Thứ Năm, ngày 09 tháng 1 năm 2014
Hôm nay tôi đọc bài báo Hóa trị - Không có gì đáng sợ trên trang báo điện tử
Vietnamnet, mà thấy buồn. Buồn vì nhà báo viết vì thương mại, mà viết một bài
viết không hiểu biết về chuyên môn, lại tự đi bôi nhọ ngành Y nước mình. Buồn
vì cơ chế chính trị đã làm ngành Y của Việt Nam thực chất là tốt hơn mọi quốc
gia trong khu vực Đông Nam Á về mặt chuyên môn - theo hiểu biết của tôi, một
người đã lăn lộn trong nghề bằng chuyên môn thực sự hơn 30 năm qua. Buồn vì sự
hiểu biết của dân mình về chuyên môn Y khoa nước Việt không được đúng chỉ vì hệ
thống truyền thông của đảng chỉ nhìn phần nhiều ở góc tối, mà không nhìn ở góc
sáng, không nhìn ở cái gốc, mà chỉ nhìn ở cái ngọn của vấn đề.
Tất
cả những nỗi buồn trên bắt đầu từ nguyên nhân cơ chế chính trị nước ta gây ra, mà hậu quả để
lại rất nhiều hệ lụy.
Hệ lụy thứ nhất và to lớn nhất làm nên tất cả các hệ lụy khác là do cơ chế chính trị làm
ra. Cái sai lầm đầu tiên là phân tuyến điều trị tuyến trung ương, tuyến địa
phương, tuyến cơ sở, và việc đầu tư về chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế
không đồng bộ. Cũng cơ chế chính trị quy định mức lương quy định cho ngành Y tế
quá thấp, không đủ để nuôi sống ngay cả chính bản thân người thầy thuốc, không
thể nói đến nuôi con cái và gia đình.
Hệ lụy thứ hai kéo theo từ hệ lụy thứ nhất làm ra là người bệnh không tin tưởng ở các
tuyến địa phương và cơ sở, dẫn đến quá tải ở tuyến trung ương, mà tuyến cơ sở
có nơi thì không có bệnh nhân.
Hệ lụy thứ ba kéo theo từ cái hệ lụy thứ nhất và thứ hai - quá tải bệnh viện và đồng
lương rẻ mạt - trong khi làm việc như trâu cày, ngựa kéo là, tha hóa một số lớn
các thầy thuốc ở các tuyến bệnh viện có điều kiện để kiếm ăn bằng phong bì của
người bệnh, còn cơ quan hành chánh của ngành Y tế nước ta thì kiếm phong bì khi
đi kiểm tra, cấp phép Y Dược.
Hệ lụy thứ ba này còn góp chủ yếu làm đội giá thành
của thuốc điều trị cho bệnh nhân khi xin visa nhập thuốc cũng phải có tình
trạng lót tay, thầy thuốc thì lấy hoa hồng các công ty dược khi kê toa, mà dân
trong ngành ai cũng biết, nhưng ai cũng vì chén cơm manh áo, nên không ai dám
nói ra, không ai dám khiếu kiện. Nó trở thành luật bất thành văn. Rất có nhiều chuyện để nói về
những bất cập do chính trị gây ra ở hệ lụy này. Ví dụ, trong khi cũng
thì loại thuốc ấy, chất lượng ấy nhưng chỉ cấp visa có 1 năm, năm sau nhập nữa
phải xin lại phép.
Hệ lụy thứ tư cũng do cơ chế chính trị quy định đảng lãnh đạo, nên hầu hết những thế
hệ lãnh đạo ngành Y tế trong 68 năm qua của miền Bắc, và 38 năm qua ở miền Nam
là những người hồng hơn chuyên. Chữ chuyên ở đây là quản lý bệnh viện như quản
lý một xã hội. Môi trường bệnh viện là môi trường phục vụ cho con người ở tất
cả các giai tầng trong xã hội.
Thế giới có riêng một ngành đào tạo về quản lý bệnh
viện, để đào tạo ra những người có nghề chuyên về quản lý bệnh viện, mà không
phải bác sỹ là người quản lý. Trong khi ở ta, lấy bác sỹ chuyên môn đôn lên làm
quản lý sau khi xét duyệt lý lịch tốt với đảng cầm quyền, và qua một vài khóa
học cao cấp, trung cấp chính trị, sau đó bồi dưỡng về quản lý bệnh viện rất sơ
sài, trong một cơ chế tạo điều kiện tha hóa mà ông thủ tướng vừa phát biểu
trong thông điệp đầu năm 2014, là phải cải cách và hoàn thiện thể chế.
Hệ lụy thứ năm là, vì có chuyện cơ chế lỏng lẻo, nên thực phẩm chức năng cũng được gọi
là thuốc được các đại diện bán hàng đa cấp móc nối với bác sỹ tha hóa kê toa
tràn lan. Với cái gọi là nhà
thuốc chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cũng chỉ là một giải pháp tình
huống, cuối cùng nó lại tạo điều kiện cho cán bộ tha hóa cấp phép khống hàng trăm nhà thuốc GPP ở Thành phố Hồ
Chí Minh, mà báo chí nêu ra, cũng không ít các quan chức trong sạch vì đấu
tranh với tham nhũng việc này mà phải thuyên chuyển công tác, dân trong ngành
ai cũng rõ.
Nhưng dù có bị đội giá thuốc do các bất cập cơ chế
chính trị gây ra, thì giá thuốc và giá điều trị của người bệnh Việt Nam hiện
nay vẫn là rẻ hàng đầu thế giới. Vì tiền dịch vụ chăm sóc sức khỏe quá rẻ mạt, và đồng lương nhân viên y tế
không xứng để chăm sóc bệnh cho con người, mà chỉ xứng để chăm sóc một con vật!
Gần đây, báo chí lên tiếng tăng giá viện phí là quá sức với người bệnh Việt Nam là
đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Vì câu chuyện có 100 con gà, nhưng 1% người Việt
ăn 99%, còn 99% người còn lại chỉ ăn 1 con. Tầng lớp 1% vẫn dư tiền đi
Singapore hay Thái Lan để đốt tiền ngu hơn là tiền khôn. Vì với số tiền đó, ở
Việt Nam đâu thiếu nơi điều trị tốt hơn và dịch vụ không thua Singapore?. Đây
là sự mất cân bằng thu nhập cá nhân, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, bất công
ngày càng quá lớn do cơ chế chính trị gây ra, không phải lỗi của ngành y tế.
Tất cả những cái hệ lụy trên làm mất uy
tín ngành Y Việt Nam cũng từ cơ chế chính trị không có đối lập, kiểm tra, giám
sát. Từ đó dân cứ nghĩ y khoa Việt Nam tệ hại hơn khu
vực. Nhưng là một người làm trong ngành y bằng chuyên môn thực sự mà, không vì
kinh doanh hay vì phong bì từ khi còn làm trong nhà nước, đến cách đây 12 năm
ra làm tư nhân, tôi xin khẳng định y khoa Việt Nam về chuyên môn hơn các nước
trong khu vực. Mọi cái xấu không phải do chuyên môn, mà do chính trị gây ra.
Đơn cử về phẫu thuật nội soi ổ bụng, thì Pháp làm đầu tiên năm 1987 do bác
sỹ Philipe Mouret ở Lyon cắt túi mật qua nội soi ổ bụng, Hoa Kỳ thực hiện đầu
tiên năm 1989, thì tại Việt Nam ngày 23/9/1992 đã thành công cho bệnh nhân
đầu tiên do PGS TS Nguyễn Tấn Cường thực hiện tại khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh
Viện Chợ Rẫy, từ kỹ thuật mang về của Hoa Kỳ.
Từ điều trên đây cho thấy y học Việt Nam luôn cập
nhật kịp thời, nhưng cơ chế chính trị đã kiềm hãm cho nghiên cứu y học nước nhà
không thể tiến nhanh, vì người nghiên cứu còng lưng ra nghiên cứu, báo cáo chỉ
để được cái danh hảo, còn tiền nghiên cứu rót từ trung ương xuống cơ sở nó biến
đi đâu, mà hầu như không hoặc một phần rất nhỏ đến tay người thực sự nghiên
cứu, số tiền này không đủ để mua cà phê uống thức đêm làm số liệu, chưa nói đến
chuyện có sống để mà nghiên cứu. Việc này, tôi, người viết bài này đã từng
"hưởng" cái "ân huệ" này trong nhiều năm. Cuối cùng, có còn
ai tha thiết đến nghiên cứu và làm việc. Nên phải bỏ ra khỏi nhà nước mà tự
kiếm sống cho riêng mình. Vì suy cho cùng, xã hội muốn tốt, thì từng thành viên
trong xã hội phải là người tốt. Lấy đâu có người tốt, khi cái ăn không lo đủ?
