Ký
sự của nhóm No-U Sài Gòn
Đến với nhau từ những cuộc biểu tình chống Trung
Quốc từ năm 2011, từ đó No-U SG được thành lập với tôn chỉ gìn giữ và phát huy
tinh thần yêu nước, xóa Đường lưỡi bò bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển và hải đảo
Việt Nam. Nhóm No-U SG chúng tôi, từ lâu, đã ấp ủ những mong muốn có thể làm
một chút gì đó để tri ân những anh hùng đã tử trận bảo vệ biển đảo, bảo vệ toàn
vẹn non song lãnh thổ... Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Hải chiến Hoàng Sa,
19/01/1974 - 19/01/2014 đại diện nhóm No-U SG gồm có: blogger An Đổ Nguyễn
(Nguyễn Hoàng Vi), Cuong Le Doan (Lê Doãn Cường), Đinh Nhật Uy, Tin Ba (Bá
Tín), Miu Mạnh Mẽ (Nguyễn Nữ Phương Dung), Bé Mập Lai (Bùi Thị Nhung) quyết
định đi thăm, tặng quà Tết để tri ân các anh hùng tử sỹ đã chiến đấu và hy sinh
trong trận chiến Hoàng Sa khốc liệt.
Kỳ 1: Đức Trọng - Đà Lạt
4h30
sáng ngày 11/01, nhóm chúng tôi đã có mặt tại bến xe huyện Đức
Trọng - Lâm Đồng, vì chuyến xe khởi hành từ Sài Gòn đến hơi sớm nên cả nhóm
đành phải nán lại ở thị trấn, tranh thủ nhâm nhi cà phê đợi trời sáng...
Thật tình cờ, may mắn thay chúng tôi gặp chú Hải
(hay còn được anh em trạm xe Phương Trang gọi vui là Hải bạch tuộc) nhân viên
văn phòng trạm xe Trung chuyển và cũng là người bạn thân của bác Phạm Ngọc
Roa. Nhờ chú Hải bạch tuộc giúp đỡ nhiệt tình hướng dẫn, chúng tôi tìm được
nhà bác Phạm Ngọc Roa một cách nhanh chóng.
Khi xe vừa gần đến nơi, chúng tôi đã thấy một người
đàn ông tuổi trạc 60, tóc nhuốm bạc, da sạm nắng, thần thái toát lên vẻ rắn
rỏi, cương nghị đứng đợi ngoài cổng vẫy tay chào đón. Một chút tâm lý ban đầu
hơi ngỡ ngàng, bác bắt tay từng người và thân thiện mời chúng tôi vào nhà.
Ngôi nhà khá khang trang, rộng rãi, phía trước là
khoảng sân vừa đủ lớn dành để phơi hạt cafe mới thu hoạch về và được trang điểm
bởi một vườn hoa nhỏ. Cả ba người con của bác: một nữ, hai nam - tất cả hiện
tại đều đang sinh sống ở Sài Gòn, có việc làm ổn định và hai trong họ đã lập
gia đình. Ở quê nhà, Tân Thành - Đức Trọng, hai vợ chồng bác Roa chỉ làm thêm
rẫy cafe nhỏ để trang trải việc sinh hoạt hàng ngày.
Sân phơi cafe của nhà bác Roa, nguồn thu nhập chính
của 2 vợ chồng già
Chiếc xe trước nhà phương tiện vận chuyển cafe từ
rẫy về
Ban đầu, có vẻ như hai bác đều nghĩ chúng tôi là
nhóm phóng viên báo chí nào đó muốn về đây tác nghiệp trong dịp tưởng niệm 40
năm hải chiến Hoàng Sa sắp đến. Blogger An Đổ Nguyễn và Nhật Uy đã giới thiệu
vắn tắt về No-U SG và mục đích chuyến viếng thăm của nhóm.
Thành viên Đinh Nhật Uy giới thiệu cho bác Roa biết
về những hoạt động của nhóm No U SG
Sau những lời hỏi thăm về gia cảnh, chúng tôi bắt
đầu câu chuyện trước tiên về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Những câu chuyện
hào hùng năm nào, về những người đồng đội cũ, hạm trưởng Vũ Hữu San, Lữ Công
Bảy, về tàu HQ 04 - khu trục hạm Trần Nhật Duật... được người Trung úy tham
chiến tái hiện lại. Những thông tin mà trước đây, chúng tôi chỉ được đọc, nghe
qua đài báo nay được trực tiếp bằng mắt, bằng tai mình qua lời kể của người
trong cuộc thật không gì sống động bằng.
