Inrasara
Posted by basamnews on January
26th, 2014
* Bất an ở Thái An – Dự án
Nhà máy ĐHN Ninh Thuận II.
[Nhật kí “Cham trong lò hạt
nhân”(*)]
Hãy yêu, hãy yêu như ta chưa từng
những đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
sống một đời ôm mang đất – phù du
Inrasara, Trường ca Quê hương, 1996.
Thời 1.
Sáng ngày 26-4-1986 giờ địa phương, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ. Sau đó là
hàng loạt các vụ nổ khác, dẫn đến hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng. Và
rồi là các thống kê về những thiệt hại cùng cảnh báo về hiểm họa lâu dài…
Qua đài BBC, VOA, một ít
người Cham có nghe sự cố này. Nhưng họ bàng quan. Như thể chuyện xảy ra ở thế
giới nào đó, không can hệ gì đến mình. Chúng tôi háo hức chờ đợi cái chân trái
ma thuật của Maradona ở kì World Cup sắp tới, hơn là sinh mệnh bộ phận nhân
loại nào đó đang chịu thảm họa hạt nhân, thứ thảm họa nghe nói – không màu
không mùi không vị, và còn xa diệu vợi.
Ngày 25-11-2009, vnexpress.net
đưa tin:
“Theo nghị quyết được 77% đại biểu thông qua, dự
án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã
Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên
vận hành vào năm 2020.”
Bà con Cham vẫn lơ mơ, nghĩ đó
là chuyện làng nước, hơi đâu mình quan tâm cho nhọc lòng. Lòng dân thế này, ý
nghị quyết thế kia. Lòng dân vốn rộng lượng bao dung, thì có chiều ý nghị quyết
tí, chả sao cả.
Ngày 11-3-2011: Động
đất và sóng thần kéo theo hàng loạt sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở
Fukushima, dẫn đến thảm họa kép, tại Nhật Bản. Gần, không thể gần hơn.
Chiều tối, ông doanh nhân Nhật
quê vùng phụ cận nhà máy ĐHN kia đang phát quà cho phụ nữ Cham palei
Cakleng tôi, nghe tin, ngưng phát biểu, nhướng mày lên, rồi tiếp tục. Ngay sáng
hôm sau, ông lên xe quày trở lại Sài Gòn.
Bà con, anh chị em Cham nhìn
nhau. Rồi liên tục, khi chứng kiến trên tivi, đàn đàn xe hơi trôi, nhà trôi,
làng mạc và thành phố trôi cuốn cả vạn sinh phận người trôi, mỗi ngày, Cham mới
ngơ ngác hỏi nhau: làm sao đây? Làm thế nào đây?
Tôi mới giật mình nhớ lại hơn
hai năm trước.
Tháng 11-2009, giỗ mẹ.
Tối, tôi đón xe đò về quê. Đến nhà thì trời vừa sáng. Em gái nói, có anh tiến
sĩ từ Hà Nội bay vào Phan Rang từ hôm qua, đang chờ. Chờ tôi. Xế chiều, em gái
trải chiếu xe cho hơn hai mươi anh em bằng hữu tôi từ các làng đến giỗ mẹ,
ngồi. Ngồi nghe vị tiến sĩ thuyết về dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Để xin được
lắng nghe ý kiến sơ khởi của trí thức Cham. Anh thuyết về thế hệ lò hạt nhân tiên
tiến nhất, về ưu tiên cho an sinh, nhất là lợi ích điện hạt nhân mang đến cho
cộng đồng. Thôi thì đủ cả.
Đây không là hội nghị hay cuộc
họp chi chi, mà là nhà tôi. Các bạn, các bác hỏi bất cứ gì thấy thích… –
Tôi nói.
Thế xin hỏi Cham tui có phải bị
di dời đi đâu không?
Bà con nghe nói nó hay xì, cứ
nơm nớp lo sợ, cậu nó có gì làm bảo đảm không?
Tiến sĩ nói an toàn, tôi thấy
chả an tâm tí nào cả!
Sao không xây ở nơi nào khác mà
cứ nhè đất Cham mà làm?
