Song
Chi/Người Việt
Friday, January 17, 2014 2:40:49 PM
Sau 40 năm (19.1.1974-19.1.2014) trận hải chiến Hoàng Sa với tất cả nguyên nhân, diễn biến, kết cục bi hùng và hệ quả nặng nề kéo dài cho đến tận ngày nay, đã được đưa tin liên tục, chi tiết trên báo chí truyền thông của nhà nước CSVN.
Sau 40 năm, danh tính đầy đủ của 74 người lính VNCH
và tâm tư của những người vợ họ được công bố, những buổi lễ tưởng niệm họ đã
diễn ra tại Sài Gòn, Hà Nội…dù vẫn chưa phải do chính nhà cầm quyền hiện nay
đứng ra tổ chức.
Sẽ có rất nhiều người sống ở miền Bắc trước năm 1975
cũng như các thế hệ sinh ra sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, đến bây
giờ mới được biết tường tận về sự kiện này.
Nhưng cũng chỉ mới là sự thừa nhận chưa thật sự công
khai, đàng hoàng từ nhà nước CSVN, và cũng chỉ riêng trận hải chiến Hoàng
Sa, mà hành vi xâm lược trắng trợn của Trung Cộng và tính chính nghĩa của chính
quyền VNCH khi đó đã quá rõ ràng. Mà đã phải mất đến 40 năm!
Từ sự ngấm ngầm thừa nhận đến chính thức tuyên bố
trước toàn dân và thế giới, tiếp theo là khởi kiện Trung Quốc ra trước tòa án
quốc tế để đòi lại Hoàng Sa…sẽ phải mất bao nhiêu lâu nữa? Hay đợi cho đến khi
mất luôn toàn bộ Trường Sa, đợi cho đến đời con cháu chúng ta sẽ đòi lại?
Chưa kể, còn biết bao nhiêu sự thật khác cần phải
được minh bạch hóa, bao nhiêu trang lịch sử cần phải viết lại… sẽ phải mất bao
nhiêu lâu nữa đây?
40 năm, liệu đã đủ để cho nhà nước CSVN mở mắt
ra và hiểu rõ về tâm địa của “người bạn láng giềng 16 chữ vàng”? Hiểu rõ từng
đường đi nước bước của Trung Quốc đều có sự tính toán trước cả trăm năm và luôn
luôn phục vụ cho mưu đồ bành trướng của Đại Hán từ ngàn xưa, cũng là “giấc mơ
Trung Hoa” bây giờ?
Nhìn lại sau 40 năm, Trung Cộng từ không có gì trên
biển Đông nay đã có Hoàng Sa, một phần Trường Sa, đã gần như kiểm soát 80% lãnh
hải và cả vùng trời trên biển Đông. Khi hiện tại, tàu cá của ngư dân các nước
láng giềng nhỏ bé, đặc biệt là Việt Nam, thường xuyên bị tàu Trung Quốc đuổi
bắt, đánh chìm, cướp hết ngư cụ hải sản, ngư dân thì bị bắt giữ, đòi tiền
chuộc, còn vùng trời thì máy bay các nước, trừ Nhật Bản, đã bắt đầu phải tuân
thủ vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc mới lập ra?
Trong khi đó, suốt một thời gian dài, đảng cộng sản
Việt Nam đã sai lầm từ chọn đường đi, cho đến chọn bạn, chọn đồng minh, tự biến
mình thành tên lính đánh thuê mà cứ tự hào là tiền đồn của phe xã hội chủ
nghĩa, là người lính đi đầu, đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc…Tự biến
đất nước mình thành bãi chiến trường cho các phe, điên cuồng nã súng vào đồng
bào, vào những người cùng chung dòng máu, chung tổ tiên nguồn cội nhưng khác ý
thức hệ…
Ngu muội đến nỗi câm lặng khi kẻ thù đánh chiếm
Hoàng Sa mà cứ nghĩ là để đồng chí anh em giữ giùm, để mặc cho những người lính
Trường Sa tay không chịu chết trước quân xâm lược vì không được phép nổ súng…
Để đối phó lại với tham vọng cũng như những hành
động gây hấn ngày càng tăng của Trung Cộng, nhà nước CSVN trước sau chỉ có một
cách: nhịn nhục và nhịn nhục.
Nhịn đến nỗi suốt bao nhiêu năm không dám đề cập đến
cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 và những trận chiến sau đó, việc mất
Hoàng Sa và một phần Trường Sa, không dám công khai tưởng niệm ngay cả những
người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trong những cuộc chiến này
chứ đừng nói đến những người lính VNCH, không dám đưa những sự kiện này vào
sách giáo khoa…Lịch sử Việt Nam bị chính nhà nước này xóa trắng bao nhiêu
trang.
Nhịn đến nỗi tàu Trung Quốc đánh cướp tàu cá ngư dân
Việt Nam chỉ dám gọi là “tàu lạ”, im lặng trước mọi hành vi xâm chiếm lãnh hải
của Trung Quốc ngoài những lời tuyên bố lặp đi lặp lại, yếu ớt, sáo mòn của
người phát ngôn Bộ Ngoại Giao.
Nhịn đến nỗi người dân xuống đường phản đối Trung
Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa bị nhà nước đàn áp, bắt bỏ tù…trong đó có
những người phải chịu bản án 10, 12 năm…
Không biết trong tù người cựu bộ đội Nguyễn Văn Hải
tức blogger Điếu Cày sẽ vui hay chua xót khi biết rằng báo chí bây giờ đã dám
nói đến trận hải chiến Hoàng Sa? Trong khi 6 năm trước, anh và những người bạn
tiên phong biểu tình tưởng niệm 34 năm hải chiến Hoàng Sa trước cửa Nhà hát
thành phố, giữa Sài Gòn, đã phải chịu trả giá nặng nề bởi khi đó hai chữ Hoàng
Sa và kể cả việc lên án Trung Quốc còn là điều cấm kỵ?
Và còn bao nhiêu người nữa, vì lên tiếng trước vận
mệnh đất nước lâm nguy mà công việc, sự nghiệp riêng lẫn sự bình an của gia
đình, bản thân… vĩnh viễn chấm dứt?
Định mệnh của đất nước, dân tộc Việt Nam là một định
mệnh vô cùng khắc nghiệt, nhưng lẽ ra, với những kinh nghiệm quá đắt trong lịch
sử, những người cầm quyền hôm nay cũng như người dân Việt Nam, phải học rất
nhanh những bài học ấy.
Đáng tiếc, các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà
nước CSVN cho đến nay vẫn không muốn học hoặc học quá chậm. Mỗi thay đổi
trong nhận thức, mỗi sự thừa nhận đúng sai, mỗi bước đi tiến về phía trước, đều
diễn ra rất chậm chạp, khó khăn. Do vẫn không dám vượt qua chính mình, khư khư
bám giữ quá khứ, bám giữ quyền lực, không dám đặt quyền lợi của đất nước, dân
tộc lên trên sự tồn vong của chế độ và danh lợi cá nhân.
Không có gì ngạc nhiên khi những quốc gia như Hoa
Kỳ, Đức hay Nhật…trở thành những cường quốc. Hãy nhìn cái cách người Mỹ cư xử
với nhau sau cuộc nội chiến Nam Bắc, cách người Đức dũng cảm đối diện với quá
khứ phát xít tàn phá dân Do Thái hay cách người Nhật đứng dậy sau đại bại của
chiến tranh thế giới lần thứ hai…
Còn những người thắng cuộc ở Việt Nam đã cư xử với
những người phe thua cuộc ra sao tưởng không cần phải nhắc lại nữa. Nhưng mãi
đến bây giờ, sau 40 năm, mà sự nhìn nhận lại quá khứ lẫn hiện tại của nhà nước
này vẫn chưa có gì cải thiện.
Và sau 40 năm, không lẽ họ nghĩ rằng có thể dùng
việc thừa nhận nửa vời trận hải chiến Hoàng Sa để mong hòa giải hòa hợp dân
tộc, xoa dịu được những vết thương quá nặng, những sai lầm quá lớn?
Với tất cả bi kịch mà đảng CSVN đã từng gây ra cho đất nước này, dân tộc này, chỉ có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ mới cứu chuộc được họ và đảng cộng sản của họ.
Đối nội, ít nhất, hãy thả mọi tù nhân chính trị, tù
nhân lương tâm, ngưng tất cả mọi hành động đàn áp tự do ngôn luận, tự do tín
ngưỡng, chà đạp nhân quyền, tiến hành những bước đi dứt khoát về hướng tự do
dân chủ thật sự.
Đối ngoại, xác định rõ bạn thù, chọn đúng đồng minh,
công khai, minh bạch mọi sự thật bị che dấu trong mối quan hệ Việt Nam-Trung
Quốc từ trước đến nay cũng như sự thật về việc lãnh hải lãnh thổ bị mất. Đưa
Trung Quốc ra tòa án quốc tế, dựa vào dân, vào luật pháp quốc tế, vào các nước
để đương đầu với âm mưu xâm lược lâu dài của Bắc Kinh….
Còn người dân, đa số quá bận rộn, vất vả với cuộc
mưu sinh để có thể suy nghĩ điều gì xa hơn miếng cơm manh áo hàng ngày, liệu
đến bao giờ thì chúng ta mới thực sự nhìn sang nước khác và so sánh, đối chiếu
lại số phận của nước mình, dân mình, từ quá khứ cho đến tương lai?
Đất nước này đã quá nhiều bi kịch, dân tộc này đã
quá nhiều thương đau, thiệt thòi. Nhưng cũng sẽ chỉ có người Việt xót thương
cho số phận của đất nước, dân tộc. Chỉ có người Việt mới cứu được đất nước, cứu
được mình mà thôi.
Bài
liên quan
No comments:
Post a Comment