Tiếp đó, là câu chuyện về người thương binh Phạm
Ngọc Roa phải đón Tết 1975 tại Trung tâm Y tế (*) tại thành phố Đà Nẵng. Đến
nay vết thương cũ ở chân vẫn còn đau, nhất là những hôm trái gió trở trời. Quá
nữa một đời người trôi qua, vật đổi sao dời, ngày trận chiến xảy ra người Trung
úy Phạm Ngọc Roa chỉ mới 28 tuổi, bằng với lứa tuổi rất nhiều người trong chúng
tôi cũng như những người con của mình; thế nhưng những việc các chú, các bác làm
- đã là một trang sử hào hùng của Tổ quốc. Chúng tôi có đề cập đến vết thương
hiện nay, người cựu binh cũ đầy ưu tư nói rằng, vết thương đó có là gì khi mà
bao nhiêu người đồng đội cũ vẫn còn nằm dưới đáy biển, khi mà giờ đây Hoàng Sa
đã không còn là của Việt Nam.
Bác Roa xúc động và kể lại cho chúng tôi nghe khoảng
thời gian chinh chiến lúc còn trai trẻ của mình
Rồi những câu chuyện về Khóa 20 Trường sỹ quan Hải
quân Nha Trang ngày ấy, về anh Trung úy trẻ tuổi tham gia trận chiến sinh tử
khi vẫn còn độc thân và những khó khăn, vất vả giai đoạn sau năm 1975. Cũng như
rất nhiều những người lính VNCH khác, người lính ấy cũng phải trình diện chính quyền
mới, phải đi cải tạo tập trung để rồi 18 tháng sau đó, là một giai đoạn mới -
một cuộc sống mới - một vai trò mới của đời người. Anh lính giã từ cuộc đời
binh nghiệp, lập gia đình và tiếp tục bươn chải làm ăn kinh tế để mưu sinh cho
đến ngày hôm nay.
Khi chúng tôi đề cập đến số phận con tàu HQ-4 sau
năm 1975, thì bác Roa ngậm ngùi trả lời rằng, sau ngày đó, phận người còn chưa
biết thế nào thì huống chi là con tàu. Có lẽ không ai trong họ biết đích xác
chiếc tuần dương hạm lịch sử đó đã được xử lý ra sao, nhưng có một điều chắc
chắn rằng - những con người lịch sử trên chiếc HQ-4, và có thể cả các chứng
nhân lịch sử khác trong trận Hải chiến oanh liệt năm 1974, sau gần 40 năm, họ
mới dám (có cơ hội và điều kiện) để được liên lạc với nhau trong những dịp hiếm
hoi hoặc chia sẻ, biết thông tin qua về nhau qua mạng Internet.
Cuối buổi trò chuyện đó là những chia sẻ thông tin
nhiều hơn về nhóm No-U SG, mục đích ra đời cũng như những tâm nguyện của thế hệ
trẻ hôm nay, sẽ cố gắng hết sức để giành lại biển đảo quê hương. Tạm biệt vợ
chồng bác Phạm Ngọc Roa, tạm biệt điểm đến đầu tiên, có lẽ chúng tôi sẽ quay
lại thăm bác lâu hơn nữa trong một dịp khác... Chúng tôi tiếp tục lên đường với
chuyến hành trình của mình...
Đi bộ ra đường lớn bắt xe buýt lên Đà Lạt... Vừa đến
nơi, chúng tôi tranh thủ ăn vội một ổ bánh mỳ trên đường đến nhà bác – Trung
úy Nguyễn Đình Long, điểm đến thứ hai, người đồng đội cùng trên con tàu HQ
4 với bác Phạm Ngọc Roa.
Có lẽ một phần muốn dành cho gia đình bác sự bất ngờ
nên cả nhóm đã quyết định không gọi điện báo trước, nhưng tiếc thay, khi đến
nơi, chúng tôi được bác gái cho biết, bác Long đã đi vắng..
Chúng tôi đã đến địa chỉ 32 Nguyễn Hữu Cầu tp Đà
Lạt, nhà của bác Long, nhưng rất tiếc không gặp được bác...
Vì không muốn ảnh hưởng hành trình chuyến đi, nhóm
đành hẹn bác gái một dịp khác sẽ đến thăm. Tạm biệt Đà Lạt cho hành trình
Huế - Đà Nẵng!
(Còn
tiếp) Kỳ 2: Huế - Đà Nẵng
(*) Tên gọi trung tâm y tế ở Đà Nẵng mà chúng tôi
không nhớ chính xác.
--------------------------------------
No comments:
Post a Comment