Saturday 11 January 2014

GS NGUYỄN MINH THUYẾT : "KHỞI TỐ VỤ ÁN LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC BỊ CHẬM TRỄ" (Ngọc Quang - giáo dục. net.vn)




Ngọc Quang Thực hiện
Theo giáo dục. net.vn 
10-01-2014

Bài đã được chỉnh sửa theo y/c của gs Nguyễn Minh Thuyết

PV: Tại phiên tòa ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã khai nhận được tin sẽ bị khởi tố bắt giam nên bỏ trốn. Vậy rõ ràng là cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ ai là người đã báo tin cho Dương Chí Dũng thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngay trước ngày cơ quan điều tra công bố lệnh bắt tạm giam thì Dương Chí Dũng đã cao chạy xa bay, và ngay lúc đó thì mọi người đã đặt  câu hỏi: Ai báo cho Dương Chí Dũng? Người báo tin cho Dương Chí Dũng phải là người có vị trí trách nhiệm cao ở trong ngành thì mới biết được thông tin mật ấy.

Khi bắt được Dương Chí Dũng thì thực ra cũng không cần phải bàn nhiều tới những sai phạm của nhân vật này ở Vinalines nữa, bởi vì chuyện ấy đã rõ thì mới khởi tố bị can. Điều mà mọi người quan tâm nhất vẫn là ai báo tin cho Dũng bỏ trốn?

Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng khai ra một lãnh đạo của ngành công an, nhưng thông tin này có đúng hay không thì phải điều tra, chứ không thể nào kết tội ngay người bị tố cáo. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc điều tra cần được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc để không bỏ lọt tội phạm, nhất là tội cố ý tiết lộ bí mật nhà nước.

PV: Theo ông, cho tới bây giờ mới khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước có phải là chậm chễ hay không, khi mà tính từ lúc Dương Chí Dũng bỏ trốn từ giữa năm 2012 tới nay đã 18 tháng?

 GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là việc khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước bị chậm trễ, lẽ ra cơ quan chức năng phải thực hiện ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, chứ không cần chờ tới khi Dương Chí Dũng khai trước tòa.
Tôi lấy ví dụ, ở một trường đại học có vụ lộ đề thi thì Ban Giám hiệu phải tiến hành ngay các bước điều tra, tìm ra bằng được người tiết lộ, chứ không thể chờ đến khi người đó ra tòa khai rồi mới bắt đầu công việc xác minh. Chuyện lộ đề thi còn như vậy, huống chi chuyện tày trời như can phạm chính của một vụ đại án bỏ trốn ngay trước ngày bị khởi tố!

Xử lý công việc như vậy, giả sử không bắt được Dương Chí Dũng thì sao? Mà nếu bắt được rồi nhưng can phạm lại bị bệnh mất trí nhớ hoặc mất khả năng ngôn ngữ thì sao? 


PV: Theo ông, vụ án Dương Chí Dũng nói lên điều gì về công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý cán bộ? 
 
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu so sánh thì số tiền thất thoát trong vụ án ở Vinalines còn cao hơn cả thu nhập của nhiều tỉnh ở nước ta trong suốt một năm, đấy là điều xót xa nhất. Ở đây có chuyện không bình thường là Dương Chí Dũng vượt qua sự kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm và một rừng văn bản quản lý dày đặc để thực hiện giao dịch các hợp đồng có giá trị rất lớn, thu lợi bất chính và gây tổn thất lớn cho nhà nước.

Tôi cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc này. Tôi còn nhớ là trong một kỳ họp Quốc hội năm 2010, khi tranh luận về vấn đề Vinashin thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là ông Võ Hồng Phúc đã nói rằng Bộ không có quyền gì, trách nhiệm gì, có trường hợp Bộ xuống kiểm tra mà tập đoàn không tiếp. Điều đó có đúng với trường hợp Vinalines không, và nếu đúng thì trách nhiệm ở đâu? Có trả lời được câu hỏi này thì mới hy vọng là không tiếp tục xuất hiện các Vi Na Lai (lai kinh tế thị trường với kinh tế chỉ huy) nữa.

Vụ đại án Dương Chí Dũng cũng cho thấy công tác cán bộ của ta có nhiều sơ hở. Giữa lúc Vinalines bị Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm, chủ tịch tập đoàn này lại được điều lên Bộ làm Cục trưởng, để rồi chỉ mấy tháng sau khi nhậm chức phải bỏ trốn và bây giờ thì lãnh án tử hình. Và giữa lúc bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn, khả năng tiết lộ thông tin mật là có nhưng các cán bộ liên quan đến thông tin mật không những không bị điều tra mà có người còn được thăng vọt lên chức rất cao, để chỉ chưa đầy nửa năm sau đã bị tố cáo bán thông tin mật, xúi giục can phạm bỏ trốn. Phải chăng cũng cần xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong những việc này?
   
PV: Trở lại việc khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước, sẽ có hai thái cực khi cơ quan chức năng xác định được người làm lộ tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn: Nhiều người mong muốn phải khẩn trương xác minh, xử lý đúng người đúng tội và công bố cho toàn dân biết, nhưng cũng có thể khi sự thật được công bố thì niềm tin của nhân dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Quan điểm của ông thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng trong vụ việc này, cơ quan điều tra cũng khó làm oan cho ai lắm, vì người bị điều tra không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn. Và nếu chứng minh được Dương Chí Dũng vu cáo, chắc chắn cơ quan có trách nhiệm sẽ công bố cho toàn dân biết. Còn nếu cơ quan điều tra xác minh có chuyện như lời khai của Dũng thì cũng phải công bố sự thật. Bởi vì khi công bố sự thật thì cũng có nghĩa là Đảng và Nhà nước ta đã gửi tới toàn dân thông điệp rất rõ ràng về quyết tâm đấu tranh phòng chống tệ nạn tham nhũng – một trong những tên giặc nội xâm nguy hiểm nhất hiện nay.

PV: Cảm ơn Giáo sư!

-----------------------------------

Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình   (VnExpress)
Thứ sáu, 10/1/2014 12:06 GMT+7

Nếu lời khai về người mật báo là có thật, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng sẽ được giảm án vì có công phát hiện tội phạm; ngược lại sẽ thêm tội Khai báo gian dối.


Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ngày 7/1 có mặt với vai trò nhân chứng, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng bất ngờ khai ra người gọi điện thoại mật báo tin ông ta bị khởi tố là một thứ trưởng. Đại diện VKS sau đó đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm lộ bí mật công tác" theo Điều 286 Bộ luật hình sự.

Căn cứ lời khai của Dương Chí Dũng cùng các bị cáo..., cho rằng thông tin điều tra tiêu cực tại Vinalines thuộc loại tuyệt mật, HĐXX đã khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" theo Điều 263. Mức hình phạt với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước có thể lên tới 15 năm tù, cao hơn nhiều so với mức hình phạt 7 năm tù của tội cố ý làm lộ ý mật công tác.

Quyết định này cho thấy sự cương quyết của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm, giữ nghiêm kỷ cương của Nhà nước, không bỏ lọt tội phạm. Bí mật nhà nước được hiểu là những tin tức, tài liệu có nội dung quan trọng mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho đất nước. Trong khi đó, bí mật công tác có phạm vi hẹp hơn. Quá trình điều tra vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” phải căn cứ nhiều chứng cứ khác bởi nếu chỉ có lời khai của Dương Chí Dũng thì chưa đủ để chứng minh cho việc có hay không việc thông tin mật báo.
Tình huống đặt ra, nếu cơ quan điều tra chứng minh có việc báo tin thì Dương Chí Dũng có thể được giảm nhẹ hình phạt không? Câu trả lời là có thể vì những lời khai chi tiết, cụ thể của Dương Chí Dũng đã giúp phát hiện tội phạm mới. Do đó, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Vinalines sắp tới, tình tiết “khai báo thành khẩn” và “tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm” chưa được xem xét tại phiên sơ thẩm sẽ này có thể trở thành căn cứ giảm án cho Dương Chí Dũng.

Tuy nhiên, giả sử phiên tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình với Dương Chí Dũng, nhưng cuộc điều tra về "người mật báo" vẫn chưa đi đến hồi kết thì sẽ giải quyết thế nào? Vấn đề này đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật thi hành án hình sự. Theo đó, “Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình trong trường hợp sau:... Ngay trước khi thi hành án người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm”. Gần 20 năm trước, bị án Siêng Phênh trước giờ ra pháp trường đã khai ra Vũ Xuân Trường và một số cán bộ công an dính líu đến đường dây buôn bán ma túy. Lời khai của Siêng Phênh đã mở ra một vụ án lớn khác và sau đó Siêng Phênh đã được tha tội chết.

Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật thi hành án hình sự: "Trường hợp thi hành án theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này mà lý do hoãn không còn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu Hội đồng thi hành án tiếp tục thực hiện việc thi hành án”. Như vậy, trong trường hợp này, việc áp dụng án tử hình với Dương Chí Dũng sẽ được hoãn cho tới khi vụ án “cố ý làm lộ bí mật công tác” được giải quyết (có kết luận của Cơ quan điều tra là không có hành vi phạm tội hoặc có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật).

Ngược lại, nếu cơ quan điều tra kết luận không có hành vi “mật báo” cũng như nhận tiền hối lộ, Dương Chí Dũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 Bộ luật Hình sự.

Cũng có giả thiết được đặt ra, nếu gia đình ông Dũng nộp tiền bồi thường thì ông Dũng có bị thi hành án tử hình hay không?  Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tại điểm đ khoản 1.1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự cũng nêu rõ: “Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra” thì cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên.

Việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được thực hiện trước khi diễn ra phiên tòa, hoặc trước khi HĐXX nghị án thì đều được tính để xem xét. Thông thường, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nếu người vi phạm khắc phục được ít nhất 1/3 số thiệt hại gây ra mà chứng minh được họ cũng đã làm hết khả năng thì HĐXX cũng có thể lấy đó làm căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Với những phân tích trên, theo phán đoán của tôi, khả năng Dương Chí Dũng bị tử hình là không lớn.



No comments:

Post a Comment

View My Stats