Posted by diendanxahoidansu on 11/01/2014
Đôi lời: Hai vị luật sư,
hai cách nhìn khác nhau về vụ Dương Chí Dũng khai ra tướng Ngọ. Với bài
thứ hai, một nhà báo, từng là Hội thẩm nhân dân đã nhận xét:
“Dốt về luật mà lại đi dạy đời
về luật! Trước luật pháp, mọi người đều bình đẳng. Nguyên tắc xét xử là công
khai, trừ một số trường hợp, nhưng không phải trường hợp này. Thế mà Thanh niên
vẫn đăng”.
Riêng về “tín hiệu đáng mừng”
nói đến ở bài đầu, xin được góp thêm ý kiến để những người có trách nhiệm trong
ĐCSVN có thêm hành động giúp công luận “mừng” hơn.
Chuyện là mấy hôm nay, sau khi
bùng nổ lời khai của Dương Chí Dũng về tướng Ngọ, bắt đầu râm ran nhiều tin
đồn. Một trong các tin đồn đó là việc Bộ chính trị họp quyết định xử lý vụ
tướng Ngọ (mà
một bài viết trên mạng hé lộ). Đồn rằng sau khi nghe báo cáo, tranh cãi,
đến khâu biểu quyết thì chỉ có 4 vị đề nghị “khoanh” vụ việc trong phạm vi hẹp,
không để lan tới cấp cao như tướng Ngọ, còn đa số kia thì nhất trí “không có
vùng cấm”. Nghe đến tên 4 vị thì không ngạc nhiên chút nào, nhưng xin chưa đưa
ra lúc này, vì dù sao cũng mới chỉ là tin đồn.
Qua đây, thiết nghĩ các cấp
trách nhiệm trong đảng nên minh bạch hóa (như “Thông điệp đầu năm” của TT
Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi), để toàn bộ đảng viên, nhân dân biết là trong ban lãnh
đạo đảng nhất trí cao độ, không thể có chuyện ai đó muốn bao che như tin đồn
kia. Có như vậy thì cuộc chiến với tham nhũng mới thêm phần thuận lợi.
BT
—
09/01/2014 01:23 (GMT + 7)
Tín hiệu đáng mừng
TT – Tin hội đồng xét xử sơ
thẩm vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài (với bị cáo Dương Tự Trọng
– em Dương Chí Dũng – và các đồng phạm) quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý
làm lộ bí mật nhà nước khiến nhiều người quan tâm bất ngờ, lâng lâng.
Bất ngờ trước hết vì việc hội
đồng xét xử áp dụng điều 13, điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự để trực tiếp khởi
tố vụ án hình sự tại tòa là một điều hiếm thấy.
Thật vậy, Bộ luật tố tụng hình
sự quy định nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc
người phạm tội mới cần phải điều tra thì hội đồng xét xử có quyền ra quyết định
khởi tố hoặc yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực
tiễn xét xử hầu như rất ít khi quyền này được áp dụng. Thường thì hội đồng xét
xử sẽ yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hoặc đề nghị cơ quan điều tra xem
xét, khởi tố.
Như vậy, điều thú vị nữa trong
phiên tòa này là hội đồng xét xử không “đá” trách nhiệm sang viện kiểm sát cho
dù luật cho phép mà tự mình trực tiếp khởi tố, tự mình chịu trách nhiệm về
quyết định đó!
Nhưng bất ngờ hơn cả là việc
khởi tố vụ án trên nhằm điều tra hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trong đó
liên quan đến một thứ trưởng Bộ Công an. Thời gian gần đây, ít ai có thể tưởng
tượng nổi một quan chức vai vế như vậy lại có thể trở thành đối tượng bị điều
tra trong nay mai.
Quyết định của hội đồng xét xử
phải chăng đang phát đi một tín hiệu mạnh mẽ của Đảng rằng không một thế lực
nào có thể đứng trên pháp luật, rằng phải bắt cho bằng được những “con sâu”
tham nhũng bự? Đây quả thật là một tín hiệu đáng mừng.
Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI
——-
10/01/2014 13:30
Cẩn trọng với những lời khai quá chấn động
trước tòa
Trong hoàn cảnh công cuộc chống
tham nhũng dường như không đem lại mấy kết quả, thì những lời khai như của
Dương Chí Dũng trước tòa về thượng tướng Phạm Quý Ngọ vừa qua khiến công chúng
thỏa mãn, báo chí tha hồ khai thác thông tin.
Tại phiên tòa xét xử vụ án tổ
chức đưa người ra nước ngoài trái phép, trong tư cách nhân chứng, Dương Chí
Dũng đã có những lời khai gây chấn động dư luận – Trong ảnh là bị cáo Dương Chí
Dũng tại phiên tòa xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines.
Tuy nhiên đấy chỉ là lời khai
một phía của một tử tội lúc không còn gì để mất. Chúng ta trong niềm khoan
khoái được nghe những lời khai chấn động, tưởng như tội phạm đang sờ sờ trước
mắt chúng ta. Tuy nhiên không phải lời khai nào cũng là sự thật. Chúng ta từng
chứng kiến một vụ oan khiên đối với trung tướng Cao Ngọc Oánh trong một vụ án
tương tự. Ông bị nghi ngờ dính vào đường dây chạy án vụ PMU 18 ngay trước thềm
Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc phải xin rút lui khỏi danh sách đại biểu
dự đại hội và về sau chịu rất nhiều thiệt thòi khác.
Tôi cho rằng với những lời khai
kiểu này, việc công khai trước tòa là điều không nên. Trong trường hợp này, tòa
phải lấy lời khai kín, phòng khi lời khai không có cơ sở thì không thiệt hại
đến danh dự công dân, danh dự cán bộ cao cấp. Thượng tướng Phạm Quý Ngọ tuy là
đối tượng bị tố cáo, nhưng là một cán bộ cao cấp, ông đáng được hưởng quyền
khai trong phòng kín. Ngay cả không phải là một vị tướng mà là một công dân
bình thường, cũng cần có cơ chế tố cáo trong phòng kín để bảo đảm công dân
không bị mang tiếng. Cải cách tư pháp chính là những việc như thế này. Bất kỳ
ai khi chưa có căn cứ xác định là đã phạm tội một cách chắc chắn, thì cần được
bảo vệ danh dự một cách tốt nhất có thể.
Việc tòa án khởi tố vụ án cũng
là điều cần bàn. Tuy rằng tòa có quyền này nhưng cũng cần cân nhắc. Tôi không
biết tòa án nắm trong tay những dấu hiệu tội phạm đến đâu để ra quyết định khởi
tố vụ án. Nếu có dấu hiệu rõ ràng thì quá tốt, bởi đây là một hành động quyết
liệt chống tham nhũng, nhưng nếu chỉ đơn thuần dựa vào lời khai của Dương Chí
Dũng mà đã khởi tố vụ án là hơi vội. Cẩn trọng nhất vẫn là yêu cầu cơ quan điều
tra làm rõ tiếp những dấu hiệu tội phạm rồi tùy theo chức năng nhiệm vụ của
mình, các cơ quan hữu quan sẽ khởi tố vụ án cũng chưa muộn.
Chúng ta chống tham nhũng nhưng
chúng ta cũng cần đối xử bình đẳng trước pháp luật với bất kỳ ai. Không vì “lên
dây cót phong trào” mà làm vội vàng, khiến công lý bị mang tiếng.
Trần Đình Thu (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong
và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo sống tại Việt Nam
No comments:
Post a Comment