Monday 6 January 2014

LÀM SAO LẤY LẠI HOÀNG SA (Đại Dương - nguoivietboston.com)




January 6, 2014 10:56 PM

Ngày 19 tháng 1 năm 1974 đã ghi lại trận hải chiến đầu tiên và sau cùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Quần đảo Hoàng Sa, tức Paracel Islands, tức Tây Sa theo cách gọi của Trung Cộng.

Trong trận tao ngộ chiến ngắn ngủi với Hải Quân Trung Cộng tại Hoàng Sa, các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu oai hùng, kiên cường biểu lộ tinh thần xả thân vì nước đúng theo truyền thống hào hùng của Con Rồng Cháu Tiên.

74 chiến sĩ áo trắng đã hy sinh vì mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ do Tổ Tiên dày công gầy dựng và vun đắp nên gieo vào lòng người Việt mối tiếc thương khôn nguôi và sự kính trọng vô bờ.

Nhưng, sự hy sinh cao cả đó cũng đè lên vai thế hệ người Việt hiện nay cũng như tương lai về trách nhiệm lấy lại Hoàng Sa. Ai là Con Hồng Cháu Lạc đều phải mang món nợ này cho tới lúc đã đòi lại được non sông, gấm vóc.

Một tấc đất, một hải đảo, một vùng biển bị cường quốc xâm chiếm quả thực khó thu hồi, nhưng, chẳng phải không được nếu toàn dân tộc quyết chung một lòng, mài sắt ý chí chiến thắng.

Những điều được trình bày sau đây chưa phải một kế hoạch chi tiết, hoàn hảo mà chỉ như một ý niệm, một khát vọng chính đáng nhằm chuẩn bị mọi phương tiện cần thiết để hành động nhanh chóng và hữu hiệu khi thời cơ tới.

Tổ Tiên đã dạy “Nhân lúc bên Tàu có loạn”. Nước Tàu có loạn chẳng phải chuyện lạ trong lịch sử. Vì thế, mà nước Nam ta vẫn tồn tại từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau hằng bao thế kỷ.

Nếu không chuẩn bị chu đáo và đầy đủ thì dù cho nước Tàu có loạn Ta cũng chẳng làm được chi nên chúng ta cần chuẩn bị chu đáo.

Trang bị và nuôi dưỡng chính nghĩa

Mỗi người Việt Nam, kể cả ở tận chân trời góc bể, đều có bổn phận phải trang bị kiến thức đầy đủ và chính xác về Quần đảo Hoàng Sa trên mọi phương diện địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử chiếm hữu, sự cai quản liên tục và cụ thể của Nhà nước Việt Nam xuyên suốt thời gian.

Những ghi nhận chủ quyền từ giới hàng hải quốc tế hoặc của các quốc gia từng giao thương với Nhà nước Việt Nam qua bao triều đại cũng phải được thu thập đầy đủ làm chứng cứ.

Có như thế chúng ta mới đủ khả năng so sánh, đối chiếu, tranh luận thắng thế với đòi hỏi chủ quyền do Trung Cộng tuyên bố.

Tuỳ theo lứa tuổi mà học đường trang bị kiến thức về Quần đảo Hoàng Sa cho thế hệ tương lai của Con Hồng Cháu Lạc từ bậc mẫu giáo tới đại học.

Mỗi người Việt Nam phải như một vị đại sứ để truyền bá chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa cho khắp thế giới.

Giang sơn gấm vóc của người Việt Nam bị Trung Cộng cưỡng đoạt bằng vũ lực từ 19-1-1974 phải được thu hồi bằng mọi giá. Đó là bổn phận và trách nhiệm cao cả của bất cứ ai còn dòng máu Con Rồng Cháu Tiên chảy trong huyết quản.

Tiên lễ hậu binh

Trên trận đấu ngoại giao, đảng Cộng sản Việt Nam bị vướng mắc với Công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 công nhận chủ quyền lãnh hải 12 hải lý cho Quần đảo Hoàng Sa do Bắc Kinh tuyên bố hôm 4-9-1958.

Tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam bị Bắc Kinh khuất phục nên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng Chủ tịch Tập Cận Bình ký Tuyên bố chung hồi 21-6-2013 mà không hề đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa và Luật Biển 1982 gây phẫn nộ cho người Việt.

Nhà cầm quyền nhất thời, dân vạn đại nên các quyết định phản dân, hại nước sẽ bị Con Hồng Cháu Lạc loại trừ thẳng thừng khi đảng Cộng sản không còn quyền lực như đối với trường hợp cỏng rắn cắn gà nhà Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.

Như thế, cải tổ chính trị theo chiều hướng “thoát khỏi quỹ đạo hoặc ảnh hưởng của Tàu” sẽ rộng mở chân trời mới cho dân tộc xoá bỏ những cam kết phi lý, tư lợi của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.

Trung Cộng dùng vũ lực cưởng đoạt Hoàng Sa dựa theo Luật La Mã về quyền sở hữu của các hòn đảo nổi lên trên biển chỉ được sử dụng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 19 quy định vật vô chủ thuộc về quyền người chiếm hữu trước. Nhưng, Luật La Mã tạo ra sự tranh cãi vô tận nên đã bị Định ước Berlin ngày 26-2-1885 thay thế.

Định ước Berlin đã quy định việc chiếm hữu các đảo hoang chỉ được coi như hợp pháp nếu hội đủ các điều kiện: (1) đảo vô chủ hay đã từ bỏ chủ quyền, (2) chủ thể chiếm hữu phải là một quốc gia, (3) việc chiếm hữu phải công khai và hòa bình, (4) hành xử chủ quyền liên tục. Định ước này được đưa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Bắc Kinh đã dùng luật lý “vùng nước lịch sử” (historic waters) để biện minh cho vùng biển nằm trong Đường 9 Vạch (tức Đường Chữ U, tức Lưỡi Bò) thuộc về Trung Hoa. Nhưng, Luật Biển 1982 không công nhận luật lý này.

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thiếu-ý-chí-chính-trị, luật pháp quốc gia không tương thích với công pháp quốc tế, thiếu chuyên gia am tường và có khả năng tranh tụng quốc tế nên chẳng dám lôi Trung Cộng ra trước các Toà án Quốc tế về Luật biển, Toà án Pháp lý quốc tế, Toà án Trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước, Toà án Trọng tài Đặc biệt.

Nhà nước Việt Nam cần vận dụng trí tuệ của toàn dân tộc trong cũng như ngoài nước để thiết lập một hồ sơ pháp lý đầy đủ, chính xác, thuyết phục mà khởi kiện Trung Cộng trước các Tòa án Quốc tế. Thay vì, chỉ dựa vào khả năng hạn chế, tâm lý thần phục Trung Quốc vĩ đại, tinh thần hủ bại của cán bộ cộng sản cao cấp.

Từ đầu năm 2013, Phi Luật Tân đâm đơn kiện Trung Cộng đã áp dụng sai Luật Biển 1982 khi công bố Đường Chín Vạch chiếm hơn 80% diện tích Biển Nam Trung Hoa nhờ chuẩn bị đầy đủ các yếu tố pháp lý với sự hỗ trợ của giới luật sư quốc tế dày dạn kinh nghiệm.

Bắc Kinh không dám đương đầu với Phi Luật Tân trước Toà án Trọng tài về Luật Biển làm cho vụ kiện có thể rút ngắn trong vòng 3 hoặc 4 năm. Theo thông lệ quốc tế thì phán quyết của Toà này gần như 95% hữu hiệu dù bị can không đồng ý.

Thế mà, chẳng có quốc gia Đông Nam Á nào công khai ủng hộ hoặc tham khảo vụ kiện này để sử dụng pháp lý mà xác định chủ quyền quốc gia!

Việt Nam tuyên bố có đủ tài liệu, bản đồ chứng minh chủ quyền tại Quần đảo Hoàng Sa từ thời Tự Đức (1848-1883) trong khi Trung Cộng cho biết đã chiếm hữu Tây Sa từ thế kỷ thứ hai.

Trung Cộng đã sử dụng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và trưng các chứng cứ mơ hồ, suy diễn nên thiếu căn bản luật lý trong khi Việt Nam có pháp lý vượt trội tại sao chưa dám ra tay?

Xác định chủ quyền bằng pháp lý có giá trị hơn bất cứ kiểu tuyên bố chủ quyền nào.

Nên nhớ lời dạy của Tổ tiên “mạnh dùng sức, yếu dùng chước”.

Giải pháp quân sự

Hòn đảo hay vùng biển nào bị cường quốc cưởng đoạt rất khó đòi lại bằng giải pháp quân sự. Nhưng, quy luật thịnh/suy của đất trời không chừa một quốc gia nào.

Do đó, nhược tiểu có hai chọn lựa trong giải pháp quân sự. Hoặc, thừa cơ đối phương suy yếu mà đoạt lại phần đất đã mất, nhưng, sau đó phải đủ bản lãnh bảo vệ. Hoặc, nhờ ngoại bang yểm trợ.

Tương quan quân sự trên biển nghiêng về phía Trung Cộng hiện giờ cũng như tương lai. Trung Cộng hơn Việt Nam cả số lượng và phẩm chất phương tiện chiến tranh, vũ khí và cả tiềm lực quốc phòng trên biển Nam Trung Hoa.

Dù cho Việt Nam dốc hết hầu bao cho quốc phòng cũng khó so với Trung Cộng vì hầu hết phương tiện tác chiến trên biển và vũ khí tối tân trang bị đều phải mua do kỹ thuật quân sự còn thô sơ.

Ngược lại, tiến bộ kỹ thuật quân sự và tài chánh dồi dào cho phép Trung Cộng tự sản xuất phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại, ngoại trừ một vài loại vũ khí đặc biệt phải mua từ Nga.

Hải Quân Trung Cộng hiện có 250,000 binh sĩ, 1 hàng không mẫu hạm, 218 chiến hạm trọng tấn từ 220 tới 7,900 tấn, kể cả khu trục hạm trang bị hệ thống tác chiến Aegis, 67 tiềm thuỷ đỉnh các loại.
Hải Quân Cộng sản Việt Nam có trên 45,000 binh sĩ, 41 chiếc hạm trọng tấn từ 200 đến 2,100 tấn, dự trù có 6 tiềm thuỷ đỉnh vào 2016 nên không đủ năng lực hải chiến với cường quốc hoặc tái chiếm, bảo vệ đảo.

Trong trường hợp liên kết với các quốc gia duyên hải Đông Nam Á thì cũng không thể làm nghiêng cán cân quân sự với Trung Cộng. Chi phí quốc phòng của toàn khối ASEAN 25 tỉ USD trong năm 2012 so với 143 tỉ của Trung Cộng.

Tính đến năm 2016, Việt Nam, Indonesia, Mã Lai Á, Tân Gia Ba mới có 19 tiềm thuỷ đỉnh tấn công so với 57 của Trung Cộng. Hơn nữa, ASEAN chủ trương “đèn nhà ai nấy rạng” nên chuyện hợp tác bảo vệ lẫn nhau chỉ có trong mơ.

Hải chiến thắng lợi dựa vào các yếu tố như phương tiện chiến tranh hiện đại và dồi dào, vũ khí tối tân, tiếp liệu đầy đủ và kịp thời, chiến thuật linh động, kinh nghiệm hải chiến già dặn, huấn luyện thường xuyên và chu đáo.

Giải pháp quân sự của Việt Nam chỉ hữu hiệu khi tìm được đồng minh trên cơ Trung Cộng. Hiện nay, chỉ có Hoa Kỳ và Nhật Bản mới có thể làm cho Bắc Kinh chùn bước.

Người Tàu quân chủ hay cộng sản đã không dám nhòm ngó tới lãnh thổ Việt Nam khi có sự hiện diện của quân Pháp và quân Mỹ ở phía Nam Trung Hoa dù cho Pháp cũng như Hoa Kỳ chưa ký Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương với Việt Nam.

Trung Cộng cũng chẳng dám động tới Nhật Bản và Đại Hàn ngoại trừ các trận võ mồm vì 28,000 và 50,000 binh sĩ Mỹ với phương tiện chiến tranh hiện đại có mặt thường trực tại hai quốc gia đồng minh đã ký Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương ở Đông Bắc Á.

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không cho phép có căn cứ quân sự nước ngoài. Do đó, cố thiết lập Đối tác Chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả 5 hội viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng, chưa có Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương nên thiếu căn bản pháp lý để họ can thiệp quân sự khi Việt Nam bị tấn công bằng vũ lực.

Ngày 2-5-1979, Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm “Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương” của Quân đội Liên Xô trong 25 năm. Thực tế, Cam Ranh trở thành căn cứ Hải Quân lớn nhất của Liên Xô ở hải ngoại làm nơi đồn trú cho các Hải đội và Phi đoàn. Số người Nga ở căn cứ Hải quân Cam Ranh có lúc lên tới 6,000 bị hạn chế ra ngoài nên ít người Việt Nam biết được bí mật này. Theo PetroTimes ngày 30-12-2013.

Nga đã sử dụng 100km2 miễn phí từ 1979 đến 2001 và toàn bộ nhân sự, vật dụng của Nga đã rút khỏi Cam Ranh vào năm 2002 do không thoả thuận về giá thuê mướn.

Nga trở lại Cam Ranh dưới chiêu bài “trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần và kỹ thuật” cho Hạm đội Thái Bình Dương, đồng thời, hợp tác với Việt Nam sản xuất phương tiện chiến tranh và vũ khí giá rẻ, khỏi cước phí chuyên chở đường xa làm cho cuộc chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt trong khu vực Biển Nam Trung Hoa.

Nga sẽ hiện diện thường trực tại Cam Ranh không nhằm chống Hoa Kỳ hoặc Trung Cộng, hoặc bảo vệ Việt Nam mà chỉ làm lái súng cũng như lo bảo vệ quyền lợi khai thác dầu khí ở Biển Nam Trung Hoa.
Binh bị đầy đủ, huấn luyện chu đáo cộng với đồng minh tiềm lực sẽ chống được chính sách tầm ăn dâu của Bắc Kinh cũng như đủ điều kiện thu hồi lãnh thổ “khi bên Tàu có loạn”.

Phát triển kinh tế và kỹ thuật quân sự

Nền kinh tế quốc dân Việt Nam bị “nghẽn mạch” vì bị đảng Cộng sản ép theo “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Kiểu kinh tế gò bó không cho phép người Việt Nam hội nhập toàn diện vào nền kinh tế năng động toàn cầu nên đã mất 23 năm mới làm cho GDP tăng gấp đôi so với Mã Lai Á 11, Thái Lan 8, Đại Hàn 4.7 năm.

Sau 7 năm gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới mà Việt Nam vẫn chưa lọt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục bán tài nguyên thô, làm gia công cho các nước trong vùng, xuất cảng lao động để kiếm ngoại tệ và sử dụng kỹ thuật thấp hoặc trung bình trong sản xuất.

Dân giàu nước mạnh. Dân nghèo nước nhược. Nước yếu dễ bị ngoại bang chèn ép, bắt nạt, nguy cơ bị xâm lăng cao, thiếu điều kiện gia tăng khả năng quốc phòng.

Vì thế, nền kinh tế phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ biên cương, bờ cỏi, nòi giống.
Muốn kinh tế phát triển thực sự theo đà tiến toàn cầu thì Việt Nam phải xa rời quỹ đạo kinh tế của Trung Cộng để tránh sự thao túng của người Tàu.

Kinh tế tiểu ngạch, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái từ Trung Cộng đổ vào Việt Nam được sự tiếp tay tích cực của cán bộ quyền chức đã làm tê liệt nền kinh tế quốc dân Việt Nam. Các hợp đồng kinh tế, quân sự, năng lượng quan trọng đều lọt vào tay nhà thầu Trung Cộng làm cho Việt Nam trở thành bãi phế thải công nghệ lạc hậu cho người láng giềng ác hiểm Phương Bắc.

Nền kinh tế mạnh chẳng những Việt Nam có tiền tậu chiến cụ, vũ khí mà còn có tiềm năng phát triển kỹ thuật quân sự để tự cung ứng nhu cầu quốc phòng mà không hoàn toàn dựa vào ngoại bang.
Trong chiến tranh, chiến cụ có thể hư hỏng, hoặc vũ khí không thích hợp cần được bổ sung kịp thời nên phải dựa vào tiềm năng kỹ thuật quân sự của quốc gia.

Cuộc chiến tranh nào cũng phải trải qua ba giai đoạn.

Ngăn chặn chiến tranh bằng các hiệp ước bất tương xâm song phương hoặc đa quốc, kết tình đồng minh với các quốc gia tiềm lực để làm nãn lòng đối phương.

Giao tranh cần một lực lượng quân sự hùng hậu, trang bị dồi dào và hiện đại, một ý chí chiến thắng của quân dân, một tiềm lực bổ sung chiến cụ, vũ khí và nhân lực dồi dào, bất tận.

Tái thiết nhanh chóng để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia bằng tiềm lực quốc gia, hoặc được sự trợ giúp của đồng minh.

Việc thu hồi Hoàng Sa từ tay Trung Cộng rất khó thực hiện trong một sớm một chiều. Nhưng, đó là mệnh lệnh tuyệt đối của Tổ Quốc đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải vận dụng trí tuệ biết lấy yếu thắng mạnh, biết đặt quyền lợi dân tộc trên toan tính hẹp hòi, ích kỷ của đảng phái, cá nhân.

Đại Dương



No comments:

Post a Comment

View My Stats