Saturday, 11 January 2014

HOÀNG SA CÓ VAI TRÒ THẾ NÀO VỚI AN NINH VIỆT NAM & KHU VỰC ? (Trà Mi - VOA)




10.01.2014

Năm nay đánh dấu 40 năm ngày bùng nổ trận hải chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974.

Vấn đề Hoàng Sa hiện nay có vai trò thế nào đối với an ninh của Việt Nam và cả khu vực giữa căng thẳng tranh chấp Biển Đông với các hành động gây hấn không ngừng của Trung Quốc?

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, nhà nghiên cứu và giảng dạy về Châu Á học thuộc đại học Maine (Hoa Kỳ), Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhận định:

GS Vĩnh Long: Hoàng Sa với an ninh và quyền lợi của Việt Nam thì ta đã thấy rõ, nhưng an ninh và quyền lợi của thế giới nhiều nước chưa thấy rõ. Khi Trung Quốc chíêm đóng toàn bộ Hoàng Sa ngày 19/1/1974, họ đã tính sẽ dùng đảo này để đẩy yêu cầu của họ chiếm thêm những vùng khác trong Biển Đông. Rõ ràng từ đó đến nay, Trung Quốc càng ngày càng khiêu khích. Họ dùng Hoàng Sa làm căn cứ địa, rồi lập thành phố Tam Sa để kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

VOA:
Với sách lược đòi chủ quyền bằng ngoại giao, liệu Việt Nam và các nước Đông Nam Á có thể thành công? Nhìn lại 40 năm đã qua kể từ trận chiến Hoàng Sa, chưa thấy một kết quả cụ thể nào cho Việt Nam, thưa ông?

GS Vĩnh Long: Vâng, Hoàng Sa là vấn đề rất quan trọng về khía cạnh chủ quyền, an ninh cho khu vực, và về luật pháp. Về mặt luật pháp, nếu mình để càng lâu, Trung Quốc càng có thời gian. Sau này nếu có đem ra tòa kiện được, người ta cũng cho rằng Trung Quốc đã chiếm đóng lâu rồi, người ta không muốn làm lộn xộn vấn đề. Cho nên, mình phải dùng vấn đề an ninh khu vực. Chẳng hạn lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc gần đây rõ ràng là sự đe dọa an ninh cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho một nước Việt Nam. Nếu hai nước bị thiệt hại nhiều nhất là Việt Nam và Philippines đẩy mạnh vấn đề thành trách nhiệm chung của thế giới thì tôi nghĩ có thể giải quyết sớm vấn đề.

VOA: Còn kịch bản khả dĩ nào khác giúp giải quyết tranh chấp theo chiều hướng ôn hòa, tốt đẹp nhất ngoài vận động ngoại giao? Các biện pháp chế tài, ràng buộc, hoặc kiện tụng thì sao?

GS Vĩnh Long: Việt Nam là nước phải đứng ra kiện vì quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và khi chiếm đóng, Trung Quốc còn giết người Việt Nam. Đây là vấn đề không những luật pháp mà còn nhân đạo. Cho nên, chúng ta có thể đem ra nói với thế giới. Nhưng theo tôi, khi Việt Nam nói với thế giới điều này, cần cho thế giới biết rằng Trung Quốc có đảo Hải Nam với vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm. Nếu họ dùng Hoàng Sa và cũng nói rằng họ có 200 dặm vùng đặc quyền kinh tế ở đây, trong khi giữa Hải Nam và Hoàng Sa chưa tới 400 dặm, thì Trung Quốc sẽ làm tắc nghẽn cả đường lưu thông từ dưới  Biển Đông lên đến vùng Đài Loan. Thành ra, trong lúc Trung Quốc đang ‘quậy’ thế này, Việt Nam nên đẩy mạnh vấn đề thế giới, đặc biệt là Liên hiệp quốc, buộc Liên hiệp quốc phải xét xử vụ này vì chuyện này không phải chỉ là chủ quyền lãnh thổ mà là an ninh biển, ảnh hưởng Luật Biển của Liên hiệp quốc.

VOA: Thế nhưng những áp lực mạnh tay hơn liệu chăng sẽ đưa tới những rủi ro như một trận hải chiến cách đây 40 năm? Giáo sư nhận định khả năng xảy ra xung đột võ trang tại khu vực ra sao?

GS Vĩnh Long: Bây giờ Trung Quốc và Mỹ có quan hệ cộng sinh. 20 năm qua nhờ Mỹ Trung Quốc mới có thể phát triển như ngày nay. Nếu có rắc rối trong khu vực hại đến quyền lợi của Mỹ thì Mỹ phải nói rõ với Trung Quốc là ‘Chúng tôi không thể chấp nhận’. Trách nhiệm của Mỹ và quyền lợi của Mỹ bây giờ rất rõ trong vấn đề này. Cho nên, tôi nghĩ Mỹ không thể dùng dằng. Trong khi đang tìm cách đối phó, Mỹ cần sự giúp đỡ của các nước như ở Đông Nam Á có quyền lợi bị đe dọa. Cho nên các nước cần tìm cách áp lực Mỹ hay giúp Mỹ có cớ để giữ an ninh trong khu vực. Việt Nam là nứơc có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất ở Biển Đông. Cho nên, tiếng nói của Việt Nam có sức nặng. Nếu không, đúng như cô nói, sẽ xảy ra sự cố. Khi xảy ra sự cố giữa khu vực Hải Nam và Hoàng Sa, chắc chắn sẽ làm tắc nghẽn lưu thông toàn khu vực. Chúng ta biết 90% các trao đổi hàng hóa của thế giới là trên đường biển và 60% các trao đổi đó là qua Biển Đông. Cho nên thế giới không nên để cho sự cố xảy ra.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này.


No comments:

Post a Comment

View My Stats