Monday, 20 January 2014

DIỀU HÂU TRUNG QUỐC & HỘI CHỨNG ĐÁNH CHIẾM TRƯỜNG SA (Trọng Nghĩa - RFI)




Trọng Nghĩa  -  RFI
Thứ hai 20 Tháng Giêng 2014

Trong những ngày qua, báo chí Trung Quốc rồi Philippines liên tục loan tin về một kế hoạch của quân đội Trung Quốc nhằm đánh chiếm một hòn đảo lớn do Philippines trấn giữ trong vùng quần đảo Trường Sa. Hư thực của kế hoạch này còn trong vòng tranh cãi, nhưng chắc chắn đây là những thông tin đến từ giới diều hâu Trung Quốc, từ lâu nay luôn luôn bị ám ảnh bởi mong muốn đánh chiếm toàn bộ Biển Đông, đến mức có thể gọi đây là một hội chứng.

Trước cái gọi là kế hoạch đánh Philippines để chiếm lấy đảo Thị Tứ (tên Philippines là Pag-asa, tên Trung Quốc Trung Nghiệp đảo), báo chí Trung Quốc vào giữa năm ngoái 2013 từng đưa ra một chiến lược rửa nhục « mất nước » của họ khi tiết lộ 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc tất yếu phải thắng trong vòng 50 năm tới đây. Trong số các cuộc chiến này, Biển Đông được xếp thứ hai trong thứ tự ưu tiên, chỉ sau Đài Loan. 

Về kế hoạch đánh chiếm đảo Thị Tứ, nhật báo The Philippine Star, ngày 14/01/2014 dẫn lại bài viết tiếng Hoa đăng trên báo mạng Tiền Chiêm (Qianzhan) – tức là Triển vọng - của Trung Quốc, và được báo mạng China Daily Mail cũng của Trung Quốc dịch qua tiếng Anh. 

Theo tác giả bài này, thì Hải quân Trung Quốc đã vạch kế hoạch tác chiến chi tiết để tấn công và chiếm giữ đảo Thị Tứ, bị Bắc Kinh cho là đang bị Philippines chiếm đóng trái phép. Chiến sự chỉ giới hạn ngoài Biển Đông, chứ không lan vào lãnh thổ Philippines. 

Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa, hiện đang do Philippines kiểm soát, đặt trên đấy cả một sân bay, cư dân bao gồm cả lính và thường dân khoảng 200 người. Đảo này hiện có 4 bên tranh chấp chủ quyền : Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan. 

Tờ báo mạng Trung Quốc Tiền Chiêm dẫn một số nguồn tin cấp cao cho biết là kế hoạch dự trù trước tiên việc sẽ ra tối hậu thư buộc Philippines rút nhân sự, cơ sở khỏi đảo Thị Tứ rồi mới triển khai Hạm đội Nam Hải xua quân chiếm đóng.

Cuộc chiến được dự báo sẽ chỉ kéo dài trong 2 giờ đồng hồ và hải quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng thiết lập cơ sở phòng thủ trên đảo nhưng sẽ không « tiến sâu vào lãnh thổ Philippines ».Tờ báo cũng cho biết là phía Trung Quốc cũng đã chuẩn bị đối phó nếu Mỹ hỗ trợ đồng minh Philippines, dùng Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải để chặn Hạm đội 7 của Mỹ không cho tiến gần khu vực Trường Sa. 
Chính phủ Philippines phản ứng rất bình tĩnh trước các thông tin này, cho biết là sẽ xem xét thực hư trước khi ra tuyên bố chính thức. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà giới diều hâu tại Trung Quốc tung ra nào là chiến lược, nào là kế hoạch nhằm tấn công chiếm lại những vùng lãnh thổ, biển đảo, hiện do các láng giềng kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc cho là trước đây đã thuộc chủ quyền của họ. 

Đáng chú ý nhất trong các chiến lược, kế hoạch này là tiết lộ hồi mùa hè năm 2013 vừa qua về các cuộc chiến mà Trung Quốc phải khởi động trong vòng nửa thế kỷ tới đây, với những mốc thời gian cụ thể. 

Kế hoạch này xuất hiện trong một bài báo tiếng Hoa ngày 18/07/22013 đăng trên tờ Văn Hối Báo (Wenweipo) thân Bắc Kinh tại Hồng Kông, mang tựa đề « Trung Quốc vị lai 50 niên lí tất đả đích lục tràng chiến tranh », tức là « Sáu cuộc chiến mà Trung Quốc tất yếu phải đánh trong 50 năm sắp tới ». Bài này sau đó đã được nhiều trang mạng dịch ra tiếng Anh dưới tựa : Six Wars China Is Sure to Fight In the Next 50 Years. 