Tôi chẳng biết nhiều nên xin
miễn ý kiến, đời người có số má cả, có lẽ phải vào sống nhờ Đồng Nai với con
gái thôi.
Nếu có sự cố rò rỉ, cả khu vực
này nhiễm xạ hết, hỏi người Cham làm Katê ở đâu?
Nếu Cham chúng tôi quyết không
đồng ý, các anh tính làm gì nào?
Vâng, tiến sĩ nói có lợi thì
đúng lắm, nhưng tiến sĩ nói với trên xem lại có thể xin dời lò hạt nhân qua đâu
cho bà con Cham yên tâm không?…
Thôi thì đủ giọng đủ kiểu hỏi.
Kiểu chi kiểu, mọi câu hỏi đều đổ dồn về một mối: làm gì bây giờ? Bà con Cham
dù lòng chả lấy gì làm tin, cũng ngóng về vị đại biểu mà mình từng cất lá phiếu
bầu…
Ngày 29-3-2011, vneconomy.vn
đưa tin:
“Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương phản ánh, hiện nay
nhiều cử tri đang rất lo lắng, tâm tư về tình hình tiến độ của dự án nhà máy
điện hạt nhân.
“Nhưng mà thực lòng, tôi chưa nắm bắt được thông
tin cụ thể để mà giải thích cho nhân dân”, bà Hương nói. Bởi vậy, vị đại biểu là người Ninh
Thuận này mong muốn qua truyền hình trực tiếp, chủ tọa phiên họp tạo điều kiện
cho cử tri nghe một cách chính thống về lời phát biểu của Chính phủ về công trình
nhà máy điện hạt nhân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới. “Tôi
thiết nghĩ, nếu thực sự tốt thì ta cứ công khai, để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ
trong nhân dân. Có sự thống nhất quyết tâm cao thì chúng ta sẽ có sức mạnh vững
chắc, và sẽ làm thành công”.
Hứng lên, “mong muốn” là vậy,
nhưng rồi sau đó và cả bây giờ hay trước nữa, không thấy bà đại biểu đi vào các
palei Cham, phát biểu đâu đó cụ thể hơn lại càng không. Đại biểu Cham đã
xa lạ càng xa lạ hơn với cộng đồng Cham nhỏ bé.
* Vĩnh Trường – Dự án
Nhà máy ĐHN Ninh Thuận I: Hoãn!.
Thời 2.
Ngày 9-3-2012, chuẩn
bị cho kỉ niệm một năm thảm họa hạt nhân Fukushima, tôi thử đo lòng người, bằng
trích đăng những lời cảnh báo của các chuyên gia và trí thức trong và ngoài
nước về hiểm họa hạt nhân trên trang nhà Inrasara.com. Nhà văn Nguyên
Ngọc, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, giáo sư Phạm Duy Hiển – nguyên
Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt…
“Hiện chưa làm gì hết,
năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký
kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút
lui và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi
tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy” (Nguyễn Khắc Nhẫn).
Tối 10-3-2012, BBC
phát bài trả lời phỏng vấn: “Bất an về điện hạt nhân lan rộng”. Bài post lên Inrasara.com,
12-3-2012 đã tạo phản ứng dây chuyền. Cư dân mạng Cham hốt hoảng dự cảm một thứ
thảm họa xa lạ sắp xảy đến với mình, thế là lao vào còm. Đến người phụ trách
trang mạng không kịp điều tiết, không kịp trả lời thư, không kịp giải thích tại
sao một số ‘phản hồi’ bị cắt… Tình thế đẩy tôi vào triệt buộc phải lí giải.
Ngày 15-3-2012,
“Inrasara đối thoại với độc giả xung quanh dự án Nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh
Thuận” đăng Inrasara.com và mạng Tienve.org (Úc) cùng ngày.
Qua “phản hồi”, tôi hiểu các
bạn trẻ Cham đang mất phương hướng. Các câu hỏi dồn đến tới tấp. “Đối thoại”
làm thao tác cần thiết để hệ thống lại các câu lại thành 6 đề mục, khởi động
cho Cuộc thảo luận về dự án ĐHN kì 1, với tiêu đề “Người Cham nghĩ gì về
ĐHN?”.
“Người Cham Ninh Thuận cư trú ở
mảnh đất này trên 2.000 năm, với một nửa dân số trên toàn đất nước Việt Nam,
hơn nữa đây còn là nơi hội tụ hơn trăm điểm tôn giáo – tín ngưỡng đang được thờ
phụng. Khi có họa hạt nhân, 30km bán kính bao gồm cả 3 cụm tháp thiêng sẽ thuộc
vùng cấm. Không ai dám lai vãng, tháp sẽ thành tháp hoang, và Kut, Ghur
cũng sẽ thành hoang!… Điều cần nhấn mạnh là cộng đồng Cham, mỗi sáng thức dậy
nhìn thấy Nhà máy ĐHN đang chạy, lo lắng cho tương lai bấp bênh – hỏi làm sao
họ có thể an cư lạc nghiệp”.
Thời 3.
Ngày 18-3-2012, Trà
Vigia viết “Cham trong lò hạt nhân” đăng Inrasara.com, một phản ứng “cực
chẳng đã” của nhà văn nông dân này. Cay đắng, trào lộng và bất lực. Tùy bút của
Trà lên trang nhất AnhBaSam đã tạo hiệu ứng đặc biệt. Nó lôi kéo bạn trẻ
Cham vào cuộc. Palei Krong với bài “Ba tiếng kêu cứu của 3 con thú bị thương”,
ngay sau đó là Chay Dalim: “Suy nghĩ về ý nghĩa của từ trí thức & vai trò
trí thức”, rồi Paka Jatrang đặt vấn đề “Trí thức Cham và sự phản biện xã hội”, Inrasara.com,
22-3-2012.
Bà con lần nữa gắng gượng ngóng
tiếng nói từ Đại biểu Quốc hội của mình – vắng ngắt! Chán giận, thất vọng đẩy
“phản hồi” cuộc thảo luận sa đà, khiến tôi cấp kì nêu “Vài lưu ý chân tình của
Inrasara”.
Ngày 30-3-2012, Boxit.vn
đăng khảo luận của Inrasara “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh
và bất an” như một cách đặt nền tảng cho các cuộc trao đổi, thảo luận. Sau một
“Sơ kết phản ứng của đồng bào Cham về Dự án Nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận”, tôi thử
ướm:
“… việc trưng cầu dân ý cần được nêu ra trước
nhất. Nhưng làm sao kết quả của trưng cầu dân ý khả tín nhất? Thứ nhất, cơ quan
hữu quan cần cung cấp đầy đủ thông tin về dự án tới đồng bào; thứ hai, cho bà
con hiểu rõ về ý thức dân chủ, về quyền tự quyết của một công dân trách nhiệm;
cuối cùng là tạo không khí cởi mở để người Cham và dân Ninh Thuận có thể thể
hiện chính kiến của mình mà không vướng một trở ngại nào bất kì.”
Thiện ý ngay tức thời được đón
nhận hứng khởi, bên cạnh là một cảnh giác bất an. Trưa 30-3-2012, tôi nhận
email của một “Độc giả thơ Inrasara” gửi. Thư: – Cảm phục Inrasara vì dám nói
thẳng quan điểm của mình về ĐHN Ninh Thuận. – Diễn đàn bị vài người lợi dụng để
phát ngôn tùy tiện, nói xấu những người có trách nhiệm. – và… Inrasara cần cân
nhắc khi tiếp tục bàn về vấn đề này, vì nó đã được Quốc hội thông qua.
Tôi đã có thư trả lời cho “độc
giả” yêu thơ Inrasara ấy. Thư dài [dòng] nhưng câu kết thì ngắn: “Bạn tin tôi
đi, Inrasara có đủ khả năng và bản lĩnh để điều tiết website của mình”.
Ngày 19-4-2012, thi sĩ
trẻ Đồng Chuông Tử viết “Điện hạt nhân và giấc mơ Phù Đổng” đăng trên BBC
báo động theo cách khác nữa.
Ngày 14-5-2012, Kháng
thư về ĐHN của ba nhà trí thức: Nguyễn Thế Hùng – Nguyễn Xuân Diện – Nguyễn
Hùng lên mạng Boxit.vn, là cái phao đầu tiên ném ra giữa trùng khơi bão
tố. Người Cham sau vài hoảng loạn hay chần chừ, đã nhập cuộc bình tĩnh hơn.
Quần chúng Cham chìm ngập trong
mưu sinh qua ngày, sinh viên thì bồng bột nóng vội là thế, còn trí thức Cham?
Họ đi đâu hết rồi?
Ngày 28-5-2012, trả
lời bạn đọc xung quanh dự án ĐHN, với tiêu đề “Trí thức Chăm và Điện Hạt nhân”
đăng Inrasara.com, tôi nhắm đến đối tượng này, để khởi xướng cho Cuộc
thảo luận về dự án ĐHN kì 2.
Trà Vigia viết tùy bút “Tôi kí
tên” đăng Inrasara.com, ngày 16-6-2012, lí giải nguyên do xa và gần anh
đặt bút kí vào Kháng thư, dù bản thân là kẻ có “văn hóa sợ”.
Tiếp đến, ngày 5-6-2012, độc
giả Lưu Văn có bài so sánh thú vị đầy đau đớn: “Con dân Ninh Thuận & 2 con
số” đăng trên Inrasara.com:
“Do trang website Inrasara.com có thông báo ngưng thảo luận về ĐHN kì hai từ mấy
ngày trước, cho nên tôi không bàn trực tiếp về ĐHN, mà bàn về ý nghĩa 2 con số.
20 ngày chẳn tính từ ngày 14-5 đến cuối ngày 4-6-2012, từ khi bức Kháng thư về ĐHN kêu gọi chữ ký được
gửi đi các nơi. Trong số 621 người ký vào Kháng thư, cộng đồng cư dân tỉnh Ninh Thuận và bà con Chăm có
được 68 chữ ký/ 69.000 người; trong khi người Kinh Ninh Thuận chỉ vỏn vẹn 6 chữ
kí/ 574.000 người”.
Đọc con số đối sánh, mà hẫng.
Trong lúc những sinh phận vô danh Cham ý thức được sinh phận mình, ý thức thể
hiện qua hơn trăm còm sĩ tham gia thảo luận, sau đó là 68 chữ kí bày tỏ chính kiến,
thì hầu như không có trí thức khoa bảng hay cán bộ “cao cấp” Cham nào nhúc
nhích. Và trong khi bà con Cham cảm nghe bất an lan rộng thì hầu như người dân
tộc anh em của họ – đồng bào Kinh Ninh Thuận như không hay không biết chuyện gì
đang xảy ra, sắp xảy ra.
Người Cham có sợ không? – Chắc chắn là có. Vậy tại sao họ dám kí? Người
Kinh có sợ không? – Cũng có. Nhưng tại sao?… Người Việt nói: “Đất lành thì
ở, đất lở thì đi”. Người Cham không hẳn đã vậy. Dù mảnh đất kia có lở tới đâu,
họ vẫn ở lại. Vì họ biết, đó là miền đất cuối cùng ông bà họ để lại.
Giữa tháng 6-2012, đại
diện cơ quan an ninh mời tôi cà phê (rất văn minh lịch thiệp, chứ không thô
nhám như thái độ mời cà phê liên quan đến HS-TS), nhắc khéo tôi nên kết thúc
thảo luận. Tôi nói, không phiền trên đâu, tôi đã đóng cửa “phản hồi” cả tuần
nay rồi. Ba điểm chính: Một nửa con dân Cham ở Việt Nam sống đất Ninh Thuận, là
vùng bị ảnh hưởng – Ông bà họ có mặt ở đó từ trên 2.000 năm – Cùng hơn trăm
điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng. Tôi cần thiết cho người đồng tộc
mình biết điều đó, cho nhà hoạch định chính sách Việt Nam hiểu điều đó, và cho
cả thế giới nhận ra điều thật đó. Qua hai cuộc thảo luận, tôi đã biết bà con
tôi cảm nhận thế nào, biết giới có học Cham phản ứng [và không phản ứng] ra sao
rồi. Cuối cùng qua ‘so sánh’ hai con số, tôi cũng đã biết người Kinh ở Ninh
Thuận thân mến của tôi nghĩ thế nào rồi. Tôi không còn có gì để biết nữa. Sống,
và … chờ.
Cuối tháng 6-2012, Tienve.org
đăng bài nhà thơ Liêu Thái phỏng vấn tôi với tiêu đề: “Một cách khiêm tốn
để níu người Chăm ở lại với đất”. Đó là Nhà trưng bày Văn hóa Cham Inrahani
tôi dựng lên ở quê nhà, với hi vọng mong manh mình sẽ trở lại sống nơi đó, trở
về với bà con Cham còn trụ lại đó. Ngày mai.
Thời 4.
Khía cạnh khác, tháng 4-2012,
trong 14 ngày liên tục, tôi viết xong Tcherfunith tại trại Sáng tác Tuy
Hòa do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Báo Thể thao & Văn hóa,
ngày 4-6-2012 đưa tin:
“Inrasara vừa hoàn thành tiểu thuyết ‘hạt nhân’”:
“Với cái tên rất khó nhớ, tiểu thuyết Tcherfunith của Inrasara là một chữ viết tắt kết từ
Tchernobyl + Fukushima + Ninh Thuận. Là nhà nghiên cứu, nhà thơ bỏ nhiều tâm
huyết với văn hóa – văn minh Chăm, tiểu thuyết này được khởi viết từ khi dự án
nhà máy điện hạt nhân rục rịch ở tỉnh Ninh Thuận”.
Ngày 11-6-2012, báo Sài
Gòn Tiếp thị (Hiền Hòa thực hiện) đăng bài trả lời phỏng vấn:
“Nhà thơ Inrasara bị điện hạt nhân làm ‘chấn
động’” với lời giới thiệu: “Sau khi thông tin về tiểu thuyết “hạt nhân” vừa
hoàn thành có tên Tcherfunith
của Inrasara được công bố thì trên mạng đã có rất nhiều đường dẫn với nhiều bàn
luận khác nhau. Để độc giả rõ hơn về tác phẩm được thai nghén một cách “gai
góc” này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ – nhà nghiên cứu Inrasara”.
Mùa Thu năm 2012, báo chí
thế giới liên tiếp phanh phui những tiêu cực của hai tập đoàn nguyên tử Rosatom
và TEPCO. Như thể một tiếng chuông cảnh báo mới về hiểm họa hạt nhân. Thi sĩ
nông dân Chay Mala có bài thơ phúng điếu: “Lời ru buồn cho điện hột nhưn” (Thơ
viết nhân nghe tin một Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Rosatom bị tạm giam vì tham
nhũng) đăng Inrasara.com, 24-11-2012.
Người dưng không vẫy mà về
Chưa trông đã nức, mới nghe đã tình
Ừ, thì như thể tiền duyên
Bà trời đã định thì mình ru nhau
Ngủ đi em giấc mộng đầu
Dăm dòng lục bát làm câu đãi đằng
Cho qua cái phận con tằm
Ngủ trăm năm ngủ ngàn năm, miệt mài
Ngủ đi em giấc mộng dài
Ngủ cho hết kiếp con người mới thôi
Ru nhau ta quyết ngủ vùi
Quàng tay nhau ngủ cho bùi cõi mơ
Ngủ đi em giấc mộng hờ
Rô-xa-tôm với Tép-cô tan hàng
Ru em sẵn tiếng thùy dương
Đôi bờ cát bãi Vĩnh Trường vi vu
Tình ta chưa thắm đã… dù
Thôi thì mượn mấy vần thơ bye bye.
Thời 5.
Nhân loại mau quên. Vài tháng
qua, thế giới đổ dồn con mắt về Syria, về Biển Đông, Ucraina… mà quên mất
Fukushima. Mới năm rưỡi, chứ lâu lắc gì đâu, vậy mà chúng ta như thể sắp lưu
kho thảm họa này vào quá khứ.
Ngày 5-10-2013, Mặc
Lâm – biên tập viên RFA phỏng vấn tôi xung quanh tác phẩm không được
phép xuất bản in này” “Tcherfunith – một tác phẩm xã hội mang tính hiện
thực”. Ở đây tôi tái khẳng định, dẫu thế nào, cộng đồng Cham vẫn cảm nghe nỗi
bất an, lo sợ.
