Thursday 23 January 2014

KÊNH PANAMA : CẠNH TRANH ÂM THẦM HOA KỲ - TRUNG QUỐC (Hà Tường Cát tổng hợp)




Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)
Tuesday, January 21, 2014 3:12:35 PM

Kênh Panama nếu không được mở rộng thêm như kế hoạch, thì một kênh đào khác đang dự tính tại Nicaragua sẽ chiếm ưu thế về lưu thông hàng hải giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.  Kênh Panama có nhiều vốn đầu tư của các công ty Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc đã hứa hẹn trợ giúp vào việc đào kênh Nicaragua.

Ngoài ra Trung Quốc cũng dự tính xây dựng một đường sắt dài 170 dặm trên lãnh thổ Colombia từ bờ biển Thái Bình Dương  đến bờ biển Đại Tây Dương, và đây là một sự cạnh tranh khác với kênh Panama trong việc vận chuyển hàng hóa giữa 2 đại dương.

Dù ít được đề cập ồn ào, nhưng Trung Quốc với những nỗ lực phát triển thế lực trện nhiều mặt tai Châu Mỹ La Tinh từ lâu nay,  sẽ có tầm tác động tới  khu vực vẫn từng được  coi là độc quyền ảnh hưởng của Hoa Kỳ theo chủ thuyết “Châu Mỹ của người Mỹ” do Tổng Thống James Monroe  nêu lên năm 1823. Kênh đào Panama do đó có một vai trò trong trận chiến kinh tế, chính trị và ngoại giao giữa hai đại cường quốc vùng Thái Binh Dương.

Kênh Panama dài 48 dặm giúp thu ngắn hải lộ giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương vòng quanh Nam Mỹ qua Cape Horn khoảng 8,000 dặm. Với các công ty hàng hải, đó là một lợi ích lớn về chi phí chuyển vận, tiết kiệm nhiên liệu và nhất là thời gian dài nhiều tuần lễ. Trung bình một tàu hàng chỉ mất từ 20 đến 30 giờ để qua kênh.

Từ đầu thế kỷ 19, Panama là phần đất thuộc liên bang Colombia, nhưng khi Colombia từ chối đề nghị của Hoa Kỳ về việc đào một con kênh ngang qua eo đất, Hoa Kỳ đã bí mật trợ giúp cho dân Panama trong cuộc  cách mạng giành được độc lập năm 1903.

Từ 1881 Ferdinand de Lesseps, người Pháp đã xây dựng kênh Suez được Colombia chấp thuận cho đào kênh, nhưng sau 8 năm phải ngưng việc vì phí tổn lên quá cao ngoài dự tính, thêm nữa thời tiết vùng nhiệt đới đưa đến nhiều bệnh tật cho công nhân. Công ty đào kênh đã tiêu hết $287 triệu và  tổn thất gần 22,000 nhân mạng vì tai nạn hay bệnh tật, công trình do chính quyền Pháp tài trợ phải bỏ dở.

Tân chính quyền độc lập Panama cử đại sứ Philippe Bunau-Varilla thương lượng với Hoa Kỳ,  một hiệp ước về việc đào kênh. Theo hiệp ước, Hoa Kỳ được giành quyền vĩnh viễn kiểm soát giải đất gọi là Canal Zone rộng 5 dặm hai bên bờ kênh. Nhưng Bunau-Varilla là một kỹ sư và doanh gia quốc tịch Pháp, nên dù mang nhiệm vụ là đại sứ của Panama, không được phép ký hiệp ước chưa có sự duyệt lại của chính phủ Panama. Vấn đề này về sau trở thành rắc rối ngoại giao lâu dài giữa hai nước.

Người Mỹ tái tục công cuộc đào kênh của người Pháp năm 1904 và hoàn thành năm 1914. Kênh Panama hoạt động rất thành công từ đó và giúp nhiều kết quả cho quân lực Hoa Kỳ trong hai trận Thế Chiến.

Nhưng Canal Zone chia cắt lãnh thổ Panama thành hai phần biệt lập tạo nên sự chống đối của dân Panama làm tình hình căng thẳng trong nhiều năm. Sau nhiều cuộc bạo loạn xảy ra từ thập niên 1960, tới 1977 Tổng Thống Jimmy Carter ký hiệp ước đồng ý trả lại 60% phần đất Canal Zone cho Panama. Kế đó một Ủy Ban Lưỡng Quốc đảm nhận việc quản lý kinh đào cho tới 1999 thì chuyển hoàn toàn chủ quyền về cho Panama.

Theo hiệp ước 1977, kênh đào Panama là một thủy lộ quốc tế trung lập và ngay cả trong trường hợp có chiến tranh, các tàu mọi loại của bất cứ nước nào cũng được quyền sử dụng đường này. Hoa Kỳ và Panama cùng nhau đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ kênh.

Vì có sự chênh lệch giữa mực nước đại dương và các hồ mà kênh đào đi ngang,nên phải lập ba hệ thống cửa kênh. Lộ phí qua kênh tùy thuộc vào tàu lớn nhỏ và trọng tải, trung bình cho mỗi tàu vào khoảng $54,000 và có trường hợp lên tới $375,000 kể cả tiền phạt vì những sai phạm.

Sau gần một thế kỷ, kênh đào có những hư hỏng đồng thời không đủ sức cho những tàu hàng hay tàu dầu  lớn hiện nay và tương lai nên cần phải được tu bổ và mở rộng.

Theo dự án mở rộng được chấp thuận năm 2006, tới năm 2015 kênh Panama sẽ tăng gấp đôi lượng trọng tải bằng cách lập thêm một đường tàu di chuyển và có khả năng tiếp nhận những tàu lớn, nặng hơn. Kênh Panama sẽ chiếm khoảng từ 5% đến 6% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới.

Một tổ hợp công trình Tây Ban Nha, GUPC (Grupo Unidos por el Canal), trong đó có các thành phần Bỉ, Ý, Panama, trúng thầu đảm nhận thực hiện với giá thấp nhất $.1 tỷ năm 2009. Đến nay đã hoàn thành được ¾ công trình, nhưng do phí tổn lên cao, trong đó GUPC đổ lỗi một phần cho Panama về việc nghiên cứu địa chất không đầy đủ đưa đến nhiều khó khăn, GUPC yêu cầu được tài trợ thêm $1.6 tỷ.

Cơ Quan Quản Trị Kênh Đào không chấp thuận yêu cầu này và GUPC đe dọa sẽ ngưng công tác và cho nghỉ việc 10,000  công nhân. Qua những cuộc thương lượng tiếp theo, hôm Chủ Nhật GUPC rút lại sự đe dọa, nói rằng sự ngưng công tác “không phải là kịch bản được xét đến trong lúc này”.

Hôm Thứ Ba, ông Jorge Luis Quijano, trưởng quản trị kênh đào, nói rằng “có thể tìm được giải pháp có tiềm năng để kết thúc vấn đề”, tuy nhiên ông không cho biết thêm chi tiết và GUPC cũng từ chối không bình luận gì về việc này. GUPC cũng muốn Liên Âu can thiệp dàn xếp sự tranh chấp.

Từ một thế kỷ, kênh đào Panama đã giữ một vị thế ưu tiên trong hoạt động hàng hải quốc tế nhưng đến nay càng ngày càng có thể gặp thêm nhiều sự cạnh tranh. Kênh Suez có thể là một hải lộ từ Á Châu đến miền Đông Hoa Kỳ và đường biển Bắc Băng Dương là một khả năng khác.

Tuy nhiên tiềm lực cạnh tranh cụ thể nhất là một kênh đào ngang qua Nicragua như đã nói ở trên. Ngày 15 tháng 6 năm ngoái,Nicaragua chấp thuận cho tổ hợp HKND ở Hong Kong đặc quyền nghiên cứu và thực hiện kênh đào trong 50 năm. Tương lai của công trình này còn lâu dài nhưng sự hiện diện của Trung Quốc trên hải lộ quốc tế chắc chắn không phải là một tình trạng mà các quốc gia Tây Phương mong đợi.  (HC)

CÁC TIN KHÁC   







No comments:

Post a Comment

View My Stats