BBC
Cập nhật: 16:54 GMT -
thứ bảy, 25 tháng 1, 2014
Quá trình ra quyết định và thực thi chính sách kinh tế vĩ
mô cấp quốc gia của chính phủ Việt Nam trong nhiều năm nay chịu tác động sâu từ
một số tác nhân là các nhóm lợi ích 'tiêu cực, tham nhũng', theo một số quan
sát từ Việt Nam.
Các nhóm này gồm các đại gia,
các nhóm lợi ích thâu tóm nhiều thị trường huyết mạch của nền kinh tế quốc dân,
từ trung ương tới địa phương như thị trường vốn, tài chính, ngân hàng, bất động
sản, đầu tư, xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên thiên nhiên (mỏ, khoáng
sản...), theo các ý kiến đánh giá.
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng,
hôm 23/1/2014, Tiến sỹ Lê
Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM)
nói với BBC các nhóm lợi ích thâu tóm, lũng đoạn hệ thống ngân hàng nhà nước,
đặc biệt là các ngân hàng thương mại, đã là nguyên nhân chính làm 'tắc nghẽn'
nền kinh tế nhiều năm qua.
Ông nói: "Có thể thấy rằng các ngân hàng có thể rất dễ dàng cho các doanh
nghiệp vay mà những thủ tục xem xét tài sản thế chấp, thủ tục xét duyệt thực
thi các dự án là hết sức lỏng lẻo, và rõ ràng đấy là biểu hiện của những lợi
ích nhóm...
"Vấn đề của hệ thống ngân hàng của Việt Nam
là một vấn đề hết sức hệ trọng và là một trong các điểm mấu chốt gây ra sự tắc
nghẽn của nền kinh tế hiện nay, bởi vị số nợ xấu rất lớn."
'Lợi ích nhùng nhằng'
Phân tích về hiện tượng 'sở hữu
chéo' ở nhiều ngân hàng Việt Nam, TS Doanh nói: "Trái
với thông lệ quốc tế và luật pháp ở nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam lại cho
phép các công ty, các tập đoàn được đầu tư vào ngân hàng, rồi các ngân hàng đó
lại lập ra các công ty tài chính, lại đầu tư trở lại với các tập đoàn này,
doanh nghiệp kia,
"Cho nên việc sở hữu chéo như trận đồ bát
quái và hết sức phức tạp. Và trong sở hữu chéo đó, rất có thể là có vốn ảo, tức
là vốn không có thực, anh lấy vốn của người dân gửi vào ngân hàng, rồi anh lấy
tiền đó đầu tư đi, rồi anh bảo rằng đấy là vốn của anh, rồi anh lại quay lại
đầu tư lại."
Hôm thứ Năm, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ
nhiệm Khoa Chính sách Công, Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư cũng khẳng định với BBC, có sự hiện diện của lợi ích nhóm trong các ngân
hàng mà sở hữu chéo là một phương thức thủ lợi.
Ông nói: "Hiện nay, một trong những nhóm lợi ích nổi bật nhất chính là nhóm
lợi ích trong ngân hàng, nhóm lợi ích này thể hiện hai điểm là các ngân hàng
câu kết với các doanh nghiệp mà người ta gọi là sân sau,
"Nó tạo nên những sở hữu chéo rất nhùng
nhằng, nếu đặt vấn đề này ra, tôi nghĩ rằng khi xử Bầu Kiên sẽ rõ dần cái sở
hữu chéo và đây chính là nhóm lợi ích (tác hại) thứ nhất mà ngân hàng đặt
ra."
Chuyên gia chính sách công cũng
chỉ ra sự hiện diện của nhóm lợi ích ở một bộ phận quan chức.
Ông nói: "Nhóm lợi ích thứ hai người ta cho là một số các quan chức cũng
đứng sau các ngân hàng này và nếu như người ta xử triệt để, thì có thể bộc lộ
một số nhân vật quan trọng và đứng sau các ngân hàng,
"Như thế là các nhóm lợi ích này gồm có bên
trong nội bộ sở hữu chéo, có nghĩa là các ngân hàng sân sau gồm có người nhà, họ
hàng, các doanh nghiệp rất thân cận có quan hệ huyết thống hoặc các quan hệ
thân quen làm ăn trong một thời gian; đó là nhóm lợi ích liên quan rất nhùng
nhằng,
"Nhóm lợi ích thứ hai người ta cũng đang đặt
vấn đề là đứng đằng sau các ngân hàng này, đứng đằng sau các sai sót, các vụ án
lớn này, là một số những nhân vật quan trọng có quyền, có chức, và người ta hy
vọng và người ta rất quan tâm đến là liệu lần xử tới liên quan vụ Bầu Kiên và
các vụ xử khác, liệu nó có động đến, làm bộc lộ nhóm lợi ích này ra một phần
nào đây không."
