý. Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ quen mình anh thôi. Rồi lấy nhau luôn”.

Cưới nhau xong, cặp vợ chồng trẻ Thà – Sinh chuyển về căn hộ nhỏ của ông Thà ở đường Nguyễn Kim (quận 10). Ở đây, ba người con Ngụy Thị Thu Trang, Ngụy Thị Thu Thủy và Ngụy Thị Thu Tuyết lần lượt ra đời. Thời gian này, ông Thà được điều động về tàu Nhật Tảo HQ -10 với chức vụ hạm trưởng.

Có thể xem đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bà Sinh dù rằng lấy chồng hải quân nghĩa là bà phải chấp nhận chồng đi xa biền biệt quanh năm.

“Tôi ở nhà lo nội trợ, chăm ba đứa con còn ảnh cứ theo tàu đi công tác thường xuyên. Nay ở Đà Nẵng, mai Nha Trang. Vài tháng anh mới về nhà một lần. Lần dài nhất chừng hơn 10 ngày. Những ngày đó anh ở chỉ ở nhà giúp vợ nấu ăn, giặt đồ. Rảnh rỗi anh dẫn cả nhà đi ăn ốc ở đường Nguyễn Tri Phương, dẫn ba đứa con đi mua giày dép”, bà Sinh kể.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng


 Ảnh bên:Ngày ông Thà mất, bà Sinh một mình nuôi ba con nhỏ. Người đứng giữa là cha của ông Thà

 Đầu tháng 1.1974, khi chiến hạm Nhật Tảo HQ – 10 cập bến Bạch Đằng, được đưa vào nhà máy Ba Son sửa chữa, ông Thà có đợt nghỉ phép bên vợ con. Tuy nhiên, giữa tháng 1.1974, ông Thà có lệnh phải trở về tàu để nhận một nhiệm vụ rất quan trọng.

“Ngày hôm đó anh xách ba lô chào mẹ con tôi bảo đi Đà Nẵng nhưng đến chiều thấy đứng dưới chung cư kêu tàu hư chưa đi được. Ngày hôm sau lại đi nhưng tàu vẫn hư. Đến ngày thứ ba thì anh đi mãi luôn”, bà Sinh nói.

Sau vài ngày chia tay chồng, báo chí Sài Gòn đưa tin hải quân Việt Nam Cộng Hòa đang đánh nhau với Trung Cộng ở Hoàng Sa nhưng bà Sinh không nghĩ chồng bà có mặt trong trận đánh đó. Nhưng đúng ngày 19.1.1974, cô con gái đầu khi đó 7 tuổi mượn ở đâu tờ báo về ngồi ở cầu thang đánh vần rồi chạy lên kêu: “Mẹ ơi ba chết rồi”.

Bà Sinh kể tiếp: “Sau đó mấy anh ở Bộ Tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa bảo chiều nay tàu HQ – 16 sẽ về. Nếu tàu HQ – 10 không về thì chắc ông Thà chết rồi. Điều không mong muốn đã đến. Ông Thà mất vào vào ngày 27 tháng Chạp, dịp gần tết. Tôi nghe tin xỉu lên xỉu xuống mấy lần”.

Sau này, bà Sinh gặp lại ông Trần Văn Hà – lính thợ máy trên tàu HQ-10, hiện sống ở Bạc Liêu – được ông Hà cho hay khi tàu tiến ra Hoàng Sa, hạm trưởng Ngụy Văn Thà dự báo sẽ có đụng độ lớn với quân đội của Trung Cộng nên suốt chuyến đi ông dặn cấp dưới chuẩn bị bè và mọi thứ cần thiết khi xảy ra sự cố. 

Rồi khi đụng độ, khi biết không thể đánh lại địch và trước khi tàu HQ – 10 chìm, ông Thà đã cho anh em nhảy xuống bè trốn thoát. Còn bản thân ông vẫn bám trụ ở tàu chiến đấu đến cùng trước khi trúng đạn và trút hơi thở cuối cùng ngay trên đài chỉ huy.

