Thursday, 16 January 2014

CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHỮNG HUỲNH NGỌC TUẤN ! (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 15 Tháng 1 2014 23:18

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh gãy xương ức

Những ai đặt nhiều kỳ vọng vào thông điệp đầu năm của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên đặt câu hỏi chính quyền của ông đã làm gì với Lê Văn Điệp, phó công an xã Chương Dương, huyện Thường Tín, ngay thủ đô Hà Nội.

Trừ khi họ nghĩ rằng đây chỉ là một chuyện nhỏ. Nếu vậy thì họ nên nghĩ lại. Vụ này phơi bày một tình trạng nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Ngày 31/12/2013, vợ chồng Ngô Duy Quyền và Lê Thị Công Nhân cùng với Phạm Bá Hải và Huỳnh Ngọc Tuấn đến thăm và dùng cơm trưa với gia đình Phạm Văn Trội. Đó chỉ là buổi họp mặt thân mật cuối năm giữa bạn bè. Nhưng họ lập tức bị công an xã Chương Dương bao vây la hét hăm dọa với lời lẽ lỗ mãng. Bữa cơm chẳng còn gì vui, họ chia tay ra về nhưng bị một lực lượng công an hùng hậu xô đẩy và bắt đưa về trụ sở công an xã. Tại đây họ bị chửi bới bằng những lời lẽ cực kỳ thô tục. Lê Văn Điệp, phó công an xã, tỏ ra đặc biệt hung bạo và thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu. Sau đó họ bị giữ lại đồn dù Công Nhân còn bồng theo đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi, còn Lê Văn Điệp và đồng nghiệp rủ nhau đi nhậu thịt chó. Khi trở lại rượu càng khiến Điệp và đồng bọn trở thành những con thú dữ, chửi bới hung hăng và thô tục hơn nữa. Riêng Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh trọng thương, gẫy xương ức, dù Tuấn không hề khiêu khích gì cả. Chúng đánh Tuấn chỉ để giải trí. Lê Văn Điệp còn xấc xược thách các nạn nhân tố cáo và kiện hắn. Hắn nói "luật là tao!". Hắn phải rất tin được cấp trên che chở. Các nạn nhân sau đó đã tố giác bằng mọi phương tiện truyền thông trên mạng, nhiều triệu người trong và ngoài nước đã biết, dư luận thế giới cũng đã biết nhưng chưa hề có hồi âm nào về phía chính quyền, cũng chưa có dấu hiệu nào là chính quyền sẽ điều tra để làm sáng tỏ vụ này. Dư luận dĩ nhiên là phẫn nộ, nhưng rồi sự phẫn nộ sẽ nguôi dần với thời gian như những vụ bạo hành trước đây, trong khi chờ đợi những vụ tương tự khác. Người ta đã quá quen với những vụ bạo hành của công an, người ta đã biết công an là như thế nào rồi. Các nạn nhân lần này còn khá may mắn, họ bị phá một bữa cơm thân mật, bị giam giữ nửa ngày, bị chửi mắng, nhưng chỉ có một người bị đánh nặng. Mới cách đây không lâu đã có những người bị đánh chết trong đồn công an.

Có lẽ đó là suy nghĩ chung. Nhưng chuyện này nghiêm trọng chính là vì nó đã thành quen thuộc và bình thường. Nó có nghĩa là nhân dân Việt Nam đang lâm nguy; họ có thể câu lưu, bị lăng nhục, bị đánh, bị giết bất cứ lúc nào và vì bất cứ lý do nào bởi chính những người trên nguyên tắc có nhiệm vụ bảo vệ họ. Trong trường hợp đặc biệt này tất cả các nạn nhân đều là những trí thức có tên tuổi được dư luận trong nước và thế giới biết đến và rất tích cực trên mạng Internet, nghĩa là cũng có vũ khí tự vệ - bằng cách tố giác trước công luận. Họ bị hành hạ như vậy thì người dân thường còn bị đối xử như thế nào? Chắc chắn những chuyện mắng chửi, đánh đập, thậm chí đánh chết người mà dư luận đã biết chỉ là phần nhỏ của một thực trạng ghê rợn hơn nhiều.

Một chuyện như vậy nếu xảy ra tại nước Pháp nơi tôi đang sống hay ở bất cứ một nước văn minh nào chắc chắn đã khiến hàng ngàn người xuống đường phản đối và buộc chính quyền phải vất vả giải thích, những người có trách nhiệm sẽ tức khắc bị trừng phạt theo luật pháp. Cách đây không lâu một nữ giáo viên phát giác một cháu bé có dấu hiệu bị hành hạ, bác sĩ xác nhận và cảnh sát điều tra cho biết cháu bé đã liên tục bị bỏ đói và đánh đập từ lâu bởi mẹ và ông bố dượng. Hàng ngàn người đã lập tức xuống đường biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ. Cặp vợ chồng tàn nhẫn này bị tống giam và xử phạt tù nặng. Xã hội văn minh là thế. Những người xuống đường biểu tình không cần có bằng cấp và danh vị cao, trong đa số họ chỉ là những người công nhân, nội trợ, học sinh, sinh viên bình thường. Nhưng họ là những con người văn minh. Khoảng cách giữa văn minh và bán khai chính là phản ứng trước những bất công mà mình không phải là nạn nhân. Văn minh trước hết là sự thượng tôn con người.

