Friday, 17 January 2014

CHUYỆN VỀ CÁC BẠN NGƯỜI MỸ CỦA TÔI (Đoàn Thanh Liêm - danchimviet.info)




01:02:am 15/01/14

(Bài viết cho Báo Xuân Giáp Ngọ 2014)

Qua phong trào sinh họat thanh thiếu niên cũng như công tác xã hội ở Việt Nam thời kỳ trước năm 1975, tôi có dịp gặp gỡ quen biết với rất nhiều bạn người nước ngòai, nhất là các bạn người Mỹ. Rồi kể từ năm 1996, khi đến định cư tại California, tôi lại gặp gỡ một số các bạn xưa – và dĩ nhiên là tôi cũng quen biết thêm được với nhiều bạn bè khác nữa tại nhiều tiểu bang trên đất Mỹ.
Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, tôi xin ghi lại những kỷ niệm tươi đẹp với các bạn người Mỹ – mà có một số người tôi đã quen biết từ 50 năm trước nữa. Để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện, tôi xin lần lượt tường thuật theo thứ tự thời gian về những mối quan hệ thân thiết này.

I – Từ năm 1960: Liên hệ gặp gỡ với các bạn trẻ trong Đòan Thanh niên Chí Nguyện Quốc tế (IVS = International Voluntary Services).

IVS là một tổ chức thiện nguyện tư nhân được thành lập vào đầu thập niên 1950 tại Mỹ để kêu gọi giới thanh niên tình nguyện đi phục vụ tại các nước có nhu cầu phát triển về giáo dục, y tế, canh nông v.v…
Các đoàn viên IVS đến Việt nam bắt đầu vào năm 1957 và được cử đi làm việc tại các tỉnh ở miền Trung, miền Cao nguyên cũng như miền Nam. Trụ sở chính của IVS được đặt trong khu canh nông Tân sơn nhất gần với Ngã Tư Bảy Hiền. Họ đều là những sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học ở vào tuổi ngòai đôi mươi – còn thơ ngây mà lại đầy nhiệt huyết với lý tưởng phục vụ xã hội, cũng như khao khát tìm hiểu về sự khác biệt mới lạ trong văn hóa lịch sử ở Việt Nam. Do đó mà họ dễ kết thân với lớp người trẻ chúng tôi.
Điển hình là trong vụ cứu trợ nạn nhân của trận lụt tại các tỉnh miền Trung vào cuối năm 1964 và nhất là trong Chương trình Công tác Hè năm 1965, thì giới thanh niên sinh viên Việt Nam càng sát cánh với các bạn IVS ở Saigon cũng như ở các tỉnh miền quê.
Vào năm 1968, IVS lại còn mời tôi cùng các anh Trần Văn Ngô, Trần Ngọc Báu vào trong Ban Cố vấn cho IVS nữa (Advisory Board).
Don Luce, Mark Lynch, Hugh Manke, Jackie Chagnon, Gene Stoltzfus, John Sommer … là những người bạn IVS thân thiết mà tôi không bao giờ lại có thể quên được.
Vào năm 2002, khi IVS tại Mỹ đóng cửa, tôi cũng đã viết một bài ghi lại những kỷ niệm thân thương của mình với các bạn thanh niên này ở Việt Nam từ đầu thập niên 1960 cho đến khi chương trình ở đây chấm dứt vào năm 1971.

II – Liên lạc gắn bó với các bạn qua công tác nhân đạo từ thiện.

1 – Kể từ năm 1965, khi tham gia họat động trong Chương trình Phát triển ở các Quận 6, 7, 8 Saigon, tôi lại có nhiều dịp hợp tác với các cơ quan thiện nguyện ngọai quốc – cụ thể như cơ quan OXFAM, CARE, Catholic Relief Service (CRS = Cứu trợ Công giáo Mỹ), Vietnam Christian Service (VNCS = Cơ quan Xã hội Tin lành Vietnam), Asian Christian Service (ACS = Cơ quan Tin Lánh Á châu) v.v… Những cơ quan này thường yểm trợ cho việc tái thiết, định cư và huấn nghệ cho bà con nạn nhân chiến cuộc tại các khu ven biên thành phố Saigon. Cụ thể là họ cung cấp lương thực, máy đuôi tôm cho ngư phủ, các lọai máy đánh chữ, máy may, thêu đan cho các lớp dậy nghề, dụng cụ tập vở cho học sinh, gỗ làm đòn tay để lợp mái nhà v.v…
Tôi vẫn còn nhớ Linh mục McVeigh, Giám đốc CRS, ông Doug Beane (tên Việt nam là Bình) tại cơ quan VNCS. Đó là những vị đã hết sức giúp đỡ công tác xã hội chúng tôi làm ở vùng ven biên Saigon hồi cuối thập niên 1960.

