Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2014-01-10
2014-01-10
Ai
là người đứng sau?
Cuộc đấu của các nhóm lợi ích kinh tế chính trị ở
Việt Nam được cho là đã mở màn với lời khai của tử tội Dương Chí Dũng, dẫn tới
quyết định khởi tố một vụ án mới “cố ý làm lộ bí mật công tác”. Dư luận đặt ra
nhiều câu hỏi về những nhân vật cao cấp đứng phía sau Thứ trưởng Công an Phạm
Quý Ngọ, người bị tố giác là đã báo tin để ông Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Trả lời Nam Nguyên, TS Phạm Chí Dũng một nhà
nghiên cứu độc lập ở TP.HCM nhận định rằng, mọi việc đã không diễn ra một cách
ngẫu nhiên:
“Khi kết thúc vụ xử Dương Tự Trọng và kết thúc quá
trình làm nhân chứng của Dương Chí Dũng hội đồng xét xử tòa án đồng thời ra
quyết định khởi tố luôn vụ án làm lộ bí mật công tác nhà nước. Có nghĩa là tất
cả mọi thứ dường như đã được chuẩn bị sẵn rồi và chỉ chờ Dương Chí Dũng khai
ra, chỉ chờ Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị là hội đồng xét xử quyết định khởi
tố luôn. Tôi nghĩ Ban Nội chính Trung ương có vai trò đặc biệt quan trọng trong
quá trình vụ xét xử này và kể cả vấn đề cá nhân vai trò của ông Nguyễn Bá
Thanh. Nhân vật này có thể nói ‘hốt hết bắt hết’ ở đâu đó và không đi tới đâu
cả, nhưng việc này tôi có cảm giác là sau chuyến đi Bắc Kinh về thì dường như
ông có quyết tâm hơn; dường như vụ án xử Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng ở Việt
Nam có hình bóng nào đó liên quan tới hệ trục Bạc Hy Lai - Dương Lập Quân ở
Trung Quốc năm 2012-2013.”
Theo cách so sánh của TS Phạm Chí Dũng có thể hiểu
rằng Trung Quốc kết án Bạc Hy Lai là để loại bỏ không chỉ một mình nhân vật này
và việc này có khả năng tương tự ở Việt Nam.
TS
Phạm Chí Dũng nhắc tới một luồng dư luận ở Việt Nam mà ông cho là
không thể bỏ qua và theo ông mọi việc có thể sáng tỏ sau thời gian từ 4 tới 5
tháng nữa:
“Người ta đặt vấn đề sau ông Phạm Quý Ngọ là ai nữa,
ông Phạm Quý Ngọ là cấp thượng tướng, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an nhưng
cũng chỉ là hàng Ủy viên Trung ương Đảng. Như vậy trên ủy viên Trung ương Đảng
là cái gì và là ai. Người ta đang đặt ra câu hỏi này.”
Tử tội Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng
Hải đã xuất hiện tại Tòa án Hà Nội ngày 7/1/2014, khi ông được triệu tập với tư
cách nhân chứng trong phiên xử em trai ông là nguyên Phó Giám đốc Công an Hải
Phòng Đại tá Dương Tự Trọng. Ông Trọng bị kết án 18 năm tù vì đã tổ chức cho
anh mình trốn đi nước ngoài khá lòng vòng nhưng sau cùng vẫn bị bắt.
Theo VnExpress, Tuổi Trẻ Online, ông Dương Chí Dũng
đã làm “nóng” phiên tòa khi nói rằng, giờ là lúc nói sự thật vì đã bị tuyên án
tử hình và cho biết đã hối lộ Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ ba lần tổng cộng
1.510.000 USD để nhờ giúp đỡ, vì ông Ngọ là trưởng ban chuyên án điều tra các
sai phạm tại Vinalines. Theo Dương Chí Dũng, tướng Ngọ dặn dò đương sự phải mua
“sim rác” để hai bên liên lạc điện thoại mà không để lại dấu vết. Đến ngày
17/5/2012, ông Dương Chí Dũng nhận được điện thoại của Tướng Phạm Quý Ngọ
khuyên đương sự tránh mặt một thời gian vì quyết định khởi tố bắt tạm giam đã
được phê chuẩn.
Thứ trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ được cho là đang
lâm trọng bệnh nhưng đã phủ nhận mọi cáo giác khi trả lời VnExpress vào tối
7/1/2014. Tướng Ngọ nhấn mạnh đến việc phải trưng ra được bằng chứng thì mới có
thể cáo buộc ông nhận hối lộ cũng như báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Chưa
khởi tố bị can?
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, LS Trần Quốc
Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định:
“Đây mới là khởi tố vụ án chứ chưa phải khởi tố bị
can, cho nên việc này là qua lời khai đó cho thấy dấu hiệu chứng minh rằng có
việc lộ bí mật công tác rõ ràng, còn ai làm lộ ra thì Dương Chí Dũng cho là ông
Phạm Quý Ngọ. Nhưng mà phải điều tra rồi lúc đó mới kết luận có khởi tố bị can
đối với ông Phạm Quý Ngọ hay không. Đó là câu chuyện bước tiếp theo.”
Nhận định về bước tiếp theo đó, LS Trần Quốc Thuận
cho rằng việc điều tra một thượng tướng công an có kinh nghiệm dày dạn trong
công tác điều tra dĩ nhiên là một công việc hết sức khó khăn. LS Trần Quốc
Thuận nhấn mạnh:
“Trong công
cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam tôi theo dõi và nhận xét thấy có dấu hiệu có
hiện tượng gọi là mèo vờn chuột…trong việc đó có thể có nhóm này theo dõi nhóm
kia trong cuộc điều tra này. Biết đâu người theo dõi đó đã thu hết cuộc nói
chuyện của ông Phạm Quý Ngọ rồi và bây giờ họ mới lộ ra để cho thành một vụ án.
Tôi nhớ vụ án trước đây vụ án T4, bà xã tôi cũng là
một đối tượng bị nhóm T4 theo dõi để bắt cóc thủ tiêu.Trong vụ việc tôi
biết là có những lực lượng theo dõi lẫn nhau, có một số thành phần thoái hóa
biến chất trong Tổng Cục 2 kể cả lực lượng an ninh, đã có sự theo dõi lẫn nhau.
Nhờ vậy sự việc đã không xảy ra được.Trong việc đấu tranh chống tham nhũng đây
là một thí dụ cụ thể.”
TS
Phạm Chí Dũng trình bày ý kiến của ông về việc truy tìm chứng cớ
liên quan đến lời khai của ông Dương Chí Dũng đối với Thượng tướng Phạm Quý
Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an:
“Rất khó có thể chứng minh được chuyện này vì họ
dùng sim rác liên lạc điện thoại với nhau, chẳng khác gì mò kim đáy bể. Nếu cần
phải có bằng chứng thì ít nhất phải có vài bước đối với đối tượng tình nghi là
tạm đình chỉ công tác, tạm dừng sinh hoạt Đảng để phục vụ công tác điều tra.
Điều tra không phải chỉ nhắm vào sự kiện 500.000 USD hoặc 1.500.000 USD mà điều
tra về nguồn gốc tài sản, xác định tính minh bạch hay bất minh của nguồn gốc
tài sản của đối tượng đó, thì sẽ cho ra rất nhiều vấn đề.”
Các nhà quan sát cho rằng lợi ích nhóm đã thể hiện
quá rõ qua vụ Dương Chí Dũng và lời khai của tử tội về sự dính líu của Thứ
trưởng Công an Phạm Quý Ngọ. LS Trần Quốc Thuận một đảng viên kỳ cựu
từng 14 năm ở cương vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định:
“Thuật ngữ nhóm lợi ích ngày càng lộ rõ, bây giờ
những nhóm lợi ích đã lớn lên thành tội phạm mafia, nghĩa là gắn kết giữa các
nhóm tội phạm, nhóm lợi ích kinh tế và những người có chức có quyền. Đây là
biểu hiện rất xấu của chế độ hiện nay. Tôi nghĩ rằng nếu không bóc tách được
cái này đến nơi đến chốn, thì dù đây chỉ là một lời khai một dấu hiệu, nhưng
cho thấy sự không bình thường trong tổ chức bộ máy. Cho nên trong kỳ góp ý sửa
đổi Hiến pháp vừa qua cũng như kết luận của Hội nghị Trung ương 8 về Hiến pháp
thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp mới và chế độ này chưa có một cơ
chế để kiểm soát quyền lực. Đó là một điều rất đáng tiếc mà nếu có cơ chế kiểm
soát quyền lực thì tất cả vấn đề như vậy sẽ được hạn chế đi rất nhiều.”
Theo Dân Trí Online bản tin trên mạng ngày 9/1/2014,
ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội về Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu
niên và nhi đồng nói rằng, trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất
thành lập cơ quan điều tra độc lập về vụ án mới “Làm lộ bí mật công tác”. Theo
pháp luật hiện hành thẩm quyền điều tra vụ án được khởi tố tùy thuộc nhiều cơ
quan điều tra khác nhau của ngành Công an và của Viện Kiểm sát các cấp. Việc
quyết định cơ quan nào chủ trì sẽ phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Lời khai của ông Dương Chí Dũng trước tòa về vai trò
của Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ liệu có mở ra một khả năng cho tử tội được
miễn tội chết hay không. Dư luận chưa quên về vụ trùm ma túy Xiêng Phênh đã
thoát án tử trước giờ hành hình vì lời khai đặc biệt quan trọng của y. Nhưng
một số nhà quan sát cho rằng, việc tố giác Thượng tướng Phạm Quý Ngọ mới chỉ là
mở ra một cánh cửa quyền lực đầu tiên, sau khung cửa hẹp này còn nhiều cánh cửa
quyền lực khác lớn hơn nhiều.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment