Tuesday 21 January 2014

HUMAN RIGHTS WATCH CÔNG BỐ PHÚC TRÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (RFA, VOA, BBC)




RFA
21.01.2014

Ông Phil Robertson tại cuộc họp báo sáng 21/1 ở Bangkok để công bố bản phúc trình về tình trạng nhân quyền Việt Nam và thế giới.   HRW PHOTO

Tình trạng nhân quyền của Việt Nam ngày một xấu đi một cách nghiêm trọng, người dân vẫn chưa được hưởng những quyền căn bản của con người và chính phủ tiếp tục sử dụng những điều khoản của bộ luật hình sự chỉ với mục đích bắt giữ, bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến.

Trong cuộc họp báo sáng nay ở Bangkok để công bố bản phúc trình về tình trạng nhân quyền toàn thế giới, đại diện của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch là ông Phil Robertson nói rằng Việt Nam hiện đã vượt Miến Điện về con số tù nhân chính trị đang bị giam cầm, và có thể là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về việc này.

Phúc trình của Human Rights Watch cũng nói rằng Việt Nam không có một hệ thống tư pháp độc lập, tất cả những bản án mà tòa tuyên phạt những nhà bất đồng chính kiến đều là những bản án có lợi cho đảng, nhà nước và chính phủ.

Về những quyền căn bản của con người, phúc trình viết rằng quyền hội họp, tự do phát biểu và ngay cả quyền tự do tín ngưỡng vẫn chưa được tôn trọng, nhắc lại chuyện nhà nước không cho người dân tổ chức biểu tình hay tham gia những cuộc thảo luận để bàn thảo về nhân quyền, đồng thời chính quyền còn bắt giữ và truy tố những nhà báo, blogger, dùng cả luật thuế để bỏ tù những người lên tiếng đòi hỏi phải đổi mới chính trị.

Rất nhiều trượng hợp được Human Rights Watch đưa ra làm dẫn chức, từ vụ án Luật Sư Lê Quốc Quân cho đến việc truy tố Blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, chuyện nhà nước bắt giữ 14 thanh niên công giáo ở Nghệ An, hoặc chuyện chính phủ dùng bạo lực trấn áp các tổ chức tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hoặc những nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên.

Việc hồi cuối tháng 11 năm ngoái Quốc Hội Việt Nam mới thông qua bản hiến pháp có sửa đổi cũng được nói tới, cho rằng bản hiến pháp này cam kết tôn trọng quyền của người dân, nhưng đồng thời lại có nhiều kẽ hở, không đảm bảo việc phải bảo vệ và phát huy các quyền tự do căn bản mà tất cả mọi người đều đương nhiên được hưởng.

Cho đến tối hôm nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa lên tiếng nói gì về bản phúc trình này nhưng trong quá khứ, Hà Nội thường xuyên lên tiếng gọi những cáo buộc của Human Rights Watch cũng như của các tổ chức tranh đấu, bảo vệ nhân quyền quốc tế khác là bịa đặt, vô căn cứ.

Ông Phil Robertson Phó giám đốc tổ chức Human Rights Watch tại Thái Lan cho biết nhận xét của ông về phúc trình này:

“Chúng tôi nhìn thấy viễn cảnh nhân quyền của Việt Nam không có một tiến triển nào. Hiện nay chúng tôi đánh giá Việt Nam có khoảng từ 150 người đến 200 người đang bị bắt giữ vì họ đã có những hoạt động phổ biến nhân quyền cho người dân trong nước. Chúng tôi cũng có danh sách ít nhất 63 tù nhân chính trị trong năm 2013. Qua những chi tiết này chúng ta thấy rõ con số này tăng hơn năm trước đó. Họ là những người dám nói lên nguyện vọng người dân và do đó bị chính phủ đàn áp một cách nghiêm trọng. Họ chỉ cố lên tiếng diễn tả những gì mà nền dân chủ đòi hỏi bằng những cuộc họp mặt hay biểu tình nhưng lại bị bắt bớ giam cầm như những tù nhân hình sự.
Tổ chức Human Rights Watch rất quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Những quan tâm đó bao gồm việc bắt giữ người trái phép và ngày càng nhiều hơn. Thêm vào đó chính phủ Việt Nam chưa bao giờ tỏ ra lắng nghe tiếng nói của người dân trong chế độ độc đảng hiện nay.”


