Nguyễn Trung Chính
Posted by diendanxahoidansu on 06/01/2014
Độc lập rồi, tự do đâu?
Từ ngày 01/01/2014, “LUẬT SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CƯ TRÚ” đã có hiệu lực mà nội dung quan trọng
vẫn là quy định các hành vi bị nghiêm cấm, siết nhập cư vào thành phố lớn và để
cho ngành công an dễ bề quản lý hộ khẩu.
Trong một phiên thảo luận về dự
thảo trước đó, nêu lên khúc mắc của một số điểm liên quan đến “cấm, cắt, xóa”
tại dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không được dùng
luật này làm căn cứ để cấm người dân việc này, việc kia. Ông Hùng nói “Tôi
là dân Việt Nam, tôi muốn ở đâu trên đất Việt Nam thì tôi ở, tôi không đăng ký
hộ khẩu tôi vẫn ở thì anh có cấm được tôi không? Lẽ ra anh phải khuyến khích
tôi đăng ký cho anh quản lý thì anh lại cấm đoán“.
Thế nhưng, ngày 20 tháng 6 năm
2013 ông Nguyễn Sinh Hùng vẫn đặt bút ký LUẬT ”cấm, cắt,
xóa” này. Chỉ vì Đảng đã quyết định như thế! (Trong bài này, tôi dùng từ Đảng
viết hoa để rút gọn “đảng cộng sản Việt Nam” cho khỏi tốn mực, chứ không có
nghĩa tôn sùng thần thánh hóa một công cụ đã thoái hóa, lỗi thời).
Luật này hoàn toàn trái với
Hiến pháp về quy định đảm bảo quyền tự do cư trú cho người dân. Nhưng ở một đất
nước độc tài định hướng XHCN, khi Đảng quyết định thì Hiến pháp phải lùi, bất
chấp NHÂN DÂN được viết hoa hay viết thường.
Khi ông Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng nói “Tôi là dân Việt Nam, tôi muốn ở đâu trên đất
Việt Nam thì tôi ở…” có lẽ trong thâm tâm ông đã le lói ý niệm Tự Do, hoặc
giả là ông vừa thấm nhuần lời nói của ông Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự
do“, lại cũng có khả năng là ông Nguyễn và ông Hồ cùng mị dân vì
Đảng từ ngày thành lập đến nay vẫn loanh quanh chống đỡ khi phải đối mặt với
quyền tự do thiêng liêng của con người trên đất nước của mình.
Chỉ cần nhìn vào các nước tự do
ở quanh ta, chẳng hạn Singapore, Hàn Quốc chỉ cách 1 đến 2 giờ bay, ở đó người
dân muốn ở đâu thì ở, không cần phải xin phép, “khai báo hộ khẩu” cho bất kỳ cơ
quan nhà nước nào. Anh có việc làm ở một thành phố X nào đó thì anh cứ đến đó
mà ở, anh thuê nhà, mua nhà, ở đậu nhà bà con bạn bè, hoặc ở tạm khách sạn,
chẳng cần “xin phép”, “khai báo” cho ai. Ở các nước tự do không có khái niệm
“hộ khẩu” vì chính quyền không cần kiểm soát nhân dân.
Ở Việt Nam, dù với LUẬT CƯ TRÚ,
hiện vẫn có 20.000 tội phạm lẩn trốn, đó là do nghiệp vụ Công an kém cỏi, hoặc
do tham nhũng che giấu tội phạm mà trường hợp lẩn trốn của Dương Chí Dũng qua đường dây Công
an Hải Phòng là một thí dụ. Nhưng không thể vì con số 20.000 tội phạm lẩn trốn
mà 90 triệu dân Việt Nam phải bị mất tự do trong việc cư trú trên đất nước của
mình.
Bất cứ đảng độc tài nào cũng
cần kiểm soát dân do biết rằng họ không có lòng dân. Để kiểm soát dân, một bộ
máy kềm kẹp khổng lồ, tốn kém là không thể tránh khỏi. Ngoài những ông tai to
mặt lớn sống không nhờ vào đồng “lương” mà chủ yếu nhờ vào “lậu”, NHÂN
DÂN còn phải nuôi thêm biết bao ông tai nhỏ mặt nhỏ khác để kiểm soát mình. Hãy
xem hệ số gọi là “phụ cấp” của Chính quyền dưới đây:
- Bí thư chi bộ đảng (khu dân
cư), bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận tại thôn: Hệ
số phụ cấp 0,60.
- Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng
ban công tác Mặt trận tại tổ dân phố: Hệ số phụ cấp 0,50.
- Phó bí thư chi bộ đảng (khu
dân cư), phó trưởng ban công tác Mặt trận tại tổ dân phố (bố trí nơi ban công
tác Mặt trận phụ trách từ 03 tổ dân phố trở lên) và chi hội trưởng: Hội Liên
hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và bí thư chi Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh theo địa bàn chi bộ Đảng: Hệ số phụ cấp 0,32; các chức
danh trên tại thôn và phó trưởng thôn hệ số phụ cấp 0,40.
- Công an viên ở thôn: Hệ số
phụ cấp 0,56.
- Dư luận viên ?
(Các hệ số phụ cấp tính trên
mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định)
Chúng ta có thể kết luận không sợ sai lầm rằng: Nhân dân khát Tự do
và đòi quyền Tự do.
Vì không có Tự do sẽ làm cho
con người bị trói buộc ngay trên đất nước của mình, không có Tự do sẽ không có
được một NHÂN DÂN hồ hởi để làm cho dân giàu nước mạnh, không có Tự do sẽ gây
ra tốn kém tiền của quốc gia không cần thiết cho việc phát triển đất nước,
không có Tự do chỉ giúp ích cho Đảng ôm lấy cái ngai vàng quyền lực, bất luận
tiền đồ đất nước. Và khi Đảng có ngai vàng thì tiền của dân là tiền của Đảng,
chẳng lạ gì mà tham nhũng cứ nhởn nhơ đút tiền của Đảng mình vào túi riêng, dù
có vạn lần Nghị quyết TƯ 4 cũng chẳng ngăn chặn được.
“Người cày có ruộng“ và mất ruộng
như thế nào
Trước kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã đưa ra khẩu hiệu “Người cày có ruộng” để huy động nông dân kháng
chiến. Tuy nhiên khi mới giành lại được nửa nước và dựa lưng được vào phe cộng
sản anh em, ông Hồ đã đoạt
lại ruộng đất trong tay người cày để đem vào hợp tác xã, vào lâm trường,
người cày bị buộc làm công để gánh nuôi thêm trên lưng bao nhiêu cán bộ
lãnh đạo, lãnh đạo chỉ biết lao động bằng lưỡi, bằng răng, bằng bộ máy đàn áp.
Cho đến năm 1986, hợp tác xã,
lâm trường đã hoàn toàn thất bại do không ai muốn hăng hái trong cái việc cha
chung không ai khóc này. Hợp tác xã, lâm trường thất bại nhưng đất đai gộp
chung đã được rã ra như thế nào?
Hãy xem trường hợp ông
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung (biệt danh Chín Cung):
Theo phóng viên báo Kinh doanh
& Pháp luật, từ năm 1978 đến nay, ông Lê Thanh Cung từ cán bộ thường trực
Phòng Kế hoạch huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé, được thăng chức dần cho đến nay là
Chủ tịch tỉnh Bình Dương( tên mới của tỉnh Sông Bé).
Phần đất mà Chín Cung đang xử
dụng trước đây có nguồn gốc từ lâm trường Long Nguyên, khi lâm trường giải thể,
không hiểu vì sao lúc ấy Chín Cung được “cấp” đến 130 hecta đất rừng cao su của
lâm trường Long Nguyên thuộc Ấp 8 (nay là Ấp Bến Sắn), xã Long Nguyên. Những
người khác, từ cán bộ văn phòng UBND đến Trưởng Ấp cũng được “cấp” 2-3 hecta.
Thế là từ năm 1978 đến nay, ông
Lê Thanh Cung từ là người vô sản, không có một tấc đất, nay đã có trong tay 130
hecta đất, tức là phải có người khác mất đất để cho ông được đất. Đây là một
thí dụ cho thấy vì sao người cày mất đất, mất ruộng.
Đối với người dân nói chung và
nông dân nói riêng, quyền sở hữu ruộng đất đã có từ thời xa xưa và họ vô cùng
gắn kết với nó. Họ cùng cha ông đã đổ mồ hôi sôi nước mắt khai phá để có được
đất canh tác, đời nọ đến đời kia họ đã gắn liền thân xác vào những mảnh đất
này. Họ làm chủ và quản lý mảnh đất của họ. Đùng một cái Đảng ra lịnh đất đai
thuộc sở hữu “toàn dân” nhưng do nhà nước, tức là Đảng, quản lý. Cày cuốc không
thể chống lại súng đạn xe tăng nên họ phải cam chịu mất tất cả, chỉ còn giữ được
hai chữ “toàn dân” không màu không mỡ!
Từ vài năm nay, khi Đảng đã suy
yếu thì bắt đầu có sự trổi dậy của người dân, từ vụ Thái Bình đến vụ Đoàn Văn
Vươn, rồi đến Văn Giang cùng nhiều nơi khác, người dân ngày càng mạnh dạn chống
lại việc cướp đất của Đảng, bắt đầu từ khiếu kiện cá nhân đến liên kết và đã
xảy ra bạo động.
Một hình thức khác là trả lại
ruộng đất vì khi Đảng quản lý, nông dân lại phải trả thêm lương cho các ông
quản lý. Làm ăn đã khó khăn nay lại phải cõng trên lưng thêm các ông quản lý
bất nhân bất nghĩa này thì tiếp tục làm làm gì. Trả đất là trả lại cái từ “toàn
dân” hoặc “NHÂN DÂN” viết hoa cho Đảng và cam chịu trắng tay không còn đất cắm
dùi. Chỉ riêng Thanh Hóa, có đến 10.578 hộ nông dân bỏ ruộng, trả ruộng trong
năm qua.
Đảng làm vua, còn hơn vua, hơn
cả thực dân, cứ việc tiếp tục cướp hết đất đi, cuối cùng NHÂN DÂN chỉ còn cái
mạng của họ để nói chuyện với Đảng.
“Tàu khựa cút đi”
Giả dụ như ở Biển Đông, bá
quyền Trung Quốc hiền lành hơn một chút để nói với Đảng rằng biển đảo là của
Đảng nhưng do Trung Quốc quản lý thì do sự hèn nhát, được che đậy dưới các mỹ
từ “tình đồng chí”, “vì đại cục” chắc Đảng cũng không lấy gì làm điều.
Nhưng bọn “Tàu khựa”, chữ
của sinh viên Phương Uyên, lại khinh khỉnh hơn nhiều.
“Tàu khựa” bắt đầu
chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực từ tay Việt Nam Cộng Hòa, lúc đó, cách đây 40 năm,
Đảng không có một tiếng phản đối, lại còn thậm thụt với nhau rằng Hoàng Sa là
của ta nhưng tạm thời để cho các đồng chí Trung Quốc quản lý hộ.
Năm 1979 “Tàu khựa” tiến
đánh biên giới Phía Bắc, đặc biệt tàn phá Lạng Sơn, năm 1988 “Tàu
khựa” đánh chiếm đảo Gạc Ma, hai lần này đánh chiếm này không ít
chiến sĩ quân đội nhân dân đã dũng cảm hy sinh, nhưng Đảng vẫn cấm nhân dân và
quân đội tổ chức kỷ niệm những dấu mốc đau thương này để mọi người nhớ rằng
hiểm họa bành trướng “Tàu khựa” luôn là mối đe dọa cho dân tộc ta, mặc
cho “Tàu khựa” đánh trống thổi kèn kỷ niệm hàng năm để cho chúng nó
không quên là có vùng đất hèn yếu phương Nam có thể chiếm được bằng vũ lực,
bằng mua chuộc sự thuần phục của lãnh đạo và nhất là bằng kinh tế.
Sau đó “Tàu khựa”
mượn bãi đá Vành Khăn ở Trường Sa để đặt đài nghiên cứu khí tượng, Đảng vui vẻ
chấp nhận vì “tình đồng chí”, vì “đại cục”, bây giờ trở thành đảo
của nó, nó đuổi các tàu quân sự Việt Nam ngấp nghé đến gần.
Bãi đá Vành Khăn với cờ Trung
Quốc hiện nay
Ở Vịnh Bắc bộ, “Tàu khựa”
dụ lãnh đạo ta lập “vùng cùng khai thác”, sau đó khi tàu cá của ngư dân Việt
Nam vào đánh cá thì nó bắn, đâm tàu, bắt ngư dân, đòi tiền chuộc…Biện pháp của
Đảng là khuyên ngư dân đừng vào những vùng “nhạy cảm”. “Vùng cùng khai thác” ở
vịnh Bắc bộ nay hiển nhiên trở thành ao nhà do “Tàu khựa” quản lý,
nói trắng ra là đã bị chiếm cứ.
Trước kia, học sinh ở miền Nam,
thời còn bị gọi là “Ngụy”, đều học nằm lòng: “Việt Nam hình cong chữ S kéo
dài từ Ải Nam Quan, đến Mũi Cà Mau” thì nay với hiệp định biên giới trên bộ
do Đảng ký với “Tàu khựa”, chúng ta phải ngậm ngùi sửa lại thành
“Việt Nam hình cong chữ S kéo dài từ Ải Nam Quan trừ 400m, đến Mũi Cà Mau“.
Đảng lùi và buộc đất nước của tổ tiên phải lùi vì “đại cục” với “Tàu
khựa”.
Chắc chắn rằng vì đụng đến “Tàu
khựa” mà sinh viên Phương Uyên 21 tuổi, bị án treo, bị quản chế, bị đuổi
học, không được ghi tên vào các trường đại học khác do không được ra khỏi nơi
bị quản chế. Chẳng lẽ Đảng ác và trả thù, chặn hết đường ăn học một sinh viên
trẻ của dân tộc mình như thế khi Đảng luôn tự nhận mình là “Đạo Đức”, là “Dân
Tộc”? Phải chăng vì “Đại cục” Đảng lại giao luôn sinh viên Phương Uyên
cho “Tàu khựa” quản lý nên nó mới ác với người mình như thế?
Nhưng Đảng không phải là dân,
tôi được biết hiện có sẵn một quỹ của những người không chịu cúi đầu để cho bọn
“Tàu khựa” độc ác với Phương Uyên. Quỹ này sẽ giúp Phương Uyên
vượt rào cản ba năm quản chế để trở thành một trí thức thực sự. Phương Uyên
xứng đáng để thành công.
Đảng chỉ là một công cụ, thần thánh hoá nó
là vô nghĩa
Đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đọc thông điệp đòi đổi mới thể chế, thực hiện dân chủ sâu rộng và xây
dựng Nhà nước pháp quyền. Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình
đẳng theo cơ chế thị trường (không nói đến định hướng gì cả); kiểm soát chặt
chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến
bất bình đẳng trong cạnh tranh.
Nhưng ông lại kết luận: xây
dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thế là vẫn lòi ra cái đuôi ”định
hướng xã hội chủ nghĩa” mà cả một Hội đồng Lý luận Trung Ương đến nay
chưa dám định nghĩa. Chưa dám định nghĩa công khai chứ không phải không biết,
vì định nghĩa ra thì tự thú tội vẫn đem rào cản “định hướng xã hội chủ
nghĩa” để tiếp tục kềm hãm sự phát triển kinh tế, tự do, dân chủ của
đất nước. Sự kềm hãm này sẽ có lợi cho ai, cho anh láng giềng nào?
Ai cũng biết rằng Thông điệp
đầu năm của Thủ tướng chỉ thực hiện được khi toàn bộ máy chính trị, trong đó
Đảng làm đầu tàu, phải đồng thời vào cuộc.
Nhưng hiện nay, tình hình của
Đảng, cụ thể là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ, không thống nhất.
Cụ thể là từ vụ từ chối kỷ luật
đồng chí X đến vụ từ chối bầu vào Bộ chính trị hai Ủy viên nắm Ban Nội
chính và ban Kinh tế TƯ do Bộ chính trị đề cử, đánh dấu một bước ngoặc: từ nay
về sau “Nhóm lợi ích” và “Bảo vệ bằng được chế độ” hiện nay là chủ yếu. Còn chủ
nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chống tham nhũng, phải lui về đằng
sau. Tuy buộc phải có một số hành động bề mặt về chống tham nhũng để giảm bớt
sự phẫn nộ của dân chúng, nhưng biết thừa rằng số hành động bề mặt này không
giải quyết được tham nhũng.
Đó là chưa nói việc gần đây,
Thủ tướng ủng hộ đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào sách giáo khoa, Thủ tướng cho
biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung
Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm
1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tuy nhiên thông tin này đã bị
“cấp trên” ra lịnh miệng phải tháo gỡ những nơi đồng loạt đưa tin là các báo
nhà nước như Dân Trí, VietNamNet, Báo Mới, anninhhaiphong.net, tinhay.vn…
“Cấp trên” nào cao hơn ông Thủ
tướng đã ra lịnh tháo gỡ các nội dung này nếu không phải đến từ lãnh đạo cao
nhất của Đảng? Còn nếu đến từ chính bản thân ông Thủ tướng, như một số người
nghi ngờ là đòn tiểu xảo như vụ ông đề nghị Quốc hội phải có “luật biểu tình“,
là ông Thủ tướng chơi khăm, ném đá giấu tay.
Với một tình hình như vậy, làm
sao huy động được toàn hệ thống chính trị vào cuộc để đổi mới thể chế, đưa đất
nước phát triển?
Ông Thủ tướng có chơi khăm
không? Trước nhân dân ông nói rồi là ông có tư tưởng tiến bộ đó, nhưng nếu thực
hiện được, điều này ai cũng mong muốn, thì ông lấy lại uy tín, còn bị kỳ đà cản
mũi là do Đảng, mà người bị chĩa mũi dùi sẽ lại chính là ông TBT Đảng.
Việc Thủ tướng lòi cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” phải chăng chỉ
để đẹp lòng cho phải đạo ông TBT Đảng, đồng thời nhắc lại rằng ông TBT Đảng là
cấp trên của ông, nếu không huy động được toàn bộ máy chính trị vào cuộc thì
lỗi của cấp trên chứ không phải nơi ông. Khăm!
Ai cũng biết rằng lịch sử Đảng
là một lịch sử với nhiều ngụy tạo, hư cấu. Gần đây nhất, anh Phạm Chí Dũng
tuyên bố “Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm
thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình: Tôi chính
thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó là anh làm đơn ra đảng. Thế
nhưng, thay vì chấp nhận đơn ra đảng của anh, Đảng Uỷ Khối Dân Chính Đảng TP
HCM tuyên bố khai trừ anh Phạm Chí Dũng. Sẽ viết vào lịch sử Đảng là anh Phạm
Chí Dũng bị khai trừ mà ai cũng biết rằng chính anh từ bỏ Đảng. Đây sẽ là thêm
một ngụy tạo lịch sử Đảng công khai, trắng trợn.
