Đồng hành cùng loạt
bài phỏng vấn của blogger Phạm Thanh Nghiên với “mong muốn xóa đi, hoặc
ít ra cũng thu hẹp lại những ranh giới, khác biệt từ nhiều thành phần trong xã
hội, về quá khứ, tuổi tác và chính kiến để có một cái nhìn trung thực, công
bằng, biết tri ân với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc...”, Dân
Làm Báo gửi đến các bạn trong thôn phần phỏng vấn blogger Mẹ Nấm Gấu (Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh) về Hải chiến Hoàng Sa và sự hy sinh của các chiến sỹ VNCH đã vị
quốc vong thân.
Bạn biết gì về cuộc hải chiến HS cách
đây 40 năm?
Tôi thực sự biết đến cuộc chiến năm 1974 tại quần
đảo Hoàng Sa giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Trung Quốc vào giữa năm
2006 -2007 khi thông tin về cuộc biểu tình phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh
do blogger Điếu Cày là một trong những người đầu tiên có tham gia.
Xin cho biết cảm nghĩ của bạn đối với
sự hy sinh của 74 người lính hải quân VNCH?
Với cá nhân tôi, một người sinh sau năm 1975, những
gì thuộc về lịch sử tôi được dạy đó là coi những người lính của chế độ miền Nam
Việt Nam trước năm 1975 hay còn gọi là VNCH là một thế lực xấu, chữ thường được
dùng trong sách mà tôi đọc đó là “ngụy quân”. Tuy nhiên, khi có điều kiện tiếp
cận với Internet tôi phát hiện ra những gì mình được dạy hoàn toàn không đúng
sự thật. Quả thật, khi tìm kiếm được thông tin về cuộc chiến năm 1974 tại Hoàng
Sa, tôi đã rất sửng sốt. Tôi đã tự đặt câu hỏi, tại sao mãi đến bây giờ sự thật
mới được trả lại? 74 người lính hải quân VNCH đã nằm xuống trong nỗ lực bảo vệ
biển đảo quê hương góp phần vào việc khẳng định chủ quyền hiện nay của Việt Nam
phải được ghi ơn và được lịch sử ghi nhận.
Suy nghĩ của bạn về những người lính
của cả 2 bên chiến tuyến bảo vệ đất nước? Đối với bạn, có sự khác biệt gì không
giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông với
những người lính QĐNDVN đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt Trung vào năm
1979 và 1984?
Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, không có
ranh giới nào khác biệt cho những người lính - những người đã hy sinh để bảo vệ
biên giới lãnh thổ. Vấn đề cần phải nói ở đây, tại sao nhà nước VN hiện tại
không dám gọi thẳng tên kẻ thù xâm lược đất nước mình? Hành động này đã đi
ngược lại với sự hy sinh của những người lính và sẽ bị lịch sử phán xét.
Sách giáo khoa lịch sử từ sau năm 1975 đã sử dụng
cụm “ngụy quân”, “ngụy quyền” để ám chỉ chế độ VNCH, nay với những gì lịch sử
thừa nhận tôi nghĩ đã đến lúc phải xét lại rõ ý nghĩa của cụm từ này.
Chỉ có những người đi ngược lại với lợi ích chủ
quyền của dân tộc mới bị gọi là ngụy!
Bạn có nghĩ là nên vinh danh những
người lính VNCH ở trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 không? Nếu có, bạn có sẵn
sàng tham gia không?
Tổ quốc ghi ơn những người lính đã hy sinh để bảo vệ
chủ quyền đất nước, vì vậy bất kỳ hành động nào vinh danh những con người này
tôi đều hưởng ứng và sẵn sàng tham gia tùy theo khả năng của mình.
Theo bạn, những tương đồng hay khác
biệt gì giữa những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công
dân Việt Nam ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nước và phản đối TQ xâm lấn
Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông?
Lòng yêu nước là thứ vũ khí duy nhất và những người
lính hy sinh bảo vệ biển đảo ngày xưa và các công dân ngày nay xuống đường biểu
thị thái độ phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay,
khi nhà nước, cụ thể là Bộ Ngoại giao thể hiện thái độ yếu ớt trong việc phản
đối Trung Quốc đánh đập, cướp bóc và bắn cháy tàu cá thì sự lên tiếng của mỗi
công dân Việt Nam là bằng chứng cụ thể cho nhiều người và thế giới thấy người
Việt Nam có thái độ hết sức rõ ràng với sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển
Đông.
Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại
nào, chế độ nào người dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, các bạn có
suy nghĩ gì về các bạn trẻ khác chính kiến với bạn về chế độ chính trị, nhưng
vẫn đang ra sức truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa?
Hiện tại ở Việt Nam, lập luận thường thấy của nhà
nước khi tuyên truyền về vấn đề chủ quyền biển đảo thường quy về một mối là “để
nhà nước lo”. Mọi hành động phản đối, biểu thị thái độ không nằm trong lộ trình
đã được “định hướng” sẵn của nhà cầm quyền sẽ bị quy là kích động, phản động.
Chính vì thế điều này đã dẫn đến xu hướng “ngồi im yêu nước” hay còn gọi là xu
hướng “đợi đèn xanh” khi muốn thể hiện thái độ phản đối các hành vi xâm lấn.
Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, đó là sự thật, nhưng nếu ngư dân Việt Nam
không được bảo vệ trên ngư trường của ông cha mình thì các công dân khác làm
gì? Ngồi yên chờ đợi nhà nước lên tiếng, hay thể hiện thái độ của mình để bạn
bè và thế giới biết rằng chúng ta không thờ ơ với chủ quyền của dân tộc? Điều
này tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng cá nhân và tôi tôn trọng mọi quyết định
của từng người. Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, điều này không thể được
khẳng định nếu chúng ta chỉ ngồi nói suông và để mặc ngư dân bị bắn giết ngoài
đảo.
Theo bạn, 40 năm sau những thế hệ
tương lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ chúng ta ngày hôm nay khi họ cùng
chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm Hải chiến Hoàng Sa năm 1974?
Tôi tin rằng, thế hệ sau sẽ nhìn nhận lịch sử công
bằng và khách quan hơn thế hệ chúng tôi, nhất là trong việc nhìn nhận nỗ lực
bảo vệ biển đảo của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta hôm nay đã nỗ lực để
cùng nhau kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa 1974, thì thế hệ tương lai nhất
định sẽ có thêm thông tin và điều kiện để đánh giá giai đoạn lịch sử đi qua
công bằng và cụ thể hơn.
Điều mà tôi mong mỏi rằng - hay phải nói, tin rằng -
40 năm sau, thế hệ tương lai sẽ vinh danh những người lính vị quốc vong thân và
kỷ niệm Hải chiến Hoàng Sa trên toàn đất nước và ngay tại Hoàng Sa với quốc kỳ
Việt Nam tung bay ngạo nghễ. Và họ tổ chức những buổi vinh danh đó trong tự do,
dân chủ thực sự. Mong mỏi và niềm tin này có thành sự thật hay không hoàn toàn
tùy thuộc vào thái độ và hành động của mỗi công dân Việt Nam ngày hôm nay.
Xin cám ơn blogger Mẹ Nấm Gấu.
No comments:
Post a Comment