Blogger Đinh Tấn Lực
31-12-2013
Nhân dân Kampuchia là một tập thể bất hạnh.
Dân Kamp kính vua, nhưng vua cha khập khiễng đi hàng
hai và thi thoảng khệnh khạng về nước ngồi ngai bù nhìn một thời gian dài trước
khi nghiến lợi băng hà.
Dân vẫn chuộng thể chế quân chủ lập hiến, nhưng
hoàng thái tử không tỏ rõ được bản lãnh.
Dân có yêu hoàng tộc đến mấy cũng không còn chút hy
vọng nào để gửi gắm cho hoàng gia.
Dân Kamp có
hai vết thương đỏ chói không bao giờ lành: Pol Pot(do Bắc Kinh đào tạo
) & Hun Sen (do Hà Nội huấn luyện).
Pol Pot phóng tay tuyệt diệt gần hết trí thức và tàn
sát gần nửa dân tộc trong một thời gian kỷ lục, nhằm đưa phân nửa dân số còn
lại thuộc giai cấp bần nông lên đài quang vinh muôn năm.
Kết quả là đất nước này được thế giới biết đến như
một cánh đồng sọ người.
Hà Nội say máu chiến thắng 75, nhân danh ngăn chận
nạn diệt chủng, nhận lãnh sứ mệnh từ Quốc Tế III, xua quân cưỡng chiếm, và đưa
tay sai Hun Sen về Nam Vang năm 1979.
Kết quả là phủ trùm cả nước bằng một tròng nô
lệ mới hai tầng: tầng dưới là Ba Đình, tầng trên là Cẩm Linh.
Kamp mất trọn nguyên khí quốc gia, nhân lực, vàng
bạc, và kiệt cả mọi loại niềm tin, từ ấy.
Trong lúc đâu đó vẫn lăm le một tầng nô lệ khác chực
chờ phủ chụp: Bắc Kinh.
Sau 10 năm bị Hà Nội thống trị (và, cùng dân Việt,
bị cô lập kinh tế/chính trị/xã hội đối với cả thế giới), dân Kamp mới được gọi
là dễ thở hơn đôi chút, khi Hà Nội bị ép phải rút quân, và Đông Âu kéo sụp Liên
Xô.
Dân Kamp (theo chân dân Việt), lùi sâu vào hang động
tiền sử, so với bước tiến kinh khiếp của nhân loại vào đầu thiên kỷ thứ ba.
Đấy là lúc sợi thừng thắt nút thòng lọng kép xiết cổ
dân Kamp bắt đầu thay nhãn Made in China.
Dân Kamp cho dẫu có siêng năng cần cù tới đâu cũng
đến bó tay, một khi nhà nước là loại rối cạn vừa cố ngoe nguẩy vẫy đuôi vừa cố
nới còng nong xích từ những bàn tay sắt của bầu bạn này sang quan thầy khác.
Đất nước Kamp nhiều đồng bằng phì nhiêu hơn Lào,
nhưng không đủ gạo ăn, chỉ bởi nhà nước quen thói ăn bám vào quân viện cùng
kinh viện trước kia, hay ăn bám vào viện trợ phát triển/viện trợ nhân đạo ngày
nay.
Đất nước Kamp có 443 cây số bờ biển, có một đoạn dài
nở rộng của sông Mekong, có một Biển Hồ nức tiếng là hồ nước ngọt lớn
nhất Đông Nam Á, thế nhưng chưa có được một nhà máy thủy hải sản xứng
tầm.
Đất nước Kamp có nhiều thế hệ thợ khéo tay, nhưng từ
hàng chục năm qua, những khu vực cắm cọc mang tên khu chế xuất vẫn còn nguyên
đó những hàng rào tôn và cọc sắt (dễ nhận ra nhất là khu chế xuất trên đường từ
phi trường Nam Vang vào thành phố).
Thế thì ngân sách nhà nước lấy từ đâu?
Để qua bên những thống kê có độ tin cậy không mấy
cao, và chỉ với sự quan sát đời thường, người ta có thể thấy ngay, bên cạnh các
chiến dịch quy hoạch đất cho thuê và các dự án kinh tế từ viện trợ nước ngoài,
là tầm quan trọng của nguồn ngoại tệ từ du khách.
Nỗi đau của dân Kamp cũng thấu tận xương từ chỗ đó:
- Một là du khách đến thăm những đền đài hoang phế. Angkor Wat – Đế Thiên Đế Thích chỉ là một biểu tượng. Tức là nhà nước sống nhờ vào sự cảm thán của thế giới trên một nền văn minh đổ nát hoang tàn của Kamp.
- Hai là du khách đến thăm những di tích của cánh đồng sọ người. Toul Sleng & Choeung Ek chỉ là 2 nơi tiêu biểu. Tức là nhà nước lại sống nhờ vào sự cảm thán của thế giới trên một nền văn hóa giết người bằng cuốc.
- Ba là du khách đến thăm những khu đèn đỏ thắp mờ. Trại Gà & Cây
Số 11 cũng chỉ là 2 nơi mà thế giới nghe nói đến nhiều nhất về nạn
ấu dâm và nô lệ tình dục. Tức là nhà nước sống nhờ vào niềm vui (rất) thú
của thiên hạ và cái vốn (rất) thiên nhiên của một nửa dân tộc.
http://dinhtanluc.files.wordpress.com/2014/01/kam-tourist_ad-copy.jpg?w=480
Một nhà nước chỉ đếm tiền, tự nuôi lấy guồng máy, và
tự làm đầy trương mục nhà băng nước ngoài bằng di tích văn minh đổ nát, bằng kỷ
niệm chương giết người, và bằng vốn trời cho một nửa nước, thì không thể đưa
đất nước ra khỏi vực thẳm chậm tiến, đói nghèo.
Pol Pot nổi tiếng diệt chủng, tạo biển máu và núi sọ
công khai. Để nối tiếp sau đó là một Hun Sen diệt chủng bằng con đường pha trộn
tạp chủng, âm thầm, kín đáo và thu nhiều ngoại tệ hơn.
Không kể thời gian nắm quyền sinh sát trong thời
Khờ-me Đỏ (77-79), Hun Sen cầm quyền quản trị toàn cõi đất Kamp từ năm 1979 đến
hết nhiệm kỳ 2017, và còn có thể thêm một vài lần bầu cử nữa, như đương sự từng
quyết tâm không thoái thác ghế thủ tướng cho tới khi 74 tuổi (2026), bên cạnh 3
người con trai đều thuộc hàng trụ cột của chế độ (trong đó, cậu cả Hun Manet
tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia West Point Hoa Kỳ, đỗ tiến sĩ kinh tế trường
Đại học Bristol của Anh Quốc, và hiện đang làm Phó tư lệnh Lực lượng Bảo vệ Phủ
thủ tướng).
Dân Kamp không muốn chờ đến lúc Hun Sen 74 tuổi rồi
xuống ghế, truyền ngôi cho con.
Dân Kamp đã quá sức chán ngán cái chế độ tư túi suốt
nhiều thập niên và làm thui chột cả dân tộc này. Không chỉ làm thui chột sức
tiến, mà còn thui chột cả tính-tình người, thuộc nhiều thế hệ.
Họ muốn vượt qua nỗi nhục cầm tờ hộ chiếu Kampuchia.
Họ muốn vượt qua nỗi nhục bị thế giới coi như những
món đồ chơi tình dục.
Họ muốn vượt qua nỗi nhục có một dàn lãnh đạo nhơn
nhơn mớ tư cách ma cô.
Họ muốn vượt qua nỗi nhục hèn kém, lạc hậu, lại mang
tiếng tàn ác, hiếu chiến.
Họ muốn vượt qua nỗi nhục của một dân tộc bị đày vào
thứ chủ nghĩa rác thải, cho lãnh đạo tha hồ làm giàu.
Họ muốn phá vỡ cái nguyên trạng mà nhà nước ôm giữ.
Họ thèm một ngọn gió đổi thay.
Cho dù biết trước là phe đối lập hiện giờ khó thể
mang đến cho họ 100% điều hằng đợi. Nhưng chẳng hề gì, họ sẽ tạo ra sự thay đổi
nhiều lần nữa, cho tới khi nào họ đạt được ước nguyện. Kinh nghiệm Hàn Quốc đã
chẳng phải lột xác nhiều lần từ độc tài đến dân chủ, để nắm chắc bước tiến từ
lạc hậu đến cường quốc đó sao?
Cho nên, họ đã xuống đường biểu tình kêu đòi Hun Sen
từ chức và tổ chức lại cuộc bầu cử vào năm mới 2014.
Không phải đây là điều mới lạ, mà cả sư sãi nước
Kamp đã từng xuống đường tuần
hành 230 cây số, kéo dài nửa tháng, từ tháng 2 năm 2007.
Lần này, họ thực sự muốn biểu dương Sức
Mạnh Quần Chúng, với nhiều vạn người nêm kín các đại lộ chính của thủ đô
Nam Vang.
Người ta nghe gì ở đó?
Người ta thấy gì ở đó?
Nhân dân Kampuchia là một tập thể bất
hạnh, nhưng vẫn có cách chứng tỏ được là bất khuất.
Chí ít là không hèn.
31-12-2013 - Theo tác giả Luận Ngữ Tân Thư – Phạm Lưu Vũ, đó là “Ngày
cuối cùng của năm 2013. Rất tiếc sự khốn nạn chưa phải cuối cùng”.
Blogger
Đinh Tấn Lực
No comments:
Post a Comment