Thứ Hai, ngày 13 tháng 1 năm 2014
Bây giờ đang là tháng chạp ta, tháng có bao công
việc bộn bề của ‘năm hết Tết đến’ trong tập quán ta xưa nay.Vậy mà, cứ nói đến
hai chữ tháng chạp là lại nhớ đến cụm từ ‘Những người Tháng Chạp’, dù
cho những bài học liên quan đến cụm từ đó mà thày Đỗ Hồng Chung giảng cho chúng
tôi về giai đoạn lịch sử huy hoàng của văn học nước Nga thế kỉ 19 ấy,
cách nay đã lâu lắm. ‘Những ngườiTháng chạp’là ai? Đó là những trí thức, nhà
văn, nhà thơ hàng đầu của nước Nga(mà phần lớn xuất thân từ tầng lớp quý tộc
hoặc bản thân vốn là quan chức trong cung đình) thế kỉ 19, như Rưlêep,
Gribaedop, Puskin, Secnưxepxky, Lecmantop, Nhecraxop…Nhân dân Nga đương thời đã
gọi họ là lãnh tụ, là thày giáo, là người bảo vệ nhân dân vì họ đã đóng vai trò
hết sức quan trọng trong việc thức tỉnh nhân dân, thức tỉnh thời đại, lập ra
một diễn đàn công khai chống lại chế độ chuyên chế tàn bạo của các Sa hoàng. Họ
cũng là những người sẵn sàng tuẫn đạo, sẵn sàng hi sinh vì nhân dân, vì đất
nước. Tên tuổi họ gắn với một sự kiện chấn động nước Nga xảy ra vào ngày 14
tháng chạp năm 1925(theo lịch Nga) tại thủ đô của nước Nga thời đó là thành phố
Petecbua. Ngày hôm đó được xếp đặt để nhà độc tài Nikolai đệ nhất đăng quang
Hoàng đế (người tiền nhiệm của Nikolai là Alecxandr đệ nhất, cũng là một nhà
độc tài-mà trong thơ Puskin từng gọi là ‘nhà độc tài du đãng’) tại quảng trường
chính của thành phố. Một số đơn vị hải, lục quân gồm hơn 3000 người được điều
động đến để bảo vệ buổi lễ đăng quang và thay mặt quân đội tuyên thệ trung
thành với nhà vua. Khi mọi việc đã sẵn sàng: nhà vua, tổng giám mục, tổng đốc
thành phố đã ra lễ đài… thì, bỗng nhiên, toàn thể đội ngũ quân nhân đã hô vang:
“Từ chối tuyên thệ! Phản đối tuyên thệ! Yêu cầu hiến pháp! Yêu cầu dân chủ! Dân
chủ muôn năm”…Cùng lúc đó, nhân dân Pêtecbua gồm cả thợ thuyền, nông nô, dân
nghèo thành thị cũng hưởng ứng, ủng hộ binh lính và ào tới quảng trường. Bị tấn
công bất ngờ, Nga hoàng Nikolai đã phải điều kị binh đến chống đỡ, hai bên giao
tranh quyết liệt. Nga hoàng lại phải dùng các thủ đoạn vừa dụ dỗ vừa đe dọa
nhưng nhân dân và lực lượng khởi nghĩa vẫn không nao núng, vẫn tiếp tục chiến
đấu cho đến khi Nikolai cho pháo binh nã đạn vào đám đông, làm chết rất nhiều
người, bắt đi hầu hết các lãnh tụ của khởi nghĩa. Lịch sử gọi đó là cuộc khởi
nghĩa tháng chạp do các nhà trí thức Nga khởi xướng. Khởi nghĩa bị dập tắt,
tiếp theo là các lãnh tụ bị đàn áp khốc liệt (Rưlêep bị treo cổ, Gribaedop,
Puskin, Secnưxepxki…bị đày ải và sau đó còn bị ngầm sát hại) nhưng tinh thần
các nhà cách mạng Tháng chạp vẫn không nao núng,họ vẫn bền bỉ đấu tranh, các
thế hệ ‘Những người Tháng chạp’vẫn nối tiếp nhau lên tiếng, và họ đã đạt được một
mục tiêu: đó là vào năm 1861, Nga hoàng đã buộc phải tuyên bố bãi bỏ chế độ
nông nô(vào thời Nga hoàng Alecxandr đệ nhị). Không những thế, ‘Những người
Tháng chạp’ Nga còn sáng tạo ra một điều kì diệu khác: họ đã đóng góp rất nhiều
tác phẩm, khiến cho văn học Nga thế kỉ 19 có một tốc độ phát triển phi thường -
mà như một nhà văn lớn người Đức đã nói: Nếu trước thế kỉ 19, văn học Nga
còn khép nép “như một nữ sinh không thuộc bài”khi đứng trước văn học Phương
Tây(như văn học Anh, Pháp, Đức, Tây ban nha), thì đến thế kỉ 19, nền văn học đó
đã xuất hiện chững chạc “như một bà giáo”.(Các tác phẩm của Puskin, Lec man
top, Tônxtôi, Tuocghenhep, Gô gôn, Tsekhop... chẳng phải là đã được xếp vào
hàng kinh điển của văn học thế giới đó sao?).
