Saturday, 4 January 2014

CHUYỆN BÀ THỊ KÍNH : VỞ OPERA VN ĐẦU TIÊN TRÊN SÂN KHẤU MỸ (Anvi Hoàng)




01/03/2014

Hình :

Lady Thị Kính-1: Tre trong xưởng gỗ. (Ảnh: Anvi Hoàng)

Lady Thị Kính-2: Một góc xưởng sơn: sàn nhà (góc trái) đang được làm, một mảng phông Niết Bàn đang được vẽ (vải vàng trên nền nhà). (Ảnh: Anvi Hoàng)

Lady Thị Kính-3: Áp phích chính thức của vở Chuyện Bà Thị Kính do trường nhạc Jacobs làm.

Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) là vở opera lớn về văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ.  

“Chuyện Bà Thị Kính" được sáng tạo dựa vào cốt truyện của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" – một câu chuyện mà hầu như người Việt Nam nào cũng biết hoặc nghe qua ít nhiều, dù ít người biết cặn kẽ tất cả các chi tiết đặc sắc của nó.

“Chuyện Bà Thị Kính”/ The Tale of Lady Thị Kính sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.

Về quá trình sáng tạo

“Chuyện Bà Thị Kính” là câu chuyện về quá trình thăng hoa trở thành Phật của một cô gái trẻ. Thị Kính lấy chồng để cha được yên lòng. Sau đó bị đuổi khỏi nhà chồng vì sự hiểu lầm, Thị Kính phải giả trai đi tu ở chùa. Tại đây, Thị Kính, nay là Tiểu Kính Tâm, lại bị cô Thị Mầu lẳng lơ 13 tuổi tán tỉnh, và sau đó bị Thị Mầu đổ oan cho là cha của đứa bé trong bụng mình. Về chùa, Tiểu Kính Tâm lại mất nơi nương náu vì Su Cụ không thể che chở cho Kính Tâm nên cũng đuổi Kính Tâm ra khỏi chùa. Nghĩ đến những oan trái trong đời mình, Tiểu Kính Tâm lần nữa chấp nhận hy sinh để cho người khác được sống yên ổn. Tiểu Kính Tâm quyết định bồng đứa bé con Thị Mầu ra đi tìm đường sống mới. Sau ba năm ăn xin ở chợ, đứa bé đủ lớn, còn mình thì kiệt sức và đói khát, Tiểu Kính Tâm chết đi để lại một lá thư kể rõ mọi chuyện. Cảm động trước sự hy sinh quên mình của Thị Kính, Đức Phật tôn bà làm Phật bà Thị Kính.

The Tale of Lady Thị Kính là một câu chuyện đầy tính nhân bản phổ quát (universalism) về tình yêu, sự độ lượng (compassion) và sự hy sinh không giới hạn (selflessness), được viết lại dựa vào cốt truyện của vở chèo Quan Âm Thị Kính bắt nguồn từ thế kỷ thứ 10. Tuần bản chèo xưa đã được phát triển, nhiều chi tiết được thêm bớt suốt lịch sử biểu diễn của nó để thích nghi với môi trường và điều kiện biểu diễn ở từng nơi. Tiếp nối truyền thống này, P.Q. Phan đã viết nhạc, dựng lại tuần bản, và đặt tên tiếng Anh mới cho vở opera của mình là The Tale of Lady Thị Kính – tiếng Việt là Chuyện Bà Thị Kính. Để làm cho câu chuyện thích hợp với truyền thống opera của châu Âu, trong quá trình sáng tạo, nhà soạn nhạc đã phải lượt bỏ một số nhân vật hài được yêu thích đối với người Việt như Cụ Đồ, Cụ Hương, Thầy Bói; một số đoạn chọc cười không có ý nghĩa trong văn hóa châu Âu. Tuy nhiên, ông giữ lại những chi tiết gây cười mà người phương Tây có thể hiểu được, và viết thêm lời để tạo cơ hội cho dàn đồng ca lớn trình diễn.

Tuần bản mới không những giữ được bản chất văn hóa và văn chương Việt của tuần bản gốc Quan Âm Thị Kính mà còn làm cho người đọc cảm nhận được vở diễn về mặt tôn giáo hoặc/và như một tác phẩm phê phán xã hội. Trong những năm gần đây, câu chuyện Thị Kính đã được khai thác vì yếu tố tôn giáo là chủ yếu. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ từng dòng trong tuần bản, người ta sẽ nhận ra rằng tác phẩm này không đơn giản như thế. The Tale of Lady Thị Kính là tập hợp những tiếng nói đòi quyền sống. Dưới lăng kính xã hội, Thị Kính đại diện cho lối sống đứng đắn, mẫu mực, vị tha; Vợ Mõ là tiếng nói của những người được cho là thuộc tầng lớp thấp trong xã hội nhưng thông minh, đáo để; Thị Mầu là tiếng nói muốn phá vỡ sự kiềm chế của lễ giáo để đòi được tự do yêu đương. Có một câu chuyện ở thế kỷ thứ 10 ca ngợi một nhân vật đàn bà làm trọng tâm của các xung đột trong xã hội như thế này giống như một giấc mơ trở thành hiện thực đối với các nhà nghiên cứu về đàn bà ở phương Tây.

Vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Liệu đây có phải là một câu chuyện về quyền lợi đàn bà? Nếu không thì tại sao các nhân vật đàn ông lại được miêu tả một cách tiêu cực trong tác phẩm? Vậy thì có phải câu chuyện Thị Kính được kể theo quan điểm của đàn bà hoặc còn có thể do tác giả đàn bà sáng tác? Câu chuyện Thị Kính sâu sắc nhiều tầng nhiều lớp và có thể đào sâu thêm nữa. Lúc đó, danh sách các câu hỏi có thể kéo dài ra.  

Vở opera Chuyện Bà Thị Kính/ The Tale of Lady Thị Kính kể câu chuyện về Thị Kính, đồng thời sẽ miêu tả cuộc sống và văn hóa Việt Nam của thế kỷ 10. Theo phân tích của P.Q. Phan, cuộc đời của Thị Kính là một ví dụ cho thấy rằng một người đàn bà bình thường sống vì mục đích cao cả có thể trở thành một biểu tượng có ý nghĩa trong xã hội. Không thể chối bỏ ý nghĩa tôn giáo trong sự thăng hoa của Thị Kính, nhưng vở opera cũng là bằng chứng cho thấy rằng với tình thương, lòng độ lượng, sự kiên trì, một người đàn bà cuối cùng có thể thăng hoa trở thành Phật. Hơn thế nữa, Thị Kính cho thấy rằng ai cũng có thể trở thành Phật.

Về quá trình dàn dựng

IU Opera rất tự hào là có khả năng xây dựng phông cảnh từ đầu tới cuối, một điều mà rất ít các công ty opera ở Mỹ có thể làm được. Quá trình dàn dựng đang diễn ra ngay tại thời điểm này.

Các xe tải chở tre đã tới. Các bạn đã nghe tre nổ lách tách bao giờ chưa?

Giám Đốc Xưởng Vẽ, Mark Smith nói rằng: “Chưa bao giờ chúng tôi dùng tre với với quy mô lớn thế này. Một điều thú vị về tre là chúng vẫn tiếp tục giãn nở như một vật thể sống khi nhiệt độ thay đổi. Thỉnh thoảng chúng nổ tách một cái.” Những người khác trong xưởng gỗ như thợ mộc sân khấu cũng có thể làm chứng và kể cho bạn nghe về chuyện này vì họ cũng làm việc trực tiếp với tre.

Một điều thú vị hơn nữa là một phần tre được dùng trong vở opera Chuyện Bà Thị Kính là được lấy ngay tại Bloomington, trong vườn của một người dân Bloomington!

Lại nói, khái niệm âm nhạc của vở opera là thăng hoa. Đầu vở Chuyện Bà Thị Kính, âm nhạc mang tính ngây thơ, trong sáng, vui tươi, có thể nói là dễ dãi. Khi câu chuyện tiếp diễn, âm nhạc trở nên nghiêm túc hơn, nặng nề hơn, thiêng liêng hơn, và đầy kịch tính hơn. Để giúp chuyển tải khái niệm âm nhạc này, và cũng để khuyếch trương thế mạnh của trường nhạc Jacobs, nhà soạn nhạc đã cố tình dùng dàn cồng (chiêng) có giọng (pith gongs) gồm 30 cái. Chỉ có vài ba trường đại học và những nhà hát opera lớn trong nước Mỹ mới có một dàn cồng như thế mà thôi. Thật là một điều đặc biệt!

Nói chung, đạo diễn sân khấu Vince Liotta nói rằng “để làm cho vở opera mang cảm giác Việt Nam mà không phải châu Á chung chung hoặc giống Trung Hoa, nhóm dàn dựng (tất cả đều là người phương Tây) quyết định rằng thay vì cố gắng tìm cách dựng lại thật chính xác xã hội Việt Nam và sân khấu truyền thống của nó, chúng tôi lọc chúng qua con mắt phương Tây của mình.” Do đó vở opera sẽ vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại.

Và như thế, mời bạn tham gia vào một cuộc hành trình thăng hoa với nhiều tình tiết hấp dẫn, nhiều cám dỗ, đầy tình thương, sự dối trá, lòng độ lượng... đến Niết Bàn!

* Muốn đọc thêm về quá trình sáng tạo và dàn dựng vở opera, xem tại: www.anvihoang.com .  

The Tale of Lady Thị Kính
(Chuyện Bà Thị Kính)

Âm nhạc và tuần bản: P.Q. Phan.        

Do trường đại học Indiana University - Jacobs School of Music đặt viết và dàn dựng lần đầu.

Biểu diễn tại Nhà hát Musical Arts Center, Bloomington, Indiana

Ngày 7, 8, 14, 15 Tháng 2 Năm 2014 - Lúc 8g tối.




No comments:

Post a Comment

View My Stats