Hữu Quả
Posted by basamnews on January 6th, 2014
Đất Văn Giang (Hưng Yên) đã trở thành nơi đối kháng
điển hình giữa cái thiện với cái ác, bắt đầu từ ngày 24/4/2012, khi xảy ra vụ
cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, dã man tàn bạo nhất, làm chấn động
dư luận cả trong và ngoài nước; đến nay cũng đã gần hai năm, hay nói chính xác,
là hai mươi mốt tháng lẻ mười lăm ngày rồi; tưởng cũng nên tóm tắt, nhắc lại sự
kiện này một chút, để dư luận, nhất là cho hàng chục triệu bà con nông dân ta
trong cả nước biết, theo dõi và chia sẻ nỗi khó khăn bức xúc, cơ cực, nhưng rất
đỗi kiên cường, của bà con Văn Giang; đồng thời để tỏ rõ thái độ đồng tình phản
đối của dư luận rộng rãi về cách “cướp đất” trắng trợn và hung bạo của chủ dự án
Ecopark và nhóm lợi ích, đứng đằng sau là “thế lực đen” siêu hạng.
Phải nói ngay rằng, cái dự án khổng lồ này như một
con bạch tuộc, nuốt chửng khoảng 500 ha, là đất “bờ xôi ruộng mật”, đất nông
nghiệp có sinh lợi cao, gọi là “đất vàng”, của nông dân ba xã Phụng Công, Cửu
Cao và Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang, cận kề thủ đô Hà Nội.
Sở dĩ gọi là “đất vàng”, bởi những năm qua, bà con ở
đây nhạy bén, tận dụng lợi thế gần Hà Nội, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản
xuất kinh doanh; từ độc canh cây lúa, sang mô hình VAC, theo hướng đa ngành
nghề, đa sản phẩm, có thu nhập cao; nhất là trồng hoa cây cảnh, cung ứng cho lễ
tết, lễ hội, có thu nhập tăng gấp bội so với trước đây. Nhưng “niềm vui ngắn
chẳng tày gang”, trong khi cuộc sống của họ đang ổn định và khấm khá dần lên,
do tự bàn tay họ làm ra; thì cũng là lúc họa vừa ập đến – bị cưỡng chế thu hồi
số diện tích đất này cho xây dựng cái dự án gọi là “Khu đô thị sinh thái Văn
Giang”, nghe có vẻ sang trọng, gọi tắt là Ecopark. Dự án này do công ty Việt
Hưng làm chủ đầu tư; và do Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bảo Việt, rót vốn!
Đối tượng khách hàng xài sang của “Khu đô thị sinh
thái Văn Giang” này, không ngoài ai khác, là những kẻ nhà giàu, lắm tiền nhiều
của. Là một dự án của tư nhân trong “nhóm lợi ích”, vì mục đích lợi nhuận ngất
trời mà làm mờ mắt, bất chấp cả luật pháp và đạo lý. Loại dự án này, đâu phải
phục vụ quốc phòng an ninh, hay quốc kế dân sinh gì cho cam; đáng lẽ phải tiến
hành theo phương thức thương lượng, thỏa thuận với dân có đất, theo thuận mua
vừa bán, đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Song, vì có lắm tiền, có thế lực, họ
đã trở nên kiêu ngạo, dựa vào quyền lực để tiến hành việc cưỡng chế; có chính
quyền các cấp lớn, nhỏ, đứng đằng sau hỗ trợ tối đa; biểu hiện rõ trong việc
huy động lực lượng, với hàng ngàn cảnh sát, công an, lực lượng dân phòng; có cả
những phần tử bất hảo xã hội đen cùng tham gia, tất cả là hai ngàn một trăm
người; tạo nên một lực lượng áp đảo dữ dằn, một không khí đàn áp, khủng bố đối
với hàng nghìn dân lành tay không tấc sắt.
