January
11, 2014 2:03 AM
Sáng
sớm ngày đầu năm 2014, ngồi uống trà Thái Nguyên một mình và bỗng nhớ mùa Xuân,
mùa Tết. Tôi tự thưởng cho mình một chút hoài niệm bình an bằng cách nghe bài
Hoa Xuân của Phạm Duy qua tiếng hát mượt mà xanh biếc của bà chị Hà Thanh. Không
hiểu phát xuất từ một động cơ “miên mật” nào mà sáng hôm nay, tôi vừa nghe chị
Hà Thanh hát, vừa nhớ làng Liễu Cốc Hạ, nhớ Huế, nhớ quê nhà rồi tẩn mẩn làm
thơ khai bút đầu năm mới Dương lịch 2014 với nhan đề… “Mới Đó”. Bài thơ vừa
được gởi đi dưới dạng thân hữu bốn phương từ Cali, thì liền sau đó, nhận được
lời nhận xét của chị Lương Tố Nga ở Việt Nam, rằng:
“Bài thơ Mới Đó người đọc ngâm lên không hẳn vui, không hẳn buồn, chỉ thấy lòng chơi vơi như đang lặng lẽ bơi trên dòng sông cuộc đời được hòa quyện giữa quá khứ đau đớn, nghiệt ngã, giữa hiện tại u buồn trầm uất và giữa một tương lai không thể định trước. Cám ơn tác giả đã gởi cho một bài thơ ngắn nhưng tạo nhiều cảm xúc đầy ngậm ngùi vào một ngày đầu năm trên đất Sài Gòn nầy…”
Tôi cười buồn một mình; rồi tự nghĩ: Năm mới thì phải vui chứ sao lại buồn. Xin ghi lại bài thơ sau đây như vẽ mấy nét chấm phá của nguồn cảm xúc thoáng qua trong sớm mai nhưng vẫn còn ở lại đến chiều hôm:
Khai
bút đầu năm 2014
MỚI
ĐÓ
Mới
đó nửa đời quên pháo Tết
Hoa mùa Xuân thay lá mùa Đông
Cánh hạc vàng vút trời xanh biếc
Mặt nhân gian rám nắng mai hồng
Hoa mùa Xuân thay lá mùa Đông
Cánh hạc vàng vút trời xanh biếc
Mặt nhân gian rám nắng mai hồng
Mới
đó Xuân tàn hoa rụng hết
Đầu sân hôm trước chẳng còn mai
Tâm xa thiền ngữ chim không hót
Nên ngày qua dấu cũ tàn phai
Đầu sân hôm trước chẳng còn mai
Tâm xa thiền ngữ chim không hót
Nên ngày qua dấu cũ tàn phai
Mới
đó hoàng mai thành cổ mộc
Chú thiên đường kinh ảo vọng hoàn không
Ta lặng lẽ quay về Tu Bụi tĩnh
Em kiêu sa khóc suốt một dòng sông
Chú thiên đường kinh ảo vọng hoàn không
Ta lặng lẽ quay về Tu Bụi tĩnh
Em kiêu sa khóc suốt một dòng sông
Mới
đó mà trăng tàn nguyệt xế
Mắt huyền mơ lạnh bóng sương mờ
Chân em bước tương lai thành dĩ vãng
Chuyện một thời thành chuyện kể ngày xưa
Mắt huyền mơ lạnh bóng sương mờ
Chân em bước tương lai thành dĩ vãng
Chuyện một thời thành chuyện kể ngày xưa
Mới
đó hôm qua là kiếp trước
Men thời gian rượu xế nghiêng bầu
Này bằng hữu vội vàng chi uống cạn
Đâu dễ gì gặp lại kiếp mai sau
Men thời gian rượu xế nghiêng bầu
Này bằng hữu vội vàng chi uống cạn
Đâu dễ gì gặp lại kiếp mai sau
Mới
đó ta về trong rỗng lặng
Ba mươi năm bão nổi ly hương
Lòng ta là gió trên đồng vắng
Tan loãng mơ hồ với cỏ sương
Ba mươi năm bão nổi ly hương
Lòng ta là gió trên đồng vắng
Tan loãng mơ hồ với cỏ sương
Sacramento,
sớm uống trà đầu năm 2014
Trần Kiêm Đoàn
Trần Kiêm Đoàn
Thì
ra là có tin buồn thật! Tin buồn chưa tới nhưng vẫn ở dạng sóng năng lượng đi
nhanh hơn sự việc nên đến trước làm ớn lạnh giác quan mà người ta gọi là “linh
tính”. Và tôi đem cảm xúc linh tính để “khai bút đầu năm”. Bài thơ gởi “Happy New
Year” đến thân hữu bốn phương mới chỉ trong mấy tiếng đồng hồ mà tôi đã thấy
hiển hiện “mới đó hôm qua là kiếp trước…” khi nhận email của một người trong
đại gia đình Trần Kiêm, anh Trần Đoàn ở Virginia, lúc 6:03 tối 1-1-2014 (9:03
tối ở Boston) với tiêu đề: “Chị Hà đã vĩnh viễn ra đi” với nội dung:
“Chị Hà từ trần lúc 7:30 tối ngày hôm nay (1-1-2014).
Chị Bích đã mời quý Sư cô chùa Huệ Lâm đến hộ niệm cho chị từ 4:30 chiều. Đến 7:15-20 các cô ra về, rồi không biết lí do gì các sư cô trở lui vừa lúc chị Hà ra đi đúng 7:30 tối. Quý Sư cô ở lại tụng tiếp.
Sư cô Giới Châu trên đường bay sẽ tới Boston khuya nay (12 giờ khuya). Sư cô sẽ đến thẳng bệnh viện để hộ niệm tiếp. Nhà thương đồng ý lưu chị Hà lại 8 tiếng. Sáng mai sẽ có Funeral Home đến lo. Chắc là sẽ có Sư cô Giới Châu và các Sư cô Huệ Lâm lúc đó để hộ niệm tiếp.”
Và thư báo tin của chị Trần Kiêm Thúy Vy:
“Các chị trong gia đình và một số bạn bè đứng quanh giường đọc kinh dưới sự điều khiển của 3 sư cô chùa Huệ Lâm. Tất cả người có mặt chia làm hai nhóm vây quanh giường đọc theo sư trưởng của nhóm. Khi đọc xong rồi, quý sư cô ra về. Chị Thúy Vy đi theo sư cô xuống garage để trả tiền đậu xe cho sư cô. Chưa tới xe, trên phòng gọi xuống nói chị Hà đi rồi. Chị Vy và các sư cô quay lại đọc kinh tiếp. Nhà thương, theo lời xin của mình, BS cho phép để xác ở đó tới khi mình đọc kinh đến 3:30 AM (8 giờ sau khi mất). Quý sư cô phải về vì cơn bão lớn sắp tới; nhưng gia đình ở lại và mọi người trong nhà đi về lúc gần 1 giờ sáng bởi đã đến lúc cơn bão tuyết lớn tới. Chị Vy ở lại tụng kinh cùng với cái CD Hà Thanh Niệm A Di Đà cho tới 1:30 AM, rồi cô Giới Châu từ Denver tới đọc kinh tiếp cho chị.
Thời gian đó, trên đầu giường chị Hà luôn luôn có tiếng chị tự đọc A Di Đà (qua CD thu âm tiếng hát lời kinh của Hà Thanh đã được phát hành). Trước mặt chị, vùng ánh đèn trong cái khuôn khá lớn, thật vừa với ảnh A Di Đà. Chị Hà nằm yên tỉnh, bình thản, gương mặt cười, đẹp hơn một vài giờ trước đó, khi chị hấp hối. Tiếng chị đọc quá thanh thoát nên chị Vy đọc theo không thấy mệt, không sợ ma… Chị đọc theo giỏi đến độ không sót một chữ nào và đọc to như cái CD của chị Hà vậy. Những lúc có tiếng nhạc dạo, chị Vy có đủ thì giờ để vội vàng đi buồng tắm, ăn chút bánh, uồng đủ thứ nước do nhà thương tiếp tế thật nhiều cho nhóm cầu nguyện. Cứ thế cho đến khi cô Giới Châu tới.
Chị Hà bị ung thư máu nhưng chị không hề bị đau trước khi ra đi. Chỉ có 3 ngày cuối cùng (30-12-2013 tới 1-1-2014) chị quá mệt. Trước khi mất, chị bị mê nhưng thỉnh thoảng chị vẫn mở mắt nhìn từng người, nhìn Kim Huyên, Euger chồng của KH, BB… và mấy đứa cứ hôn chị mãi. Chỉ vắng mặt 2 đứa cháu ngoại quá nhỏ. Ngày kế tiếp, 1/1/2014 thì chị không mở mắt ra nữa và thực sự ra đi lúc 7.30 PM. Trải qua 29 giờ từ khi pass out (mê), trong khi bác sĩ nói rằng họ dự liệu từ 2-24 giờ là tối đa.”
Tôi ghi lại nơi đây mấy dòng điện thư khấp báo trong nội bộ gia đình như một sự chia sẻ tâm tình đầy cảm niệm về những giờ phút cuối cùng lặng lẽ của chị Hà Thanh trong khung cảnh đầy đạo vị với tiếng kinh hộ niệm của quý sư cô chùa Huệ Lâm, của mọi thành viên trong gia đình và của chính chị.
Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam truyền thống thì “sinh thuận tử an” là dấu hiệu phước báu của một cuộc đời nhân hậu và mang lợi lạc đến cho nhiều người. Người nghệ sĩ chân chính, như một “con chim đến từ núi lạ” mang niềm vui tươi mát cho đời, xứng đáng hưởng được chút phước báu như thế trong ngày nhắm mắt xuôi tay.
Đặc biệt là với tinh thần Phật giáo, mọi sinh thể đều phải sống trong duyên nghiệp trùng trùng. Chấm dứt là khởi duyên cho một sự bắt đầu và ngược lại. Nên vòng tử sinh cũng đơn thuần như thay áo. Nợ thì có thể giúp nhau để trả. Nhưng đã mang lấy Nghiệp vào thân thì riêng ai nấy tính. Ở một mức độ cạn của tục đế thì ngay ở trần gian nầy cũng có thể thấy được nghiệp dữ hay lành. Hình ảnh chị Hà Thanh trong buổi chiều tử sinh, ngày đầu năm 2014, thanh thản ra đi trong tiếng kinh cầu vãng sanh của các bậc tu hành là một biểu tượng siêu thoát của Nghiệp quả đã giải, Duyên lành đang đến.
Chị Hà Thanh ra đi trong sự tiếc thương của mọi người. Trong suốt sáu mươi năm, từ khi mang tiếng hát trong ngần tuổi xanh Đồng Khánh – Quốc Học, đến tiếng hát tình ca long lanh, dạt dào suối nguồn cảm xúc tuổi vào đời và Phật đạo ca thanh thoát, trầm lắng khi hướng đến những phương trời cao rộng nếp tâm linh… Hà Thanh không chỉ là một ca sĩ “ca hát cho đời mua vui” mà chị là hiện thân của nghệ thuật. Nghệ thuật mang cái hay, cái đẹp, cái sáng rất tươi tắn, rỗng lặng và hồn nhiên khiến cho đời đẹp hơn mà không làm đau một ngọn lá trên cành.
Có nhiều ví von – mà hình ảnh so sánh nào cũng đáng quý, đáng yêu – về tiếng hát của Hà Thanh như tiếng vọng của dòng sông xanh, tiếng hót của loài chim sơn ca, tiếng luyến láy ngọt ngào của cảm xúc thanh tân… Cho đến, có các bậc thiện tri thức diễn cảm Phật đạo ca của Hà Thanh như tiếng hót của loài chim sẻ huyền thoại Ấn Độ, Ka Lăng Tần Già, đậu trên vai đức Phật.
Năm mới, 2014, một ngày sau chị Hà Thanh thì anh Lê Cao Phan, tác giả bài Phật Giáo Việt Nam cũng tiếp bước ra đi. Nhạc sĩ Lê Cao Phan vẫn được thế hệ Phật tử chúng tôi ví như một đóa Ưu Đàm trong tân nhạc Phật giáo. Có tin là nhiều đơn vị chùa chiền và Gia Đình Phật Tử trong cũng như ngoài nước chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm cho hai nghệ sĩ Phật tử tài danh đã cống hiến tài năng và tín tâm hướng về Phật đạo.
Khi tôi đang viết những dòng nầy, ba ngày sau khi chị Hà Thanh ra đi, thì được tin bà con ở quê hương làng Liễu Cốc Hạ đã tụ hội đến ngôi chùa của ông bà Trần Kiêm Mai xây dựng hiến tặng cho làng để thắp nhang tưởng niệm một người con tài hoa của hương thôn vừa tạ thế. Chùa Hoa Nghiêm ở Virginia sẽ sử hành lễ cầu siêu tưởng niệm chị Hà Thanh vào ngày 5-1-2014. Chùa Thiền Quang Tự, thành phố Midway, Nam California cử hành Lễ Truy niệm nữ danh ca Hà Thanh ngày 5-1-2014. Chùa Phổ Từ ở Hayward, Bắc California sẽ làm lễ tưởng niệm ca sĩ Hà Thanh và nhạc sĩ Lê Cao Phan vào ngày 19-1-2014. Trong lúc đó vì thời tiết đóng băng quá khắc nghiệt ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, tang lễ chính thức của chị Hà Thanh sẽ chính thức cử hành vào ngày 12-1-2014. Không ai tiễn biệt chị Hà Thanh bằng cái tình cảm vỡ bờ đột khởi của một “nhân vật” mang biển, lọng, cờ, quạt… đầy những hệ lụy nhân sinh. Bà con, bằng hữu và người thưởng thức tiếng hát Hà Thanh tưởng niệm chị như một người con hiếu hạnh, một người bạn nhu hòa, một ca sĩ tài danh, một nghệ sĩ Phật tử thuần thành hô trì đạo pháp bằng âm nhạc. Đó là chân dung thiện mỹ của một nghệ sĩ đã sử dụng tài năng cho đời lợi lạc; giữ tiếng ca trong sáng dù đã trải qua những chặng đường gai góc mà người nghệ sĩ phải đối mặt với những sức ép vô minh và gọng kềm lịch sử đầy nghiệt ngã.
Với hai bà chị ca sĩ
Hà Thanh và Thanh Thúy trong một chương trình văn nghệ từ thiện tại Stockton,
CA năm 2007
Ngày
tôi còn là đứa bé quê ở làng Liễu Cốc Hạ thì chị Hà Thanh đã là một “tiểu thư”
khuê các tài danh của Huế. Thân phụ chị Hà Thanh, bác Trần Kiêm Phổ mà dân làng
quen gọi một cách thân tình “Ôn Trợ Phổ” là tộc trưởng họ Trần của chúng tôi.
Tôi còn nhớ lần đầu, ba bốn hôm gì đó, sau khi chị Hà Thanh được giải nhất
chương trình tuyển lựa ca sĩ của đài Phát Thanh Huế vào năm 1953 chị theo chân
thân phụ về làng dự tế lễ họ Trần. Bọn nhỏ, tuổi lên mười, chúng tôi hè nhau
chạy tới nhà thờ họ Trần để tận mắt nhìn thấy “O Hà Thanh là ai, mặt mũi ra
răng mà hát hay rứa!” Khi tận mắt nhìn thấy chị cũng là một người trẻ tuổi như
mấy cô học trò, không nghe nói gì mà chỉ thấy cười e ấp bên cạnh người thân thì
bọn trẻ thất vọng kháo nhau: “O Hà Thanh cũng giống như người thường làng mình
thôi hè!” Bọn trẻ làng chúng tôi quen mơ mộng vẩn vơ sau lũy tre xanh, nên cứ
nghĩ rằng, người có giọng hát nổi tiếng trên đài phát thanh phải là một nhân
vật khác thường, phải có lốm đốm hào quang đâu đó, có dáng tiên đồng ngọc nữ,
có cánh như chuyện thần tiên.
Danh vọng của một ca sĩ hàng đầu đã làm cho tên tuổi ca sĩ Hà Thanh ngày càng nổi bật. Nhưng phong thái, nhân cách, giao tình của chị vẫn nhẹ nhàng, trang nhã và đơn giản như xưa. Gặp chị Hà Thanh từ thời còn nhỏ ở làng quê, ở Huế, ở Sài Gòn và lần cuối năm 2007 tại Mỹ, tôi nhận ra ở chị cái phẩm chất “dung hóa” của một người phụ nữ Huế vẫn không thay đổi trên một chặng đường đời dài tới bảy, tám chục năm như thế. Đó là dáng vẻ từ tốn, vừa phải. Vui mà không nhộn, niềm nỡ mà không bộp chộp, chia sẻ mà không khoe mẻ, quý phái mà không kiêu xa. Đó cũng là đặc tính hòa quyện trong chất giọng của Hà Thanh mà những người biết chị đều có cùng cảm nhận.
Vẽ chân dung một người bình thường đã khó; vẽ chân dung một nghệ sĩ có hơn 60 năm mang tiếng hát làm vui nhân thế, làm đẹp cuộc đời lại càng khó hơn. Bởi vậy, ngay sau khi chị Hà Thanh vừa vĩnh viễn ra đi thì đã có quá nhiều bài viết về tiểu sử cuộc đời của chị. Bài nào cũng đầy ý nghĩa, bài nào cũng chan chứa tình cảm xúc động dành cho một nghệ sĩ có chân tài. Tuy nhiên, những chi tiết liên quan trực tiếp đến cuộc đời Hà Thanh lại thiếu nhất quán. Ngay như ngày sinh, gia thế, quá trình hoạt động văn nghệ của chị cũng xuất hiện sai khác nhau. Chị Phương Thảo và gia đình có ngõ ý cho tôi, với mối quan hệ nội thân, soạn một bản tiểu sử của chị Hà Thanh, càng ngắn gọn nhưng đầy đủ những chi tiết dữ kiện chính xác càng tốt.
Tổng hợp những chi tiết thông tin từ gia đình, tôi soạn một bản tiểu sử sơ lược của ca sĩ Hà Thanh tuy ngắn gọn nhưng những dữ kiện về cuộc đời của chị tương đối chính xác và được kiểm chứng như sau:
TIỂU
SỬ CA SĨ HÀ THANH
(1937-2014)
(1937-2014)
THÂN
THẾ
Tên
thật: Trần Thị Lục Hà
Sinh ngày: 25-7-1937 tại làng An Đô, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. An Đô là quê ngoại và gia đình có một trang trại lớn ở chân núi Trường Sơn. Hà Thanh đã “lọt lòng” khi thân mẫu đang thăm trang trại. Thân phụ là một giáo thụ túc Nho đã trích ra từ câu “Hạ thưởng Lục Hà trì – mùa Hạ ngắm hồ hoa súng” trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt Tứ Thời của thi hào Thôi Hiệu để đặt tên.
Thiếu thời, trước khi lên Huế học, Hà Thanh đã sống trong trang trại của gia đình. Khung cảnh điền dã cạnh chân núi Trường Sơn đã un đúc phong cách sống hài hòa, giản dị và tinh thần nghệ sĩ của Hà Thanh.
Hà Thanh xuất thân từ một gia đình theo đạo Phật thuần thành, quy y với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết với Pháp danh Tâm Tú và tham gia sinh hoạt Gia đình Phật Tử Hương Từ tại Huế.
Thân phụ: Trần Kiêm Phổ
Thân mẫu: Nguyễn Thị Cảnh
Nguyên quán: Làng Liễu Cốc Hạ, quận Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Con thứ tư trong gia đình có 10 anh chị em.
Chồng: Bùi Thế Dung. Kết hôn năm 1970.
Con cháu: con gái Bùi Trần Kim Huyên và 2 cháu ngoại.
Mất ngày: 1-1-2014 tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Phút cuối Hà Thanh ra đi trong tiếng hộ niệm của chư Ni và sự có mặt đông đủ của gia đình.
Sinh ngày: 25-7-1937 tại làng An Đô, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. An Đô là quê ngoại và gia đình có một trang trại lớn ở chân núi Trường Sơn. Hà Thanh đã “lọt lòng” khi thân mẫu đang thăm trang trại. Thân phụ là một giáo thụ túc Nho đã trích ra từ câu “Hạ thưởng Lục Hà trì – mùa Hạ ngắm hồ hoa súng” trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt Tứ Thời của thi hào Thôi Hiệu để đặt tên.
Thiếu thời, trước khi lên Huế học, Hà Thanh đã sống trong trang trại của gia đình. Khung cảnh điền dã cạnh chân núi Trường Sơn đã un đúc phong cách sống hài hòa, giản dị và tinh thần nghệ sĩ của Hà Thanh.
Hà Thanh xuất thân từ một gia đình theo đạo Phật thuần thành, quy y với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết với Pháp danh Tâm Tú và tham gia sinh hoạt Gia đình Phật Tử Hương Từ tại Huế.
Thân phụ: Trần Kiêm Phổ
Thân mẫu: Nguyễn Thị Cảnh
Nguyên quán: Làng Liễu Cốc Hạ, quận Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Con thứ tư trong gia đình có 10 anh chị em.
Chồng: Bùi Thế Dung. Kết hôn năm 1970.
Con cháu: con gái Bùi Trần Kim Huyên và 2 cháu ngoại.
Mất ngày: 1-1-2014 tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Phút cuối Hà Thanh ra đi trong tiếng hộ niệm của chư Ni và sự có mặt đông đủ của gia đình.
SỰ
NGHIỆP:
- Từ thời còn đi học trường Đồng Khánh, Hà Thanh tham gia ban nhạc Gió Mới hát trong chương trình Tiếng nói học sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên đài phát thanh Huế.
- Năm 1953, trong cuộc Tuyển lựa Ca sĩ của Đài phát thanh Huế, Hà Thanh chiếm giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó. Trong đó có bài Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube). Uyển danh Hà Thanh qua ý niệm Dòng Sông Xanh bắt đầu từ đó. Tuy có giọng hát thiên phú được ái mộ nồng nhiệt, nhưng tài năng của Hà Thanh bị giới hạn trong mảnh đất Cố Đô Huế vì sự nghiêm khắc của thân phụ và lễ giáo truyền thống của gia đình.
- Năm 1963, Hà Thanh vào Sài Gòn và bắt đầu hát ở đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Thời Gian. Cùng thời, được các hãng đĩa, băng nhạc mời cộng tác thu thanh như: Sóng Nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải, Continental và Sơn Ca; nhưng không bao giờ hát ở phòng trà.
- Trước năm 1975, Hà Thanh đã nhiều lần tham gia vào các đoàn văn nghệ Việt Nam diễn ở châu Âu và Lào.
- Năm 1984, Hà Thanh sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, Hà Thanh tham gia trình diễn trong một số các chương trình văn nghệ nhưng không thường xuyên; trọng tâm là những sinh hoạt văn nghệ đặt nặng tính chất văn hóa, ái hữu và từ thiện.
- Đặc biệt là trong vòng thập niên cuối đời, Hà Thanh đã dồn hết tâm lực và tài hoa vào các chương trình và băng đĩa Phật đạo ca.
- Hà Thanh có thiên khiếu đặc biệt về âm nhạc: Đã phổ nhạc bài Sám Hối (lời Thích Nhất Hạnh), Dâng Mẹ (lời Thích Nữ Như Minh), Bên Rừng Nở Rộ Hoa Mai (lời Thích Nhất Hạnh), Kinh Chiều (ý nhạc Thích Trường Khánh).
Hà Thanh ra đi, để lại một dấu ấn nghệ thuật rất độc đáo trong lĩnh vực tân nhạc Việt Nam. Ngoài sự phong phú của băng đĩa, sản phẩm âm nhạc thu thanh tiếng hát tuyệt vời, Hà Thanh còn để lại hình ảnh hiếu thuận và tiết nghĩa của người nghệ sĩ trong quan hệ gia đình, xã hội, văn nghệ và Phật giáo Việt Nam.
Nói đến thân thế và sự nghiệp của người nghệ sĩ thường được ví như xem ống kính vạn hoa. Nghĩa là mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, mỗi tầm cảm nhận, mỗi tâm hồn trải nghiệm… đều có mỗi cách nhìn khác nhau. Bởi vậy, khi nhớ đến chị Hà Thanh trong giờ phút tưởng niệm nầy, tôi chỉ có đôi dòng cảm niệm tiễn biệt chị. Tiễn biệt mà không vĩnh biệt vì trên con đường sinh tử luân hồi, khi cầu nguyện cho hương hồn người vừa quá vãng được an nhiên vãng sanh về xứ Phật, người Phật tử nào cũng nghĩ về miền Cực Lạc như là một vùng đất hứa. Sự chia ly và hội ngộ cũng tương hội và gần gũi như mắt nhắm, mắt mở trên cùng một vầng trán trí tuệ, một khuôn mặt từ bi. Và Thiên Đường hay Cực Lạc chẳng ở đâu xa. Đó chỉ là trạng thái rỗng lặng của tâm khi không còn dính mắc. Xin tiễn biệt chị Hà Thanh ra đi cũng là trở về với chân tâm rỗng lặng.
Sacramento,
ngày 5-1-2014
Trần Kiêm Đoàn
Trần Kiêm Đoàn
------------------------------------------
Biên
soạn : Phan Anh Dũng
TRANG
NHÀ HÀ THANH
No comments:
Post a Comment