25.01.2014
Viết bài “Sự mù quáng vô tận”, tôi không nhắm đến mục tiêu phê
phán người dân Trung Quốc. Tôi chỉ muốn chứng minh hai điều:
Một, dù có nhiều điểm tương đồng, giữa độc tài phát-xít và độc tài Mác-xít vẫn có một điểm khác biệt lớn: Trong khi chủ nghĩa phát-xít dựa trên một số niềm tin gắn liền với một số thành kiến về chủng tộc và với một thứ chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, chủ nghĩa Mác-xít lại dựa trên một nền tảng triết học có vẻ rất đồ sộ và nguy nga, nhờ thế, một mặt, nó dễ dàng thuyết phục được giới trí thức, và mặt khác, cũng rất dễ được huyền thoại hóa.
Hai, vì yếu tố huyền thoại ấy, độc tài Mác-xít sống dai dẳng hơn hẳn độc tài phát-xít. Chủ nghĩa phát-xít, lúc còn mạnh, không làm dấy lên một phong trào văn học nghệ thuật tương ứng nào, và khi bị sụp đổ, là sụp đổ hoàn toàn, cả trong hiện thực lẫn trong ký ức. Chủ nghĩa Mác-xít, ngược lại, ngay từ đầu, đã gắn liền với cả một phong trào văn nghệ rộng lớn dưới nhãn hiệu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, qua đó, thấm nhiễm sâu sắc vào đáy sâu tâm thức của từng người; hậu quả là, ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản, với tư cách một thể chế và một ý thức hệ, đã bị phá sản, dư âm của nó vẫn còn lại. Sự kéo dài của dư âm ấy cũng đồng thời là sự kéo dài của họa độc tài.
Sự sùng bái của nhiều người dân Trung Quốc hiện nay đối với thần tượng Mao Trạch Đông của họ chính là một minh chứng hùng hồn cho sự kéo dài ấy.
Hiện tượng ấy lại cho thấy sự khó khăn và gập ghềnh trong tiến trình dân chủ hóa ở khắp nơi, đặc biệt, ở các nước độc tài từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.
Liên quan đến vấn đề dân chủ hóa, nói chung, có mấy đặc điểm chính: Một, đó là một xu hướng chung của thế giới. Giới nghiên cứu - đi tiên phong và tiêu biểu nhất là Samuel Huntington - chia tiến trình dân chủ hóa ấy thành từng đợt, giống như đợt sóng, hết đợt thứ nhất (từ khoảng 1810 đến khoảng 1922) đến đợt thứ hai (khoảng 1944-1957), thứ ba (khoảng từ 1974 đến đầu thập niên 1990), và gần đây, với sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài ở Trung Đông và châu Phi, nhiều người lại nói đến đợt sóng dân chủ thứ tư. Hai, tuy nhìn chung, các đợt sóng dân chủ hóa ấy có sức mạnh mãnh liệt, hết càn quét chế độ độc tài ở nước này lại càn quét chế độ độc tài ở nước khác, tiến trình dân chủ hóa vẫn có những thoái trào nhất định: thay vì phát triển theo đường thẳng, nó lại chạy lòng vòng hoặc theo những đường cong đầy khúc khuỷu, như những gì chúng ta đang nhìn thấy ở các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi. Ba, trong sự phát triển của dân chủ, có một số nơi dường như may mắn, ở đó, dân chủ một khi đã xuất hiện cứ ngày một nảy nở xum xuê; ở một số nơi khác, ngược lại, nó cứ còi cọc, quặt quẹo, lúc nào cũng có nguy cơ bị chết héo.
Đặc điểm thứ ba vừa nêu thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Họ đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao dân chủ có thể phát triển dễ dàng ở nơi này hơn ở nơi khác? Tại sao, trên lý thuyết, dân chủ nhắm đến việc phát huy quyền tự do của mỗi người, đáng lẽ mọi người phải hân hoan đón nhận, thế nhưng, ngược lại, nhiều người, rất nhiều người, kể cả những người thiếu tự do nhất, lại dửng dưng, thậm chí, run sợ, muốn quay mặt đi? Tại sao?
Tất cả những câu hỏi tại sao ấy lại dẫn đến một câu hỏi khác: Vậy, điều kiện, hoặc những điều kiện chính của dân chủ là gì?
Câu hỏi này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác có tính thực dụng và thực tiễn hơn: Để xây dựng một chế độ dân chủ thực sự, yếu tố nào cần được xây dựng trước?
Trong cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào (How East Asians View Democracy) do Columbia University Press xuất bản năm 2010, các nhà biên tập, Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew J. Nathan và Doh Chull Shin, trong lời giới thiệu, đã chia cuộc hành trình nhận thức về dân chủ thành ba giai đoạn chính:
Thứ nhất, giai đoạn đầu, từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, các lý thuyết gia cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến quá trình tiến hóa của dân chủ, trong đó, có yếu tố văn hóa chính trị. Đi tiên phong trong giai đoạn này là Dankwart Rustow, người cho rằng cuộc dân chủ hóa nào cũng bắt đầu, trước hết, bằng sự thống nhất của quốc gia, sau đó, bằng việc tranh đấu để chấm dứt sự bất bình đẳng về các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, sau đó, là quyết định xây dựng các thiết chế cần thiết cho dân chủ; và cuối cùng, mọi người, từ trí thức đến bình dân, dần dần làm quen với dân chủ để ứng xử theo các nguyên tắc dân chủ.
Thứ hai, suốt thập niên 1970 và thập niên 1980, không hiểu sao giới nghiên cứu lại xao nhãng yếu tố văn hóa chính trị. Mọi người đều chỉ tập trung vào cấu trúc xã hội, những thay đổi trong giới trí thức và các thiết chế chính trị.
Thứ ba, từ thập niên 1990 đến nay, người ta lại chú ý đến văn hóa chính trị, hơn nữa, xem văn hóa chính trị như là yếu tố trung tâm trong tiến trình dân chủ hóa. Trong cái gọi là văn hóa chính trị ấy, người ta không những chỉ tập trung vào giới trí thức mà còn cả giới bình dân, nếu không muốn nói, đặc biệt là giới bình dân: Chính niềm tin và thái độ của giới bình dân là một trong những yếu tố quyết định vận mệnh của dân chủ.
Nói một cách tóm tắt, hiện nay, phần lớn giới nghiên cứu về chính trị học đều tin là, để có dân chủ, người ta cần có nhiều thứ, ví dụ, một, sự thức tỉnh và dấn thân của giới trí thức; hai, sự phát triển của kinh tế phải đến một mức độ nào đó, để, một mặt, có một tầng lớp trung lưu tương đối mạnh, mặt khác, để mọi người không còn chỉ biết hùng hục lo cho miếng cơm manh áo, những nhu cầu sơ đẳng và nhỏ nhặt hằng ngày; ba, một môi trường quốc tế thích hợp và có tác động tích cực đến xu hướng dân chủ hóa; và bốn, quan trọng nhất, là thái độ của quần chúng.
Nhìn vào tình hình chính trị ở châu Á những năm gầy đây, các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết các nền dân chủ non trẻ ở đây đều gặp thử thách nghiêm trọng. Không kể Trung Quốc, nơi chưa có dân chủ, từ Hong Kong đến Đài Loan, từ Thái Lan đến Mông Cổ, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, ở đâu cũng có những đợt khủng hoảng, với những mức độ khác nhau, về dân chủ.
Lý do chính, theo các tác giả của cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào là vì nền tảng của tính chính đáng của dân chủ ở đó còn rất yếu ớt và mong manh. Một mặt, nhiều người dân vẫn nuối tiếc cái thời độc tài đã qua. Tự do gắn liền với cạnh tranh; cạnh tranh cần sự quyết liệt và có sự hơn thua rõ ràng: Những người thua cuộc, nhất là trong cuộc chạy đua về kinh tế và quyền lực, dễ có tâm lý bất mãn. Tâm lý này, thật ra, cũng rất dễ nhìn thấy ở Nga và Đông Âu hiện nay: người ta thấy cuộc sống dưới chế độ độc tài cộng sản trước đây có vẻ dễ dàng hơn, ở đó, ai an phận nấy, cứ đến tháng lại cầm sổ lương thực đi mua thịt mua cá, không phải tính toán hay cố gắng gì nhiều, dù với cái giá người ta phải trả là mất tự do. Mặt khác, người ta vẫn chưa quen với trò chơi dân chủ, chưa phục tùng quyết định của đa số, vẫn muốn dùng sức mạnh, hoặc bằng bạo lực hoặc của đám đông qua các cuộc xuống đường biểu tình để xóa bỏ kết quả của các cuộc bầu cử.