Theo tôi, ai đã hết sức mình để
làm cho Đảng trở về với nhân dân mà không có kết quả, và không thấy ánh sáng
nào ở cuối đường hầm thì bỏ đảng là điều tất yếu, một quyết định công khai rất
đáng khâm phục. Tuy nhiên, những ai còn ở lại trong Đảng cũng có vị trí đấu
tranh của mình: phải “nắm thắt lưng” Đảng mà đấu tranh, phải tạo ra “vùng
xôi đậu” trong Đảng mà đấu tranh.
Cho đến nay có lẽ đã có nhiều
đảng viên tâm huyết góp ý với Đảng nhưng vì không dám phạm điều lệ Đảng mà góp
ý công khai cho bàn dân thiên hạ đều biết, nên những ý kiến đều bị vứt vào sọt
rác, không có trả lời. Điều lệ Đảng là Cách để Đảng im lìm dẹp những ý
kiến phản biện, người này người nọ cứ tưởng như trời đang yên, biển đang lặng
trong Đảng. Xin đừng mắc bẫy . Chính Ông Trương Tấn Sang đã đến gặp Thiếu tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh yêu cầu ông không đưa ý kiến ra ngoài chứng tỏ Đảng sợ đảng
viên, quần chúng biết những ý kiến phản biện mà Đảng ém nhẹm. Viết đến đây tôi
xin gửi sự khâm phục cá nhân đến Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đến cựu Đại sứ
Nguyễn Trung, ông Hoàng Minh Chính và Trung tướng Trần Độ đã quá cố, ông Lê
Hồng Hà, cựu Thứ trưởng Trần Nhơn và nhiều vị cán bộ lão thành khác đã kiên trì
góp ý một cách công khai từ 15 năm nay, hoặc lâu hơn. Những tư tưởng của quý vị
đã động viên, khuyến khích chúng tôi tiếp tục con đường đấu tranh mà có lúc
chúng tôi cảm thấy đơn độc vì không được biết mình có nhiều đồng hành, nhưng vì
không công khai nên đã bị Đảng ém nhẹm.
Vậy “nắm thắt lưng”
Đảng mà đấu tranh là phản biện, phản biện, phản biện và tung lên mạng cho đảng
viên khác, cho nhân dân cùng biết để Đảng khó lòng ém nhẹm thì phản biện mới
tạo được áp lực. Vậy “vùng xôi đậu” trong Đảng là tập hợp với nhau công
khai trong Đảng, trên mạng, đề cùng nhau phản biện tập thể, buộc Đảng phải có
thái độ.
Anh Phạm Chí Dũng khẳng định
rằng: “Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau
đớn thẳng thừng phủ nhận.
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?”
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?”
Tại Viện Nghiên cứu phát triển,
trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, nơi anh Phạm Chí Dũng công tác, chi bộ Đảng
đã quyết định với đa số không đồng ý kỷ luật đồng chí Phạm Chí Dũng. Điều này
chứng tỏ nơi đây phe bảo thủ giáo điều không còn khuynh loát được chi bộ như
trước. Chắc chắn rằng nơi khác cũng có thể như thế.
Đảng chỉ là một công cụ để thực
hiện một lý tưởng. Phải liên tục đấu tranh để nó làm được nhiệm vụ của nó. Nếu
lý tưởng đó là chủ nghĩa Mác Lê và không thấy được thực tế đất nước hiện nay bị
kềm hãm bỡi chủ nghĩa đã lỗi thời này thì thật là một sự u mê. Có thần
thánh hóa cái Đảng như thế chỉ là thần thánh hóa sự u mê, thần thánh hóa
một công cụ để luôn cúi rạp mình trước nó.
Còn nếu lý tưởng đó là vì dân
vì nước thì đã đến lúc phải nói lên như anh Phạm Chí Dũng: “Lời thề trung
thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.”.
Khi đó ra đi cũng tốt mà ở lại
để “nắm thắt lưng” Đảng mà đấu tranh, tạo ra “vùng xôi
đậu” trong Đảng để đấu tranh, nhưng phải công khai, lại càng tốt hơn và mới
hy vọng tránh được bạo loạn mà không ai mong muốn.
05/O1/2014
N.T.C.
No comments:
Post a Comment