Wednesday, 15 January 2014

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN VỚI PHONG TRÀO ĐẤU TRANH DÂN CHỦ ? (Anh Vũ - RFA)




Anh Vũ, thông tín viên RFA, Bangkok
2014-01-15

Công nhân  và học sinh sinh viên là thành phần chiếm đa số tại thành phố.  Song phần lớn trong số họ chưa được lôi kéo để tiếp cận và để tham gia phong trào đấu tranh dân chủ. Các nhà chính trị đối lập đã, đang và sẽ có các giải pháp gì để tiếp cận và lôi kéo các thành phần này?

Thiếu thông tin

Trong đấu tranh bất bạo động, để có được một sự thay đổi về thể chế chính trị hay sự biến đổi của xã hội thì vai trò của tầng lớp nhân dân lao động nghèo ở thành thị là hết sức quan trọng. Đó là lực lượng công nhân các khu công nghiệp, dân nghèo và học sinh sinh viên. Đây là lực lượng chiếm đa số dân chúng ở thành thị và là đối tượng có điều kiện tiếp xúc với phương tiện internet để trang bị các kiến thức về dân chủ.

Ở Việt Nam, quá trình cải cách kinh tế đã đưa đến sự phát triển về số lượng lẫn chất lượng của lực lượng công nhân, dân nghèo thành thị và học sinh sinh viên. Các thành phần nói trên đa số có ít nhiều kiến thức và thường quan tâm tới các vấn đề xã hội, một phần do họ có điều kiện tiếp cận với các thông tin từ xã hội và trên mạng internet. Điều căn bản là các thành phần này bản thân họ đã từng trải, hoặc từng chứng kiến những bất công của xã hội và họ luôn có mong muốn cho một sự thay đổi.

Thế nhưng nhận thức về dân chủ của họ thì sao? Khi được hỏi dân chủ là gì và có điều kiện tiếp xúc với các thông tin về phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam hiện nay như thế nào, anh Phùng Viết Lượng một công nhân làm việc tại công ty HVT khu công nghiệp Như Quỳnh tỉnh Hưng yên chúng tôi cho biết:
“Có ạ, có từng nghe qua rồi ạ. Dân chủ là người dân mình làm chủ, cháu hiểu nôm na là như vậy, cháu cũng vừa mới đi làm nên cũng chưa hiểu rõ về vấn đề này. Ở đây chúng cháu ít được tiếp xúc, tiếp xúc với mạng ít”

Đánh giá về những hạn chế khiến cho phần đông người dân ở Việt nam không hào hứng với vấn đề chính trị, nhà báo Vũ Quốc Ngữ một người hoạt động xã hội ở Hà nội, thừa nhận do điều kiện kinh tế khó khăn, sự ảnh hưởng của Khổng giáo cũng như chính sách ngu dân hóa của chính quyền cộng sản nên đa số người dân không quan tâm, không hiểu biết về chính trị. Do đó họ phó mặc hoàn toàn việc đó cho đảng cộng sản cầm quyền và chỉ chú tâm vào việc kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.

Trao đổi với chúng tôi ông Vũ Quốc Ngữ nói:
“Họ không hiểu nguyên nhân sâu xa về việc mình bị bần cùng hóa, bị bóc lột bằng nhiều hình thức và chọn thái độ im lặng, né tránh để được "yên ổn" làm ăn. Họ được nhồi nhét và tuyên truyền về công lao của đảng cộng sản và các lãnh tụ đồng thời cảnh báo tránh xa các hành động bị coi là chống lại "đảng và chính phủ", không ủng hộ các phong trào nhân quyền và dân chủ và các cá nhân hoạt động trong phong trào ấy.”

Ông Nguyễn Văn Hàn ở Quang Trung II, Phường Ngọc Trạo , TP Thanh Hóa một cựu chiến binh, hiện làm thợ sửa lốp xe cho chúng tôi biết về suy nghĩ của ông trong việc tiếp cận với phong trào đấu tranh cho dân chủ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hàn nói:
“Tôi thực ra đọc báo, vào báo mạng và tôi nghiện blog. Dần dần tôi hiểu được thực trạng của xã hội mà trước đây tôi chỉ hiểu được một phần. Mấy năm về sau này tôi lắp mạng internet, tôi tìm đọc và tôi hiểu thêm nhiều. Theo tôi hiểu muốn thay đổi thì mỗi chúng ta phải góp một tiếng nói và tự thay đổi về quan điểm của mình.”

Chưa hiểu về quyền lợi cơ bản của mình

Blogger Lê Anh Hùng cho rằng với số lượng công nhân khoảng trên 10 triệu người, lực lượng sinh viên hiện nay có hơn 600.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và hơn 2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng. Do vậy, công nhân và sinh viên là những lực lượng quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vì thế, việc vận động được lực lượng công nhân, sinh viên tiếp cận và ủng hộ công cuộc đấu tranh dân chủ là điều hết sức có ý nghĩa.

Trao đổi với chúng tôi, từ Quảng trị Blogger Lê Anh Hùng nói:
“Cần chỉ cho họ thấy, để đưa đất nước thoát khỏi thảm trạng hiện nay thì cần phải dân chủ hoá đất nước. Đó là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam. Muốn vậy, trước hết họ phải lên tiếng đòi thực hiện các quyền cơ bản của mình: quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, quyền tự do thành lập hoặc gia nhập các tổ chức công đoàn, quyền biểu tình, v.v.”

LS. Nguyễn Văn Đài cho rằng ở Việt nam hiện có khoảng 20 triệu tài khoản facebook, trong đó có tới 18 triệu là của các đối tượng sinh viên học sinh và trí thức trẻ. Hai trang Facebook Diễn đàn Sinh Viên và một blog cùng tên hiện nay đã và đang thu hút rất đông sinh viên của các trường Đại học, chỉ trong 5 tháng kể khi từ bước vào hoạt động Diễn đàn này đã có hơn 73 ngàn thành viên.

Từ Hà nội, trao đổi với chúng tôi LS. Nguyễn Văn Đài nói:
“Thông qua trang facebook Diễn đàn Sinh Viên và blog Diễn đàn Sinh Viên chúng tôi tạo nên sự kết nối giữa các sinh viên các trường đại học với nhau. Và từ sự kết nối trên không gian mạng đó chúng tôi tổ chức các buổi cà phê, tọa đàm về dân chủ dân quyền cho các bạn sinh viên để cho các bạn gặ gỡ trực tiếp với nhau. Giúp cho họ bước ra khỏi không gian mạng đó để họ gặp nhau trong thực tế, từ đó họ tạo sự liên kết hiểu biết gắn bó lẫn nhau để thực hiện một công việc chung. Là đấu tranh vận động cho một tiến trình dân chủ ở Việt nam ”

Ông Nguyễn Bắc Truyển một Cựu tù nhân lương tâm ở Sài gòn cho rằng trong công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam bước đầu đã có các chuyển biến đáng khích lệ. Theo ông Nguyễn Bắc Truyển vì lý do bí mật nên không thể nói rõ cách thức đã làm và tiến hành như thế nào trong việc tiếp cận với mọi thành phần nhân dân lao động và học sinh sinh viên.

Ông Nguyễn Bắc Truyển nói:
“Thực ra về bề nổi thì không thấy cuộc vận động cho những thành phần công nhân, sinh viên hay người cùng khổ. Những trên thực tế đã có những nhóm đi vào trong đó tiếp cận với người dân, với giới thành phần đó để vận động. Vừa qua chúng tôi đã có tiến hành công việc này và chúng tôi sử dụng truyền thông internet là thứ phương tiện chúng tôi sử dụng để vận động giới công nhân và sinh viên học sinh. Còn thành phần cùng khổ hay giới nông dân chúng tôi có cách tiếp cận riêng”

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, sự tham gia và góp phần của các thành phần nhân dân lao động có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt là giới trẻ sinh viên học sinh là thành phần có kiến thức, giàu nhiệt huyết. Các tổ chức và các cá nhân hoạt động chính trị quan tâm cần thu hút và tập hợp được các thành phần này thông qua các tổ chức Xã hội Dân sự của mình, dưới hình thức ủng hộ viên của mình để chờ cơ hội.



No comments:

Post a Comment

View My Stats