Ngày 23-8-2013, khi Vietnamplus.vn
đưa tin:
“Ông Báo Văn Trò, người có uy tín trong đồng bào
Chăm ở huyện Thuận Nam cho biết: Qua thực tế xem Lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt
hoạt động, được chứng thực cuộc sống của người dân sinh sống gần nhà máy, tôi
cũng như mọi người trong đoàn thấy rất an tâm, không phải lo nghĩ về sự nguy
hiểm, về bức xạ, phóng xạ gây ảnh hưởng sức khỏe người dân trong tỉnh nói chung
và người dân vùng dự án nói riêng.
Rõ ràng, cuộc sống của người dân sinh sống gần
nhà máy không đảo lộn, vẫn diễn ra bình thường. Những vườn rau, vườn hoa vẫn
phát triển xanh tốt, tươi đẹp. Với thực tế đó, khi về địa phương, chúng tôi sẽ
kể lại những gì đã nghe và thấy rõ trước mắt để cho bà con cùng hiểu và an
tâm.”
[Bác Báo Văn Trò ơi! Có ai mớm
cho bác không, hay bác tự nghĩ ra mà nói. Phát ra những lời trên, bác có hiểu
chút ít gì về hạt nhân chưa? Nói, bác có nhìn sâu vào bụng mình không? Nói, bác
còn dám nhìn vào mắt bà con quanh bác mỗi ngày không? Rồi bác sẽ nhìn vào mắt
con, cháu bác ra sao? Bác thuộc bậc anh, chú của tôi; tôi chỉ xin mạo muội can
bác, làm ơn Ăn theo đường ngay, nói theo lẽ phúc Bbang tui tapak hwak tuy
haniim - như ông bà ta từng dạy thế, cho con cháu nhờ. Thug siam!].
Như cách khởi động cho phong
trào tuyên truyền “an toàn ĐHN” vào quần chúng, thì Đồng Chuông Tử phản ứng
ngay tức khắc bằng yêu cầu “Quốc hội cần ‘quyết lại’ điện hạt nhân” (BBC,
ngày 13-9-2013).
Thời 6.
Cuối cùng, khi ngày 14-1-2014 Boxit.vn.net đăng một clip video Youtube, ở đó ông Ngô Khắc Cần –
hội trưởng Hội Người Cao Tuổi tại địa phương dự án – sau chuyến đi Nhật tham
quan nhà máy ĐHN, đã bộc bạch:
“Trước đây người ta nói nhà máy
điện hạt nhân thì người dân cũng thấy lo sợ. Hồi đó đến giờ có biết “hạt nhân”
là gì! Nhưng sau khi các ông bên trên về giải thích thế này thế khác thì dân
cũng an tâm. Bởi vì nói “hạt nhân” chớ có nói về “nguyên tử” đâu mà sợ
chết!”
Ngay sau đó, trớ trêu thay, ngày 16-1-2014, báo Tuổi trẻ đưa tin
nóng: “Hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử tới năm 2020”:
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “nhà máy điện
nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công. Làm điện nguyên
tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.
Tin lành bay đến, bà con Chăm…
thở phào. Như thể họ vừa trút xuống khỏi đầu cái thúng sỏi đầy vun, suốt năm
năm qua. Thở phào, vì rằng họ hi vọng nỗi “hoãn” kia sẽ kéo dài bảy năm, mười
năm và hơn thế nữa [như chuyên gia điện hạt nhân Phạm Duy Hiển ước thế]… cho
tới khi các nhà bác học tìm ra một loại năng lượng sạch thay thế năng lượng hạt
nhân (như ý kiến của Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn), rằng nếu chưa, thì “không đạt
không làm”; và rằng Po Yang Cham sẽ không nỡ bỏ mặc cho con dân mình
bị xua đuổi lần nữa, lần cuối cùng trong định mệnh bi đát của họ.
Sài Gòn, 22-1-2014.
_______________
(*) “Chăm trong lò hạt nhân” là tên bài viết của Trà Vigia.
No comments:
Post a Comment