Wednesday, 8 January 2014

NÔNG THÔN TAN NÁT HÔM NAY (Vương Trí Nhàn)




08-01-2014

cũng là một dạng "mất đất"

Chỉ cần đứng ở các đầu ô, theo dõi hoạt động trên con đường nối Hà Nội với các tỉnh, ngươi ta cũng sớm nhận ra thực chất các mối quan hệ giữa đô thị với các vùng nông thôn chung quanh. 
Đổ lên Hà Nội, ngoài gạo nước chỉ thấy mấy xe cà tàng chở những bu gà và đôi khi là mấy con lợn đã mổ, những xe thồ chở rau, thêm nữa là hàng đoàn xe đạp đang chở cây cảnh.
 Xuôi đi các tỉnh thì trăm thứ bà rằn, không kể vải vóc, đồ điện, thuốc tây... gần đây đến cả đồ chơi trẻ con cũng đều là hàng từ Hà Nội.
 Ngày xưa có ai đi mua diều để thả bao giờ? Bố khéo tay thì làm cho con cái diều. Thô sơ, mộc mạc, nhưng mà đúng “cây nhà lá vườn”. Ngày nay diều từ Hà Nội đưa về là diều nhựa, xanh xanh đỏ đỏ, có người bảo là nhập lậu từ Trung Quốc.

Kiểu quan hệ hai chiều như thế, kể ra, cũng là một bước phát triển. Nông thôn ta đang được hưởng nhiều thành tựu của công nghiệp.
Chỉ phiền một nỗi, có phải như thế, tức là nông thôn ta không còn tự lập tự chủ mà ngày càng phụ thuộc vào thành thị? Lao động đã thừa, giờ đây càng thừa thêm?
 Những ngày nông nhàn, giờ đây, những người khéo tay không biết làm gì. Thị trường của họ bị thu hẹp.
 Báo chí đang nói nhiều về tình trạng nông dân mất đất theo nghĩa đen.
Ở đây tôi muốn dùng theo nghĩa rộng hơn. Mất môi trường tự nhiên và xã hội để sinh sống - cũng tức là người nông dân đang mất đất ngay trên quê hương mình.
Tôi không ngớ ngẩn đến mức đề nghị bịt đường, không cho hàng hoá thành thị về nông thôn.
Tôi chỉ ước ao thực hiện cái điều nhiều người đã biết, tức là làm sao nông thôn được tổ chức lại, từng vùng có mặt hàng riêng, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng vẫn bán trên đô thị (nếu không tốt hơn, đẹp hơn, thì cũng rẻ hơn, vừa túi tiền hơn).
 Nó là chuyện giải quyết lao động thừa.
 Nó lại cũng là một cách để giữ gìn một số làng nghề truyền thống, và nhìn rộng ra, là giữ gìn cái bản sắc riêng của dân mình.
Có điều, việc này không phải từng cá nhân có thể lo nổi.

thất nghiệp sinh làm bậy

Nghe tới mấy chữ sau luỹ tre, không ai không hiểu đây là để chỉ nông thôn Việt Nam. Nhưng có lẽ phải nói thêm đó là cái nông thôn xưa từng làng từng xóm khép kín trong một cộng đồng chật hẹp. 
Nông thôn bây giờ khác hẳn. Chẳng những một số nơi luỹ tre không còn, mà cái chính là làng xóm đã mất đi hẳn tính cô lập, để hoà đồng với nhau, và xa hơn, hoà nhập với đô thị. Ở ngoại vi Hà Nội (thường cách độ 100 cây số trở lại) nay có nhiều làng có ô tô hàng ngày chở người lên thủ đô buôn bán, chiều lại đón về.
Cái hay học được nhiều. Nhưng cái dở cũng theo đó mà thâm nhập.
Nay là lúc nạn hút xách, đĩ điếm, rồi cả nạn đề đóm, nạn côn đồ đầu gấu... không phải là đặc sản riêng của thành thị mà cũng có thể sâu cây bén rễ ở nông thôn, như một bệnh dịch, không dễ gì ngăn chặn.
Thông thường, người ta đổ lỗi cho sự giao lưu tiếp xúc đang được mở rộng. Nhiều cụ già chép miệng “Giá cứ như ngày xưa làng nào thuần tuý làng ấy, thì đâu đến nỗi”.
Nhưng ngày xưa không thể trở lại!
Câu chuyện từng làng khép kín đã thuộc về dĩ vãng.
Ở đây, tôi muốn đề nghị một cách nghĩ khác. Chẳng hạn chúng ta hãy thử tìm ra mối quan hệ giữa tệ nạn xã hội và phong trào làm ăn sản xuất của một địa phương. Hình như tình hình là như thế này:
- Nơi làm ăn khó khăn, nghề ngỗng chẳng có, lên Hà Nội chẳng qua gồng thuê, gánh mướn, thì các tệ nạn phát triển mạnh.
- Còn những nơi con người có nghề nghiệp chắc chắn, làm ra mặt hàng cung cấp cho thành phố, thì tuy cũng có chơi bời, nhưng người ta thường vượt lên, để tồn tại.
Tục ngữ xưa có câu: Giàu tham việc thất nghiệp tham ăn.
Nay có lẽ nên đổi đi đôi chút: Giàu tham việc, thất nghiệp tham làm bậy.
Nói cách khác, cuộc vận động chống các tệ nạn xã hội ở nông thôn tuy có phụ thuộc vào nền nếp truyền thống cũ, nhưng có lẽ cái mà nó phụ thuộc nhiều hơn cả là trình độ tổ chức sản xuất của từng làng xóm. Cây khoẻ thì tự nó đã có thể chống được sâu bệnh.

bao giờ  cho đến ngày xưa

Một người bạn tôi ở Hải Hậu, Nam Định lên Hà Nội chơi, kể rằng ở quê anh vẫn còn tục lệ chỉ đàn ông mới được khiêng đòn đám ma. Vì vậy đang xảy ra tình trạng là ở một số làng, người chết không tìm được người khiêng. Nông thôn, trong cảnh thời tiết chất chưởng, làm ra hạt thóc chật vật khó khăn, cái nông thôn ấy, một số nơi, đang rỗng. Người nháo đi các nơi. Đi không chắc đã kiếm được cái ăn. Nhưng ở quê, biết làm gì hơn?
Những người ấy đi đâu?
Tôi nhớ những trai tráng ngồi quẩn bên nhau ở một số góc phố Hà Nội, chờ người đến thuê. 
Tôi nhớ những người bán hàng rong, kẻ này đẩy một ôm chiếu trên chiếc xe đạp “không phanh không gác-đờ-bu”, kẻ kia mặt mũi đỏ gay, lút đi giữa đống đồ nhựa. 
Và những em bé đánh giày len lỏi ở các quán ăn, quán giải khát, đội quân ấy đang ngày một đông thêm.
 Các nhà nghiên cứu về xã hội khái quát, đây là cả một xu thế xuất hiện ở các nuớc đang phát triển và đã đề nghị có chính sách không để  tình thế tạm thời này kéo dài.
 Nhưng ba chục năm nay, cái  xu hướng này ngày càng tiếp diễn. Tức là xã hội tự cơ cấu lại một cách tự phát. Nhìn vào trình độ sống của người nông thôn ra đi ấy thấy có sự phân hóa. Một bộ phận biết thích ứng, nhưng một bộ phận khác thì lưu manh hóa. Họ chả bao giờ trở thành người đô thị hiện đại. Trong cuộc kiếm sống gian nan, họ dám làm bất cứ việc gì có người trả tiền. Họ đang làm hỏng hình ảnh tốt đẹp về người nông dân vốn có trong mỗi chúng ta.
Tôi muốn nói thêm một khía cạnh tâm lý vui vui.
Do những thói quen cố hữu, tận trong đáy lòng, không người nông dân nào muốn bỏ quê nhà ra đi. Chẳng qua nói như các cụ xưa, túng thì phải tính. Ra đô thị rồi, họ vẫn vấn vương với quê cũ.
Lại nhớ lâu nay vẫn nghe nói ở nhiều nước, dân thành phố mắc phải một chứng bệnh oái oăm là bệnh thương nhớ đồng quê. Tức là họ ngán các nhà chọc trời. Họ thèm về sống với hương đồng cỏ nội .
Phải chăng thứ bệnh sang trọng ấy không lan sang dân ta? Đâu có!
Chính nhiều người thành thị hiện nay cũng đã bắt đầu cảm thấy cuộc sống nơi đây là quá nặng nề (môi trường ô nhiễm không cách gì sửa chữa). Một số thường ước ao có ngày được tận hưởng cái không khí yên ả sau luỹ tre xanh. 
Chỉ có điều, thực tế trước mắt , vẫn chỉ cho người ta thấy chớ có mà tơ tưởng hão.
 Tôi vừa dùng lại cái chữ tơ tưởng trong câu ca dao cũ:
Duyên kia ai đợi mà chờ
Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình
 Sẽ có một ngày nông thôn là của tất cả chúng ta?

 Không, nông thôn hôm nay tan nát rồi. Nông thôn thanh bình ngày xưa, mãi mãi chỉ còn trong ký ức.



1 comment:

  1. Thằng nào viết ra bài này đúng là ngu, một cái nhìn thiển cận, Nông thôn Việt Nam ngày nay đang phát triển giàu mạnh. Nông thôn ngày nay vẫn giữ được những nghề truyền thông, mà đời sống nhân dân cũng cao lên, người dân có nhận thức cao hơn nhiều so với trước đây. Đảng và nhà nước đang cố gắng đưa cuộc sống người dân lên cao, làm nông nhưng không vất vả như trước, áp dụng công nghệ kĩ thuật vào đời sống. Chẳng nhẽ theo như thằng viết bài này thì nông thôn phải nghèo khổ như xưa thì mới là nông thôn à? đúng là thằng ngu còn bày đặt viết bài.

    ReplyDelete

View My Stats