Tàu Nhật Tảo HQ -10 (Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu gia đình)


Hãnh diện vì chồng

Sau khi chồng mất là một chuỗi ngày vất vả đến với người vợ trẻ khi một mình nuôi ba người con thơ dại. Thời gian đầu mọi thứ đồ đạc trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” để lo cho cuộc sống của bốn mẹ con nheo nhóc.

“Bên nội anh Thà không dư dả gì, mỗi người lại phân tán một nơi nên không giúp đỡ mẹ con được nhiều. Mẹ con tôi phải về ngoại để ông bà ngoại giúp đỡ”, bà Sinh nói.

Rồi bà mẹ trẻ vì đàn con phải gồng mình vượt qua nỗi đau. Sau ngày 30.4.1975, bà Sinh được giới thiệu đi làm ở một hợp tác xã nhưng như bà nói “thu nhập không làm những đứa con hết đói”.

Ngoài nỗi cơ hàn, những năm sau 1975, bà Sinh còn phải đối diện với những lời kỳ thị bởi bà là vợ “Ngụy quân”. “Tôi vẫn nhớ mãi và biết ơn vì lời nói của ông bí thư chi bộ khi đó, là đừng dồn người ta vào chân tường khi ổng chứng kiến cảnh nhiều người công kích mình”, bà Sinh nói.

Hiện nay, trong ba người con của bà Sinh, một người theo chồng ở tận Tây Ninh, hai người con nhà ở Tân Phú thi thoảng vẫn ghé thăm và cho mẹ ít tiền mua quà. “Mấy đứa đều làm công nhân nên cuộc sống vẫn chưa hết cơ cực”, bà nói.

Bà Sinh trong lần ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 40 hải chiến Hoàng Sa do Trung tâm Minh Triết tổ chức (Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu gia đình)

 Nỗi gian truân của bà góa phụ Huỳnh Thị Sinh vẫn chưa hết cơ cực khi năm 2009, căn hộ chung cư bà chồng bà mua trước năm 1975 ở  đường Nguyễn Kim xuống cấp nhà nước buộc phải giải tỏa xây mới.

Nhà đầu tư đưa ra ba phương án đền bù, bà Sinh chọn phương án nhận 546 triệu đồng và đăng ký mua một căn hộ tái định cư. 

Tuy nhiên thông tin trên báo chí cho hay căn nhà mới sẽ có giá 1,3 tỷ đồng. Như thế muốn có căn nhà mới bà Sinh phải đóng thêm 959 triệu, sau khi đã trừ phần đền bù 546 triệu. 

Số tiền gần một tỷ đó quá lớn và vượt sức tưởng tưởng với một người như bà. Hiện bà Sinh đang phải về lại ngôi nhà cũ của cha mẹ để lại, sống chung với bốn gia đình người em.

“Ai đến thăm cũng muốn thấp nén nhang cho ông Thà nhưng nhà này của mấy người em nên không tiện lập bàn thờ. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm”, bà Sinh nói.

Mới đây bà Sinh được Trung tâm Minh Triết mời ra Hà Nội dự lễ tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa do trung tâm này tổ chức. Lần đầu tiền trong đời bà được đi máy bay và ra Hà Nội.

“Nhưng không gì vui bằng sau 40 năm kể từ ngày hải chiến Hoàng Sa, tên tuổi của anh Thà được nhắc tại một buổi lễ hết sức trang trọng. Mỗi lần nhắc lại cũng đau lòng lắm nhưng tôi vẫn luôn vinh hạnh vì anh Thà đã góp máu thịt của mình bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ vùng đất thiêng liêng của đất nước”, bà Sinh nói.

 Tác giả gửi Quê Choa
Tên chung của Quê Choa

*
*

Trung Hiếu
20-01-2014

Ảnh bên: Bà Thắng và con khi ở Hoàng Sa. Phía sau là cột vô tuyến của đài khí tượng

Cách đây hơn 70 năm, một nhân viên khí tượng của Việt Nam khi nhận nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa (Paracells) đã đưa gia đình của mình ra đây sinh sống. Trong thời gian này, người vợ đã sinh hạ cho ông một người con ngay ở vùng đất thiêng liêng của Việt Nam từ bao đời nay.