Điều cuối cùng vừa nêu thấy rõ nhất là ở Thái Lan. Cứ bất mãn chính phủ điều gì là người ta lại xuống đường biểu tình để đòi thay chính phủ, bất chấp sự kiện chính phủ ấy đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu trước đó. Xin lưu ý là ở các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu dài và vững chắc ở Tây phương, người ta cũng thường xuống đường biểu tình nhưng mục tiêu của các cuộc biểu tình ấy là nhằm để gây sức ép làm thay đổi một số chính sách nào đó chứ không phải là thay đổi bản thân chính phủ. Việc thay đổi chính phủ, người ta để các lá phiếu quyết định.
Ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt quan trọng trong nội dung của văn hóa chính trị ở các nước đã có dân chủ, dù là dân chủ non trẻ và ở các nước chưa có dân chủ. Điều kiện để nuôi dưỡng dân chủ, ở các nước đã ít nhiều có dân chủ, là sự tin tưởng vào thể chế và giới hạn mục tiêu tranh đấu vào lãnh vực chính sách, trong khi đó, ở các nước chưa có dân chủ, điều kiện thiết yếu là sự bất tín nhiệm đối với thể chế hiện hữu và nhắm đến mục tiêu thay đổi thể chế.
Trong trường hợp thứ hai, tiến trình dân chủ hóa ở các nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu, vì áp lực của các huyền thoại giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp vốn được hệ thống tuyên truyền của nhà nước nuôi dưỡng quá lâu. Với các huyền thoại ấy, người ta hoặc vẫn tiếp tục có ảo tưởng vào một tương lai tươi sáng nào đó hoặc đâm ra dễ dàng tha thứ cho các tội ác trong hiện tại, xem chúng như những cái giá cần phải trả cho một thiên đường mai hậu. Đó là chưa kể, vì sống quá lâu dưới ách độc tài, chỉ cần một lời hứa hẹn hoặc một sự thay đổi nho nhỏ, người ta đã thấy thỏa mãn.
Chính sự thỏa mãn ấy là dưỡng khí cần thiết của các chế độ độc tài.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Một, dù có nhiều điểm tương đồng, giữa độc tài phát-xít và độc tài Mác-xít vẫn có một điểm khác biệt lớn: Trong khi chủ nghĩa phát-xít dựa trên một số niềm tin gắn liền với một số thành kiến về chủng tộc và với một thứ chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, chủ nghĩa Mác-xít lại dựa trên một nền tảng triết học có vẻ rất đồ sộ và nguy nga, nhờ thế, một mặt, nó dễ dàng thuyết phục được giới trí thức, và mặt khác, cũng rất dễ được huyền thoại hóa.
Hai, vì yếu tố huyền thoại ấy, độc tài Mác-xít sống dai dẳng hơn hẳn độc tài phát-xít. Chủ nghĩa phát-xít, lúc còn mạnh, không làm dấy lên một phong trào văn học nghệ thuật tương ứng nào, và khi bị sụp đổ, là sụp đổ hoàn toàn, cả trong hiện thực lẫn trong ký ức. Chủ nghĩa Mác-xít, ngược lại, ngay từ đầu, đã gắn liền với cả một phong trào văn nghệ rộng lớn dưới nhãn hiệu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, qua đó, thấm nhiễm sâu sắc vào đáy sâu tâm thức của từng người; hậu quả là, ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản, với tư cách một thể chế và một ý thức hệ, đã bị phá sản, dư âm của nó vẫn còn lại. Sự kéo dài của dư âm ấy cũng đồng thời là sự kéo dài của họa độc tài.
Sự sùng bái của nhiều người dân Trung Quốc hiện nay đối với thần tượng Mao Trạch Đông của họ chính là một minh chứng hùng hồn cho sự kéo dài ấy.
Hiện tượng ấy lại cho thấy sự khó khăn và gập ghềnh trong tiến trình dân chủ hóa ở khắp nơi, đặc biệt, ở các nước độc tài từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.