2 – Về phía cơ quan Viện trợ Mỹ USAID là tổ chức cung cấp rất nhiều vật liệu xây cất gồm ciment, sắt và tôle lợp nhà cho công cuộc xây dựng tái thiết của chúng tôi tại các Quận 6,7,8 Saigon từ năm 1965 đến 1971, thì tôi có mối liên lạc thật gắn bó thân thiết với các bạn như Charlie Sweet, Desaix Anderson, Bill Ackerman và đặc biệt là với Bob Gee người Mỹ gốc Á châu. Các bạn này đã thường xuyên đến theo dõi công cuộc phát triển tại các công trường xây dựng tái thiết ở địa phương và tìm cách cung ứng kịp thời về vật liệu và phương tiện cần thiết cho những công tác đó. Tuy lâu ngày không gặp lại nhau, nhưng riêng về phần mình thì tôi luôn đánh giá cao và ghi nhớ sự tận tình giúp đỡ thật hiệu quả và chu đáo của các bạn đối với chương trình phát triển cộng đồng của anh chị em chúng tôi vào cái thời chiến tranh khói lửa tàn khốc lúc ấy.

3 – Một vị khách đặc biệt tôi quen biết từ năm 1966 : Dan Ellsberg (mà sau này rất nổi tiếng với vụ Pentagon Papers vào năm 1971).
Dan Ellsberg có bằng Tiến sĩ về kinh tế học và làm chuyên viên nghiên cứu cho Rand Corporation có trụ sở chính ở Santa Monica California. Anh được Bộ Quốc Phòng Mỹ gửi qua nghiên cứu về tình hình Việt Nam. Sau lần viếng thăm Chương trình Phát triển tại Quận 8 Saigon, Dan có mối thiện cảm với công tác xã hội anh chị em chúng tôi thực hiện ở đó và chúng tôi trở thành bạn hữu thân thiết với nhau. Đến nỗi mà bà xã của Dan là Patricia Marx gửi cho lũ con của tôi cả một thùng quà gồm tòan đồ chơi lạ mắt do gia đình của chị đứng ra lo việc kinh doanh phân phối.
Dan có mối giao tiếp rộng lớn đối với giới chức cao cấp Việt Mỹ, đặc biệt là với Tướng Edwards Lansdale vốn là một nhân vật rất nổi tiếng từ cả chục năm trước ở Saigon. Hồi đó Dan hay nói với tôi về John Paul Van mà sau này trở thành một huyền thọai đối với giới báo chí Mỹ.
Về phía Việt Nam, thì Dan rất thân thiện và có lòng ngưỡng mộ đối với ông Trần Ngọc Châu lúc đó là Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn ở Vũng Tàu. Mới đây, Dan Ellsberg còn viết bài Giới thiệu cho cuốn Hồi ký nhan đề “Vietnam Labyrinth” của ông Châu vừa cho xuất bản vào đầu năm 2013 này. Vào năm 2001, tôi có dịp đến thăm gia đình anh chị nay đã về hưu tại vùng San Francisco nữa.

III – Một số người bạn vẫn còn liên lạc thường xuyên trên đất Mỹ.

Tính ra trong hơn 50 năm qua, tôi có mối liên hệ thân tình gắn bó với cả trăm bạn người Mỹ. Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ xin ghi ra một số trường hợp của các bạn mà hiện tôi vẫn còn gặp gỡ thường xuyên trên đất Mỹ – nhiều khi tôi còn đến sinh sống với gia đình của các bạn ấy nữa, mà tôi gọi đó là những chuyến vãng gia (home visit). Lại nữa, tôi cũng đã từng có dịp viết về các bạn này trong ít lâu nay – nên bây giờ, nơi đây tôi chỉ viết thật vắn tắt về chuyện gặp gỡ trong mấy năm gần đây với mấy bạn đó – điển hình là về mấy nhân vật sau đây.

1 –  Gia đình anh Dick Hughes ở New York.
Có thể nói Dick Hughes là một trong những người bạn Mỹ thân thiết nhất của tôi từ trên 45 năm nay. Chúng tôi sát cánh với nhau trong Chương trình giúp các trẻ em “Bụi Đời” sống lang thang ngòai hè phố ở Việt Nam hồi trước năm 1975 – mà trong tiếng Mỹ thì có tên là “Shoeshine Boys Foundation” (SBF). Vào năm 1990, khi anh Đỗ Ngọc Long và tôi bị công an cộng sản bắt giữ, thì Dick đã tìm mọi cách vận động để cứu thóat chúng tôi ra khỏi nhà tù. Cuộc vận động của Dick có sức thuyết phục cao đối với nhiều nhân vật danh tiếng của Mỹ, vì anh nêu lý do vững chắc là cả hai chúng tôi từ xưa nay chỉ chú tâm làm việc nhân đạo từ thiện xã hội, chứ không hề có hành động và tham vọng về chính trị khuất tất nào cả. Kết quả là chúng tôi đều được trả tự do và hiện cùng gia đình định cư tại nước Mỹ.
Mỗi lần đến New York, thì tôi thường tới cư ngụ tại nhà Dick trong ít ngày. Cả người bạn đời của Dick là Sherry Hall và con gái của hai người là Tara Hughes-Hall đều tỏ ra rất quý mến và gắn bó thân thiết đối với tôi. Mà cả mấy anh em của Dick như Joe, Dave ở Pittsburgh, Ginny ở Washington DC, thì cũng đều là những người bạn thân tình của tôi nữa. Đến nỗi mà mấy đứa con của tôi phải nói rằng : “Thật là hiếm có mối tình bạn hữu sâu đậm như giữa chú Dick và bố như vậy đó…”

2 – Gia đình anh chị Earl và Pat Martin ở thành phố Harrisonburg Virginia.
Earl và Pat làm việc thiện nguyện ở Quảng Ngãi vào cuối thập niên 1960 trong chương trình xã hội của Giáo Hội Tin lành Mennonite. Anh chị có tên Việt Nam là Kiến và Mai. Từ năm 2001, tôi hay đến ở nhà anh chị để tham dự những khóa hội thảo quốc tế do Viện Xây dựng Hòa bình Mùa Hè (Summer Peacebuilding Institute SPI) thuộc Đại học Eastern Mennonite University (EMU) tổ chức mỗi năm. Pat đã từng làm Giám đốc của SPI trong nhiều năm và hiện chuyển sang làm Tuyên úy (Chaplain) cho một bệnh viện tại địa phương. Còn Earl thì vẫn làm nghề thợ mộc chuyên việc xây dựng và sửa chữa nhà cửa (carpenter) cũng tại vùng xung quanh Harrisonburg. Hai anh chị đều là những tín đồ thuần thành và tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo của tổ chức Mennonite Central Committee (MCC) tại nhiều quốc gia ở Á châu nữa.
Tôi cũng gắn bó thân thiết với người anh của Earl là Mục sư Luke Martin. Ông đã từng phục vụ Hội thánh Mennonite tại Việt Nam trong nhiều năm, nên cả hai ông Luke và bà là Mary đều nói tiếng Việt khá thông thạo. Luke Martin hiện đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn sinh họat gắn bó mật thiết với cộng đòan tín hữu Mennonite người Việt cũng như người Mỹ tại thành phố Allentown Pennsylvania – đó là nơi mà tôi vừa đến thăm viếng ông bà trong vài ngày vào cuối năm 2012 vừa đây.
Doug Hostetter là em của Pat Martin cũng là một người bạn thân thiết của tôi từ nhiều năm. Cũng như chị, Doug đã từng làm việc thiện nguyện ở Tam Kỳ Quảng Nam hồi cuối thập niên 1960. Và hiện nay, Doug là Giám đốc Văn phòng Liên lạc với Liên Hiêp Quốc của tổ chức nhân đạo MCC (MCC United Nations Liaison Office). Mỗi lần đến New York, thì tôi đều đến gặp gỡ trao đổi với Doug tại văn phòng được đặt trong một tòa nhà sát với khuôn viên Liên Hiệp Quốc.

3 – Giáo sư Sophie Quinn-Judge tại thành phố Philadelphia.
Sophie làm việc cho tổ chức nhân đạo Quaker ở Việt nam hồi trước năm 1975. Sau đó, chị tham gia viết báo trong nhiều năm và gần đây thì làm giáo sư dậy môn Sử học tại Temple University là một trường Đại học lớn ở Philadelphia. Sophie biết nhiều ngọai ngữ như tiếng Nga, Pháp và dĩ nhiên là cả tiếng Việt nữa. Chị có niềm say mê với chuyện nghiên cứu, biên khảo và giảng dậy  – mà tính tình thật là hiền dịu đằm thắm, nên được sự mến chuộng của nhiều người. Có lần Sophie tâm sự với tôi rằng chị là người Quaker mà lại có tâm hồn của một Phật tử (I am a Buddhist Quaker).
Nhà Sophie ở chung với chị Lê Anh Tú tại thành phố Media ngọai ô Philadelphia, thì thật là yên tĩnh thóang mát. Mà chị lại hiếu khách nên hay có bạn bè đến thăm và ở lại ít ngày để hàn huyên tâm sự. Mấy lần tôi đến cư ngụ tại đây, thì Sophie lo đi chợ và nấu ăn thật tươm tất để thết đãi tôi. Con cái chị đều trưởng thành và đã có gia đình riêng, chị khoe với tôi là đã có cháu ngọai ở Boston, nên hay có dịp đến chơi với cháu ở đó nữa.

4 – Gia đình Jim và Sandy Foster tại thành phố Knoxville Tennessee.
Từ năm 2001, tôi thường đến thành phố Knoxville để tham gia sinh họat với các bạn trong tổ chức PIET (Peacebuilding Institute of East Tennessee = Viện Xây Dựng Hòa Bình của Miền Đông Tennessee). Mỗi lần như thế, tôi được bố trí đến sinh sống tại nhà của một thành viên của PIET – họ đóng vai trò của người chủ tiếp đãi, mà tôi thì là người khách (host/guest). Nhiều lần tôi đã ở nhà anh chị Jim và Sandy Foster vốn là những nhân vật chủ chốt của tổ chức PIET này.
Jim cũng trạc tuổi với tôi, trước là một mục sư trong Giáo hội Tin lành Baptist, hiện đã nghỉ hưu. Còn Sandy thì là Chaplain cho một bệnh viện nhi đồng ở Knoxville. Các cháu đều khôn lớn và có gia đình ở riêng, nên tại nhà anh chị luôn có vài phòng dành riêng cho khách vãng lai như tôi. Jim có niềm say mê nghiên cứu viết lách, nên chuyện trò với tôi thật tâm đắc. Tủ sách của Jim phải có đến trên 10,000 cuốn được bày la liệt tại nhiều nơi, nhiều nhất là tại tầng hầm (basement).
Còn Sandy thì đánh dương cầm thật điêu luyện, chị thường phụ trách hướng dẫn hát thánh ca và đánh đàn trong các buổi lễ tại nhà thờ. Có lần, theo lời yêu cầu của tôi, Sandy đánh đàn và hát bài ca nổi tiếng Tennessee Waltz – mà từ thập niên 1950 một số bạn sinh viên của tôi tại Saigon vẫn say sưa hát theo giọng của một danh ca Mỹ thời đó.
Cũng tại Knoxville, tôi lại còn thân thiết kết nghĩa với gia đình anh chị Matt và Marylou Matteson. Nhiều năm, tôi cũng đến sinh hoạt với gia đình anh chị tại thành phố này và cả tại thành phố Akron Pennsylvania lúc anh chị đến làm việc cho tổ chức MCC. Mới đây, thì anh chị đã nghỉ hưu và trở về sinh sống tại vùng phụ cận với Knoxville. Chúng tôi thật gắn bó thân thương với nhau, chẳng khác nào anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình vậy. Tôi dự tính trong mùa Hè 2014 sắp tới, thì sẽ lại đến thăm các người bạn quý mến này tại Tennessee nữa.

IV – Tưởng nhớ về các bạn đã ra đi.

Bằng hữu của tôi phần đông ở vào lứa tuổi thất thập, thì cũng đã có một số người đã ra đi từ giã cõi tạm trên dương thế này – theo đúng với quy luật Sinh Lão Bệnh Tử vậy thôi. Nay nhân dịp cuối năm Quý Tỵ 2013, tôi xin ghi lại ít điều Tưởng nhớ đến một số người bạn đã ra đi – mà tôi không có cơ hội đến tiễn đưa lần cuối.