'Biến hóa tinh vi'
Các nhóm lợi ích cũng có những
biến hóa tinh vi khó lường, như khẳng định của Tiến sỹ Nguyễn Quang A với BBC hôm 23/01/2014. Ông
nói:
"Một số chuyên gia nước ngoài đã nói với tôi
cách đây lâu lắm rồi rằng bản thân các doanh nghiệp nhà nước thực sự cũng được
cổ phần hóa, đã được tư nhân hóa lâu rồi, về mặt hình thức, có thể nó vẫn mang
danh là 100% của nhà nước, nhưng nó do người của những nhóm này, nhóm kia điều
khiển.
"Và thực sự những chuyện tham nhũng như xảy
ra ở Vinalines, Vinashin chẳng hạn làm cho những công ty sụp đổ, nhưng bản thân
những người điều khiển, hay những người dính dáng những cái đó có thể kiếm được
rất nhiều tiền.
"Và tiến ấy, họ có thể hợp thức hóa qua các
công ty của người thân, gia đình của họ làm ăn hợp pháp ngay ở Việt Nam, mà
chẳng cần đưa ra mấy thiên đường thuế ở bên ngoài làm gì."
Gần đây, liên quan vấn đề lợi
ích nhóm và tham nhũng nhà nước, hôm 13/1/2014, trả lời phỏng vấn của Thông Tấn
Xã Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng,
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực
hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng Cộng sản.
Ông được trích thuật nói: "Phòng, chống tham nhũng là một yêu
cầu, nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập là theo Nghị quyết Hội
nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương...,
"Tham nhũng như ung nhọt nhức nhối, nhưng
lãng phí cũng rất ghê gớm; lãng phí về của cải, tiền bạc, tài nguyên, thời
gian, công sức... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng ra đời chính
là nhằm phòng, chống cho được tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng cục bộ,
lợi ích nhóm, hư hỏng, suy thoái biến chất trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ
lãnh đạo, quản lý..."
Còn tại một cuộc họp của Ban
Kiểm tra Trung ương Đảng, một cựu quan chức Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng đã
thừa nhận với truyền thông trong nước về vấn nạn khuynh loát của lợi ích nhóm
dẫn tới tham nhũng nhà nước.
"Cái tiêu cực ở thượng tầng diễn biến rất
nguy hiểm và thường móc nối với cán bộ Đảng viên là cán bộ chủ chốt có quyền
quyết định các quyết sách chính trị…”, PGS. TS Đỗ Ngọc Ninh nói với Đài tiếng nói Việt Nam (VOV).
'Tác động rất mạnh'
Một chuyên gia chuyên theo dõi
vấn đề hoạch định, ra quyết định chính sách vĩ mô ở Việt Nam, đặc biệt ở khối
hành pháp, bình luận với BBC cho rằng các nhóm tiêu cực, vụ lợi đã đang có vai
trò và tác động rất mạnh vào chính sách.
Nhà phân tích không muốn tiết lộ danh tính này nói: "Hoạch
định, quyết định và thực thi chính sách vĩ mô của chính phủ Việt Nam không rõ ràng,
tường minh như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới,
"Lãnh đạo có những quyết định thiếu chín
chắn, tùy tiện, khó dự đoán trước. Nhiều nhóm như các nhóm bàn tròn gồm các
quan chức cấp cao vẫn họp thường kỳ chuẩn bị các báo cáo cho Thủ tướng chính phủ
là một nhóm tác động chính sách trực tiếp, đằng sau họ lại có những nhóm lợi
ích gửi tiếng nói vào.
"Một số cựu quan chức cao cấp của nội các
của chính phủ, kể cả một số đại gia, các tập đoàn rất lớn của nước ngoài cũng
có thể có tiếng nói và tác động nhất định vào việc ra chính sách của nội
các."
Theo ý kiến quan sát này thì việc vận động chính
sách và việc các nhóm lợi ích 'đầu tư người' của họ trong các cơ quan nhà nước,
chính phủ không phải là không có ở một số quốc gia trong khu vực và thế giới.
"Tuy nhiên, mức độ tác động quá trắng trợn,
ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích chung của quốc dân, của nền kinh tế, gây
nhiều tổn hại sâu sắc, to lớn và lâu dài cho quốc gia là cực kỳ nghiêm trọng và
khó chấp nhận," chuyên gia này nói với BBC.
Hôm thứ Năm, Tiến sỹ Nguyễn Quang A
cũng nói với BBC mức độ các nhóm lợi ích tác động vào chính sách vĩ mô của
chính phủ và nhà nước ở Việt Nam là hoàn toàn có thể cảm nhận được.
'Đau đầu, đau tim'
Ông nói: "Cái ảnh hưởng của nó đến những chính sách để giữ cho vị thế của
những nhóm như thế là có thể cảm nhận được ở trong các chính sách của, mà tôi
nghĩ một trong những điểm mà tôi nghĩ có thể nhìn thấy tận mắt, có thể day tận
trán, đó là nó ảnh hưởng tới những chuyện như (sửa đổi) Hiến pháp vừa rồi,
"Họ vẫn cứ ghi là 'kinh tế nhà nước giữ vai
trò chủ đạo', tuy rằng người ta có những ông lý luận của nhà nước, đảng cộng
sản, giải thích một rất tù mù về vai trò lãnh đạo hay vai trò hàng đầu của kinh
tế nhà nước. Nhưng các doanh nghiệp nhà nước lợi dụng vào cái đó để kiếm nhiều
đầu tư hơn, kiếm nhiều tín dụng hơn,
"Và cái đó nói cách khác tức là phần nguồn
lực đáng kể của xã hội dồn cho họ, và khi dồn cho họ, họ có cơ hội tham nhũng
hơn. Có thể nói lợi ích kinh tế, cái khuyến khích về mặt tham nhũng ảnh hưởng
đến chính sách, thậm chí những đường lối lớn đến như thế."
Hôm 23/1, nhà báo tự do, TS Phạm Chí Dũng nói
với BBC các nhóm lợi ích vụ lợi, tiêu cực, có thể để lại 'hậu quả nghiêm trọng'
khi gây ra nạn 'tham nhũng nhà nước' ở quy mô lớn, làm tha hóa một 'bộ phận
lớn' các quan chức có thực quyền về hoạch định, quyết định, thực thi chính sách
ở các cấp trung cao tại Việt Nam.
Ông nói: "Theo quan điểm của nhà nước thì đây là một 'bộ phận không nhỏ',
nhưng người dân Việt Nam thì luôn luôn hoài nghi về chuyện 'một bộ phận không
nhỏ', thực chất đó là một bộ phận lớn...
"Con số này người ta đề cập có thể chiếm tới
một nửa số quan chức Việt Nam hiện nay, tôi cho là trong tình hình tham nhũng
tràn lan, các nhà lãnh đạo đang đau đầu về việc này, đau đầu và có thể là đau
tim nữa,
"Và con số một nửa không phải là cái gì quá
đáng, quá ghê gớm và đang ứng với thực trạng một nền kinh tế và một nền chính
trị đang bị sa sút trầm trọng như ở Việt Nam."
Trong bản thông điệp đầu năm
nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn sẽ có một số
cải cách sâu rộng liên quan tới tái cơ cấu nền kinh tế, tháo bỏ độc quyền, cổ
phần hóa ở khu vực doanh nghiệp nhà nước.
'Lời lẽ lãnh đạo'
Tuy nhiên, vấn đề xử lý nhóm
lợi ích, lợi ích nhóm ngay trong các cơ quan của chính phủ, các ngành các cấp
là một công việc không dễ dàng, như ý kiến của chuyên gia về chính sách công
không tiết lộ danh tính nói với BBC:
"Thủ tướng không thể tự xử lý khách quan
được những nhóm lợi ích này và nhà nước cũng khó có thể để cho ông đơn phương
thực hiện.
"Cần phải có các cơ quan độc lập hơn để xử
lý, và đó có thể là lý do vì sao một Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham
nhũng nhà nước đã được lập ra và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí
thư, có sự tham gia của Ban Nội chính Trung ương..."
Được biết, theo kế hoạch, trong
năm 2014, tám vụ án và hai vụ việc nghiêm trọng, gây sự quan tâm lớn của dư
luận xã hội sẽ lần lượt được xét xử, tuyên án và có kết luận, theo sự chỉ đạo
của Ban Nội chính Trung ương Đảng.
Về phần mình, Chủ tịch nước
Việt Nam, ông Trương Tấn Sang cũng đã nêu quan điểm về xử lý vấn nạn lợi ích
nhóm và tham nhũng nhà nước. Trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Thành phố Hồ
Chí Minh vào thượng tuần tháng Mười Hai, ông kêu gọi cử tri mạnh dạn hợp tác
với lãnh đạo trong việc này.
Ông nói: “Các đồng chí có quyền chất vấn chúng tôi, chất vấn mạnh hơn nữa. Mong
là các đồng chí về phường, quận cũng làm tương tự như vậy. Cứ nói thẳng, nói
thật, công khai, minh bạch.
"Chúng tôi phải đấu tranh nhưng trách nhiệm
nặng nề hơn các đồng chí, khi cần phạt phải phạt mạnh hơn các đồng chí. Chúng
tôi sẵn sàng nhận những hình phạt đó, không có gì phải né tránh”, ông Chủ tịch nước được báo trong nước trích dẫn.
No comments:
Post a Comment