Lý Thái Hùng
Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ
Cập nhật: 13:44 GMT - thứ năm, 16 tháng 1, 2014
Đánh dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh
chiếm trước sự chiến đấu hào hùng của Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ
ngày 17 đến 19/01/1974, người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng không quên
cảnh giác trước những hành động xâm lấn vô lối mang tính leo thang mới đây của
lãnh đạo Bắc Kinh để có những đối sách phù hợp.
Đầu năm 2014, chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc loan
báo hai quyết định phi lý tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ trên Biển Đông,
bắt buộc tàu đánh cá "nước ngoài" phải xin phép khi vào hoạt động
trong vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là của họ qua đường lưỡi bò chín khúc. Quyết
định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Bắc Kinh còn ngang ngược cho phép lực lượng tuần tra của
họ tịch thu không những tất cả hải sản mà ngư dân đánh bắt được mà còn vơ vét
hết những thiết bị trên tàu và phạt mỗi ngư dân là 500 ngàn nhân dân tệ, tương
đương với hơn 80 ngàn Mỹ Kim.
Những hành động ngang ngược và phi lý của Bắc Kinh nói
trên cho thấy là 40 năm qua, kể từ sau khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trung
Quốc đã không thỏa mãn những gì họ đã và đang cưỡng chiếm mà tiếp tục muốn làm
bá chủ biển Đông.
Nói cách khác, sau 40 năm nhìn lại, Trung Quốc đã cố tình
xâm chiếm Hoàng Sa để làm bàn đạp, gây tranh chấp khắp khu vực, và cuối cùng
buộc các nước phải “xin phép” họ qua lại trên biển Đông. Việt Nam do đó, cần
học hỏi gì từ quá khứ và có hành động thiết thân, phù hợp hiện nay.
'Nhận thức 40 năm trước'
Trước hết, với sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo
Hoàng Sa bốn mươi năm về trước từ tay của Việt Nam Cộng Hòa, qua các tài liệu
về quân sử Việt Nam, cũng như các tài liệu của Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng
hòa, có thể thấy ngay lúc cuộc xâm lược nổ ra, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã
nhận thấy rõ dụng tâm lâu dài của Trung Quốc.
Theo đó, chính quyền Sài Gòn nhận thấy vụ xâm chiếm Hoàng
Sa chỉ là bước đầu trong ý đồ thu tóm biển Đông theo kế hoạch được nhà cầm
quyền Bắc Kinh tính toán từ trước. Nhưng do bối cảnh chính trị phức tạp vào lúc
đó, chính quyền Sài Gòn đã phải cân nhắc giữa hai giải pháp: thương thảo bằng
con đường ngoại giao hay quyết chiếnSau những liên lạc yêu cầu lực lượng Trung
Quốc rút lui không thành công, Việt Nam Cộng Hòa đã chọn con đường quyết chiến
dù lực lượng của Trung Quốc đông gấp bội.
Mặc dù Hoàng Sa bị mất, nhưng ngày 19/01/1974, Việt Nam
Cộng Hòa đã để lại một văn kiện lịch sử qua Tuyên Bố của Bộ ngoại giao Việt Nam
Cộng Hòa vào lúc đó.
"Việc Trung Cộng ngày nay xâm
phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của
Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông
Nam Á và toàn thế giới..." tuyên bố nói.
Và cũng qua nội dung của Tuyên bố, chính quyền Việt Nam
Cộng Hòa khẳng định hai điều: một là Việt Nam có chủ quyền rõ rệt trên quần đảo
Hoàng Sa và Trung Quốc là
'tập đoàn xâm lược'.
Hai là việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa đã mở đầu một
hiểm họa đe dọa nền hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Rất tiếc là những cảnh báo của chính quyền Việt Nam Cộng
Hòa lúc đó đã không được thế giới quan tâm.
Cuộc hải chiến hào hùng cũng đã bị chôn vùi kể từ sau
ngày 30/4/1975 và trong thời gian dài không hề được nhắc đến chính thức dưới
chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngay cả trong nhiều sách giáo khoa
của học trò phổ thông.
Nhiều người từng tham dự vào cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa
còn bị tù cải tạo, nhiều thân nhân của những sĩ quan và binh sĩ hải quân Việt
Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến này đã phải sống dưới chính sách kỳ thị
như mọi nạn nhân khác có thân nhân là "ngụy quân ngụy quyền".
Rất may là Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn còn
tưởng nhớ đến công ơn của những anh hùng hải quân đã vị quốc vong thân để bảo
vệ Hoàng Sa.
Những buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức rất trang nghiêm
vào mỗi dịp đầu năm suốt từ 1975 đến nay.
Chính những buổi lễ này đã góp phần hun đúc ý chí và tinh
thần bảo vệ bờ cõi, làm bừng lên ngọn lửa yêu nước của người Việt Nam trước làn
sóng xâm chiếm của Trung Quốc trên biển Đông ngày nay.
'Chính sách thiếu nhất quán'
Đánh dấu 40 năm tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm
nay, chính quyền Hà Nội đã có một số động thái đáng chú ý.
Thứ nhất là cho phép một số báo, đài truyền hình đề cập
khá chi tiết và liên tục nhiều kỳ về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Họ đã
phỏng vấn và giới thiệu nhiều hồ sơ cũ của Việt Nam Cộng Hòa ghi lại các chuẩn
bị và diễn tiến của trận hải chiến.
Đây là một quyết định tuy quá trễ, nhưng ít ra bây giờ
nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thấy rằng việc trình bày cho hậu thế hiểu rõ
diễn tiến của một cuộc chiến bảo vệ hải đảo trước ý đồ xâm lấn và bành trướng
của Trung Quốc đã là điều cần thiết.