Liên quan đến vấn đề dân chủ hóa, nói chung, có mấy đặc điểm chính: Một, đó là một xu hướng chung của thế giới. Giới nghiên cứu - đi tiên phong và tiêu biểu nhất là Samuel Huntington - chia tiến trình dân chủ hóa ấy thành từng đợt, giống như đợt sóng, hết đợt thứ nhất (từ khoảng 1810 đến khoảng 1922) đến đợt thứ hai (khoảng 1944-1957), thứ ba (khoảng từ 1974 đến đầu thập niên 1990), và gần đây, với sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài ở Trung Đông và châu Phi, nhiều người lại nói đến đợt sóng dân chủ thứ tư. Hai, tuy nhìn chung, các đợt sóng dân chủ hóa ấy có sức mạnh mãnh liệt, hết càn quét chế độ độc tài ở nước này lại càn quét chế độ độc tài ở nước khác, tiến trình dân chủ hóa vẫn có những thoái trào nhất định: thay vì phát triển theo đường thẳng, nó lại chạy lòng vòng hoặc theo những đường cong đầy khúc khuỷu, như những gì chúng ta đang nhìn thấy ở các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi. Ba, trong sự phát triển của dân chủ, có một số nơi dường như may mắn, ở đó, dân chủ một khi đã xuất hiện cứ ngày một nảy nở xum xuê; ở một số nơi khác, ngược lại, nó cứ còi cọc, quặt quẹo, lúc nào cũng có nguy cơ bị chết héo.
Đặc điểm thứ ba vừa nêu thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Họ đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao dân chủ có thể phát triển dễ dàng ở nơi này hơn ở nơi khác? Tại sao, trên lý thuyết, dân chủ nhắm đến việc phát huy quyền tự do của mỗi người, đáng lẽ mọi người phải hân hoan đón nhận, thế nhưng, ngược lại, nhiều người, rất nhiều người, kể cả những người thiếu tự do nhất, lại dửng dưng, thậm chí, run sợ, muốn quay mặt đi? Tại sao?
Tất cả những câu hỏi tại sao ấy lại dẫn đến một câu hỏi khác: Vậy, điều kiện, hoặc những điều kiện chính của dân chủ là gì?
Câu hỏi này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác có tính thực dụng và thực tiễn hơn: Để xây dựng một chế độ dân chủ thực sự, yếu tố nào cần được xây dựng trước?
Trong cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào (How East Asians View Democracy) do Columbia University Press xuất bản năm 2010, các nhà biên tập, Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew J. Nathan và Doh Chull Shin, trong lời giới thiệu, đã chia cuộc hành trình nhận thức về dân chủ thành ba giai đoạn chính:
Thứ nhất, giai đoạn đầu, từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, các lý thuyết gia cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến quá trình tiến hóa của dân chủ, trong đó, có yếu tố văn hóa chính trị. Đi tiên phong trong giai đoạn này là Dankwart Rustow, người cho rằng cuộc dân chủ hóa nào cũng bắt đầu, trước hết, bằng sự thống nhất của quốc gia, sau đó, bằng việc tranh đấu để chấm dứt sự bất bình đẳng về các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, sau đó, là quyết định xây dựng các thiết chế cần thiết cho dân chủ; và cuối cùng, mọi người, từ trí thức đến bình dân, dần dần làm quen với dân chủ để ứng xử theo các nguyên tắc dân chủ.
Thứ hai, suốt thập niên 1970 và thập niên 1980, không hiểu sao giới nghiên cứu lại xao nhãng yếu tố văn hóa chính trị. Mọi người đều chỉ tập trung vào cấu trúc xã hội, những thay đổi trong giới trí thức và các thiết chế chính trị.
Thứ ba, từ thập niên 1990 đến nay, người ta lại chú ý đến văn hóa chính trị, hơn nữa, xem văn hóa chính trị như là yếu tố trung tâm trong tiến trình dân chủ hóa. Trong cái gọi là văn hóa chính trị ấy, người ta không những chỉ tập trung vào giới trí thức mà còn cả giới bình dân, nếu không muốn nói, đặc biệt là giới bình dân: Chính niềm tin và thái độ của giới bình dân là một trong những yếu tố quyết định vận mệnh của dân chủ.
Nói một cách tóm tắt, hiện nay, phần lớn giới nghiên cứu về chính trị học đều tin là, để có dân chủ, người ta cần có nhiều thứ, ví dụ, một, sự thức tỉnh và dấn thân của giới trí thức; hai, sự phát triển của kinh tế phải đến một mức độ nào đó, để, một mặt, có một tầng lớp trung lưu tương đối mạnh, mặt khác, để mọi người không còn chỉ biết hùng hục lo cho miếng cơm manh áo, những nhu cầu sơ đẳng và nhỏ nhặt hằng ngày; ba, một môi trường quốc tế thích hợp và có tác động tích cực đến xu hướng dân chủ hóa; và bốn, quan trọng nhất, là thái độ của quần chúng.
Nhìn vào tình hình chính trị ở châu Á những năm gầy đây, các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết các nền dân chủ non trẻ ở đây đều gặp thử thách nghiêm trọng. Không kể Trung Quốc, nơi chưa có dân chủ, từ Hong Kong đến Đài Loan, từ Thái Lan đến Mông Cổ, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, ở đâu cũng có những đợt khủng hoảng, với những mức độ khác nhau, về dân chủ.
Lý do chính, theo các tác giả của cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào là vì nền tảng của tính chính đáng của dân chủ ở đó còn rất yếu ớt và mong manh. Một mặt, nhiều người dân vẫn nuối tiếc cái thời độc tài đã qua. Tự do gắn liền với cạnh tranh; cạnh tranh cần sự quyết liệt và có sự hơn thua rõ ràng: Những người thua cuộc, nhất là trong cuộc chạy đua về kinh tế và quyền lực, dễ có tâm lý bất mãn. Tâm lý này, thật ra, cũng rất dễ nhìn thấy ở Nga và Đông Âu hiện nay: người ta thấy cuộc sống dưới chế độ độc tài cộng sản trước đây có vẻ dễ dàng hơn, ở đó, ai an phận nấy, cứ đến tháng lại cầm sổ lương thực đi mua thịt mua cá, không phải tính toán hay cố gắng gì nhiều, dù với cái giá người ta phải trả là mất tự do. Mặt khác, người ta vẫn chưa quen với trò chơi dân chủ, chưa phục tùng quyết định của đa số, vẫn muốn dùng sức mạnh, hoặc bằng bạo lực hoặc của đám đông qua các cuộc xuống đường biểu tình để xóa bỏ kết quả của các cuộc bầu cử.
Điều cuối cùng vừa nêu thấy rõ nhất là ở Thái Lan. Cứ bất mãn chính phủ điều gì là người ta lại xuống đường biểu tình để đòi thay chính phủ, bất chấp sự kiện chính phủ ấy đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu trước đó. Xin lưu ý là ở các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu dài và vững chắc ở Tây phương, người ta cũng thường xuống đường biểu tình nhưng mục tiêu của các cuộc biểu tình ấy là nhằm để gây sức ép làm thay đổi một số chính sách nào đó chứ không phải là thay đổi bản thân chính phủ. Việc thay đổi chính phủ, người ta để các lá phiếu quyết định.
Ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt quan trọng trong nội dung của văn hóa chính trị ở các nước đã có dân chủ, dù là dân chủ non trẻ và ở các nước chưa có dân chủ. Điều kiện để nuôi dưỡng dân chủ, ở các nước đã ít nhiều có dân chủ, là sự tin tưởng vào thể chế và giới hạn mục tiêu tranh đấu vào lãnh vực chính sách, trong khi đó, ở các nước chưa có dân chủ, điều kiện thiết yếu là sự bất tín nhiệm đối với thể chế hiện hữu và nhắm đến mục tiêu thay đổi thể chế.
Trong trường hợp thứ hai, tiến trình dân chủ hóa ở các nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu, vì áp lực của các huyền thoại giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp vốn được hệ thống tuyên truyền của nhà nước nuôi dưỡng quá lâu. Với các huyền thoại ấy, người ta hoặc vẫn tiếp tục có ảo tưởng vào một tương lai tươi sáng nào đó hoặc đâm ra dễ dàng tha thứ cho các tội ác trong hiện tại, xem chúng như những cái giá cần phải trả cho một thiên đường mai hậu. Đó là chưa kể, vì sống quá lâu dưới ách độc tài, chỉ cần một lời hứa hẹn hoặc một sự thay đổi nho nhỏ, người ta đã thấy thỏa mãn.
Chính sự thỏa mãn ấy là dưỡng khí cần thiết của các chế độ độc tài.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment