Wed, 01/15/2014 - 09:27 — Kami
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay thông tin là
thứ tài nguyên vô giá, vì nhờ biết đến các thông tin người dân có sự hiểu biết
về các mặt của đời sống xã hội và kết quả cuối cùng là tạo tiền đề để làm cho
xã hội phát triển vượt bậc. Song thông tin nói trên là các thông tin tốt, đa
dạng, đa chiều được chọn lọc một cách khoa học nhưng không mang mục đích nhằm
bưng bít sự thật. Vì ai cũng biết đằng sau của sự độc quyền thông tin bao giờ
cũng là hình bóng của kẻ độc tài.
Thể chế chính trị hiện nay của Việt nam là một nhà
nước theo chế độ chính trị XHCN với ý thức hệ chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng
Hồ Chí Minh. Với mô hình chính trị nhất nguyên chống đa nguyên, với duy nhất
một đảng chính trị có quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì thế các lãnh đạo ở
Việt nam không ngại ngần để thẳng thừng tuyên bố rằng họ không chấp nhận cho
báo chí tư nhân tồn tại, vì theo họ thông tin là lĩnh vực nhạy cảm liên quan
đến sự ổn định của chế độ nên phải được độc quyền của đảng. Đó là lý do vì sao
mà dư luận cho rằng Việt Nam hiện có hơn 800 báo in, 67 đài phát thanh truyền
hình và hàng trăm báo, trang tin điện tử... nhưng có chung một Tổng Biên tập.
Tuy vậy các thông tin từ báo chí Việt nam
nhiều khi cũng khiến bạn đọc hoang mang, không biết đâu là sự thật. Cùng một
vấn đề, một nội dung song các lãnh đạo đảng và nhà nước nói theo một cách hoặc
mỗi tờ báo lại nhìn nhận vấn đề không giống nhau. Điều đó nhiều khi khiến bạn
đọc nghi ngờ tư cách của những người đứng đầu nhà nước, nếu không muốn gắn cho
họ hai chữ phản động. Xin được dẫn 02 ví dụ mới nhất:
1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có hành động
phạm pháp do xuyên tạc Hiến pháp?
Trong những ngày đầu năm mới năm 2014, một sự kiện
chính trị được báo chí, dư luận xã hội quan tâm, và được các nhà bình luận đánh
giá cao đó là Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bản Thông
điệp đầu năm mới được báo Tuổi trẻ, một tờ báo lớn chạy title "Đổi mới thể
chế, mở rộng dân chủ" có lẽ là title ngắn gọn, chính xác nhất về ý nghĩa
và nội dung của bản thông điệp này.
Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN được đánh giá như là một luồng gió mới
mang lại nhiều hứa hẹn về vấn đề cải cách chính trị. Một vấn đề được coi là cấp
bách trong bối cảnh thể chế chính trị cũ không có khả năng đáp ứng năng lực
cạnh tranh của Việt nam trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu
rộng. Mà theo ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì "Năng lực cạnh
tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi
trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác
động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường
kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là
điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có
được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một
nền quản trị quốc gia hiện đại." . Và cũng theo Thủ tướng
nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm
chủ của Nhân dân. Điều đó đã thể hiện một lý luận phù hợp với thực tiễn Việt
nam, đồng thời nó cũng cho người ta thấy nguyên nhân vì sao cho dù đã mở cửa
cải cách về kinh tế 27 năm, song Việt nam không thể hóa Rồng, hóa Hổ như các
quốc gia khác ở châu Á trong lúc họ chỉ cần một thời gian ngắn hơn như vậy.
Theo định nghĩa, thể chế chính trị hay chế độ chính
trị là những quy định luật lệ của một chế độ xã hội, và là sự tổ chức pháp lý
các chuẩn mực xã hội, sự thiết lập các tổ chức nhà nước và xã hội. Người ta ví
thể chế chính trị là nền tảng của một căn nhà. Và Hiến pháp là văn kiện chính
trị-pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia dân tộc, đó là đạo luật cơ bản,
luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn
dân tộc. Chỉ có Hiến pháp là văn bản pháp lý chính trị cao nhất và duy nhất có
khả năng ấn định thể chế chính trị cho một nhà nước.
Những đòi hỏi của Thủ tướng Dũng thông qua bản Thông
điệp đầu năm mới hoàn toàn không hề giản, nó không chỉ chỉ ra những bất cập của
thế chế chính trị hiện tại mà theo ông Dũng cần phải đổi mới. Quan trọng hơn
điều mà Thủ tướng nêu lên là đổi mới thể chế xảy ra vào đúng ngày bản Hiến pháp
sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Việc này dễ cho người ta nghĩ rằng ông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gián tiếp phê phán mới nhất và muốn hủy bỏ bản
Hiến pháp mới nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam để viết lại một
bản Hiến pháp mới có nội dung phù hợp hơn. Theo từ điển tiếng Việt từ cải cách
có nghĩa là sửa đổi cái cũ đã trở thành lạc hậu để cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu
của tình hình. Do vậy khi Thủ tướng kêu gọi cải cách thể chế thì gián tiếp ông
Thủ tướng đã cho rằng thể chế chính trị hiện nay của Việt nam nay là lạc hậu và
không còn phù hợp.
Gần đây, ngày Chủ nhật 12.01.2014, trong mục
"Chống Diễn biến Hòa bình" báo Quân đội Nhân dân - Cơ quan của Quân
ủy TW và Bộ Quốc phòng có bài viết "Phủ
nhận và xuyên tạc Hiến pháp là phạm pháp" của tác giả Bắc Hà và
Linh Nghĩa. Điều đáng chú ý là bài viết ngày xuất hiện sau đúng 02 tuần khi
Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đời và điều đó khiến
cho người ta phải đặt câu hỏi phải chăng đó là tín hiệu chuyển tới và ngầm phê
phán mạnh mẽ Thủ tướng. Nhất là khi bài viết cho rằng đó là điều "không
thể chấp nhận được cả về mặt chính trị, pháp lý và đạo lý. Sự xuyên tạc Hiến
pháp trên thực tế là hành động phạm pháp." (!?).
Nếu hiểu theo báo QĐND thì nghiễm nhiên Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng là một người đứng đầu Chính phủ đã có hành động phạm pháp do
xuyên tạc Hiến pháp. Vì thế nên không thể chấp nhận được cả về mặt chính
trị, pháp lý và đạo lý. (!?)
2. Việt nam có hay không báo lá cải?
Hiện tượng các trang báo lá cải là khuynh hướng đang phát triển của không ít tờ báo chạy theo lợi nhuận, để thu hút bạn đọc những tờ báo này sẵn sàng đưa các tin tức rẻ tiền hòng để lôi kéo một số đông bạn đọc ít hiểu biết hoặc có những nhu cầu tìm kiếm các thông tin có chuẩn mực đạo đức dưới chuẩn. Hiện tượng này có hay không thì có lẽ ai ai cũng biết, thậm chí người ta còn có thể chỉ ra đích danh những tờ báo "bẩn" trong số các tờ báo chạy theo xu hướng này.
Ngày 21.11.2013 báo Dân trí có bài viết "Bộ
trưởng Nguyễn Bắc Son: Việt Nam không có báo lá cải". Theo đó bài báo
cho biết, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Nguyễn
Bắc Son, Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đã nêu nhiều biểu hiện, tác
động tiêu cực của báo lá cải đối với giới trẻ, bà Trang băn khoăn, những biểu
hiện phức tạp về tội phạm vị thành niên hiện nay có bắt nguồn từ xu hướng không
lành mạnh này. Và Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang chất vấn bằng câu hỏi: “Trả
lời phỏng vấn vừa qua, Bộ trưởng có đề cập nguyên nhân dẫn đến việc này là từ
công tác quản lý báo chí của nhà nước. Thời gian tới, Bộ chủ trương làm gì để
chấm dứt tình trạng này?”
Bộ trưởng TT-TT đã trả lời rằng: “Đối với
nhà nước ta hiện nay, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, là
cơ quan ngôn luận của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của
nhân dân nên phải khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. Tuy
nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn
chỉ mục đích. Đây là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải chứ Việt Nam
không có báo lá cải”.
Và ngày 15.1.2014, báo Tiền phong có bài viết "Không
thể để báo lá cải hoành hành" mà theo báo Tiền phong cho biết
"Trước thực trạng một số đơn vị báo chí thiên về khai thác mặt trái, giật
gân nhằm câu khách, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh
Thế Huynh khẳng định: “Điều này ảnh hưởng đến uy tín nền báo chí cách
mạng, làm công chúng bức xúc". Theo đó bài báo cho biết ngày
14.1.2014, tại Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm
2014, bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp của báo chí cho sự nghiệp phát
triển chung, ông Đinh Thế Huynh thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót.
Trong đó ông Đinh Thế Huynh đã nhắc tới thực trạng một số cơ quan báo chí vì
chạy theo lợi ích kinh tế một cách phi văn hóa, vô trách nhiệm với xã hội;
buông lỏng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống;
thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót ở mức nghiêm trọng, không
thể khắc phục hậu quả. Trưởng Ban Tuyên giáo nói. “Không thể để tình
trạng các báo có xu hướng lá cải tiếp tục hoành hành. Và những người làm báo
phải dũng cảm, biết hy sinh, dám từ bỏ nếu có lợi ích trong việc ra đời những
phụ trương, những “ấn phẩm bẩn”.
Hai thông tin trên trái ngược nhau hoàn toàn, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son bảo không có báo lá cải, nhưng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định là có thì bạn đọc biết tin ai nói đúng?
Còn nhớ tại Hội nghị toàn quốc về công tác tuyên
giáo sáng 9.1.2013 tại Hà Nội, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh
vai trò của công tác tuyên giáo là: “Mỗi người nghĩ một khác, mỗi người
thích đi một hướng thì làm sao chở con đò sang sông được”. Nếu lấy câu nói
này của ông Tổng Bí thư đem ra để soi hai trường hợp ví dụ nêu trên, để thấy
mức độ đáng tin cậy trong các tin tức của nền báo chí cách mạng Việt nam ở mức
độ nào?
Và quan trọng hơn là người dân nếu chỉ đọc duy nhất
báo của đảng thì sẽ biết tin vào ai?
Ngày 15 tháng 01 năm 2014
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment