Monday, 27 January 2014

"CHUYỆN LẠ" ĐẦU NĂM (Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2014-01-27

Khi còn vài ngày nữa là tới Tân Niên Giáp Ngọ 2014 thì tại Hà Nội xảy ra “chuyện lạ” mà blogger Hiệu Minh cho là “sáng tạo”, còn blogger Người Buôn Gió gọi đó là “một điều cũng rất vĩ đại”.

Qua bài “Chuyện viên đá bị cưa dưới tượng Lý Thái Tổ”, blogger Hiệu Minh “quyết định” bình chọn bức ảnh anh Kiên, phó công an phường Tràng Tiền, Hà Nội, đã giả làm “thợ cưa đá” ngay dưới chân tượng Đức Lý Thái Tổ, với “sức sáng tạo có một không hai trên thế giới” nhằm giải tán những người biểu tình yêu nước! Nhà báo Hiệu Minh nhận xét:
Sau “trốn thuế”, “hai bao cao su đã qua sử dụng”, và nhiều “mưu” khác, nay đến đá và cưa. Chuyện xảy ra sáng 19-1-2014, nhân kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc, một đoàn biểu tình nhỏ tiến tới chân tượng Lý Thái Tổ nhằm dâng hoa và dâng hương các chiến sỹ ngã xuống vì biển đảo, thì gặp một cách giải tán biểu tình theo mẹo (hạ cấp). Đó là nhóm các nhân viên an ninh giả vờ làm công nhân cưa đá, bụi mù và gây tiếng ồn để đoàn biểu tình phải bỏ đi.Các Thủ tướng Campuchia, Thái Lan và Ukraine nên sang Việt Nam học mẹo giải tán biểu tình này vì ba vị đang nhức đầu với hàng chục vạn dân đổ ra đường chống chính phủ.

Tác giả nhân dịp này bỗng nhớ về thuở học trò hồi thập niên 1970 khi thầy bắt phải phân tích bài thơ “Tức cảnh Pắc Pó” của cụ Hồ viết về bàn đá, nơi ông dịch sử đảng năm 1942:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang!

Và, blogger Hiệu Minh phát giác ra rằng, sau hơn 7 thập kỷ, con cháu Bác đã dùng bàn đá trước tượng vua Lý Thái Tổ để viết nên một trang sử khác của đảng CS Việt Nam - không phải bằng bút mà bằng cưa điện gắn kim cương để “viết” nên “trang sử nham nhở”.

Chuyện “viết sử nham nhở” ấy khiến tác giả liên tưởng đến cách đây hàng ngàn năm, khi Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010 và lên ngôi vua, mang lại thái bình, an lạc cho thiên hạ qua chính sách “thân dân”, nhiều lần miễn thuế vì thương thần dân của Ngài. Ba năm sau đó, Ngài mang quân chinh phục quân Man nổi dậy ở Diễn Châu, khi về bỗng trời đất tối sầm, cuồng phong, sấm sét ầm ầm dữ dội, nên đốt hương và khấnTrời. Sau khi Vua Lý Thái Tổ khấn xong, giông tố sấm sét dần trở nên yên lặng. Từ sự việc như vậy, blogger Hiệu Minh thắc mắc:
Hôm rồi, vua Lý Thái Tổ đứng trên bục, nhìn xuống thấy cảnh dân biểu thị lòng yêu nước ngay dưới chân mình, giữa thủ đô Hà Nội, dân bị giải tán và đàn áp, liệu Ngài có nghĩ rằng, thế hệ lãnh đạo ngày nay có biết khấn vái trời đất hay không ?

Những viên đá bị cưa nham nhở. Photo by Nguyen Huu Vinh

Chuyện con cháu Bác cắt đá thành “trang sử nham nhở” cũng khiến blogger Người Buôn Gió liên tưởng đến “Hòn đá to và hòn đá nhỏ”, nhớ về bài thơ “Hòn Đá” của chủ tịch HCM quả “là một trong những bài thơ trác tuyệt nhất từ xưa đến nay”, nhất là vì những vầng thơ đơn giản ấy lại “ẩn chứa một bí kíp võ lâm” để một thời đòan kết được thiên hạ - thành quả mà đến giây phút gần lâm chung, Bác còn dặn các “đồng đảng” – nói theo lời Người Buôn Gió - phải giữ sự đoàn kết như giữ con ngươi trong mắt mình. Nhưng sao lại “Hòn đá” trong thơ Bác ? Bởi vì, theo nội dung bài thơ “trác tuyệt” đó,  chuyện đánh Tây, đánh Mỹ khó khăn như một hòn đá nặng mà nếu không có nhiều người xúm lại chung tay thì khó mà nhấc được hòn đá ấy. Rồi Người Buôn Gió nhận thấy:
Một ngày đầu năm 2014, cách bài thơ Hòn Đá của Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ, các học trò của Hồ Chí Minh, một lần nữa, lại đưa hình tượng hòn đá đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nhưng một cách khoa học hơn. Có lẽ thời Bác ngồi hang Pắc Pó chưa có dụng cụ cắt đá cầm tay chạy điện như bây giờ. Ngày hôm nay, với khoa học tân tiến, học trò của Bác đã chứng minh một điều cũng rất vĩ đại không kém phần triết lý là “cắt nhỏ hòn đá ra sẽ nhấc lên dễ hơn”… Hòn đá này được cắt nhỏ bởi một đảng viên có chức vụ, nơi cắt diễn ra tại chân tượng đài tiền nhân Lý Thái Tổ, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Phải chăng ngày hôm nay, xẻ nhỏ lòng đoàn kết yêu nước ra là giữ được đất nước ?

"Đảng vẫn chưa trưởng thành"

Khi Xuân Giáp Ngọ 2014 đang đến với quê hương, dân tộc thì từ Hà Nội, LS Nguyễn Văn Đài nhớ lại đây cũng là lúc kỷ niệm lần thứ 84, ngày đảng CSVN được thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc. Và dù đảng đã trải qua chừng ấy năm, nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối, từng “đánh Tây đánh Mỹ”, LS Nguyễn Văn Đài nhận thấy, “Đảng vẫn chưa trưởng thành”, ““vẫn như một đứa trẻ chậm hiểu”, “chưa biết tự bảo vệ quyền lực của mình bằng bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, uy tín” ; LS Nguyễn Văn Đài phân tích tiếp, “Sự tồn tại của đảng CSVN vẫn phải dựa vào nòng súng, bạo lực và nhà tù của quân đội và công an, như nhạc sĩ lão thành Tô Hải từng cảnh báo:
Quan trọng nhất là bộ máy đàn áp. Việc đàn áp vì tư tưởng và đàn áp đúng nghĩa của đàn áp thì ở nước ta kinh lắm! Ở nước ta bất cứ chuyện gì cũng trở thành tội phạm. Tôi xin nói rằng bây giờ họ không có ngại gì cả. Về quân đội và công an thì tôi xin nói đó là những con người được chế độ chìu chuộng số một, chiều chuộng về lương bổng các thứ. Do đó các bộ phận đó tuyệt đối trung thành vì không có đảng là họ mất hết. Cho nên họ nêu khẩu hiệu là “còn đảng còn mình”. Cái bộ máy đàn áp đó quá đầy đủ, quá sung sướng nên họ bảo vệ đến cùng chế độ.

Anh Kiên, phó công an phường Tràng Tiền, Hà Nội, đã giả làm “thợ cưa đá” ngay dưới chân tượng Đức Lý Thái Tổ

Trở lại bài “Đảng vẫn chưa trưởng thành”, LS Nguyễn Văn Đài cũng không quên lưu ý rằng đảng CSVN chưa thể duy trì hoạt động của mình bằng sự đóng góp đảng phí của các đảng viên, mà vẫn phải dựa vào tiền thuế của nhân dân để tồn tại”. LS Đài khẳng định:
Rất rõ ràng là đảng CSVN chưa đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, lương tâm và hệ tư tưởng dân chủ tiến bộ để lãnh đạo đất nước xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Ngoài ra, cái mà đảng CSVN đang thiếu đó là văn hóa dân chủ, thiếu đạo đức chính trị để ứng xử với những công dân và tổ chức đối lập.

Trong khi đó, blogger Phạm Đình Trọng nhận xét rằng “ Chưa cần nhắc đến sai lầm, ảo tưởng của chủ nghĩa Cộng sản, chưa tính đến sự man rợ mất tính người của chuyên chính vô sản mà đảng Cộng sản Việt Nam đã thực thi suốt gần một thế kỉ qua gây nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam. Chỉ nhìn hình ảnh đảng Cộng sản Việt Nam trong hiện tại đã thấy rõ ‘thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích’ cướp bóc của dân, tàn phá đất nước”.

Trong giai đọan sắp tới ngày Tết Giáp Ngọ 2014, nhà văn Phạm Đình Trọng nhận thấy cái hình ảnh thực tại đó là cả nước có 63 tỉnh thì 15 tỉnh phải xin nhà nước cấp gạo cứu đói gấp, phát xuất từ nền “kinh tế nhà nước chủ đạo” khiến người dân chỉ hưởng “những từ ngữ lấp lánh vàng mã và sáo rỗng” trong khi, nhà văn Phạm Đình Trọng bức xúc, “Sức mạnh vật chất của đất nước là của nổi của chìm, là nền kinh tế, Hiến pháp 2013, đã trao cho đảng Cộng sản Việt Nam; Sức mạnh bạo lực của đất nước là quân đội và công an, Hiến pháp 2013 cũng trao nốt cho đảng Cộng sản Việt Nam”. Nhắc tới hiến pháp, MS Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hóa cảnh báo:
Bản hiến pháp mới vừa ra đời, họ tiếp tục duy trì điều 4 Hiến pháp và khẳng định quyền lực của đảng CSVN. Đó là, một lần nữa, họ muốn thông qua hiến pháp để củng cố quyền lực đối với người dân cũng như tạo uy tín đối với thể giới. Điều thứ hai là họ cũng muốn thông qua hiến pháp để phô trương với quốc tế rằng VN đã có bản hiến pháp tiến bộ hơn, đó là quyền con người được đưa lên những chương hàng đầu, quyền con người được tôn trọng hơn, được quy định ở trong văn bản, giấy tờ nhằm đánh lừa quốc tế để tìm vị thế tốt hơn hay cao hơn trong mối quan hệ quốc tế. Nhưng thực ra, hiến pháp không thể đi sâu vào cuộc sống của người dân. Người dân VN vẫn không có cơ hội để tìm hiểu hoặc tiếp cận với hiến pháp. Mặc dù đảng CS vẫn nói là đưa hiến pháp vào cuộc sống, nhưng thường ở VN, luật pháp được phổ biến tới người dân về mặt nghĩa vụ mà thôi, tức người dân chỉ được nghe về những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện, còn về quyền lợi thì người dân hầu như chẳng bao giờ biết họ có được những quyền gì.

Cũng nhân thời điểm mừng năm mới này, Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tuyên bố “thay đổi thể chế” khiến blogger Việt Hòang không khỏi thắc mắc qua bài “‘Thay đổi thể chế’ là thay đổi cái gì? Ai thay đổi?”. Và tác giả lưu ý:
Nước Việt Nam có lịch sử gần 4000 năm và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử với bao triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… Những vị vua và anh hùng dân tộc trong lịch sử đã có công rất lớn trong việc dành lại độc lập và đánh đuổi ngoại xâm. Hậu thế ghi nhận công lao của họ và lịch sử không bao giờ quên ơn họ nhưng không thể vì thế mà con cháu họ lại có quyền thừa kế…đất nước Việt Nam. Đảng cộng sản cũng không thể là ngoại lệ. Nếu có công họ sẽ được lịch sử ghi nhận. Nếu họ muốn tiếp tục cầm quyền và lãnh đạo đất nước thì họ phải có chính danh trong hiện tại. Chính danh đó chỉ có được nếu họ được đa số người dân Việt Nam lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng và minh bạch với sự tham gia của tất cả các đảng phái khác nhau.




No comments:

Post a Comment

View My Stats