1 – Tiến sĩ Ted Britton mất ở Sacramento California vào đầu năm 1997.
Ted Britton làm cố vấn về giáo dục ở Cambodia và Việt Nam. Ông thân thiết với các giáo sư Dõan Quốc Sỹ, Nguyễn Quý Bổng, Vũ Ngọc Đại… tại trường Quốc gia Sư phạm Saigon. Vào hồi năm 1964 – 65, ông vận động với giới chức Mỹ yểm trợ cho phong trào sinh họat và công tác xã hội của giới thanh thiếu niên Việt Nam mà cụ thể là Chương trình Công tác Hè 1965.
Trong bản cáo trạng do đại diện Viện Kiểm sát (Công tố) đưa ra trước phiên tòa xét xử tôi vào ngày 14/5/1992, thì có ghi tên Ted Britton, Don Luce, Dick Hughes … là những “nhân viên CIA” mà đã móc nối dụ giỗ tôi có hành động tuyên truyền chống phá chủ nghĩa xã hội (!) – để mà đề nghị xử tôi 12 năm tù giam chiếu theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Đầu năm 1996, lúc tôi mới đến định cư ở California, thì ông có gọi điện thọai hỏi thăm và chúc mừng tôi đã được trả tự do. Tôi nhận thấy giọng nói của ông rất yếu ớt như người bị mất hơi vậy. Lúc đó, tôi vẫn còn yếu mệt, nên chưa có thể đến thăm ông được. Và chẳng bao lâu sau, tôi được tin ông qua đời tại Sacramento.

2 – Anh Gene Stoltzfus mất tại Canada năm 2010.
Gene là một đòan viên IVS làm việc ở Việt Nam hồi năm 1964-66. Sau này về Mỹ, anh tham gia công tác với Giáo hội Tin lành Mennonite. Năm 1983, cùng với một số bạn thân thiết anh sáng lập và điều khiển tổ chức Đòan Xây dựng Hòa bình Thiên chúa giáo (Christian Peacemaker Team = CPT) nhằm giúp hòa giải giữa các phe có tranh chấp tại nhiều địa phương.
Vào năm 2008, Gene gặp lại tôi tại trụ sở của MCC ở Akron Pennsylvania. Trông anh đầu tóc bạc phơ, bộ râu trắng thật dài, điệu bộ thật giống như ông Già Noel (Santa Claus) ấy. Anh còn rút bóp lấy 50$ đưa cho tôi và nói thật tự nhiên : “Anh Liêm cầm lấy mà chi tiêu dọc đường nhé”.
Anh mất vì bệnh tim mạch vào năm 2010 tại Canada khi vừa mới vào tuổi 70. Bạn hữu đông đảo rất thương tiếc con người suốt đời nhiệt thành với lý tưởng xây dựng Hòa bình này.

3 – John Spragens mất vào đầu năm 2013 tại Oregon.
John Spragens cũng tham gia làm việc trong đòan IVS ở Việt nam vào hồi cuối thập niên 1960. sau đó anh về Mỹ và tham gia sinh họat về văn hóa xã hội. Vào năm 1973-75, John trở lại Việt nam làm phóng viên cho một tờ báo ở Mỹ. John được sự quý mến của nhiều người do tính tình trầm lắng bình dị và nhiệt tình gắn bó với công việc xây dựng hòa bình và tranh đấu bảo vệ nhân quyền trên đất Mỹ.
Anh bị bệnh ung thư và mất tại Oregon vào đầu năm 2013 lúc mới bước vào tuổi 68. Qua Internet, các thân nhân và bạn hữu thân thiết rất đông của John đã trao đổi với nhau ròng rã suốt trong mấy tháng về những kỷ niệm thân thương ngộ nghĩnh với con người đáng mến này. Và họ còn đang vận động quyên góp để lập một Quỹ Học bổng lấy tên John Spragens như là một kỷ niệm để tiếp tục sự nghiệp của John bằng cách giúp đỡ các học sinh tại vùng đồng bằng sông Mekong là nơi xưa kia anh đã từng dậy môn Anh văn ở đó.