Theo thứ tự thời gian, bài báo nêu lên các cuộc chiến sau đây : 

1. Thống nhất Đài Loan (2020-2025) 

2 . Tái chinh phục các quần đảo ở Biển Đông (2025-2030) từ tay các nước Đông Nam Án với đối tượng cần đánh phủ đầu là Việt Nam. 

3 . Tái chinh phục vùng Nam Tây Tạng (2035-2040) bằng cách tăng cường giúp đỡ kẻ thù của Ấn Độ là Pakistan, qua đó thúc đẩy sự phân rã của Ấn Độ. 

4 . Tái chinh phục từ tay Nhật Bản các quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) cũng như chuỗi đảo Ryukyu (có đảo Okinawa) trên Biển Hoa Đông (2040-2045) 

5 . Thống nhất vùng Ngoại Mông (2045-2050), cho phép Trung Quốc đưa quân đến sát biên giới Nga, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thứ sáu. 

6 . Khôi phục các lãnh thổ bị Nga chiếm đoạt (2055-2060). 

Liên quan trực tiếp đến Việt Nam trong danh mục trên đây là cuộc chiến tranh thứ 2 nhằm chiếm quần đảo Trường Sa.

Theo tác giả bài báo, cuộc chiến này đặt tiền đề trên khả năng các quốc gia Đông Nam Á run sợ sau khi Trung Quốc thống nhất được với Đài Loan bằng võ lực. 

Bài báo viết : 
« Sau khi thống nhất Đài Loan (vào năm 2025), Trung Quốc sẽ nghỉ ngơi trong hai năm. Trong thời gian dưỡng sức, Trung Quốc sẽ gửi tối hậu thư cho các nước xung quanh quần đảo Trường Sa với thời hạn chót là năm 2028. Các nước có tranh chấp chủ quyền quần đảo có thể thương lượng với Trung Quốc để bảo tồn các phần đầu tư của họ tại Trường Sa, nhưng phải từ bỏ đòi hỏi lãnh thổ. Nếu không, một khi Trung Quốc tuyên chiến với họ, phần đầu tư và lợi ích kinh tế của họ tại Trường Sa sẽ bị Trung Quốc tịch thu ».

Tác giả bài báo giả định rằng trước uy lực của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á sẽ ngồi vào bàn đàm phán, nhưng sẽ không muốn từ bỏ lợi ích của họ. Do đó, họ sẽ có thái độ chờ thời, và tiếp tục trì hoãn không đưa ra quyết định cuối cùng. Họ sẽ chần chờ, phân vân giữa hòa bình và chiến tranh cho đến khi Trung Quốc hành động. 

Về khả năng Mỹ can thiệp, tác giả bài báo cho rằng sau khi bất lực không ngăn được Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan trong cuộc chiến trước đó, Hoa Kỳ sẽ tránh trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, mà tìm cách ngấm ngầm giúp các nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines.

Theo tác tác giả bài viết, trong số các nước quanh Biển Đông, chỉ có Việt Nam và Philippines là dám thách thức sự thống trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước này sẽ suy nghĩ hai lần trước khi lao vào cuộc chiến với Trung Quốc, trừ khi họ thất bại trên bàn đàm phán và chắc chắn được hỗ trợ quân sự từ Mỹ. 

Về chiến thuật tấn công, bài báo không một chú mơ hồ : « Lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc là tấn công Việt Nam trước, vì Việt Nam là quốc gia mạnh nhất trong khu vực. Đánh bại được Việt Nam là có thể đe dọa được các nước còn lại. Trong khi cuộc chiến tranh với Việt Nam diễn ra, các nước khác sẽ không động đậy, và nếu Việt Nam bị thua, các quốc gia sẽ trao trả các đảo lại Trung Quốc vì nếu không, họ sẽ tuyên chiến với Trung Quốc ». 

Điều đáng ghi nhận là tính chất không tưởng của kế hoạch trên đây, vì xuất phát trên tiền đề là tất cả các nước bị Trung Quốc tấn công đều ngồi yên để cho Trung Quốc đánh, trong lúc cộng đồng quốc tế cũng lặng thinh không nói gì. Kịch bản đánh chiếm đảo Thị Tứ do Philippines vừa được tung ra cũng xem nhẹ phản ứng từ bên ngoài. Dẫu sao, khi đã gọi là hội chứng, thì phần logic không cần thiết.



No comments:

Post a Comment

View My Stats