10.01.2014
Năm nay kỷ niệm tròn 4 thập niên trận hải chiến
Việt-Trung khi Bắc Kinh đưa quân sang đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng giêng năm
1974.
74 chiến sĩ hải quân thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ đã oanh liệt ngã xuống trong cuộc chiến ngày 19/1 trước đội quân xâm lược hùng mạnh từ phương Bắc.
Trong khi Trung Quốc lâu nay tưởng niệm-vinh danh những chiến sĩ của họ tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa, những người lính Việt hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước trong trận chiến này chưa hề được Việt Nam ghi công chỉ vì họ không phải là binh sĩ của chế độ CHXHCN Việt Nam hiện nay.
40 năm qua, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa 1974 vẫn chưa chính thức được đi vào sử sách giáo khoa của nhà nước Việt Nam. Các liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược ấy vẫn chưa được vinh danh chính thống như các liệt sĩ chống Mỹ, chống Pháp khác tại Việt Nam.
Sự ghi ơn đối với những người hy sinh vì lãnh thổ dân tộc ở Hoàng Sa có chăng chỉ qua sự truyền miệng từ các nhân chứng lịch sử còn sống, qua các hoạt động tưởng niệm của các hội nhóm yêu nước.
Ở cấp độ nhà nước, sự công nhận đối với trận chiến Hoàng Sa xem chừng chỉ mới dừng lại ở một vài bài viết trên truyền thông nhà nước thời gian gần đây mà chính thức là tháng Giêng năm ngoái, cuộc chiến này chính thức được tưởng niệm lần đầu tiên bởi một tờ báo của nhà nước là báo Thanh Niên.
Cựu chiến binh Lữ Công Bảy, người có mặt trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 trực tiếp tham gia trận chiến Hoàng Sa 1974, chia sẻ cảm nghĩ với VOA Việt ngữ:
“Từ lâu nay, thế hệ trẻ Việt Nam không hề biết nhiều. Giờ đây, nhà nước Việt Nam đã công bố công khai trận hải chiến Hoàng Sa thì tôi nghĩ giới trẻ từ từ họ sẽ biết về những người chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa nhưng lực bất tòng tâm vì lực lượng ta ít mà Trung Quốc rất đông.”
Bà Huỳnh Thị Sinh, vợ liệt sĩ Ngụy Văn Thà, thuyền trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ10 hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa, nói thân nhân các liệt sĩ chống Trung Quốc năm 1974 không hề được hưởng các chính sách trợ giúp, đãi ngộ của nhà nước.
Niềm an ủi trước nay đối với họ, theo lời bà Sinh, là sự chia sẻ từ những người Việt ái quốc trong nước lẫn hải ngoại:
"Đau buồn nhưng cũng vui mừng vì các anh em ở phương xa cũng còn biết tới, dành tình cảm cho anh Thà. Những người đồng bào yêu nước muốn bảo vệ Hoàng Sa cũng gọi điện thăm hỏi. Những việc này không từ nhà nước, từ anh em đồng bào bên ngoài. Tôi đâu được ai trong nhà nước mới này giúp đỡ đâu cô."
Những người lính đã mang xương máu của mình bảo vệ Hoàng Sa 40 năm về trước ôm ấp một nguyện vọng được lịch sử đối xử công bằng, không vì quyền lợi cá nhân, mà vì các thế hệ yêu nước tiếp nối sau này.
Cựu chiến binh Lữ Công Bảy nói:
“74 người đã hy sinh thật ra họ đâu phải bảo vệ cho tổ chức nào, mà họ đã bảo vệ cho tổ quốc Việt Nam. Lẽ ra lịch sử phải công bằng. Họ phải được vinh danh trước mọi người. Tôi mong một ngày nào đó những người bạn của tôi sẽ được phục hồi danh dự, tức là được ghi vào sử sách. Tôi chỉ ước mong được như vậy thôi. Phải nói những người đó đã bảo vệ cho Việt Nam được độc lập, tự do, cho lãnh thổ của Việt Nam. Mong nhà nước công nhận những liệt sĩ đó là những người đã bảo vệ tổ quốc.”
Trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, lực lượng Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc mỗi bên có 4 chiến hạm tham chiến.
Về tổn thất nhân mạng, phía Việt Nam có 74 binh sĩ tử trận. Phía Trung Quốc có 18 binh sĩ thiệt mạng. Một trong những binh sĩ trở về từ cuộc chiến là Ngô Tiên Phong được nhà nước Trung Quốc phong danh hiệu Anh Hùng và được tặng Huân chương Hạng nhất.
Trung Quốc chiếm đóng toàn phần quần đảo Hoàng Sa từ đó đến nay.
Kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa năm nay, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều lời kêu gọi đóng góp ủng hộ thân nhân của các binh sĩ tử trận để tỏ lòng tri ân đối với những người bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong số này có nhóm NO-U Sài Gòn với kế hoạch thăm và tặng quà Tết gia đình các quân nhân trong cuộc chiến.
Những năm gần đây xuất hiện một số ý kiến trong nước đề nghị nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận các binh sĩ Việt Nam Cộng hoà hy sinh trong trận Hoàng Sa là liệt sĩ. Trong số những lời kêu gọi có kiến nghị của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, người đang thọ án 7 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Các nhà quan sát cho rằng để đối phó với các hành động bành trướng từ Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng Biển Đông leo thang, nhà nước Việt Nam cần quy tụ cả sức mạnh nội địa lẫn quốc tế, đoàn kết lòng dân trong nước kết hợp với sự ủng hộ của bạn bè thế giới để chống chọi với bản đồ đường lưỡi bò đầy tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Vấn đề Hoàng Sa hiện nay có vai trò thế nào đối với an ninh của Việt Nam và cả khu vực? Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, nhà nghiên cứu và giảng dạy về Châu Á học thuộc đại học Maine (Hoa Kỳ), Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhận định:
“Hoàng Sa là vấn đề rất quan trọng về khía cạnh chủ quyền, an ninh cho khu vực, và về luật pháp. Về mặt luật pháp, nếu mình để càng lâu, Trung Quốc càng có thời gian. Sau này nếu có đem ra tòa kiện được, người ta cũng cho rằng Trung Quốc đã chiếm đóng lâu rồi, người ta không muốn làm lộn xộn vấn đề. Cho nên, mình phải dùng vấn đề an ninh khu vực. Chẳng hạn lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc gần đây rõ ràng là sự đe dọa an ninh cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho một nước Việt Nam. Nếu hai nước bị thiệt hại nhiều nhất là Việt Nam và Philippines đẩy mạnh vấn đề thành trách nhiệm chung của thế giới thì tôi nghĩ có thể giải quyết sớm vấn đề.”
Giáo sư Long cho rằng Việt Nam là nước phải đứng ra kiện Trung Quốc vì quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và khi chiếm đóng, Trung Quốc còn giết người Việt Nam.
Nhưng vẫn theo lời ông, để thành công, Việt Nam cần đẩy mạnh khía cạnh quốc tế của vấn đề, buộc Liên hiệp quốc phải xét xử vụ này vì đây không phải chỉ là chủ quyền lãnh thổ mà là vấn đề an ninh biển, ảnh hưởng đến Luật Biển Liên hiệp quốc.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long tiếp lời:
“Trách nhiệm và quyền lợi của Mỹ bây giờ rất rõ trong vấn đề này. Trong khi đang tìm cách đối phó, Mỹ cần sự giúp đỡ của các nước như ở Đông Nam Á có quyền lợi bị đe dọa. Cho nên các nước cần tìm cách áp lực Mỹ hay giúp Mỹ có cớ để giữ an ninh trong khu vực. Việt Nam là nước có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất ở Biển Đông nên tiếng nói của Việt Nam có sức nặng. Nếu không, sẽ xảy ra sự cố."
Một cuộc hội thảo đánh dấu 40 trận hải chiến Hoàng Sa sẽ diễn ra tại đại học Havard Hoa Kỳ vào ngày 11/1 với sự tham dự của nhiều học giả danh tiếng, trong đó có Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
No comments:
Post a Comment