Sunday 12 January 2014

CẦN SA : CHUYỆN ĐẦY PHỨC TẠP (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng hợp)
Thursday, January 09, 2014 2:34:12 PM

Một  trong những đề tài được chú ý ở Hoa Kỳ ngay từ đầu năm nay là cần sa (marijuana). Điều ấy do từ chỗ vẫn còn mâu thuẫn giữa luật liên bang với luật lệ ở nhiều tiểu bang, hệ quả là có nhiều trường hợp các viên chức liên bang và tiểu bang hành xử khác nhau về cần sa. Vì vậy người ta chờ đợi sẽ có thể có những thay đổi như thế nào đối với loại sản phẩm đã gây rất nhiều tranh cãi này.

Sam Wash, chủ tiệm phân phối cần sa 3-D Denver Discrete Dispensary đang chuẩn bị mở cửa hàng bán lẻ ngày 1 tháng 1 năm nay. Theo CBS thì ở Denver , có trên 200 tiệm bán cần sa, nhiều hơn cả tổng số quán Starbucks và McDonald’s. (Hình: AFP/Theo Stroomer)

Trong kỳ bầu cử năm 2012, cử tri hai tiểu bang Colorado và Washington đã bỏ phiếu hợp pháp hóa cần sa, có nghĩa là những người sử dụng cần sa dù với mục đích gì cũng không bị bắt lỗi. Các tiệm bán cần sa cho người dùng vào việc tiêu khiển, trên nguyên tắc được phép mở  cửa hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm nay, tuy nhiên hãy còn một số rắc rối chưa giải quyết xong vì tiểu bang và nhiều địa phương chưa sẵn sàng có đủ những quy định.

19  tiểu bang khác, và thủ đô Washington (District of Columbia), cho phép dùng cần sa cào mục đích y khoa để chữa trị một số chứng bệnh. Nhưng trên thực tế ranh giới giữa cần sa chữa bệnh rất khó duy trì trong việc mua bán, oa trữ và tự sản xuất bằng cách trồng cây cần sa tại nhà.

Năm 1996 cử tri California bỏ phiếu chấp thuận Proposition 215 và trở thành tiểu bang đầu tiên cho phép dùng cần sa vào mục đích y khoa. Tuy vậy, nhiều tiệm bán cần sa, được gọi là trạm phát thuốc, có giấy phép hoạt động của tiểu bang, sau đó vẫn bị nhân viên liên bang khám xét và tịch thu theo luật cấm ma túy. Những giới bênh vực sự hợp pháp hóa cần sa ở California, Alaska, Arizona, Oregon quyết tâm vận động đưa vấn đề ra trưng cầu dân ý trong kỳ bầu cử năm 2016.

Thống Đốc Andrew Cuomo tiểu bang New York mới đây ký nghị định cho phép 20 bệnh viện cấp cần sa làm thuốc cho bệnh nhân và như thế New York là tiểu bang thứ 21 chấp thuận việc sử dụng cần sa vào mục đích y khoa, tuy nhiên vẫn bị cấm nếu chỉ dùng vào mục đích tiêu khiển. Chỉ những bệnh nhân mắc các chúng bệnh ung thư, glaucoma (bệnh ở mắt) và những chúng vệnh hội đủ tiêu chuẩn của bộ y tế tiểu bang mới được lãnh cần sa ở bệnh viện.

Cũng nên biết là Thống Đốc Cuomo trước đây vẫn là người mạnh mẽ chống cần sa, nhưng ông đã thay đổi quan điểm sau khi thăm dò dư luận cho biết 82% dân chúng New York tán thành cho phép sử dụng cần sa, và chắc chắn ảnh hưởng tới việc tái tranh cử của ông năm nay.

15 tiểu bang trong số có Hawaii, Montana, Maine cho phép bệnh nhân trồng một số cần sa trong nhà và chỉ được dùng cho chính cá nhân họ. Arizona đòi hỏi người mua cần sa vào việc chữa bệnh chỉ được mua tại tiệm cách xa nhà ít nhất 25 dặm. Những tiệm bán cần sa có thể trồng tại chỗ hoặc mua từ những nhà trồng tỉa có giấy phép của tiểu bang.

Bộ Tư Pháp Liên Bang xác định rằng cần sa vẫn là bất hợp pháp nhưng sẽ không can dự vào các quy định của tiểu bang về lưu hành và đánh thuế, tuy nhiên với điều kiện phải tuân hành một số đòi hỏi như không để trẻ con sử dụng và hạn chế đưa sang tiểu bang khác.

Hạt cây cần sa, marijuana hay cannabis, được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ 5,000 năm ở Romania, chứng tỏ nhân loại đã sử dụng lâu đời chứ không phải xuất xứ từ Nam và Trung Mỹ rồi phát triển trong thế kỷ trước. Cannabis không giống thuốc lá hay coca mà cùng một họ với hops (houblon), loại hoa dùng trong việc làm rượu bia.

Chất gây tác động tâm thần chính trong cần sa là tetrahydrocannabinol (THC). Có thể tìm thấy THC hay chất chuyển hóa bằng cách thử máu hay nước miếng trong vòng hai ngày sau, nhưng nhiều tuần sau đó vẫn có thể phát hiện bằng việc thử nước tiểu.

Luật lệ về cần sa khác nhau tùy theo từng quốc gia nhưng hầu hết đề coi việc sản xuất, sở hữu, buôn bán cần sa là bất hợp pháp. Nhưng chính những cấm đoán khiến cho cần sa trở thành một loại ma túy có giá trị và từ đó phát sinh buôn lậu cùng những tổ chức ma túy. Những người bênh vực cần sa lập luận rằng nếu được hợp pháp hóa, cần sa sẽ mất giá, và tự nhiên các tổ chức ma túy sẽ không còn nữa trong khi các nỗ lực tiêu trừ cho đến nay chứng tỏ là ít kết quả và không bao giờ thể dứt điểm được. Uruguay là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho mở thị trường cần sa công khai.

Các khoa học gia đều đồng ý cần sa có tác động đến tâm thần kể cả tính chất gây nghiện nên có thể coi là một loại ma túy. Tuy nhiên mọi người có quan niệm khác nhau về lợi ích và tác hại của nó.  Vì vậy kể từ khi cần sa bị chính thức coi là bất hợp pháp ở Hoa Kỳ năm 1937, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng. Một thăm dò của Gallup năm 2011 nói rằng 50% dân Mỹ tán thành hợp pháp hóa cần sa và Rhode Island là tiểu bang mà dân chúng có tỷ lệ sử dụng cần sa cao nhất.

Trong tất cả tình hình ấy, năm 2014 có thể là một năm sẽ có nhiều biến đổi ở Hoa Kỳ về loại ma túy này.  (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats