Sat, 01/04/2014 - 21:02 — ledienduc
Ông
Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông Việt Nam vào đầu năm mới có bài viết
trên "Tuanvietnam.net"
hôm mồng 2/01/2014 nói "từ năm 2014 trở đi cần phát động cao trào nói
thật, báo cáo đúng. Mọi báo cáo của địa phương, cơ sở,doanh nghiệp đều phải
thẩm định, ai báo cáo sai phải xử lý nghiêm túc".
Ông Hợp nói thêm:
"Phải coi bệnh nói dối kéo dài đã đến hồi phải kết. Thà kết thúc
bằng một nỗi đau để làm lại từ đầu còn hơn tiếp tục kéo dài nỗi đau mà chưa
biết khi nào kết thúc. Nói dối kéo dài, bản chất cũng là lừa đảo. Phải xử tội
nói dối như tội danh lừa đảo thì mới nghiêm túc, triệt để".
Ô hay, thế từ
mấy chục năm nay người ta toàn nói dối nhau hay sao mà bây giờ mới "phát
động cao trào nói thật".
Xin
thưa, quả đúng như thế! Suốt mấy chục năm nay người
ta vẫn lừa gạt nhau, ru ngủ nhau bằng dối trá. Dối trá là căn bệnh không thể
chữa của cả hệ thống chinh trị, lan toả, bao trùm xã hội dưới sự cai trị của hệ
thống này. Hệ thống này chính xác được xây dựng và tồn tại dựa trên dối trá và
bạo lực. Không có phương thức nào có thể phát động cao trào nói thật. Đó là sự
thật trần truồng và xót xa.
Nhà nước CHXHCN Việt Nam được xây dựng trên một học
thuyết dối trá. Chủ nghĩa Mác-Lenin và nhà nước xã hội chủ nghĩa tốt đẹp (trên
lý thuyết) mà họ dùng làm phương tiện để hô hào dân chúng kháng chiến chống
thực dân đế quốc đã bị phá sản sau năm 1990 khi hệ thống Xô Viết tại châu Âu bị
sụp đổ. Nó là chủ nghĩa siêu thực và đẫm máu. Một học thuyết đã bị chôn vùi
trong đống rác lịch sử và ngày hôm nay, sự phản trắc và phản bội lại giai cấp
lao động càng chứng minh rõ ràng hơn. Đây là một hệ thống chính trị mafia, quyền
lực tập trung vào các nhóm lợi ích và thân hữu theo hình kim tự tháp.
Để định hướng chính trị, bộ máy quyền lực đôi khi
không cố gắng làm sai lệch sự thật nhưng làm sai lệch ý nghĩa của chúng, mặc dù
vì mục đích tuyên truyền họ có thể bịa đặt ra rồi nhồi nhét thông tin. Một Lê
Văn Tám không có thật, hay hình ảnh "không vợ, không con, hy sinh cả cuộc
đời cho dân tộc" của Hồ Chí Minh là những ví dụ.
Chỉ có một giá trị nhân quyền thống nhất, phổ quát
cho toàn nhân loại mà Việt Nam đã ký và cam kết thực hiện, nhưng họ đưa ra khái
niệm nhân quyền phương Tây, phương Đông để nguỵ biện cho những vi phạm nhân
quyền. Chỉ có một gia trị dân chủ duy nhất, họ đưa ra khái niệm dân chủ tập
trung để biện minh cho sự độc tài toàn trị.
Trong bài “Lạm
bàn về căn bệnh dối trá ở Việt Nam”, giáo sư Trần Kinh Nghị lưu ý rằng
ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng. “Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều
biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt cải cách ruộng đất,
cải tạo công thương, nhân văn giai phẩm v.v… khiến xã hội bị xáo trộn, lòng
người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên
bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang
tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau”.
Ông nói thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” cùng
thói “chạy theo thành tích” vốn phát xuất từ thời xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc
đã góp phần làm trầm trọng thêm căn bệnh dối trá ở Việt Nam hiện nay, và đã trở
thành “căn bệnh trầm kha bám sâu rễ trong toàn xã hội đến độ ai không biết nói
dối, không biết làm ẩu và không biết ‘ăn theo nói leo’ thì không thể tồn tại”.
Rồi ông kết luận “ở Việt Nam mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật!”.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài “Cần một cuộc tự vấn”
viết:
“Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội
ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không
còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm
gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để
làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay
thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?”.