Họ dùng vũ lực đấm đạp ai ngăn trở, dùng tiếng nổ đe
dọa, át cả tiếng khóc thảm thương do oan ức, sợ hãi của nhiều người dân, bất kể
trẻ, già, trai, gái. Có hai phóng viên Đài TNVN đưa tin, cũng bị đánh, một
người bị trọng thương. Đội quân cưỡng chế đi đến đâu, tàn phá đến đó các sản
phẩm do bằng mồ hôi nước mắt của bà con nông dân làm ra. Nhìn cảnh hiện trường
bị cưỡng chế, nhiều cây cối, đồ vật bị quật đổ, bị giày xéo lên, không thương
tiếc, xót xa, miễn là chiếm cho được khu “đất vàng” này theo chỉ thị; tôi bỗng
nhớ như in cảnh, sau một trận càn quét của giặc, trong chiến tranh vậy. Người
có chút lương tâm, nhìn thấy ai chẳng xót lòng. Còn những người ở cương vị tầm
cao vời vợi; người đề ra chủ trương, chính sách, chỉ đạo, bật đèn xanh, thì
sao? Họ có chút xao lòng nào không, hay vô cảm, thậm chí mừng thầm, ai mà biết
được?! Chỉ biết hàng ngày chính họ là những người thi nhau leo lẻo cao giọng,
rằng: “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”; rằng: “Chính
quyền này là của dân, do dân, vì dân”; rằng: “Chế độ XHCN của chúng ta, dân chủ
gấp vạn lần so với chế độ “tư bản giãy chết””; rằng: “… phấn đấu cho một xã hội
“dân chủ, công bằng, văn minh””! v.v và v.v!
Trên đây, tôi chỉ điểm lại tóm tắt vài nét sự kiện
“đại cưỡng chế” ở Văn Giang, xảy ra từ đầu năm 2012. Vậy thực trạng tình hình
Văn Giang từ ấy đến nay ra sao, xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi sau đây.
Trước hết, cần khẳng định nguyên nhân để xảy ra vụ
Văn Giang tai tiếng này, chính là sự bất công xã hội, mà đại diện: Một bên là
những kẻ giàu có, tham lam, đầy quyền lực; còn một bên là những người nghèo
khó, thấp cổ bé họng, đang bị dồn vào đường cùng về quyền được sống. Nghịch
cảnh này như nước với lửa, sao có thể dung hòa cho được? Nhớ lại ngày xưa, cũng
từ bất công xã hội mà nảy mầm cách mạng đó sao?! Đây cũng chính là điều làm cho
việc thu hồi đất của Ecopark không thể “thông đồng bén giọt”, như mong muốn của
những kẻ vừa tham, vừa ác. Mặc dầu sau vụ “đại cưỡng chế”, vừa qua không tái
diễn tương tự về quy mô, mức độ quyết liệt, để chiếm trọn nốt phần đất còn lại.
Tuy nhiên, chủ dự án Ecopark trong nhóm lợi ích, đã thỏa thuận ngầm với chính
quyền và công an địa phương; để cho họ được thực hiện một âm mưu, thủ đoạn mới,
là “gậm dần”; bằng việc hàng ngày sử dụng bọn côn đồ thuê mướn; len lỏi, trà
trộn, rình mò vào các hộ gia đình nông dân chống cưỡng chế, để nghe ngóng, đe
dọa, quấy rối, hòng làm cho những người đấu tranh nản chí sờn lòng, dần dần
thuận theo ý họ, dù phải chịu thua thiệt nặng, cay đắng nhiều, tương lai mờ
mịt. Xin dẫn chứng vài ba con số, để làm rõ thêm về sự thua thiệt và bất công,
mà người nông dân có đất ở Văn Giang phải chịu, trong vụ dùng bạo lực cưỡng chế
này, như sau: Tại thời điểm diễn ra cưỡng chế, giá đất phát triển đang được bán
20 triệu VNĐ/m2 cho căn hộ dự án; và 45 triệu VNĐ/m2 cho
căn hộ biệt thự và đường phố. Còn người nông dân bị thu hồi đất ở đây, chỉ được
bồi thường 135 ngàn VNĐ/m2. Trong 166 hộ nông dân còn lại, chủ yếu ở
Xuân Quan, từ chối bồi thường, đã bị cưỡng chế và tịch thu. Nếu nhận đền bù
theo Chính phủ quy định, thì trung bình số tiền mỗi hộ nông dân nhận về chỉ
2100 USD, sau đó là trắng tay, hỏi họ sẽ tiếp tục sống ra sao? Cho nên, số hộ
nông dân này ở Văn Giang chống trả quyết liệt, theo nghĩa mất còn, là lẽ đương
nhiên, như bản năng của quy luật cuộc sống vậy!
Hiện nay ở Văn Giang còn 161 hộ chưa thỏa thuận được
mức đền bù, nên chưa giao nộp đất, chủ yếu nằm vào phần đất xã Xuân Quan. Nơi
đây, trên diện tích đất chưa giao, giá trị sản phẩm khá lớn, chủ yếu là các
loại hoa cây cảnh. Cho nên, việc giữ đất ở đây là cả gắn liền với việc bảo vệ
tài sản trên đất, mỗi nhà cũng đến hàng trăm triệu đồng. Nếu tính cả số gia
đình chưa được dự án giao tiền đầy đủ, ở cả ba xã cộng lại, còn khoảng hai nghìn
hộ. Trong khu vực đất dự án Ecopark, họ đã tiến hành rào bao kín, từ xa trông
như một ấp chiến lược, nhìn có vẻ hắt hiu, quạnh vắng, trừ chỗ đang thi công
làm công trình; nên nhiều nông dân sau khi đã bị thu hồi đất, trở thành tay
trắng, cảm thấy xót xa giữa ngày mùa mà nhàn rỗi, không có việc làm. Tiến độ
xây dựng công trình của dự án, cũng chững lại, lý do, vừa thiếu vốn, vừa chưa
có mấy người đặt mua; mặc dầu đối tác là khách sộp nhà giàu, bởi đang nằm giữa
thời kỳ bất động sản đóng băng. Chính vì vậy mà việc giải phóng mặt bằng phần
còn lại của dự án, chưa được tiếp tục làm quyết liệt như năm 2012. Ấy vậy mà,
đúng vào ngày lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bọn xấu cũng đã lén tập
kích bất ngờ, tranh giành đất với dân, gây xô xát, náo loạn không đáng có.
Vừa qua, sau khi nghe Quốc Hội biểu quyết thông qua
bản Hiến pháp và Luật đất đai gọi là sửa đổi, cũng như tâm trạng chung của đồng
bào cả nước, nông dân Văn Giang cũng lấy làm thất vọng; bởi sau gần một năm chờ
đợi và hy vọng, quyền sở hữu đất đai, kết quả cuối cùng là con số không (0),
như “miếng da lừa”. Bà con nông dân Văn Giang ngộ ra rằng, cuộc đấu tranh giữ
đất của mình trụ được đã gần hai năm; thời gian sắp tới, mặc dầu là chính đáng,
bởi chỉ đòi lẽ công bằng, được dư luận rộng rãi đồng tình, nhưng chắc chắn sẽ
gặp rất nhiều khó khăn. Thủ đoạn dùng kẻ lưu manh côn đồ, kết hợp với tác động
mánh mung với số cán bộ chính quyền và công an cơ sở thoái hóa biến chất, yêu
cầu chúng làm lơ, hoặc bật đèn xanh cho bọn rắn mặt, vốn là những đối tượng có
nhiều tiền án tiền sự, tha hồ tự tung tự tác quấy rối, gây áp lực đối với các
hộ giữ đất.
Để đối phó với âm mưu và thủ đoạn hèn hạ nói trên,
bằng phi bạo lực, mang tính chất tự vệ, số hộ trong diện bị thu hồi đất, đã
cùng gặp gỡ nhau bàn bạc, hiến kế. Có ý kiến đề nghị, các hộ ở gần nhau, nên tổ
chức thành từng nhóm, để khi có bọn côn đồ đến quấy phá, kịp thời chi viện cho
nhau. Các tổ nhóm cũng cần hỗ trợ nhau, khi tổ nhóm bạn yếu thế, để giữ đất. Vũ
khí tự vệ cũng không nên dùng loại gây sát thương, thích hợp nhất vẫn là các
thanh tre, thanh gỗ chắc, cùng những bộ dây thừng trói giữ, có tính chất tự vệ.
Lại có ý kiến cho rằng, việc thông tin là quan trọng, mới kịp thời chi viện cho
nhau. Có người nêu lên hình ảnh cả bó đũa và từng chiếc đũa rời, để khẳng định
rằng, nếu chúng ta biết đoàn kết chặt chẽ, sẽ tạo ra sức mạng gấp bội, đẩy lùi
được bọn côn đồ, làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của những kẻ chủ mưu, đã bỏ
tiền ra thuê mướn chúng. Lại có ý kiến, cần coi trọng thu thập chứng cứ, tổ
chức thông tin kịp thời, để tố cáo hành vi vi phạm của bọn côn đồ này, cùng
vạch mặt những kẻ đứng đằng sau, trước dư luận và cơ quan luật pháp. Trong các
sáng kiến, các biện pháp được nêu ra, để đấu tranh giữ đất; có sáng kiến rất
đáng chú ý, tuy không mới, nhưng được nhiều người hưởng ứng và thảo luận sôi
nổi nhất, vì mang tính khả thi; có người gọi là “kế sách”, là “diệu kế”; đó là
cần phát triển nuôi một đàn chó mạnh; dùng đàn khuyển này vào việc giữ làng giữ
đất, phòng chống trộm cắp, ngăn ác trừ gian; trước hết là dùng để ngăn chặn bọn
lưu manh côn đồ quấy nhiễu, đe dọa những hộ dân còn đấu tranh giữ đất, cho đến
khi nào chủ dự án Ecopark và nhóm lợi ích, phải chịu tính toán lại mức đền bù
thu hồi đất thỏa đáng, mới thôi.
Việc nuôi chó, đối với con người, đã có từ ngàn xưa,
có gì đáng nói. Mục đích nuôi và sử dụng chó cũng có biết bao nhiêu nhu cầu
khác nhau, tùy theo tập quán từng nơi. Riêng ở nông thôn Việt Nam ta, có hai
con vật linh được nuôi, con người yêu quý, đó là con trâu và con chó. Bởi “con
trâu là đầu cơ nghiệp”, dùng vào việc kéo cày, sẻ chia gánh nặng cùng người
nông dân, để làm ra hạt thóc củ khoai, nuôi sống con người. Còn con chó, giúp
con người canh nhà giữ cửa, bảo vệ những gì bằng mồ hôi nước mắt con người làm
ra và tích cóp được, cũng để duy trì cuộc sống. Nên có thể ví, con trâu là
“thần kinh tế”, con chó là “thần trị an”. Đó là luận về chuyện truyền thống
ngày xưa.
Qua bao biến thiên của phát triển lịch sử, ngày nay
đồng ruộng đã có máy cày dần dần thay trâu. Riêng trong lĩnh vực trật tự trị
an, đã có nhiều đổi khác, với bộ máy an ninh đồ sộ; đi tới đâu cũng thấy công
an và dân phòng giăng đầy, gọi là lo canh giữ sự bình an cho dân; phát hiện,
ngăn chặn kịp thời kẻ xấu; như bọn lưu manh côn đồ, bọn trộm cướp, bảo vệ tính
mạng và tài sản của nhân dân; Tất nhiên họ làm việc này được trả lương, qua
đóng thuế của dân. Tôi không đánh giá tình hình trật tự trị an chung cả nước,
vì đâu phải là việc của tôi. Chỉ nghe các vị ưa đọc diễn văn qua ti-vi, bao giờ
cũng có cụm từ bất biến “an ninh trật tự được giữ vững”. Thế nào là “giữ vững”
tôi cũng không hiểu nữa?! Nhưng hàng ngày lướt tin qua mạng, biết được tình
hình tội phạm trên cả nước diễn ra như rươi, mà đau cả đầu. Và trớ trêu thay,
ví như ở Văn Giang (Hưng Yên), một điểm nóng về cưỡng chế thu hồi đất; trong
khi chưa giải quyết thỏa đáng việc đền bù, bảo đảm quyền lợi của người mất đất;
thì hàng ngày, bọn đầu gấu hung hãn, được chủ dự án Ecopark thuê, đi vào các hộ
chưa giao đất rình mò, nghe ngóng, đe dọa người dân, gây áp lực rất căng thẳng,
diễn ra trước mắt chính quyền và công an cơ sở. Mặc dầu sự việc được phản ảnh
và yêu cầu can thiệp, nhưng họ cũng làm lơ; hay họ cũng đã bị thuê chăng? Trước
tình hình bức xúc này, buộc lòng bà con ở đây phải tự tổ chức nuôi một đàn chó,
gọi tên là “Chó bảo vệ”, để tự cứu lấy mình. Như vậy, đàn chó này cũng
có vai trò, trách nhiệm, gìn giữ trật tự trị an. Qua sự việc này, xin hỏi chính
quyền và công an cơ sở ở Văn Giang nghĩ gì? Thật là một chuyện bi hài./.
Hữu
Quả (Nhà báo – đã nghỉ hưu)
No comments:
Post a Comment