Cuối cùng là, dù làm y khoa ở đâu cũng vậy, bệnh nhân là thầy của thầy thuốc, không có
bệnh nhân làm sao thầy thuốc giỏi được, ngoại trừ mớ lý thuyết suông? Làm sao
Singapore có chuyên môn tốt hơn Việt Nam về y khoa được khi họ không có bệnh
nhân? Các quốc gia trong khu vực hơn y tế Việt Nam ở dịch vụ chăm sóc sức khỏe
chứ không bằng về chuyên môn được. Họ hơn dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì họ ít
bệnh, họ không quá tải, lương họ cao dư sống để chuyên tâm cho hành nghề và
nghiên cứu. Báo chí nếu có viết thì cũng nên hiểu biết, và đừng quá vì thương
mại mà tự bôi nhọ và xổ toẹt những gì mọi cố gắng của dân và các người làm nghề
y nước Việt như bài báo mà tôi đọc trên đây.
Kết thúc bài viết này, tôi xin kết thúc một điều chủ
yếu là, không chỉ có ngành Y Việt Nam bị chê bai, dè bỉu là xấu, mất lòng tin
người dân, mà hầu hết tất cả các ngành từ kinh tế, đến văn hóa, giáo dục,
v.v... đều nhục như khi cán bộ đi công cán nước ngoài bị khinh rẻ
mà ông thủ tướng đã nói vừa qua, có một nguyên nhân cốt lõi là nền chính trị
độc quyền cai trị, không có đối lập thực sự để sửa sai trước khi các nghị
quyết, nghị định, công văn, thông tư, thông cáo được phát ra.
Những hệ lụy ngành y mà tôi viết trên đây cũng chỉ
là nhắc lại một phần rất nhỏ của 7 bài viết: Ngành Y Việt Nam cần thay đổi gì?, mà tôi
đã viết 4 năm trước, vì một mong muốn cho y học nước nhà có thể tự hào với thế
giới. Nhưng nó chưa được quan tâm đúng với cái nó cần có, chỉ vì chế độ chính
trị Việt Nam đã tạo ra những cái rễ tư hữu và quyền lực đi đôi với lợi ích cá
nhân những người có quyền quyết định tốt cho nước nhà. Giờ để mọi cái tốt trở lại, cần
phải có một cuộc siêu phẫu bằng chính trị chứ không phải chỉ là đại phẫu, và
cần phải mất ít nhất 30 năm, nếu thực tâm chuyển đổi. Nếu nửa vời như 28 năm
qua, e rằng mất nước và có thể đi đến diệt vong.
Đừng chê bai đạo đức và chuyên môn của ngành y Việt Nam, vì nếu muốn biết đạo đức và chuyên môn ngành y Việt Nam tốt hay xấu, thì hãy cho các bác sỹ và nhân viên y tế các quốc gia đến làm việc ở các bệnh viện quá tải của Việt Nam, với điều kiện "ưu đãi" của chế độ chính sách do chính trị Việt Nam tạo ra hiện nay chỉ cần 6 tháng, thì đạo đức và chuyên của họ có còn không?
Đừng chê bai đạo đức và chuyên môn của ngành y Việt Nam, vì nếu muốn biết đạo đức và chuyên môn ngành y Việt Nam tốt hay xấu, thì hãy cho các bác sỹ và nhân viên y tế các quốc gia đến làm việc ở các bệnh viện quá tải của Việt Nam, với điều kiện "ưu đãi" của chế độ chính sách do chính trị Việt Nam tạo ra hiện nay chỉ cần 6 tháng, thì đạo đức và chuyên của họ có còn không?
Bài
đọc liên quan: Ngành Y Việt Nam cần thay đổi gì?
No comments:
Post a Comment