Đứa trẻ con Việt Nam sinh ra đã bị cơn bão táp dối
trá của một nền giáo dục suy sụp về phẩm chất quất vào tâm hồn trong trắng. Một
nền giáo dục tử tế khó có thể tồn tại khi khắp nơi dấy lên cao trào chạy bằng
cấp giả để kiếm đường leo thang quan chức. Theo
giáo sư Phạm Minh Hạc của Bộ
Giáo Dục & Đào Tạo, "đến năm 2005, sau 4 năm, đã phát hiện được 10
ngàn bằng giả. Số bằng giả này chủ yếu tập trung ở công chức nhà nước trong đó
có cả cán bộ cấp cơ quan trung ương". Rất nhiều tỉnh uỷ viên, chủ
tịch, phó chủ tịch tỉnh sử dụng bằng giả. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban
Giám sát Tài chánh của chính phủ mua bằng tại La Salle Louisiana nhưng không đi
học một ngày nào. Chưa có quốc gia nào trên thế giới mà khi các chính trị gia
xuất hiện thì chức danh, học hàm được kèm theo nhan nhản như trên báo Việt Nam.
Các từ "giáo sư", "tiến sĩ" trở nên phản cảm và gây dị ứng.
Chạy bằng chạy cấp, người ta còn chạy cả khen
thưởng, huy chương, huân chương, dẫn đến những hậu quả tệ hại, lộng giả thành
chân. Hồ Xuân Mãn, cựu Bí thư Thành uỷ Huế khai mạn lý lịch để được phong Anh
hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Những nhà ngoại cảm rởm vì tiền đã chẳng chút
rung động gì khi dùng xương trâu bò thay cho hài cốt liệt sĩ, lừa bịp những
người cả tin, nhẹ dạ.
Trong lĩnh vực kinh doanh, tờ Thời báo Sài Gòn ngày
20 tháng 6, 2013 viết:
"Việc che giấu hoặc không muốn minh bạch thông tin về hoạt động kinh
doanh trở thành lợi ích cấu kết thường trực của cả cơ quan chủ quản và bộ máy
quản lý doanh nghiệp nhà nước để tránh những rắc rối từ công luận, tức từ ông
chủ đích thực của mình”.
"Đâu đâu cũng thấy tình trạng thông tin mập mờ, không đầy đủ hoặc bị
bóp méo sai lệch bởi chính bộ máy hành chính công rất đông mà không mạnh. Mỗi
khi cần giải quyết một việc gì người dân phải chạy vòng vo để tìm kiếm mà cũng
không có gì để đảm bảo. Xã hội đầy rẫy những “ma hồn trận” do sự dối trá gây
ra. Nó tạo ra môi trường tranh tối tranh sáng rất thuận lợi cho các loại tội
phạm, kể cả mafia dân sự và mafia chính trị".
"Nói cách khác, người dân đã bị lừa dối quá nhiều bởi những thực tế
phũ phàng, trong đó có rất nhiều những công trình xây dựng kém chất lượng do bị
các nhóm lợi ích đục khoét tham nhũng trong quá trình thi công. Tuy mới chỉ là
bề nổi của tảng băng chìm nhưng những vụ tham nhũng như PU 18, Lã Thị Kim Oanh,
ODA Hành lang Đông-Tây, những vụ nhượng bán rừng và hầm mỏ cùng với những vụ
thất thoát bạc nghìn tỷ của Vinashin, Vinalines, Dung Quất và của hàng loạt
“anh cả đỏ” đang trên bờ vực phá sản khiến dư luận xã hôi hết sức bất bình và
bất tín. Sự kiện rò nước tại con đập Sông Tranh 2 hiện nay là một ví dụ điễn
hình của loại "tội phạm kép"- tham nhũng và dối trá", giáo sư Trần Kinh Nghị viết.
Cũng vì thế mà tăng trưởng GDP 2013 của các tỉnh
thành đều ở mức trên 10% nhưng cả nước chỉ trên 5%. Bạch hoá thông tin là đồng
nghĩa với tự sát trong một cơ chế xin-cho và trục lợi từ nguồn đầu tư công bằng
ngân sách nhà nuớc hay vốn vay nước ngoài. Các số liệu chính thức về kinh tế,
an ninh, quốc phòng của Việt Nam hầu hết chỉ mang tính tham khảo, rất ít khi
sát với thực tế. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về tình hình Việt Nam, để có thể
đánh giá chuẩn xác thường phải lấy thêm các tư liệu của nước ngoài.
Ông Trần Doãn Hợp có nhắc lời cựu Tổng Bí thư Đảng
cộng sản Bulgaria Todor Zhivkov:
"Điều quý giá nhất của thế giới và hành tinh
chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới, và mọi sự giả
dối đều phá hoại thế giới".
Nhưng, nghịch lý thay, chính sự dối trá phát sinh,
nảy nở và củng cố thể chế độc tài, đặc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Dối trá là bản chất của chế độ. Đảng dối trá, Nhà nước dối trá, người
người dối trá, cả xã hội chìm ngập trong dối trá và nghi kị, cảnh giác lẫn
nhau.
Dù sao thì Albert Camus cũng nói đúng:
"Dối trá có nhiều khía cạnh: dựng chuyện, nói
nửa sự thật, vu khống... Nhưng luôn luôn là vũ khí bảo vệ của kẻ hèn
nhát".
©
Lê Diễn Đức
No comments:
Post a Comment