Cách nay hơn 40 năm, người
viết bài này từng được thày giáo hướng dẫn viết những khóa luận và luận văn lấy
đề tài từ thơ và văn xuôi của Puskin. Puskin tuy không có mặt trực tiếp tham
gia cuộc Khởi nghĩa Tháng chạp ở Petecbua nhưng lịch sử đã ghi nhận chính ông
là một người mang tinh thần ‘Những người Tháng chạp’sâu đậm nhất. Nhiều năm
trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Tháng chạp, những bài thơ chống độc tài chuyên
chế của ông(dù không được xuất bản công khai, chỉ lưu truyền như kiểu ‘lề
trái’ngày nay trong dân gian) đã đủ khiến Nga hoàng AlecxandrI nổi cáu, rít
lên: “Những bài thơ của nó (Puskin) đang tràn ngập nước Nga. Tất cả bọn thanh
niên mất dạy đều đọc nó. Phải lập tức tống cổ nó đi Xibir!” Thực tế Nga
hoàng đã đày Puskin xuống miền Nam nước Nga nên ông mới không thể tham dự khởi
nghĩa; và chính nhà thơ cũng đã thẳng thắn xác nhận trước mặt Nikolai I rằng,
nếu ở Petecbua thì nhất định sẽ đứng trong hàng ngũ những người khởi nghĩa…
Trước kia, khi viết khóa luận và luận văn tốt nghiệp
về văn thơ Puskin, ngoài việc loay hoay trình bày những kiến giải về thủ pháp
nghệ thuật trong thơ văn, về những nhân vật điển hình mà ông đã xây dựng
được…tôi cũng ca ngợi tinh thần công dân trong thơ ông, cũng có
liên hệ đến ‘ tinh thần công dân’ của thế hệ mình, cho rằng mình nếu học
tập tinh thần ấy thì phải thể hiện tốt trong phong trào ‘thanh niên ba sẵn
sàng’, chấp nhận mọi sự phân công của Tổ chức, tự nguyện làm bánh xe,
đinh ốc trong bộ máy xã hội, để góp phần nhỏ bé vào công cuộc chống Mỹ cứu nước
và xây dựng CNXH v.v..
Mấy chục năm sau, cái thời mà mọi công dân nước Việt
đều say sưa ăn lý tưởng, uống tương lai, sài hi vọng
đã từ từ lặng lẽ trôi xa. Đến nay, công dân VN này cũng đã từng trải, đã tự
mình suy ngẫm, đã nhìn cuộc sống xã hội nhiều chiều hơn…Giờ đây, đọc lại
Puskin, thấy không những chỉ có tình cảm tôn trọng, khâm phục về văn tài và khí
phách của nhà thơ mà còn có thêm sự đồng cảm một cách sâu sắc với những gì nhà
thơ thể hiện. Giờ đây, đã thấy quá ngạc nhiên: sao thời đại mình đang sống nó
lại giống với thời đại của Puskin đến thế? Những câu thơ xưa của Puskin cứ vang
lên mồn một bên tai:
“Ôi nhìn bất
cứ về đâu ta cũng thấy,
Những
gông cùm xiềng xích với roi da”
Có phải đó là những câu thơ mà Puskin nói đến những
cảnh ‘cưỡng chế’ ruộng đất trong tay người nông dân cần cù chăm chỉ một nắng
hai sương ở Vụ Bản, Văn Giang, Tiên Lãng, hay những cảnh công nhân đình công bị
chủ cho xe hơi cán qua người, những công nhân đấu tranh với chủ đòi quyền dân
sinh cho cộng đồng bị người của chính phủ bắt giam, hay việc những người dân bị
tra tấn, bức cung oan uổng hàng chục năm trời, hay nói về cả người đã từng là
‘anh hùng’đã đem no ấm về cho hàng ngàn hộ gia đình mà cũng bị tước đoạt, vu
cáo, hãm hại, hay những người dân chỉ mới bị ‘tình nghi’thôi mà khi vào đồn
công an thì là người sống, ra khỏi đồn thì đã là xác chết?
Những câu thơ khác, nói lên ước vọng của nhà thơ:
“Tôi muốn ca ngợi tự do cho trần thế
Tôi muốn đập vào những thói xấu tham lam
Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng”
Nghe sao lại cứ giống với những ước mong của rất
nhiều nhà trí thức, nhà văn nhà thơ đang viết trên ‘lề trái’ lưu truyền trong
dân gian và trên mạng Internet?
Những câu thơ khác nói về nội hàm tư tưởng tự do của
Puskin:
“Chỉ
nơi nào có liên minh chặt chẽ
Giữa tự do và pháp luật nghiêm minh
Đưa mộc lên che chở mọi chúng sinh,
Trao thanh kiếm vào tay người trung thực
Để trừng phạt, không phân chia đẳng cấp,
Bất cứ kẻ nào gây tội ác tham lam.
Chỉ nơi nào tự do với
luật hình
Không e sợ, không mắc điều tham nhũng
Thì nơi ấy lê dân không thê thảm,
Không lao đao dưới trướng của đế vương…”
Thiết nghĩ, với bài thơ này, chỉ cần thay từ ‘đế
vương’ bằng từ ‘cấp trên’thôi, thì liệu có thể phân biệt nổi những vần thơ viết
từ thế kỉ 19 ở nước Nga với thơ viết trong những năm đầu thế kỉ 21 ở Việt Nam?
Tư tưởng của nhà thơ sao giống như một giải pháp đến thế? Chỉ cần ‘người
ta’quan tâm tiếp thu và vận dụng thì quả thật nó có thể giải quyết ngay được
những vấn đề đang gây bức xúc cho toàn xã hội ở ta! Nhưng mà…tiếc thay…
Còn có một bài thơ quan trọng trong dòng thơ trữ
tình công dân của Puskin mà bất cứ giáo trình văn học Nga nào cũng không
thể không nhắc tới , đó là bài “Những câu chuyện thần thoại đêm Noel”, bài thơ
này Puskin viết vào năm 1818 dưới thời Nga hoàng Alecxandr đệ nhất:
“Hoan hô! Nhà độc tài du đãng
Cưỡi ngựa phi nhanh về nước Nga
Đấng cứu thế khóc ré lên thê thảm
Cả nhân dân theo chúa khóc òa…
Mẹ Maria vội ôm người, nựng nạt:
“ Đừng khóc, con, đừng khóc, thiên thần
Ngáo ộp đấy, vua Nga, ngáo ộp!”
Vua bước ra dõng dạc truyền rằng:
“Hỡi nhân dân của cả nước Nga
Hãy biết rằng toàn thế giới đã biết
Ta đã may chiến phục cho ta
Theo kiểu nước Áo, theo kiểu Đức.
Hãy vui lên, dân chúng, hãy vui lên
Ta no, ta khỏe, ta béo tròn
Bọn viết báo ca ngợi ta trên báo
Ta uống, ta ăn, ta hứa hão
Và việc công ta chẳng nhọc nhằn.
Hỡi nhân dân, hãy biết thêm rằng
Rồi mai kia ta còn quyết định:
Đưa tên Lavrôp về hưu,
Tống cổ tên Xôt đi chữa bệnh,
Thay tên Gôtgôn bằng luật hình
Và rủ lòng từ bi của kẻ quyền binh
Cho con người quyền của chính mình”
Đứa bé vui sướng quá,
Bỗng nhảy cẫng trên gường
“Điều đó có thực chăng, không đùa chứ mẹ?”
Bà mẹ vỗ về bé
“ À ơi nhắm mắt đi
Đức vua kể cho nghe
Chuyện thần thoại hay tuyệt. Thôi ngủ đi, ngủ đi”
Những ngày tháng chạp này, thật khó để không nghĩ:
sao bài thơ lại giàu tính thời sự đến thế? Thật khó để không liên tưởng đến
hiện tượng đang gây xôn xao hiện nay, đó là sự xuất hiện của một bản thông điệp
đầu năm nhiều hứa hẹn dân chủ, cũng của một nhà độc tài (xin lỗi, bỏ đi cái từ du
đãng khó nghe, nhưng cái từ nhà độc tài thì hơi khó bỏ bởi chính tay
ông ta đã kí nhiều văn bản vi hiến và hạn chế nhiều quyền chính đáng của người
dân). Puskin xưa đã không hề ngần ngại, bác bỏ ngay lập tức lời tuyên bố “cho
con người quyền của chính mình ” của Nga hoàng, thẳng thừng gọi đó chỉ là
chuyện thần thoại vì ông thừa biết bản chất Alecxandr I là độc tài đến
tận kẽ răng. Và thực tế chứng minh rằng Puskin đã đúng: từ khi nhà độc tài
tuyên bố những ý tưởng dân chủ đến khi ông ta chết, thời gian có tới sáu
năm mà chế độ độc tài chuyên chế vẫn không mảy may thay đổi, kịp đến
khi Nikolai I lên thay, chế độ ấy còn ác độc và tàn bạo hơn. Còn bây giờ, dư
luận xôn xao là phải, bởi nước Viêt Nam ngày nay không chỉ có một ông vua, mà
có những mười mấy ông vua, mức độ độc tài và quyền lực của các ông vua còn là
ẩn số, vì vậy xã hội còn đủ cả hi vọng, tuyệt vọng lẫn hoài nghi. Sự tuyệt
vọng, có lẽ không có gì khó hiểu ở những người đã từng nuôi nhiều hi vọng và đã
từng nhiều lần thất vọng. Còn sự hi vọng, thậm chí vui mừng chờ đợi thì sao?
Theo thiển ý của người viết bài này, thì đó cũng không có gì là lạ. Những
người(chân chính) biểu thị vui mừng và hi vọng vào những lời hứa nghe rất mới
mẻ về tự do dân chủ kia, chắc không phải là vì nhẹ dạ cả tin, mà vì lòng độ
lượng, muốn “gợi từ tâm với kẻ sa cơ”. Nhiều người đã đề xuất cả ý định sẽ không
hồi tố những tội trạng làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước của các
ông vua, một khi họ biết hồi tâm chuyển ý, thực lòng quay về với nhân dân. Muốn
tha thứ hết để đổi lấy một đất nước thật sự tự do dân chủ trong hòa giải dân
tộc(Xét cho cùng, dù không thu hồi được mấy tỉ đô la từ tay bọn tham nhũng mà
đổi lấy một chế độ thật sự dân chủ, ở đó đến vua cũng không thể tiếp tục tham
nhũng được nữa, thì cái giá vẫn còn là rẻ). Chấp nhận cho một ông vua thêm cơ
hội và thời gian để thực hiện lời hứa, cũng chưa hại gì. Như vậy, là quả bóng
vẫn đang ở phía vua rồi, trách nhiệm là ở họ đấy. Thế còn, một khi cả dân tộc
thì sẵn lòng chờ đợi(nhưng không thể là đến những sáu năm như trong thế
kỉ 19) mà các ông vua lại vẫn chỉ cho nhân dân nghe ‘câu chuyện thần thoại đêm
NOEL’, lúc đó tình hình sẽ ra sao, liệu có ông vua nào đoán được? Biết đâu sẽ
có một ngày, những đơn vị binh lính vốn bị buộc phải trung thành với các nhà
vua, lại bỗng hô vang: Từ chối tuyên thệ! Yêu cầu Hiến pháp! Yêu cầu dân chủ!
???
Ngày mười hai tháng chạp năm Quý Tỵ
N.B
Được đăng bởi Tễu vào lúc 21:41
No comments:
Post a Comment