Không dám nói lên sự thật và không dựa vào trận hải chiến
hào hùng này, sẽ không có cơ sở vững chắc để thuyết phục thế giới đứng về phía
Việt Nam chống lại các ý đồ của Trung Quốc hiện nay.
Thứ hai là ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cộng
sản Việt Nam, đã tuyên bố rằng sẽ đưa vấn đề Hoàng sa và Trường sa vào sách
giáo khoa, cũng như tổ chức lớn tưởng niệm 40 năm Hoàng sa và 35 năm cuộc chiến
biên giới phía Bắc.
Đây cũng là một quyết định quá trễ và dường như mang âm
hưởng của một sự “thăm dò” vì phát biểu này sau đó đã bị kéo xuống khỏi các
trang mạng do những e ngại “ngoại giao”.
Rõ ràng là có sự thiếu nhất quán trong nội bộ lãnh đạo
Cộng sản Việt Nam về các phản ứng liên quan đến những vấn đề lịch sử đối với
Trung Quốc. Khi lãnh đạo còn e ngại và muốn tránh né đề cập một sự thật của
lịch sử, thì rất khó thuyết phục người dân về thực tâm bảo vệ đất nước của giới
lãnh đạo hiện thời trong quan hệ với Trung Quốc.
Vấn đề còn lại là nhà cầm quyền CSVN không nên và không
còn có thể tiếp tục hành xử kiểu nửa nạc, nửa mỡ hay tiếp tục đóng kịch chỉ
khoác áo dân tộc như hiện nay nữa về toàn cảnh vấn đề biển Đông.
Lý do là lối hành xử nửa vời này không những có hại mà
còn gây cản trở cho nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo, lãnh thổ của dân tộc.
'Ba việc cần làm '
Nhân tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa, thiết nghĩ lãnh đạo Cộng
sản Việt Nam cần mạnh dạn làm ba việc.
Thứ nhất, Chính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm do cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm
1958.
Việc hủy bỏ Công hàm cùng với việc quảng bá Tuyên Cáo của
Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 14 tháng 2 năm 1974, xác định “quần đảo Hoàng
sa và Trường sa là những phần bất khả phân lìa của lãnh thổ Việt Nam”, sẽ giúp
Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để kiện Bắc Kinh ra toà án Liên Hiệp Quốc như Phi
Luật Tân đang làm.
Nếu vụ kiện xảy ra, chắc chắn là ngư dân Việt Nam không
cần phải “xin phép” đánh cá trên vùng biển truyền thống lâu đời của mình như
Trung Quốc đang ra lệnh.
Thứ nhì, chính thức vinh danh những người chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy
sinh trong trận hải chiến Hoàng sa, và thiết lập một ngân quỹ để giúp đỡ cho
thân nhân, con cháu của những người đã vị quốc vong thân.
Nỗ lực này còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là người
dân Việt Nam bất kể thế hệ nào đều phải ghi nhớ trận hải chiến hào hùng của dân
tộc, đặc biệt là chiến tích này đang gắn liền với công cuộc bảo vệ bờ cõi hiện
nay trước tai họa xâm lăng từ Trung Quốc.
Thứ ba, để cho người dân tự do lập ra những nhóm, hội đoàn dưới nhiều hình thức
như nghiên cứu pháp lý, thu thập tài liệu lịch sử, gây quỹ, vận động quốc
tế.... để đóng góp vào công cuộc bảo vệ biển đảo.
Đây là công việc lâu dài, trải qua nhiều thế hệ nên việc
xã hội hóa các nỗ lực bảo vệ biển đảo phải để cho người dân tham gia. Hơn thế
nữa, đây là thời đại của mạng xã hội, việc liên kết các cá nhân có cùng quan
tâm và dùng nó như một sức mạnh áp đảo để buộc đối phương phải ngưng những ý đồ
xâm phạm, trở thành phương tiện tranh thủ rất hòa bình và hiệu quả.
'Đáp lời sông núi'
Bốn mươi năm là khoảnh thời gian rất ngắn trong chiều dài
lịch sử. Nhưng 40 năm ý nghĩa của trận hải chiến bảo vệ biển đảo – dù Việt Nam
Cộng Hòa không còn nữa – đã ghi khắc vào lòng người Việt Nam một quyết định
lịch sử: quyết chiến bảo vệ tổ quốc dù đối phương mạnh hơn mình gấp bội.
Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ
quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ
Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người
đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi.
Sự kiện một số nhà dân chủ, một số nhà hoạt động mạng tổ
chức các buổi hội thảo về Hoàng Sa, thăm viếng và ủy lạo cho những thân nhân
các chiến sĩ hải quân đã hy sinh là một nỗ lực đáng ca ngợi.
Chính tinh thần này đã đánh thức mọi người cùng nhau nhìn
về biển Đông, trước hết là làm sao bảo vệ ngư dân Việt có thể tự do và an toàn
đánh bắt hải sản trước lệnh phải “xin phép” ngược đời của Trung Quốc tung ra
hiện nay.
Song song, cần tranh thủ hậu thuẫn của thế giới và các
quốc gia láng giềng chống lại ý đồ bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Nếu chúng ta cùng tưởng niệm 40 Năm Hoàng Sa trong tinh
thần đó, anh linh của 74 người con yêu nước Việt khoác áo Hải quân Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể mỉm cười yên giấc.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của ông Lý
Thái Hùng, Tổng thư ký Đảng Việt Tân có trụ sở tại Hoa Kỳ.
--------------------------------------
XEM THÊM :
Tháng Một 17, 2014 — Lê Mai
No comments:
Post a Comment