Dương Danh Huy
Nhà nghiên cứu về biển Đông
Cập nhật: 04:08 GMT -
thứ bảy, 25 tháng 1, 2014
Kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa đã nhắc lại vết thương
mất lãnh thổ chưa lành của người Việt.
Vết thương đó đã đem lại nhiều
bức xúc trong 40 năm qua, và đã có một số ý tưởng cho việc giành lại Hoàng Sa
hoặc củng cố lập luận pháp lý của Việt Nam.
Nhưng trong số đó có một số ý
tưởng không khả thi:
1: Kiên trì đàm phán với Trung Quốc.
Trung Quốc chủ trương không đàm
phán về chủ quyền đối với các đảo Trường Sa. Đối với Hoàng Sa, Trung Quốc còn
không công nhận là có tranh chấp. Hiện nay không có việc đàm phán cho vấn đề
chủ quyền đối với đảo, do đó ý tưởng kiên trì đàm phán về vấn đề chủ quyền đối
với đảo là kiên trì trong một việc không hiện hữu, và sẽ không đi đến đâu.
Giả sử các bên trong tranh chấp
có đàm phán về chủ quyền đối với đảo đi nữa, cũng khó mà Trung Quốc sẽ trả dù
chỉ là một phần các đảo Hoàng Sa cho Việt Nam. Ở Trường Sa, nếu có đàm phán,
không nước nào sẽ chấp nhận mình không được đảo nào. Khó có chính phủ
Philippines, Trung Quốc hay Việt Nam nào dám đối đầu với dư luận trong nước của
họ để chấp nhận không giành được phần lớn các đảo. Vì vậy, dù các bên có kiên
trì đàm phán thì cũng khó giải quyết tranh chấp đảo.
Việc đưa tranh chấp đảo cho một
tòa án quốc tế phân xử sẽ là khách quan nhất. Nó cũng là một lối thoát để cho
các chính phủ đi đến một giải pháp trong khi tránh búa rìu dư luận trong trường
hợp giải pháp đó không được như yêu sách ban đầu.
2: Đơn phương kiện Trung Quốc như Philippines
Việc kiện Trung Quốc về chủ quyền
đối với Hoàng Sa, Trường Sa là rất khác với việc Philippines kiện Trung Quốc.
Việc Philippines có thể đơn
phương kiện Trung Quốc là dựa trên việc thủ tục giải quyết tranh chấp của
UNCLOS cho phép Tòa thụ lý một số vấn đề liên quan đến việc giải thích UNCLOS
cho tranh chấp biển và thềm lục địa, mặc dù Trung Quốc đã bảo lưu theo Điều 298
của UNCLOS, và cho dù Trung Quốc có vắng mặt. Nhưng những vấn đề đó không bao
gồm phân xử chủ quyền đối với đảo. Vì vậy, không nước nào có thể dùng thủ tục
giải quyết tranh chấp của UNCLOS để đơn phương kiện Trung Quốc về chủ quyền đối
với đảo.
Bên cạnh đó, ngoài thủ tục giải
quyết tranh chấp của UNCLOS hiện nay không có cách nào khác để chúng ta đơn
phương kiện Trung Quốc về chủ quyền đối với đảo. Đối với vấn đề chủ quyền, Tòa
chỉ có thể thụ lý nếu tất cả các bên chấp nhận thẩm quyền của Tòa.
Vì vậy, hiện nay chưa có điều
kiện để ra tòa về vấn đề chủ quyền đối với đảo. Điều Việt Nam cần làm là công
khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Mặc dù Trung Quốc sẽ không chấp nhận, điều đó
sẽ cho thế giới thấy Trung Quốc là bên sợ lẽ phải và cản trở việc giải quyết
tranh chấp.
3: Tuyên bố thừa kế di sản VNCH
Ý tưởng này là quan điểm cho
rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) chưa từng thừa kế chủ quyền
đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và bây giờ phải tuyên bố thừa kế “di sản Việt Nam
Cộng Hòa (VNCH)” thì mới thừa kế. Nó còn có thể bao gồm cả CHXHCNVN cần tuyên
bố cắt đứt với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) để vô hiệu hóa những điều bất
lợi về Hoàng Sa, Trường Sa.
Ý tưởng này không có cơ sở
trong luật quốc tế.
Tòa sẽ đặt vấn đề: sau khi
CHXHCNVN được thành lập như một quốc gia vào năm 1976 thì Hoàng Sa, Trường Sa
thuộc về nước nào? Nếu phía Việt Nam cho rằng vào năm 1976 CHXHCNVN chưa thừa
kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng đã thừa kế khi tuyên bố thừa kế
“di sản VNCH”, thí dụ như vào năm 2014, câu chuyện Hoàng Sa, Trường Sa của Việt
Nam sẽ bị kết liễu.
Lý do là nếu vào năm 1976
CHXHCNVN chưa thừa kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và không những thế
cho đến năm 2014 vẫn chưa thừa kế, thì chủ quyền đó sẽ rơi vào tay một trong
những quốc gia khác đã đòi chủ quyền từ trước 1976.
Ý tưởng sai lầm rằng từ năm
1976 đến 2014 CHXHCNVN không có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa có nghĩa
Tòa sẽ khó tránh kết luận trong thời gian đó chủ quyền đã rơi vào tay Trung
Quốc hoặc Philippines. Giả sử như năm 2014 CHXHCNVN có tuyên bố “thừa kế di sản
VNCH” đi nữa, Tòa cũng sẽ khó tránh kết luận rằng đến 2014 thì chủ quyền đối
với Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc về Trung Quốc hoặc Philippines từ trước rồi,
không còn để cho CHXHCNVN thừa kế nữa.
Ý tưởng sai lầm đó có nghĩa kết
liễu chủ quyền Việt Nam vào năm 1976 với hứa hẹn làm cho nó tái sinh sau hơn 35
năm bằng cách tuyên bố “thừa kế di sản VNCH”, một hứa hẹn sẽ không bao giờ hiện
thực
Ý tưởng đó cũng là ngược với
thực tế. Trên thực tế, gần như không nước nào trên thế giới cho rằng CHXHCNVN
chưa thừa kế vùng lãnh thổ hay quyền chủ quyền nào đó từ VNCH, gián tiếp qua
CHMNVN, kể cả những khu vực có tranh chấp với Lào, CPC, Thái Lan, Malaysia,
Indonesia, Philippines, thậm chí cả với Trung Quốc. Không có lý do hợp lý để
cho người Việt lại cho rằng Việt Nam chưa từng thừa kế chủ quyền đối với Hoàng
Sa, Trường Sa.
Ý tưởng cần tuyên bố cắt đứt
với VNDCCH nhằm vô hiệu hóa những điều bất lợi về Hoàng Sa, Trường Sa cũng
không có cơ sở trong luật quốc tế. “Cắt đứt” với VNDCCH, một chính thể vốn
không còn tồn tại, hay không là một vấn đề nội bộ của Việt Nam. Việc chủ quyền
pháp lý trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về nước nào là một vấn đề
luật pháp quốc tế. Luật quốc tế không công nhận việc tuyên bố cắt đứt trong nội
bộ hay với quá khứ để đơn phương hủy bỏ nghĩa vụ pháp lý (nếu có) giữa các quốc
gia.
Để Việt Nam ngày nay hay trong
tương lai có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ có hai trường hợp:
CHXHCNVN phải có chủ quyền đó ngay từ 1976, nếu không thì Trung Quốc và
Philippines phải có hành vi bị cho là từ bỏ danh nghĩa hay yêu sách chủ quyền
của họ. Sẽ khó có trường hợp thứ nhì, do đó chúng ta phải chứng minh được trường
hợp thứ nhất.
Ý tưởng 4: Tuyên bố hủy công hàm Phạm Văn Đồng
Đây là một biện pháp bất lợi
cho Việt Nam.
Hiện nay câu hỏi “CHPVĐ có gây
ra nghĩa vụ ràng buộc cho CHXHCNVN liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa hay
không?” là một vấn đề còn tranh cãi. Nếu Quốc hội Việt Nam chính thức tuyên bố
hủy CH đó, thì tuyên bố đó có thể bị cho là gián tiếp công nhận rằng nó có gây
ra nghĩa vụ pháp lý cho CHXHCNVN có cho tới ngày nó bị hủy - vì nếu nó không
gây ra nghĩa vụ pháp lý nào cho CHXHCNVN thì tại sao cần hủy?
Sự công nhận gián tiếp đó là
bất lợi cho Việt Nam. Hơn nữa, nếu Việt Nam gián tiếp công nhận rằng CHPVĐ đã
gây ra một nghĩa vụ ràng buộc cho Việt Nam đối với Trung Quốc, thí dụ như cho
đến 2014, thì luật quốc tế cũng không công nhận việc Việt Nam đơn phương hủy
nghĩa vụ đó. Như vậy Việt Nam sẽ tự bước vào một cái bẫy và sẽ không thoát ra
được.
***
Tóm lại, Việt Nam cần công khai
yêu cầu Trung Quốc ra tòa,cũng như cần lập luận rằng CHXHCNVN đã có chủ quyền
đối với Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ 1976 và CHPVĐ đã không làm cho mất chủ
quyền đó vào tay Trung Quốc. Nếu không bảo vệ thành công quan điểm đó thì bây
giờ có tuyên bố thừa kế, cắt đứt, hủy, cũng sẽ vô tác dụng. Nếu bây giờ tuyên
bố thừa kế, cắt đứt, hủy, thì chỉ có thể phản tác dụng.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, thành
viên nhóm Nghiên cứu Biển Đông và có sự góp ý của Phạm Thanh Vân.
No comments:
Post a Comment