Hoàng
Minh Tường
12-01-2014
Kỷ
niệm 40 năm Hoàng Sa bị xâm chiếm.
Makét bìa Sóng gió Biển Đông, hoạ sỹ Ngô Xuân Khôi
vẽ cho NXB Lao Động,từ tháng 4/2013, nhưng cho tới nay sách vẫn chưa được
duyệt.
Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một làng chài bao
đời gắn bó với Biển Đông. Chính nơi đây đã đóng góp những thế hệ ngư dân và
chiến binh khai thác và gìn giữ biển đảo
Tổ quốc, trong đó có những chiến sĩ đã tham gia hai trận hải chiến Hoàng Sa và
Trường Sa. SÓNG GIÓ BIỂN ĐÔNG, cũng như
tiểu thuyết NGUYÊN KHÍ của tác giả, đang chờ được cấp phép để xuất bản.
Chương trích sau đây (chương 15) là nhật ký của
thiếu uý quân đội VNCH Đỗ Trọng Hải, người xã Hải Thuỷ tham gia trận hải chiến
Hoàng Sa, ngày 18 và 19 tháng 1 năm 1974.
Chương 15
Hợp
chúng quốc Hoa Kỳ
Ngày… tháng… năm…
Nghĩa tử là Đỗ Trọng Đạt, hậu duệ đời thứ 25, đứa
con bất hiếu, kẻ lưu vong bất trung, bất nghĩa, hiện sinh sống ở 1780-HD-
SanJose California, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Kính dâng liệt tổ liệt tông dòng họ
Đỗ Trọng, Hải Thủy, những kỷ vật và bút tích về sự nối bước Tiền nhân của các
hậu duệ Đỗ Trọng tộc, trong việc góp máu xương bảo vệ biên cương hải đảo nước
Việt Nam trước nạn xâm lăng của ngoại bang.
Những dòng ghi chép này là của Thiếu úy hải quân Đỗ
Trọng Hải, sỹ quan hải hành trên hộ tống hạm Nhật Tảo, đã tham gia trận hải
chiến Hoàng Sa ngày 18 và 19 tháng 1 năm Giáp Dần, 1974.
Tân
xuân Giáp Dần, Hoàng Sa chiến
Nam
ngư hải ngoại huyết lưu hồng.
Những dòng mở đầu cuốn ghi chép là bút tích của ông Phó Đề đốc hải quân
Việt Nam cộng hòa Đỗ Trọng Đạt. Từ trang sau là bản phô tô những trang ghi chép
của Thiếu úy hải quân Đỗ Trọng Hải, nét chữ bay, song vẫn giữ vẻ đẹp chân
phương, nhiều chỗ đã hoen ố, mờ nhòe vì sóng nước và thời gian.
“… Những trang ghi chép này chỉ được ghi lại sau
ngày 20/1/1974, ngày mà cuộc đời thiếu uý Đỗ Trọng Hải đã được cải tử hoàn
sinh, được tái sinh lại một lần nữa, khi 23 hải binh của hạm tàu HQ10, sau một
ngày lênh đênh trên biển, đã được tàu chở dầu Hà Lan Kopionella vớt được ở hải
phận quốc tế trên Biển Đông.
17/1/1974
Hạm tàu đang tuần tiễu ngoài khơi cửa biển Đà Nẵng
thì nhận lệnh lên đường gấp.
Đi đâu?
Tàu chúng ta
đang hỏng một máy chính và trục trặc ra đa hải hành, liệu có khả năng tác chiến
được không? Sỹ quan chiến sỹ xôn xao.
Kể từ chuyến ra đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa xây
dựng trạm quan sát, tính đến nay đã tròn mười tháng tôi phục vụ trên hộ tống
hạm Nhật Tảo, ký hiệu HQ10. Nhưng chỉ từ mùa xuân Giáp Dần này, khi thiếu tá
Ngụy Văn Thà về nhận nhiệm vụ hạm trưởng, anh em sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ
chúng tôi mới thực sự phấn khởi, coi hạm tàu là nhà của mình.
Thiếu tá Ngụy
Văn Thà, người con của vùng đất Trảng Bàng Tây Ninh, trẻ hơn cả tuổi ba mươi.
Anh có một đôi mắt to, cương nghị, gương mặt thanh tú thư sinh, như diễn viễn
điện ảnh. Thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng Đại úy hạm phó Nguyễn Thanh Trì, Trung úy
cơ khí trưởng Huỳnh Duy Thạnh tỏ ra là ba chân kiềng khá ăn í. Có lẽ do họ được
học hành cơ bản, còn khá trẻ và giàu nhiệt huyết, khác hẳn với ngài trung tá H,
cựu hạm trưởng vừa chuyển công tác.