Nhân viên khí tượng đó tên là Mai Xuân Tập, con gái ông tên là Mai Kim Quy. Đến nay giấy khai sinh của bà Quy lập ở Hoàng Sa vẫn được gia đình lưu giữ kỹ càng và coi đó như một kỷ vật quý giá, thiêng liêng.

Sinh con ở Hoàng Sa

Ông Tập sinh năm 1909, ở trong một gia đình khá giả ở làng Phương Liệt, nay là phường Phương Liệt (Hà Nội).

Trước năm 1935, ông Tập sang Pháp du học ngành vô tuyến điện. Về nước, ông làm việc ở nha khí tượng của Chính phủ Pháp ở Việt Nam. Năm 1938, Pháp xây dựng xong trạm khí tượng thiên văn ở quần đảo Hoàng Sa. Ông Tập trở thành một trong những người đầu tiên ra quần đảo này theo dõi tình hình thời tiết.

Giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy được lập ở ngày  Hoàng Sa

Quy định của Chính phủ Pháp lúc đó, nhân viên khí tượng khi ra Hoàng Sa có thể đem theo gia đình mình. Cho nên ông Tập đã đưa vợ mình là bà Nguyễn Thị Thắng và hai con nhỏ là Mai Thị Phi (khi đó 3 tuổi), Mai Thị Phương (2 tuổi) ra Hoàng Sa.

Do học về vô tuyến điện nên nhiệm vụ của ông Tập khi đó là nhận thông tin thiên văn, thời tiết và khí hậu ở Hoàng Sa để chuyển vào đất liền. Khi đó , ngoài việc theo dõi tình hình thời tiết báo cho Chính phủ Pháp, trạm khí tượng thiên văn Hoàng Sa còn là trạm rất quan trọng về khí hậu của quốc tế ở biển Đông.

Trạm khí tượng ở Hoàng Sa được xây rất kiên cố, tường dày 40-50cm, mái đúc bê tông, xung quanh có hành lang đi bộ. Dưới nền nhà là một hầm dự trữ nước mưa cho toàn bộ nhân viên và gia đình sống trên đảo.

Nhân viên đài khí tượng và gia đình dong thuyền đi chơi ở Hoàng Sa. Ông Tập là người ngoài cùng từ trái sang

Công việc của nhân viên khí tượng khi đó là đo đạc các thông số thời tiết, đo độ nắng, lượng mưa, đặt bóng khí tượng rồi chuyển về đất liền. Hàng tháng đều có tàu ra đảo để tiếp viện lương thực, thực phẩm và nước uống.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Tập thời gian ở Hoàng Sa chính là việc vợ ông có thai và sinh con ngay ở đây. Người con gái sau đó được ông đặt là Mai Kim Quy, như để kỷ niệm về vùng đất nơi gia đình từng ở có rất nhiều rùa (quy), thường lên đảo đẻ trứng vào ban đêm.

Giấy khai sinh của bé Quy bằng tiếng Pháp lập tại Hoàng Sa, vào ngày 28/6/1940, phần bên trái ghi những dòng chữ Cộng hòa Pháp, chính quyền Bảo hộ An Nam, Phái đoàn tại đảo Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa.

Phần chính của giấy khai sinh ghi rõ họ tên Mai Kim Quy là con gái của ông Mai Xuân Tập (nhà khí tượng học) và bà Nguyễn Thị Thắng (nội trợ) sinh lúc 15 giờ ngày 7/12/1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle), quần đảo Hoàng Sa. Có hai người làm chứng là bác sỹ Nguyễn Tăng Chuẩn và ông Đỗ Đức Mùi, Trưởng trạm vô tuyến của đảo. 

Phần phía dưới giấy khai sinh được ký bởi ông Chauvet (phái viên hành chính), xác thực tại đảo Hoàng Sa (Pattle) ngày 28/6/1940, kèm con dấu có dòng chữ "Chính quyền Bảo hộ An Nam. Phái đoàn tại nhóm đảo Lưỡi Liềm và các đảo phụ thuộc".

Khoảng cuối năm 1940, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Hoàng Sa, ông Tập đưa cả gia đình về đất liền và làm việc ở một số nơi, rồi chuyển vào làm việc tại Viện Hải dương học Nha Trang. Sau đó, ông Tập chuyển sang ngành bưu điện và làm việc tại các bưu điện ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Huế…

Sau năm 1954, khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ông Tập đưa gia đình từ Huế về Hà Nội và làm việc tại Sở Bưu điện Hà Nội.

Sau này, khi Hải Phòng được giải phóng, ông cùng với đoàn cán bộ của Sở Bưu điện Hà Nội xuống tiếp nhận bưu điện Hải Phòng và làm việc ở đó cho đến ngày nghỉ hưu.

Chứng cứ pháp lý quan trọng

Gia đình ông Tập khi ở Hoàng Sa

Ông Mai Xuân Phú – là em trai kế bà Mai Kim Quy  – cho hay điều đáng buồn nhất của gia đình khi về đất liền được 1 – 2 năm thì bà Quy bị bệnh rồi qua đời. Đến năm 1954, mẹ của ông cũng qua đời. Ba của ông đã phải một mình nuôi chị em ông ăn học đến trưởng thành.

Nhớ về người cha của mình, ông Phú kể: “Cha tôi là con người rất cởi mở, sống phóng khoáng , thích xê dịch nhưng sống rất có trách nhiệm với con cái. Sau khi mẹ mất, một mình cha nuôi chị em tôi ăn học tới nơi tới chốn”.

Về hai người chị là bà Mai Thị Phi và Mai Thị Phương – từng theo cha ra Hoàng Sa, ông Phú cho hay sau này bà Phi vào Đại học Nông nghiệp Hà Nội, sau đó làm việc ở Thái Nguyên. Năm 1972, bà Phi dạy ở đại học sư phạm Hà Nội. Năm 1982, bà vào TP.HCM làm việc tại Sở Nông nghiệp, sau đó về dạy tại trường Đại học Nông lâm.

Còn bà Phương học chuyên ngành Nga văn Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi phiên dịch tiếng Nga ở Bộ Nông Trường Quốc doanh và cuối cùng về dạy tại trường PTTH năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng).

“Hai chị theo cha tôi ra Hoàng Sa mới 2-3 tuổi, còn quá nhỏ nên cũng không nhớ nhiều lắm về quần đảo này. Kỉ niệm của hai chị sau này khi nhắc lại vẫn dồn vào chị Quy và một vài chi tiết về Hoàng Sa rằng đây là đảo có rất nhiều chim, nhiều rùa, nhiều cát… và thời tiết trên đảo nắng nóng”, ông Phú kể.

Đã hơn 70 năm trôi qua nhưng đến nay gia đình ông Phú vẫn còn lưu giữ được những tấm hình rất quý thời ở Hoàng Sa. Đáng chú ý nhất là bức ảnh chụp các nhân viên của đài khí tượng với gia đình; ảnh chụp gia đình ông Tập với vợ mình cùng với ba người con gái đầu; ảnh chụp bà Thắng bế bé  Phi phía sau là tháp vô tuyến điện ở Hoàng Sa…

Đặc biệt nhất là bản khai sinh bà Mai Kim Quy được đánh máy trên tập giấy pơ – luy bằng ruy băng hai màu đỏ và đen nên chữ tờ đầu trên giấy khai sinh có hai  màu đỏ và đen, còn tờ sau in qua giấy than, chỉ có màu đen. Cả hai bản đều được đóng dấu đỏ của cơ quan hành chính Pháp ở Hoàng Sa tại thời điểm đó là chính quyền bảo hộ An Nam. Gia đình vẫn lưu giữ được cả hai bản này.

Để giữ nguyên vẹn các hình ảnh và bản khai sinh quý giá trên, thì công đầu thuộc về cha ông. Sau khi ở Hoàng Sa về, do công việc phải đi từ Bắc chí Nam, rồi trong kháng chiến gia đình phải sơ tán khắp nơi nhưng lúc nào ông Mai Xuân Tập vẫn có ý thức bảo quản album ảnh quý giá trên.

“Sau này khi cha tôi mất, mỗi anh chị em trong gia đình giữ một số tấm ảnh liên quan. Riêng giấy khai sinh chị Quy thì mọi người giao tôi giữ. Ai cũng coi bản khai sinh đó là một kỷ vật nhắc nhở nhau về thời gian cha mẹ và các chị đã sống ở Hoàng Sa”, ông Phú ngậm ngùi.

Ông Phú kể, ban đầu gia đình ông coi những kỷ vật như những phần thiêng liêng gắn bó với gia đình. Tuy nhiên, vào tháng 6.2013, ông Phú xem truyền hình chiếu về biển đảo thông báo tổ chức, gia đình và cá nhân nào có những tài liệu liên quan đến Hoàng Sa hãy liên hệ với đường dây nóng số 1800 1771 của Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao).

Ảnh bên: Ông Mai Xuân Phú – con trai của ông Mai Xuân Tập – đang sắp xếp lại tư liệu, hình ảnh của gia đình khi ở Hoàng Sa (Trung Hiếu chụp)

Lúc này, ông Phú mới có ý định trao tặng những hình ảnh của gia đình liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cho nhà nước. Ông đem ý định này trao đổi với mọi người trong gia đình và được sự đồng ý.

“Ban đầu mọi người trong gia đình chỉ đồng ý tặng bản sao, còn bản gốc giữ lại vì đây là kỷ vật quý báu hơn 70 năm gia đình đã lưu giữ. Nhưng sau đó , Bộ Ngoại giao cử người làm việc và đề nghị gia đình tặng lại bản gốc bởi đây là chứng cứ rất quý về Hoàng Sa và gia đình đã đồng ý. Tất cả đều vì mục đích chung là giữ gìn chủ quyền biển đảo”, ông Phú nói.

Ngày 21.8.2013, tại TP.HCM, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức buổi tiếp nhận những kỷ vật của gia đình ông Mai Xuân Tập một cách trang trọng. 

Tác giả gửi Quê Choa


BOX:

Đặt tên con theo địa danh

Tính cha tôi thích xê dịch, thích đi đây đi đó nên suốt cuộc đời ông đi khắp nơi. Một điểm rất đáng chú ý là cha tôi thường lấy vùng đất nơi ông đi qua để đặt tên cho con.

Ông đặt tên chị Phi theo địa danh Hoàng Xu Phì, tỉnh Hà Giang, khi ông làm việc ở đó, đặt tên chị Phương theo địa danh Phương Liệt, Hà Nội.   Khi ở Hoàng Sa, ông đặt tên con gái là Quy vì ở đảo có rất nhiều rùa. Tên tôi là Phú vì có thời gia đình ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Em  tôi tên Hằng do sinh ra trong một đêm rằm, khi gia đình tản cư ở Cần Giờ.

Lúc gia đình ở Nha Trang, ông đặt tên một người con là Mai Thị Huyền Trang. Khi gia đình sống ở Phan Thiết, Bình Thuận, ông đặt tên một người con tên Thuận.(Ông Mai Xuân Phú)

Bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Tại buổi tiếp nhận tư liệu của gia đình ông Mai Xuân Tập, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã thay mặt nhà nước Việt Nam lúc đó, thực thi chủ quyền trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Việc cấp giấy khai sinh cho công dân sinh trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ là một trong nhiều hoạt động quản lý hành chính của một Nhà nước có chủ quyền thực hiện tại quần đảo này.

Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định tài liệu này là bằng chứng khẳng định rõ các hoạt động quản lý hành chính, dân sự mà chính quyền Pháp ở Đông Dương đã triển khai ở quần đảo Hoàng Sa từ những năm 30 của thế kỷ 20, qua đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. 

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao mong rằng sẽ tiếp tục nhận được các thông tin của người dân trong và ngoài nước cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cùng các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


1 comment:

  1. Chắc hẳn đây là những dòng tâm sự, những bài phỏng vấn giả mạo, bịa đặt. Những tên vô công dồi nghề đang cố tình gây nhiễu, phá hoại quốc gia. Chúng đang giả nhân giả nghĩa lợi dụng việc bảo vệ chủ quyền của đất nước để tôn vinh bọn Cộng hòa.
    Thêm nữa, Hoàng sa là của Việt Nam, chưa bao giờ Việt Nam để mất Hoàng Sa.

    ReplyDelete

View My Stats