4 – Roger Rumpf mất vào tháng 4/2013 tại Missouri.
Roger Rumpf là người bạn đời của Jackie Chagnon đòan viên IVS đã ghi ở trên. Tuy là một vị mục sư, nhưng Roger lại tham gia nhiều với công cuộc xây dựng hòa bình do tổ chức Quaker chủ xướng ở Á châu. Từ sau 1975, Roger và Jackie thường xuyên làm việc ở bên nước Lào và có thêm cả một căn nhà riêng tại thủ đô Vientiane bên bờ sông Mekong. Còn tại căn nhà của anh chị ở Missouri, thì luôn có nhiều sinh viên Lào đến cư ngụ để theo đuổi việc học tập tại Mỹ.
Vào các năm 2000 và 2008, tôi đến thăm anh chị tại nông trại rộng đến trên 20 acres gần thành phố Warrensburg Missouri. Nông trại chuyên trồng cỏ để nuôi vài con ngựa, gần đó là vùng Ozark Plateau vẫn còn đượm vẻ hoang sơ như từ hồi thế kỷ XIX. Căn nhà của anh chị khá rộng và đủ mọi tiện nghi hiện đại – vì cả hai người cần phải liên lạc thường xuyên với các bạn cùng làm việc chung tại nhiều quốc gia ở Á châu. Riêng Roger đã có lúc làm Giám đốc Chương trình Thực phẩm của Liên Hiệp Quốc cung cấp cho Bắc Hàn.
Roger mất vì bệnh ung thư vào tháng 4 năm 2013. Tôi không thể có mặt trong Lễ Tiễn đưa cũng như Lễ Tưởng niệm Roger, nhưng đã có dịp chia sẻ trước nỗi đau buồn mất mát này với Jackie qua điện thọai.

*      *      *

Như trước đây, tôi đã có dịp viết “Bạn bè là Phúc lộc Trời cho” (Friends are Blessings) – tôi thật may mắn được gặp gỡ quen biết và gắn bó thân thương với nhiều bạn người nước ngòai, đặc biệt là người Mỹ – như tôi đã tường thuật sơ lược trong bài viết này. Nói chung, thì đây tòan là những người bạn có chung một mối quan tâm và niềm thông cảm sâu xa trước nỗi đau khổ nhục nhằn của những anh chị em bà con đồng lọai -  họ vốn chỉ là nạn nhân vô tội do chiến tranh, bạo lực và bất công áp bức đầy rẫy trong xã hội gây ra.
ñ Trong khả năng hạn hẹp của mỗi người, các bạn chúng tôi đều cố gắng hết sức để mà góp phần làm giảm bớt đi được những đau đớn triền miên bất tận đó. Và đây chính là cái duyên để gắn bó kết hợp bền chặt giữa anh chị em chúng tôi lại với nhau trong một thứ tình Liên Đới Anh Chị Em ruột rà chân thật như trong cùng một gia đình vậy.
ñ Từ trên 10 năm nay, tôi đã thực hiện được đến trên 30 chuyến viễn du vòng quanh nhiều tiểu bang trên khắp lục địa nước Mỹ – để thăm viếng bà con bạn hữu người Việt cũng như người bản xứ. Tôi thường ở lại nhà các bạn trong vài ba ngày để mà hàn huyên tâm sự cho thỏa lòng mong ước đã lâu – mà tôi gọi đó là những chuyến vãng gia. Nhờ vậy mà tôi đã lần hồi êm thắm hội nhập vào với đời sống văn hóa tinh thần cũng như tình cảm của người dân Mỹ – trong khi vẫn duy trì được cái bản sắc tinh thần trong truyền thống nhân ái và đạo đức của dân tộc Việt Nam chúng ta vậy.
ñ Vì bài đã dài, nên tôi chỉ xin ghi sơ qua về sự quen biết gắn bó của mình đối với các bạn làm việc cho hai tổ chức nhân quyền có tiếng là Amnesty International ( AI = Ân xá Quốc tế) và Human Rights Watch (HRW = Theo Dõi Nhân Quyền). Vì cả hai tổ chức này đều đã tranh đấu bênh vực những tù nhân chính trị Việt Nam, nên khi tới Mỹ tôi đã tìm đến gặp gỡ và tham gia công tác với họ từ nhiều năm nay. Tôi cũng đã tường thuật về chuyện này rồi, nên không cần viết thêm chi tiết nữa.

Westminster California, cuối năm Quý Tỵ 2013
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt



No comments:

Post a Comment

View My Stats