Sẽ đi bất cứ nơi đâu, dưới sự chỉ huy của hạm trưởng
mới. Cánh sỹ quan trẻ chúng tôi đều tâm niệm như thế.
Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà thông báo: Hạm tàu
Nhật Tảo mở máy tốc hành đi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Hoàng Sa ư? Tôi bỗng thấy lòng mình dội lên một tình
cảm khó tả. Đây là vùng ngư trường truyền thống bao đời của dân Hải Thủy quê
tôi. Cha tôi kể lại rằng, đã mấy đời nay, từ thời vua Tự Đức, dòng họ Đỗ Trọng
chúng tôi đều có người ra trấn giữ Hoàng Sa. Chuyến đi của cha tôi, đại tá hải
quân Đỗ Trọng Đạt, ra thị sát Hoàng Sa năm 1973 như hiển hiện trong đầu. Chính
cha đã phát hiện ra tấm bia đá ở Miếu Bà trên đảo Khí tượng có ghi dòng lạc
khoản tên quan Chưởng cơ đội Hoàng Sa - Bắc Hải, Đỗ Trọng Đính, người làng
Thượng xã Hải Thủy… đã cung tiến xây Miếu. Ôi, dòng họ Đỗ Hải Thủy của tôi, đời
tiếp đời đã mang xương máu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Đến lượt tôi hôm nay,
thiếu úy hải quân Đỗ Trọng Hải, tôi có dám vị quốc vong thân để xứng đáng với
ông cha?
Một vài thông tin lọt từ tổ điện đài: Tàu HQ16 -
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa khẩn báo về: Trên
đảo Quang Hòa do Việt Nam Cộng hòa quản lý thấy xuất hiện nhiều nhà đang dựng
và có quân đồn trú Trung Cộng. Trung tá hạm trưởng HQ16 Lê Văn Thự đã điện về
Bộ tư lệnh Hải quân vùng duyên hải I xin chỉ thị. Vậy là ngay trong ngày, tàu
HQ10 (Hộ tống hạm Nhật Tảo), cùng hai tàu HQ4 (Khu trực hạm Trần Khánh Dư), HQ5
(Tuần Dương hạm Trần Bình Trọng), do Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc chỉ huy đã lên
đường ra Hoàng Sa.
Hạm tàu Nhật Tảo khởi hành lúc 21 giờ 20, nhằm hướng
đông thẳng tiến. Các chiến hữu ai cũng lo lắng, hồi hộp. Cuộc hải chiến khó
tránh khỏi.
Từ trên buồng chỉ huy, thiếu tá Ngụy Văn Thà, qua
loa truyền thanh, đã truyền tới toàn hạm tàu những thông tin về quần đảo Hoàng
Sa để thấm tới từng chiến sỹ:
“Quần đảo Hoàng Sa là một tập hơp hơn ba mươi hòn đảo lớn nhỏ, trong đó
đảo Phú Lâm lớn nhất, rộng chừng chục cây số vuông. Đảo này và cụm đảo An Vĩnh
phía đông bắc quần đảo đã bị Trung Cộng chiếm giữ từ năm 1956. Chính phủ Việt
Nam Cộng hòa hiện cai quản nhóm đảo Trăng khuyết, tức Lưỡi Liềm hay Nguyệt
Thiềm phía tây nam quần đảo, trong đó có các đảo Hoàng Sa (còn gọi là đảo Khí
Tượng), Quang Hòa, Quang Ánh, Hữu Nhật, Duy Mộng, Tri Tôn, Bạch Quy, Lưỡi Liềm…
Theo thông báo của thượng cấp hiện trên đảo Quang Hòa xuất hiện quân đồn trú
của Trung Cộng. Vùng lòng chảo quần đảo Hoàng Sa có nhiều tàu chiến Trung Cộng
xâm phạm lãnh hải. Các chiến hữu hãy nhớ rằng, cuối năm 1973 vừa rồi, ngoại
trưởng Mỹ Kitxinhgiơ đã bắt tay với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai ở Thượng Hải,
ngấm ngầm nhường quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho Trung Cộng. Đây là lúc
Trung Cộng thực hiện chiến thuật tằm ăn dâu của chúng. Và nhiệm vụ của hạm tàu
Nhật Tảo chúng ta hôm nay là phải bằng mọi giá ngăn chặn và xua đuổi, đập tan
âm mưu xâm lược của chúng.
18/1/1974
Một đêm vật vờ thức ngủ. Tảng sáng hạm tàu đã đến
Hoàng Sa.
Lần đầu tiên tôi ra quần đảo Hoàng Sa. So với Trường
Sa, Hoàng Sa ít đảo hơn, nhưng lại có mấy đảo lớn, gấp hàng chục lần đảo Ba
Bình, Nam Yết, Sinh Tồn… Đảo ở đây cũng thấp, nhiều bãi đá trơ trụi, ít cây
cao. Toàn quần đảo chỉ có đảo Hoàng Sa, còn gọi là đảo Khí Tượng, có nước ngọt.
Trên đảo hiện có một trung đội địa phương quân tiểu khu Quảng Nam trấn giữ.
Do địa hình đáy biển toàn san hô và đá ngầm bao
quanh các đảo, muốn tiếp cận đảo Hoàng Sa và các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Hữu
Nhật, An Vĩnh… tàu phải đi theo hai dòng sông ngầm, gọi là “pass”. Hạm tàu HQ10
của chúng tôi và hạm tàu HQ5, HQ4, đã tiến vào lòng chảo Hoàng Sa, nơi hạm tàu
HQ16 của trung tá Lê Văn Thự đã đợi sẵn, để đổ bộ một hải đội biệt kích lên đảo
Quang Hòa và đưa một viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa. Đúng lúc ấy, hai tàu
Trung Quốc loại Liệp tiềm đĩnh mang số hiệu 271 và 274 xuất hiện phía trái, và
chếch phía phải, hai tàu khác loại Tảo lôi hạm mang số hiệu 389 và 396, cùng
hai tàu dân sự chặn không cho hạm tàu tiếp cận đảo. Nhìn thế trận tàu Trung
Cộng bố trí, tôi chợt nghĩ đến truyện Tam quốc Diễn nghĩa với chuyến hành quân
của Phượng Sồ Bàng Thống vào Kinh Châu bị Trương Nhiệm giết dưới chân gò Lạc
Phượng. Rõ ràng hạm tàu chúng tôi đã lọt vào ổ mai phục và trúng kế của Trung
Cộng. Họ sẽ khiêu khích cho chúng tôi nổ súng. Họ đã bày sẵn thế trận. Phía sau
mấy con tàu mồi nhử kia là những hạm tàu, những máy bay phản lực MIC 21, MIC 23
và đại bác đã giấu sẵn trong công sự. Chỉ cần chúng tôi nổ súng là họ sẽ lấy cớ
phản pháo, đánh tiêu diệt và nhân cớ chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Tôi báo cáo với
thiếu tá Ngụy Văn Thà những nhận định đó và đề nghị hạm trưởng cân nhắc kỹ
phương án tác chiến.
- Cám ơn Thiếu úy - Thiếu tá nhìn tôi thở dài - Tôi
cũng đã nhận ra mưu hiểm của địch. Nhưng chúng ta bị kẹt trong một tình thế
không thể quyết định vận mệnh của mình. Chúng ta đang chịu sự chỉ huy của
thượng cấp. Chỉ còn con đường vị quốc vong thân…
Để tránh đụng độ, tàu HQ16 và tàu HQ10 lùi ra xa và
tìm cách đổ bộ người nhái lên đảo Quang Hòa, nhưng quân Trung Cộng nổ súng dữ
dội. Hai chiến binh người nhái tử trận ngay khi chưa kịp tiền nhập đảo. Đội
quân người nhái phải rút về hạm tàu HQ16.
Tất cả thủy thủ, sĩ quan trên tàu HQ10 chúng tôi
đứng bên ổ súng mà như đứng trên chảo lửa.
19/1/1974
Không giờ sáng, thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà tập
hợp toàn thủy thủ đoàn lên boong thông báo, theo lệnh của thượng cấp, chỉ mấy
giờ nữa chúng tôi sẽ tiến công tàu Trung Cộng. Thiếu tá nói ngắn gọn mà xúc
động:
- Các chiến hữu. Chỉ vài giờ đồng hồ nữa, chúng ta
sẽ bước vào cuộc chiến sinh tử. Đây là thời khắc mỗi chúng ta sẽ được đền nợ
nước, trả thù nhà. Chúng ta phải xứng đáng là hậu duệ ưu tú của Đức thánh Trần
Hưng Đạo, quyết không cho giặc truyền kiếp phương Bắc xâm phạm một tấc đất, tấc
biển cha ông. Hãy xứng đáng với chiến công Nhật Tảo của người anh hùng Nguyễn
Trung Trực đánh chìm tàu chiến Pháp, mà hạm tàu chúng ta vinh dự được mang tên.
Bình minh trên biển Hoàng Sa đỏ một mầu máu. Tôi
linh cảm đây là một buổi sáng định mệnh. Hoặc là chúng tôi sẽ quét sạch quân
thù khỏi quần đảo thân yêu của Tổ quốc, hoặc là một lần nữa bóng đêm Bắc thuộc
sẽ bao phủ một góc Biển Đông.
Chúng tôi ăn uống vội vàng rồi ai nấy vào vị trí của
mình. Tôi lên trên buồng điều khiển, trước bàn hải trình, cùng với hai thủy thủ
trực máy PRC-45, trực chiến bên cạnh thiếu tá hạm trưởng.
Tàu HQ16 vừa qua khỏi pass bên kia tiến vào lòng
chảo, cách tàu chúng tôi chừng một hải lý, cách ba tàu Trung Cộng chừng 3 đến 4
hải lý. Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà nhận được điện báo của trung tá Lê Văn
Thự, đứng lặng phắc một phút, rồi bỗng dõng dạc: “Mục tiêu tàu Trung Cộng 389,
khai hỏa”.
Hạm tàu rùng rùng như con giao long quẫy sóng. Bên
kia, đại bác tàu HQ16 cũng phụt lửa, gầm lên. Tôi nhìn rõ những cột nước dựng
đứng bao phủ bốn tàu địch. Rồi một cột lửa màu cam, một cột khói lớn. Cháy rồi.
Tiếng hò reo đến vỡ cổ họng…
Nhưng không. Sau mấy phút bất ngờ, tàu địch xoay mũi
tàu, bắt đầu phản pháo. Tiếng đạn nổ nhức óc. Tiếng ràn rạt như có hàng nghìn
con chim biển ào đến. Những cột nước cao ngất và khói trắng đục phủ kín tàu.
Thiếu tá Ngụy Văn Thà đang hét lên lệnh cho các ụ
súng bắn cấp tập, bỗng chao đảo. Một quả đạn bắn gãy tháp pháo. Một quả hỏa
tiễn nổ tung buồng điều khiển. Hạm tàu rung lắc dữ dội, mạn tàu chao nghiêng
đột ngột. Thiếu tá Ngụy Văn Thà lấy tay ôm ngực. Một dòng máu nhuộm đỏ sắc phục
trắng toát của anh…
- Thiếu tá! Tôi lao đến, ôm lấy hạm trưởng.
Ngụy Văn Thà gạt tay tôi, đứng thẳng dậy, thét to:
- Hạm tàu trúng đạn, có thể chìm. Toàn tàu chuẩn bị
đào thoát.
Tôi dìu hạm trưởng xuống dưới hầm, nhưng anh lắc
đầu, thì thào:
- Cho tôi ở lại buồng lái để sống mái với giặc… Nhảy
xuống biển đi, thiếu úy… Hãy bơi về Tuần dương hạm Trần Bình Trọng…
Một cánh tay giật tôi ra khỏi buồng lái, quăng xuống
biển.
Khoảng năm phút sau, khi đã rời xa tàu, tôi nhìn về
phía hạm tàu Nhật Tảo và nhận ra con tàu của chúng tôi chìm dần, mang theo
xuống đáy Biển Đông người hạm trưởng và 61 chiến binh anh hùng…
***
Những dòng chữ mờ đi. Áp những trang ghi chép của
thiếu úy Đỗ Trọng Hải trên ngực, Vũ Trọng Lịch lấy khăn chấm mắt. Anh khóc, như
xót thương chính đồng đội, đồng chí của mình.
Là một người lính giữ biển, nhưng lần đầu tiên Lịch
được biết đến thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà. Anh đã hy sinh anh dũng để bảo
vệ Hoàng Sa. Anh xứng đáng được vinh danh như một anh hùng. Sự hy sinh của Ngụy
Văn Thà và 73 liệt sĩ trong trận tử chiến bảo vệ Hoàng Sa không thể rơi vào
quên lãng. Sẽ không có phía bên này, phía bên kia trong lòng Nhân dân, trong
tình yêu Tổ quốc. Rồi đây, Đất nước, Nhân dân sẽ khắc ghi tượng đài cho họ.
Thiếu tá Hải quân Quân đội Việt Nam Cộng hòa Ngụy Văn Thà, cũng như Thiếu úy
Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Văn Phương và 63 chiến sỹ hy sinh anh
dũng trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, ngày 14 tháng 3
năm 1988 trước quân Trung Quốc, là những vì tinh tú cùng rực sáng trên Biển
Đông.
Những ý nghĩ vô tư và giàu tính nhân văn ấy, đã phần
nào làm Lịch thanh thản trở lại. Anh thiếp đi cho tới sáng.
No comments:
Post a Comment