Chúng ta đã có vô số trường hợp công an bạo hành. Những người bị bọn đầu gấu - do công an điều động - hành hung khi tới tham dự những phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến (tôi được nghe tới hai tiếng "đầu gấu" lần đầu tiên từ ông Hoàng Minh Chính qua điên thoại nhân phiên tòa xử Phạm Hồng Sơn), những người tới thăm Vi Đức Hồi tại Hữu Lũng, những người đi biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm, những linh mục và giáo dân Công Giáo cầu nguyện để phản kháng tại Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Tam Tòa, Cồn Dầu, Con Cuông v.v. Công an cũng dùng bọn tội phạm hình sự đánh những tù nhân chính trị trong nhà tù như trường hợp Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Khải Thanh Thủy v.v. Và không thể kể hết những người "bị đánh với tư cách cá nhân": Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Lê Quốc Quyết, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Hoàng Vi v.v., nhiều khi ngay trong đồn công an như trường hợp Huỳnh Thục Vy, vợ chồng Uyên Vũ - Hồ Điệp, Huỳnh Ngọc Tuấn v.v.  Những thí dụ này chỉ là một phần không đáng kể của khối nạn nhân.  Những trận đòn tại đồn công an cũng là những trận đòn nhừ tử nhất bởi vì công an không còn sợ nhân chứng. Những vụ đánh chết người thường xảy ra tại đồn công an. Khi có người chết các hung thủ bị xử qua loa vài năm tù vì đánh quá tay, trong mọi trường hợp khác chúng vẫn nhởn nhơ, dù bị tố cáo đích danh. Rõ ràng chúng được phép, không chừng được chỉ thị, đánh. Sự bao che quá lộ liễu. Đó phải là lý do khiến Lê Văn Điệp dám thách thức các nạn nhân đi kiện hắn. Có mọi triển vọng hắn cũng như các đồng nghiệp trên cả nước đã được bật đèn xanh cho phép trừng trị "bọn dân chủ".

Trong tất cả mọi quốc gia bình thường chức năng của công an là bảo vệ người dân. Trong nhiều nước người công an được gọi là "người giữ hòa bình". Tại nước ta công an là một đe dọa và một tai họa cho người dân. Lỗi tại ai?

Trước hết là tại một đảng cầm quyền lấy bạo lực thay vì đồng thuận dân tộc làm nền tảng và coi luật pháp như là một dụng cụ đàn áp thay vì một bảo đảm cho các  công dân. Sự lưu manh nằm trong bản chất của mọi chế độ cộng sản. Những cảnh "nhân dân phẫn nộ" đánh những người chống chế độ hay bị chế độ liệt vào thành phần thù địch - như ta đã thấy trong đợt Cải Cách Ruộng Đất năm 1955 hay tại Tam Tòa, Thái Hà gần đây - không phải chỉ có ở Việt Nam mà trong mọi chế độ cộng sản. Trái với quan điểm thông thường chúng không nhắm che giấu bàn tay của công an vì chúng không đánh lừa được ai, chúng nhắm mục đích khủng bố bằng cách đưa ra một bộ mặt đáng sợ khác của chế độ. Trong lòng chế độ này, Nguyễn Tấn Dũng là người có trách nhiệm lớn nhất và nặng nhất. Ông Dũng cầm đầu bộ máy nhà nước từ tám năm qua và đặc biệt nắm chắc lực lượng công an. Công an của ông đã dùng bọn đầu gấu hành hung dân oan và những người đối lập dân chủ rồi dần dần tự "đầu gấu hóa", nhưng họ đã không thể làm như thế nếu không có sự đồng tình của ông. Sự kiện một công an ở cấp bậc phó công an xã mà cũng có thể chửi và đánh dân rồi thách thức các nạn nhân đi kiện và vỗ ngực nói "luật là tao!" chứng tỏ nước ta không còn luật pháp. Công an đã trở thành giặc cướp. Cũng cần lưu ý là các bản án chính trị đã khắc nghiệt hẳn lên và sự bạo hành của công an đã gia tăng hẳn lên từ khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành nhân vật quyền lực nhất nước. Dư luận đang chờ đợi những hành động sửa sai của ông sau thông điệp đầu năm hứa hẹn tôn trọng người dân. Cụ thể là ông sẽ làm gì với Lê văn Điệp, công an xã Chương Dương và các nạn nhân của vụ bạo hành vừa rồi. Lần này ông không thể phớt lờ một cách vô tội vạ.

Sau đó, nhưng cũng nghiêm trọng không kém, là lỗi của trí thức Việt Nam. Họ đã không quan tâm lắm tới các nạn nhân. Đừng nói là quần chúng Việt Nam không quan tâm hay là vì dân trí Việt Nam thấp. Quần chúng nào cũng do trí thức hướng dẫn và đào tạo. Trí thức Việt Nam đã không làm bổn phận của mình, đặc biệt  trong chủ đề mà chúng ta đang thảo luận, nghĩa là hiện tượng công an trở thành đạo tặc và khủng bố người dân. Cho đến nay sau mỗi vụ bạo hành, những tiếng kêu gào nghẹn ngào và uất ức đã chỉ nhận được sự cộng hưởng của bạn bè và một vài trang báo đối lập trên mạng rồi chìm dần vào quên lãng. Trí thức Việt Nam, nhất là những trí thức có tên tuổi, đã hầu như không quan tâm. Hãy tưởng tượng sự cô đơn của các nạn nhân.

Tại sao không quan tâm?

Phải chăng vì người ta nghĩ rằng đó là những chuyện lặt vặt? Lầm to. An ninh cá nhân là quyền tự do cơ bản nhất, quan trọng nhất, lớn nhất. Quan trọng hơn Bôxit Tây Nguyên, rừng đầu nguồn, Biển Đông. Càng quan trọng hơn nữa cho những ai thực sự muốn dân chủ hóa đất nước bởi vì nếu chúng ta không bảo vệ những người dân chủ bị khủng bố như vậy thì khủng bố sẽ tràn ngập và sẽ không còn những người dám bày tỏ lập trường dân chủ. Những người có ý muốn đấu tranh cho dân chủ có thể bị áp lực của chính gia đình mình bắt bỏ cuộc.

Tại vì những nạn nhân chỉ là những người bình thường không có địa vị và danh tiếng nào đáng kể? Càng sai hơn. Phẩm giá của một người trước hết và chủ yếu là ở chỗ đó là một người. Những gì mà mỗi người có thể có riêng và thêm – địa vị, danh vọng, kiến thức, tài sản v.v. - đều chỉ là rất thứ yếu so với tư cách con người ở trong mỗi chúng ta. Khi một người bị chà đạp thì không chỉ người đó mà tất cả chúng ta đều bị xúc phạm bởi vì phẩm giá con người đã bị xúc phạm. Khi không quan tâm tới những nạn nhân của sự thô bạo vì lý do họ không phải là những nhân vật lớn là người ta đã quên đi, và đánh mất, phần phẩm giá lớn nhất của chính mình. Còn nếu phẫn nộ mà không dám phản ứng vì sợ thì càng tệ hơn. Câu hỏi nhức nhối phải được đặt ra là phải chăng trong xã hội Việt Nam hiện nay càng lên cao trong địa vị và danh vọng thì nhân cách càng thấp xuống? 

Thái độ thờ ơ đối với những người dân chủ bị bạo hành cho chúng ta một lý do khác để giải thích tại sao phong trào dân chủ Việt Nam không mạnh lên được dù cả đảng lẫn chế độ cộng sản đều đã mục nát. Đó là vì ý thức dân chủ của chúng ta chưa đủ mạnh. Trí thức Việt Nam, những người phải lãnh đạo cuộc đấu tranh vì dân chủ, có thể đã đọc nhiều sách báo nhưng chưa hiểu rõ bản chất của dân chủ. Họ không hiểu rằng nền tảng của dân chủ là chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là sự khẳng định rằng cá nhân phải được tôn trọng, phải có quyền phát biểu những điều mình nghĩ, quyền thành lập hoặc tham gia các tổ chức mà mình muốn, quyền bầu cử và ứng cử vào những chức vụ công quyền v.v. Những quyền đó được nói rõ trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và định nghĩa một chế độ dân chủ. Dân chủ và nhân quyền là một. Khi không nổi giận trước những vụ bạo hành như tại Chương Dương ngày 31/12/2013 vừa qua là người ta đã chứng tỏ mình chưa thực sự là người dân chủ.

Một lần nữa hãy nhìn cách ứng xử của những dân tộc văn minh.

Năm 1961 khi thành phố Berlin, ốc đảo dân chủ nằm trong lòng khối cộng sản, bị đe dọa tổng thống Mỹ John Kennedy đã đến đây và dõng dạc tuyên bố: "Tôi là người Berlin!". Năm 1968 tại Pháp khi những cuộc biểu tình đòi "thay đổi xã hội" của sinh viên bắt đầu bất lợi cho Đảng Cộng Sản Pháp, tổng bí thư của đảng này – lúc đó rất mạnh - đã nói rằng một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình là một "thằng Đức gốc Do Thái". Lập tức sinh viên Pháp đồng thanh hô to: "Chúng tôi đều là những thằng Đức gốc Do Thái!". Và Đảng Cộng Sản Pháp bị vô hiệu hóa và lố bịch hóa. Tháng 9 năm 2001 khi bọn khủng bố Al Qaeda đánh sập World Trade Center và khoe là đã giáng cho nước Mỹ một đòn chí tử tất cả các tờ báo lớn và những nhân vật quan trọng tại Châu Âu đều hô lớn: "Chúng ta đều là người Mỹ!".

Cuộc vận động dân chủ sẽ tiến một bước nhảy vọt nếu trong lúc này mọi người dân chủ đều hô to: "Chúng ta đều là những Huỳnh Ngọc Tuấn!"

Nguyễn Gia Kiểng
(01/2014)



No comments:

Post a Comment

View My Stats