Friday 10 January 2014

BIỂN ĐÔNG : PHILIPPINES, VIỆT NAM, HOA KỲ PHẢN ĐỐI QUY ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG QUỐC VỀ ĐÁNH CÁ (Thanh Phương - RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ sáu 10 Tháng Giêng 2014

Hôm nay, 10/01/2014, Philippines, Việt Nam và hôm qua Hoa Kỳ đã lên án các quy định mới của Bắc Kinh buộc các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương Trung Quốc khi hoạt động ở phần lớn vùng Biển Đông. Các quy định nói trên đã được thông qua từ năm ngoái và đã bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã yêu cầu phía Trung Quốc ngay lập tức làm rõ những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam vừa đưa ra. Đối với Manila, luật mới này củng cố đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên phần lớn vùng Biển Đông, còn được gọi là bản đồ đường lưỡi bò, nằm lấn sang lãnh hải của Việt Nam và Philippines.

Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành động nói trên của Trung Quốc là một sự « vi phạm thô bạo » công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, theo Manila, luật mới của Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và tự do đánh cá của tất cả các quốc gia trên vùng biển sâu, như quy định của Công ước LHQ về Luật biển ( UNCLOS ).

 Về phần Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm nay cũng đã phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, cũng như phản đối thông báo ngày 24/12/2013 của Trung Quốc về thời gian nghỉ đánh bắt cá tại một số khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

 Theo ông Lương Thanh Nghị những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là « bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ».

Theo tin báo chí trong nước hôm nay, Hội Nghề cá Việt Nam cũng vừa có văn bản phản đối việc Trung Quốc cản trở ngư dân đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Chủ tịch Trung ương Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng nói : « Trước đây, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa (vào tháng 1/1974). Sự việc lần này thể hiện rõ ý đồ hợp lý hóa việc xâm lược trước đây của Trung Quốc và đây là ý đồ lâu dài cho việc tiếp tục mở rộng xâm lược vùng biển của Việt Nam. »

Còn Hoa Kỳ hôm qua cũng đã lên án những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông là « mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng ». Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, luật mới này làm nhằm khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn vùng Biển Đông, mà Bắc Kinh không hề đưa ra giải thích nào, cũng như không dựa trên pháp lý quốc tế nào. Bắc Kinh hôm nay, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, đã bác bỏ lời chỉ trích nói trên của Mỹ.

 Theo hãng tin AP, chính quyền “thành phố Tam Sa” ngày 01/01 vừa qua đã mở một cuộc diễn tập huy động 14 tàu và 190 người thuộc nhiều lực lượng, với kịch bản là ngăn chận những hoạt động đánh cá « trái phép ».

---------------------------------------


Trọng Nghĩa   -  RFI
Thứ sáu 10 Tháng Giêng 2014

Đúng như dự đoán, yêu sách của Trung Quốc buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào đánh bắt ở Biển Đông đã bị Hoa Kỳ nhanh chóng đả kích. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 09/01/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, đã không ngần ngại gọi đấy là một hành vi « khiêu khích » và hàm chứa nhiều mối « nguy hiểm ».
Theo bà Jen Psaki, động thái của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng tại vùng Biển Đông, nơi đã xẩy ra một số vụ đụng độ nhỏ trong những năm gần đây. Đối với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ : « Việc đưa ra các hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá của các nước khác tại những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông là một hành động khiêu khích và chứa đựng nguy hiểm tiềm tàng ».
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn như trên trong phản ứng liên quan đến sự kiện từ ngày 01/01/2014, tỉnh Hải Nam bắt đầu áp dụng các quy định thông qua hồi tháng 11 năm ngoái, yêu cầu mọi tàu cá hay khảo sát của nước ngoài phải xin phép chính quyền Trung Quốc trước khi tiến vào hoạt động ở Biển Đông, khu vực nằm dưới quyền quản lý hành chính của Hải Nam.
Điều đáng quan ngại, đối với phía Mỹ, là các quy định kể trên « dường như được áp dụng cho khu vực biển nằm bên trong cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc ». Vấn đề, theo bà Psaki, là cho đến nay « Trung Quốc chưa đưa ra được bất kỳ lời giải thích nào hay cơ sở nào theo luật lệ quốc tế, để chứng minh các yêu sách chủ quyền rộng khắp đó ».
Một nguyên do khác khiến Mỹ thêm quan ngại là tính chất đơn phương trong quyết định của Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại rằng lập trường xuyên suốt của Washington là « tất cả các bên liên quan cần tránh các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và cản trở triển vọng giải quyết các bất đồng thông qua con đường ngoại giao hay bằng biện pháp hòa bình khác ».
Do đó, theo bà Psaki, việc Trung Quốc thông qua luật lệ đòi hỏi chủ quyền trên một vùng đang tranh chấp hiển nhiên là một mối quan ngại đối với Hoa Kỳ.
 
------------------------------------

Trọng Nghĩa  -  RFI
Thứ năm 09 Tháng Giêng 2014

Sự kiện chính quyền tỉnh Hải Nam âm thầm biến khu vực bên trong đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông thành nơi có thể gọi là « vùng cấm tàu cá nước ngoài », đã bị giới phân tích đánh giá là phi pháp, có nguy cơ làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Theo một số quan sát viên, quy định mới này chủ yếu nhắm vào hai đối tượng : Việt Nam và Philippines, hai nước ở tuyến đầu trong cuộc tranh chấp chủ quyền mà Trung Quốc đòi hỏi trên Biển Đông.

Theo trang mạng Washington Free Beacon, đã loan tin rất sớm (ngày 07/01/2014) về quy định này, đây là lần đầu tiên mà Trung Quốc luật hóa một cách rõ ràng đòi hỏi chủ quyền của họ trên vùng Biển Đông đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei…

Nhiều nhà phân tích, theo trang mạng nói trên, nhận định rằng động thái Trung Quốc sẽ làm dấy lên những căng thẳng mới trong khu vực. Chuyên gia về Trung Quốc John Tkacik, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, thẩm định : « Đây là một diễn biến thực sự có ý nghĩa, nhưng không phải là bất ngờ ».

Theo chuyên gia này, quyết định của tỉnh Hải Nam nằm trong chiến lược từng bước xiết chặt quyền kiểm soát của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, mà bước trước đây chính là việc công khai hóa tấm bản đồ hình lưỡi bò rất mơ hồ về mặt pháp lý. Biện pháp cấp tỉnh vừa được ban hành, theo ông Tkacik, có thể là một quả bóng nhằm thăm dò phản ứng của khu vực và quốc tế.

Đối với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, quyết định của chính quyền tỉnh Hải Nam có thể được coi là « một hành động leo thang quan trọng của Trung Quốc trong việc áp đặt quyền tài phán của họ trên các vùng mà họ đòi chủ quyền của họ ở Biển Đông », có mục tiêu hợp pháp hóa một loạt những vụ chặn bắt, bắn phá, tịch thu tài sản, bắt nộp phạt mà Trung Quốc đã tiến hành từ trước đây đối với ngư dân Việt Nam và Philippines.

Theo Giáo sư Thayer, chỗ yếu trong các quy định mới của Trung Quốc chính là tính chất pháp lý. Nếu Trung Quốc thực hiện công việc mà họ gọi là thực thi luật pháp trong vùng hải phận quốc tế ở Biển Đông, thì các hành vi đó sẽ bị đồng hóa với hoạt động cướp biển do một Nhà nước tiến hành.

Một số chuyên gia đã ghi nhận tính chất bao quát của khu vực nơi Trung Quốc áp dụng các quy định mới. Phải chăng là đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới không phải là mọi nước, mà chỉ tập trung vào một số quốc gia ?

Đây chính là ý kiến của ông Lâm Úc Phương (Lin Yu-fang), một dân biểu thuộc Quốc Dân Đảng Đài Loan. Theo nhân vật này, được báo chí Đài Loan trích dẫn hôm 08/01, động thái của Trung Quốc nhắm cụ thể vào Việt Nam và Philippines, vốn bắt đầu tăng cường khả năng quân sự của mình trong khu vực trong những năm gần đây.

Lập luận của dân biểu Đài Loan phải chăng đã được thực tế chứng minh ? Bản tin trên tờ Washington Free Beacon ghi nhận là chỉ mới hôm 03/01, một chiếc tàu tuần tra Trung Quốc đã tấn công một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa . Đối với tờ báo, đây là hành động đầu tiên của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc nhằm áp dụng quy định mới.

Trong những ngày tới đây, tình hình Biển Đông chắc chắn sẽ sôi sục trở lại, vì khó có thể nghĩ rằng các láng giềng của Trung Quốc sẽ răm rắp tuân lệnh của chính quyền tỉnh Hải Nam.


-------------------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats