Wednesday, 1 January 2014

ĐẾN BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG (Tưởng Năng Tiến)




Wed, 01/01/2014 - 10:03 — tuongnangtien

Tôi không chắc tôi sẽ đói vì thiếu việc làm, tôi không chắc tôi sẽ mất ổn định khi phải di chuyển chỗ ở, nhưng chắc chắn một điều tôi sẽ chết nếu không sống theo tiếng lương tâm và lý trí của mình.
Paulo Thành

*

Ngó bộ, tôi không có duyên lắm với ông Nguyễn Công Hoan. Chúng tôi không sinh cùng thời, không sống cùng nơi, và cùng chế độ. Bởi vậy, tên tuổi ông nghe rất quen (quen như thấy bất cứ người VN nào họ Nguyễn) nhưng sách của nhà văn này thì tôi chưa được đọc cuốn nàoo, chỉ biết rằng ông có một tác phẩm tên Bước Đường Cùng.

Cái tựa (nghe) thấy thương hết sức, và cũng (hơi) kích thích trí tò mò của độc giả. Tôi cũng đã định đọc chơi cho nhưng chỉ “định” vậy thôi chứ rồi cũng không đọc thật.

Vừa lò dò vào “Google” đã nhặt được thêm thông tin là nhà văn Nguyễn Công Hoan từng “được” giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Điều này, tự nhiên khiến tôi bị ... quê ngang. Theo như cách nói của nhà báo Trương Duy Nhất thì cái giải thưởng này bị “bốc mùi.” Tôi còn nghĩ thêm rằng nó làm cho thiên hạ nghi ngại về nhân cách, cũng như tài tài năng, của người nhận lãnh.

Thôi dẹp ông Nguyễn Công Hoan để khỏi phải nghĩ ngợi lăn tăn, mất thì giờ! Loay hoay làm sao tôi lại tìm ra “bước đường cùng” của một nhà văn khác, một nạn nhân của chế độ hiện hành, Bùi Ngọc Tấn:
“Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt.
Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…
Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…
Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:
Chính Yên!
Phan Kế Bảo!
…..
Phương Nam!
Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời Gian Gấp Ruổi“. Viết Về Bè Bạn. Fallchurch, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006.)

Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở, cho dù là phở quốc doanh. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước miếng, và (đôi khi)… nước mắt:
“Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ Trụ Không Cùng. Fall Church, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007).

Xong bữa phở (một người ăn) hai vợ chồng lại “đèo nhau” về. Thật là qúi hoá và phước đức là hai ông bà Bùi Ngọc Tấn vẫn có một chỗ để về, dù (có lẽ) chỉ là một căn hộ cỡ vài ba chục mét vuông là hết mức.

Thế hệ của những trí thức đến sau Mặc Lân, Lê Bầu ... cũng không bị một ý kiến (hay chỉ thị) thành văn nào chi phối nhưng họ vẫn bị đẩy vào những cảnh đời cùng quẫn như thường. Luật sư Lê Trần Luật là một nạn nhân điển hình trong số những kẻ chả may này:
7h 30 sáng nay, vừa mở cửa, vợ chồng chủ nhà liền nói: “ Mời anh Luật qua nhà, chúng tôi trao đổi chút việc”. Vợ chồng chủ nhà bắt đầu kể:
“ Tối hôm qua làm việc với công an gần 12h30 mới cho về. Họ nói cho chúng tôi nghe về anh. Chúng tôi là người công giáo, giờ mới biết anh là luật sư của vụ Thái hà. Chị tôi là một Sơ trong nhà dòng có biết và nói anh là người tốt, không sao. Dù không nói ra nhưng theo chúng tôi hiểu là bên công an không muốn vợ chồng tôi cho anh thuê nhà”.
Dạ, anh chị nói tiếp, tôi đang nghe!
“ Khu nhà trọ này vợ chồng tôi mới xây từ tiền của bà già, để bà có thu nhập dưỡng già nên chưa có giấy phép xây dựng hay kinh doanh gì hết. Chúng tôi rất căng thẳng vì không biết để anh ở đây có sao không nữa”.
Tôi nói: “Tôi biết trước mọi chuyện nên anh chị nhớ là khi làm hợp đồng tôi đã đề nghị ký một năm, bây giờ mới ở có một ngày mà”.
Người vợ nói chen vào: “Dạ, dạ, tụi em đâu có nói gì đâu, chỉ xin anh hiểu và thương vợ chồng em. Bây giờ gì nè, em có một căn nhà cho đứa em ở, có giấy tờ đầy đủ, để tụi em nói nó ngăn làm 2 cho anh. Hoặc là tụi em hổ trợ anh để tìm chổ khác”.
Tôi nói: “Ở đâu cũng vậy thôi, bây giờ tôi chưa thể tính toán gì được, nhưng tôi hứa tôi không vì chổ ở của mình mà làm anh chị phải lo lắng hay mất an toàn”.
“ Dạ, vợ chồng em cảm ơn anh” , người vợ nhỏ nhẹ nói.
Tôi về phòng nằm và thầm cầu nguyện: “ Xin Chúa hãy xua đuổi bầy quỷ dữ đang ở quanh con cho con được một phút giây bình an bên Người”.

AnhBaSG cũng góp chuyện, và nghe cũng “thảm thương” tương tự:
Mình cũng bị tất cả bốn lần như vậy, lần nào cũng nhận ra tình trạng xung đột tình cảm của chủ nhà, họ bảo "chị thấy em đâu có tội tình gì, nếu có tội thì sao họ không bắt luôn đi...", và sau đó là "em thông cảm chị đâu muốn thế, chị chỉ là dân thường, họ cứ gọi lên gọi xuống thế này phiền quá...". Rõ ràng là có áp lực của "một cái gì đó" bắt người ta đòi hủy một hợp đồng ký chưa ráo mực, họ sẵn sàng trả lại tiền nhà tiền cọc cho mình, chỉ vì muốn được yên thân.

Mới đây, vào ngày 29 tháng 10 năm 2013, độc giả của trang Dân Luận còn được đọc được những dòng chữ (rất nản) như sau:
Vợ chồng Paulo Thành Nguyễn và Trịnh Kim Tiến là hai blogger năng động trong các hoạt động xã hội, họ là chủ của cửa hàng No-U Shop kêu gọi tẩy chay hàng hóa độc hại của Trung Quốc và sử dụng hàng Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Hiện nay Trịnh Kim Tiến đang có bầu, sắp sinh con, nhưng họ liên tục bị an ninh quấy rối. Xin giới thiệu tới độc giả những chia sẻ của Paulo Thành Nguyễn về việc công an vừa can thiệp với chủ nhà để đuổi họ ra khỏi khu nhà mới dọn vào được một tuần...
Cả tuần nay hai vợ chồng hì hục dọn nhà, hôm nay vừa tạm ổn thì chủ nhà mới báo tin rằng công an không cho mình đăng ký tạm trú ở đó, còn hăm sẽ kiểm tra, sách nhiễu nếu chủ nhà không đuổi mình đi, giờ chủ nhà ra thời hạn 7 ngày mình phải dọn đi, hài thật!
Tôi viết những dòng này trong thời gian ngắn ngủi còn lại trong ngôi nhà tôi vừa dọn tới ở chưa đầy 24 tiếng... Trước khi dọn công ty, dọn nhà, một bạn an ninh mời tôi uống cafe dò hỏi và gợi ý sự giúp đỡ bảo đảm về mặt pháp lý, tôi sẽ không lo sợ bị sách nhiễu, chỉ cần tôi im lặng, chỉ cần tôi lo làm nuôi vợ, nuôi con, mọi chuyện khác của xã hội thì…kệ cha nó.
Tôi hiểu lòng tốt của anh, nhưng tiếc là lòng tốt đối với tôi nó lại khác. Tôi không chắc tôi sẽ đói vì thiếu việc làm, tôi không chắc tôi sẽ mất ổn định khi phải di chuyển chỗ ở, nhưng chắc chắn một điều tôi sẽ chết nếu không sống theo tiếng lương tâm và lý trí của mình. Sự sách nhiễu, gây khó khăn của các anh càng cho tôi động lực để sống với lý tưởng của mình.
Tôi không còn thời gian để viết thêm, ngay lúc này, chú bảo vệ đang hối thúc chúng tôi ra khỏi nhà... Giờ chúng tôi phải đi, đi trong an bình và hy vọng về một xã hội tương lai không còn những người bị sách nhiễu vì lên tiếng cho sự thật như chúng tôi...”

Sáu tuần lễ sau, vào ngày 17 tháng 12 năm 2013, trên hai trang web Huỳnh Ngọc Chênh và Đàn Chim Việt cùng xuất hiện bài viết tựa là “Công Dân Nguyễn Văn Thạnh Bị Đẩy Vào Bước Đường Cùng.” Xin trích dẫn một đoạn mở đầu, ngăn ngắn:
Tôi là Nguyễn Văn Thạnh, hiện cư trú tại Đà Nẵng, là một blogger.
Các bài viết của tôi có ở đây: http://danluan.org/tu-khoa/nguyen-van-thanh
Thời gian rồi, tôi liên tục bị chủ nhà thôi hợp đồng thuê nhà, tôi phải chuyển nhà liên tục.
Một số chủ nhà nói lý do thôi hợp đồng là cần lấy lại nhà dùng cho việc khác nhưng có một chủ nhà nói với tôi là có nhân viên an ninh nói họ không được cho tôi thuê nhà.

Hình :  http://www.rfavietnam.com/files/nguyễn%20văn%20thạnh.jpg

Ba ngày sau, diễn đàn Dân Luận cho biết thêm chi tiết:
Được biết, hôm nay thứ 7 ngày 20/12/2013, chỉ còn ít ngày nữa là tới Giáng Sinh và năm mới, gia đình anh Thạnh vẫn chưa có nhà để thuê. Vừa mới chất đồ xuống, còn chưa kịp dọn vào nhà mới, chủ nhà đã lấy cớ từ chối và bắt dọn đi...

Đi đâu?

Cũng như Paulo Thành Nguyễn và Trịnh Kim Tiến, vợ chồng Nguyễn Văn Thạnh – xem chừng – đã bị đẩy đến bước đường cùng! Nhưng họ đã làm gì khiến cho Đảng và nhà nước hiện nay “căm ghét” và “oán hận” đến như vậy, hả Trời?

Như trang Dân luận vừa giới thiệu: “Vợ chồng Paulo Thành Nguyễn và Trịnh Kim Tiến là hai blogger năng động trong các hoạt động xã hội, họ là chủ của cửa hàng No-U Shop kêu gọi tẩy chay hàng hóa độc hại của Trung Quốc và sử dụng hàng Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.”

Theo Gia Minh, RFA, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh “....hiện cư ngụ ở Đà Nẵng, do khởi xướng và truyền bá ý tưởng mang tên Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa vào ngày 15 tháng 5 vừa qua bị người tự xưng là an ninh đến sách nhiễu trực tiếp.”

Tôi còn được biết thêm bà Thạnh là một trong năm ngàn người đã ký tên vào Lời Tuyên Bố Công Dân Tự Do; ở số thứ tự 4836 thấy ghi: Dư Thị Ánh Liên, thạc sĩ hóa học, Hội An, Quảng Nam.

Nhà nước Việt Nam đang vận dụng mọi phương cách (kể cả những cách đê tiện nhất) để đẩy hết lớp tinh hoa của dân tộc này vào bước đường cùng chỉ vì họ có tinh thần độc lập, và yêu chuộng tự do. Chế độ hiện hành, rõ ràng, đã đến hồi ... cùng quẫn và đang đào hố để tự chôn mình.



No comments:

Post a Comment

View My Stats