-----------------------------------

VOA
21.01.2014

Tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights Watch hôm nay công bố một phúc trình toàn cầu 2014, trong đó điểm lại tình hình nhân quyền ở 90 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong năm 2013.

Tổ chức có trụ sở ở New York cho rằng trong năm 2013, ‘chính quyền Việt Nam kiểm soát các nhà hoạt động ráo riết hơn, tiếp tục gia tăng các vụ xử án và truy tố với động cơ chính trị nhằm vào những người chỉ trích ôn hòa’.

Ông Brad Adams, Giám đốc Phụ trách Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng việc ‘gia tăng đàn áp đang đặt chính phủ Việt Nam vào thế đối đầu với khối dân chúng đang ngày càng có ý thức về chính trị và năng động hơn’.

Human Rights Watch cũng đề cập tới việc Quốc Hội thông qua bản Hiến pháp Việt Nam sửa đổi mà họ cho là ‘đáng thất vọng’ vì không những không có những cải cách thích đáng, ngược lại còn củng cố thêm quyền lực của Đảng Cộng sản.

Theo tổ chức này, các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp bị chìm nghỉm trong những lỗ hổng pháp lý khiến chính quyền có thể truy tố hình sự ngay cả những hành vi như bày tỏ ý kiến, lập hội hay nhóm họp ôn hòa.

Human Rights Watch nhận định, dù vẫn giữ được độc quyền cai trị nhà nước, đảng đang phải đối mặt với nỗi bất bình đang ngày càng gia tăng của công chúng về tăng trưởng kinh tế chậm, tham nhũng lan rộng và sự thiếu vắng các quyền tự do cơ bản.

“Tình trạng người dân bị tước đoạt quyền lợi và tệ tham nhũng tràn lan được coi là những lực cản đối với các tiến bộ kinh tế và chính trị của Việt Nam,” phúc trình viết.

Việt Nam chưa lên tiếng về bản phúc trình mới nhất của Human Rights Watch nhưng trong quá khứ, Hà Nội từng nói nhận định của tổ chức này là ‘sai lạc’ và ‘có ác ý’.

-----------------------------------------

BBC
Cập nhật: 11:36 GMT - thứ ba, 21 tháng 1, 2014

Việt Nam đã vượt Miến Điện về con số tù nhân chính trị và có thể đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phương diện này, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới (HRW) cho biết trong một cuộc họp báo.
Cuộc họp báo diễn ra ở Bangkok hôm 21/1 là để công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013.
Phúc trình cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã ‘xấu đi nghiêm trọng’ trong năm 2013.

Tù nhân và ngôn luận

Việt Nam hiện đang có khoảng từ 150 đến 200 tù nhân chính trị, theo ước lượng của HRW. Trong số này có 63 người bị kết án trong các phiên tòa có động cơ chính trị, tăng hơn so với 40 người trong năm 2012.
Như thế, với việc Miến Điện đã thả gần hết những tù nhân chính trị của họ trong năm 2013, Việt Nam có thể đã vươn lên giữ vị trí đầu bảng ở Đông Nam Á ở phương diện này, ông Robertson nói trước báo giới quốc tế.

Phúc trình của HRW lên án việc các tòa án ở Việt Nam ‘không có sự độc lập và không thiên vị theo yêu cầu của luật pháp quốc tế’.
“Khi mà Đảng Cộng sản và chính quyền có lợi ích trong phiên tòa thì chính họ chứ không phải sự thật và luật pháp mới là nhân tố quyết định bản án,” phúc trình viết, “Các phiên xử thường đầy những vi phạm về tố tụng để đưa ra những phán quyết mang tính chính trị đã được quyết định từ trước”.
Phúc trình dẫn những điều luật trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam như điều 79, 87, 88, 89, 91 và 258 và thậm chí cả luật thuế đã được sử dụng để bỏ tù những người cổ súy thay đổi chính trị.
Trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân bị chính quyền kết án 30 tháng tù giam về tội ‘trốn thuế’ được HRW đưa ra làm ví dụ.
Về tự do ngôn luận, báo cáo viện dẫn Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành cấm các trang cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng và việc khởi tố các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào dựa trên điều luật 258 để làm bằng chứng cho việc chính quyền tăng cường tấn công vào những cây bút độc lập trên mạng.

Hội họp và tôn giáo

Về quyền tự do hội họp, HRW lên án việc chính quyền Việt Nam không cho phép tổ chức các cuộc tuần hành, tập hợp hay biểu tình mà họ cho là mang tính chính trị và trừng trị những ai dám chống lại.
Ví dụ mà HRW đưa ra là việc chính quyền can thiệp và quấy rối các buổi dã ngoại nhân quyền hồi tháng Năm ở ba thành phố lớn trong khi những người tham dự chỉ thảo luận Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền và ngăn không cho các nhân vật đối kháng như các ông Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Hoàng Đức ra nước ngoài.
Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát tôn giáo, phúc trình cho biết, bằng cách dùng bạo lực trấn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ các giáo hội của Nhà nước như các nhóm Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo ở Tây Nguyên, Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngoài ra, HRW cũng lên án việc bỏ tù 14 thanh niên mà đa phần là Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An hồi đầu năm 2013 mặc dù những thanh niên này chỉ ‘thực hiện những quyền tự do căn bản’.

Hiến pháp và giam giữ

Bản Hiến pháp mới mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua hôm 28/11 được HRW nhận xét là ‘dù có những cam kết về nhân quyền nhưng lại có nhiều kẽ hở nghiêm trọng’ và ‘không đảm bảo việc bảo vệ và phát huy các quyền tự do căn bản’.
Không những thế, chính quyền Việt Nam còn bị lên án về tình trạng bạo lực trong giam giữ khi mà có những tin tức từ truyền thông chính thức và các nguồn khác về việc công an ‘bạo hành, tra tấn hoặc thậm chí làm chết người bị giam giữ’.

Phúc trình cũng nêu lên tình trạng những người nghiện ma túy, kể cả trẻ em, bị giam giữ ở những trung tâm cai nghiện và bị bắt ‘lao động cải tạo’.
“Việc giam giữ này không có cơ quan pháp luật nào giám sát cả. Ai vi phạm kỷ luật sẽ bị đánh đập và nhốt trong phòng cách ly nơi họ không có đồ ăn thức uống,” báo cáo viết.
“Việt Nam tiếp tục ngày càng đi xuống về nhân quyền,” ông Phil Robertson kết luận.

Những cáo buộc của HRW thường bị Việt Nam bác bỏ, xem đó là "bịa đặt" hay "vu cáo".
Báo Nhân Dân hôm 13/1/2014 trích lời Bấm Đại sứ Việt Nam tại LHQ, ông Lê Hoài Trung nói với báo chí:
"Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của cộng đồng quốc tế được các quốc gia thành viên LHQ cùng nhất trí trong Tuyên bố của Hội nghị thế giới về quyền con người tổ chức ở Viên, Áo năm 1993 rằng, quyền con người là giá trị phổ quát, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi khu vực và những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau."
Ông Lê Hoài Trung cũng được trích lời nói rằng "điều đáng tiếc là có một số tổ chức/cá nhân muốn áp đặt cách nhìn của mình, hoặc vì những ý đồ xấu nên đã đưa thông tin sai lệch, kể cả vu cáo về tình hình quyền con người ở Việt Nam."




No comments:

Post a Comment

View My Stats