Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2014-01-17
2014-01-17
Một bước
thay đổi trong giới hạn
Hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tỏ ra mạnh
mẽ trong dịp tưởng niệm 40 năm Trung Quốc đánh bại Hải quân VNCH xâm chiếm
Hoàng Sa. Nhà nước Việt Nam từ chỗ im lặng trước nước lớn bá quyền, cản trở
người dân bày tỏ sự căm phẫn thì nay đã có một bước thay đổi, tuy còn thể hiện
sự tự giới hạn trong lằn ranh.
Về chuyển biến của chính quyền thể hiện qua thông
tin báo chí trong dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa, nhà nghiên cứu sử Nguyễn
Đình Đầu từ Saigon nhận định:
“Quá chậm và còn có vẻ rời rạc. Tuy vậy cũng hiểu
rằng Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc hồi xưa nữa, không phải Trung
Quốc cách đây năm bảy mươi năm nữa. Về phương diện kinh tế Trung Quốc lên quá
rồi, các nước cũng vì lý do kinh tế…nhưng mà gần đây Trung Quốc cư xử ở Biển
Đông rồi biển Hoa Đông quá đáng như vậy thì cũng làm cho cả thế giới phê phán.
Chính quyền Việt Nam thấy như vậy cũng là một thuận lợi cho mình để tỏ thái độ
cứng rắn nhưng riêng đối với tôi thái độ ấy còn quá chậm và còn có vẻ rời rạc.”
Nhà
nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu đã nhận định như
vậy khi trả lời chúng tôi trước sự kiện vào chiều tối 18/1/2014 Câu lạc bộ Phao
Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng
bào chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988)
tại trụ sở 43 Nguyễn Thông TP.HCM với sự tham dự của giới nhân sĩ trí thức và
gia quyến các tử sĩ Hoàng Sa-Trường Sa.
Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói rằng động cơ tổ
chức lễ tưởng niệm là vì lợi ích dân tộc:
“Rõ ràng chuyện bảo vệ tổ quốc thì những người đứng
ở phía nào cũng là bảo vệ tổ quốc, năm nay có lẽ không đến nỗi khó khăn như lần
tổ chức thứ nhất (2011). Tôi có cảm tưởng là Chính quyền đã thấy được
chuyện Trung Quốc làm quá đáng không những riêng đối với Việt Nam mà còn đối
với nhiều nước xung quanh và gần như khắp cả thế giới đều lên án Trung Quốc khi
họ không những trái với lịch sử mà còn vi phạm Công ước Luật Biển của Liên Hiệp
Quốc.”
Nhà nước Việt Nam luôn phải e dè Trung Quốc và luôn
ngậm bồ hòn làm ngọt là một thực tế, dù hai nước xã hội chủ nghĩa anh em từng
trải qua cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và 8 năm sau đó là trận
Gạc Ma ở Trường Sa. Năm 1974 khi Trung Quốc tấn công lấn chiếm Hoàng Sa sau khi
đánh bại Hải quân VNCH, Hà Nội giữ thái độ im lặng điều mà nhà nghiên cứu sử
Nguyễn Đình Đầu nhận định “Tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ.”
VietnamNet
bản tin trên mạng ngày 6/1/2014 đã trích lời ông Dương Danh Dy nhà nghiên cứu
về Trung Quốc giải thích vấn đề này. Theo đó quan điểm của Hà Nội qua lời Thứ
trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào thời điểm 1974 là, miền Bắc rất cần Trung
Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại miền Nam. Lúc đó
ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói với ông Dương Danh Dy chúng tôi trích nguyên văn:
“Dy ơi, sao cậu dại
thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc
chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn cái nào.”
Trong tương quan lịch sử như thế, Nhà nước Việt Nam
chỉ dám sử dụng một cách hạn chế phương tiện truyền thông báo chí khi cho
phép lật lại tư liệu lịch sử Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh
Niên, Lao Động gồm cả bản in và trang điện tử cùng báo mạng VietnamNet đã có
chiến dịch quảng bá Hải chiến Hoàng Sa như một chứng cứ lịch sử về việc Trung
Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và cũng qua đó vinh danh những anh hùng tử
sĩ VNCH đã bỏ mình vì nước. Sử liệu của Hải Quân VNCH về trận Hoàng Sa được báo
chí Nhà nước công bố, thậm chí tờ Tuổi Trẻ còn thực hiện một việc chưa từng
thấy là trích đăng Hồi ký của Phó Đề đốc Hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại về trận
Hoàng Sa, cũng như bài viết ở hải ngoại của những người trong cuộc như cựu Hải
quân Trung tá Vũ Hữu San, hạm trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4. Các báo
còn tìm gặp các nhân chứng sống là binh sĩ chế độ cũ, từng trấn đóng ở đảo
Hoàng Sa hoặc các cựu chiến binh VNCH từng tham dự trận hải chiến 1974 đương
đầu Trung Quốc.
Ngoài ra Đài Truyền hình Đồng Nai của Nhà nước đã
được phép chiếu phim tài liệu về Hải chiến Hoàng Sa của VNCH, phim này từng
được phổ biến trên kênh 9 Đài Truyền hình THVN vào năm 1974. Phim tài liệu này
dài hơn 13 phút ghi lại trang sử ca anh hùng của những người lính VNCH đã chiến
đấu bảo vệ Hoàng Sa và bỏ mình vì tổ quốc.
Chúng
tôi xin trích một đoạn trong phim tài liệu này:
“Những bài
báo về trận Hải chiến Hoàng Sa đã đăng trên các tờ nhật báo tại Thủ đô Saigon
vào năm 1974 như nhật báo Chính luận, Đông Phương, Sóng Thần, Hòa Bình
..v..v..tấm hình Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rời Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1
Duyên hải sau khi ra chỉ thị thị về biện pháp đối phó với Trung Cộng khi Hạm
đội Trung Cộng xâm nhập hải phận VNCH tại Hoàng Sa.”
Đó là đoạn mở đầu trong phim tài liệu của VNCH được
Đài Truyền Hình Đồng Nai chiếu lại cho công chúng. Giới nhân sĩ trí thức tán
dương sự thay đổi tư duy của Chính phủ cho phép quảng bá sự thật lịch sử để
người dân hiểu rõ. Tuy rằng, Nhà nước đã giới hạn chỉ cho chiếu trên một đài
Truyền hình Tỉnh là Đồng Nai thay vì trên kênh Truyền hình Trung Ương hoặc các
đài Hà Nội - TPHCM.
Chúng
tôi xin trích một đoạn khác trong phim tài liệu VNCH:
“Tiếc thay Nhật Tảo không may mắn được về bến nhà,
sau trận đánh ngày 19/1/1974 chiếc tàu nhỏ bé bị trúng đạn rất nhiều, máy hư
trôi dạt trên biển, hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng một số nhân viên tử thương.
Trưa ngày 19/1 thêm hai tuần dương hạm Trung Cộng xuất hiện, chiếc tàu mang số
281 của Trung Cộng tiếp tục nã đạn vào HQ10. Chiều ngày hôm đó lúc 14g52 phút
tại vị trí phía Nam bãi san hô Antelope Hộ Tống Hạm Nhật Tảo chìm dần và đi vào
lịch sử…”
Sử sách
chưa ghi chép
Rất nhiều người dân ở miền Bắc không biết về trận
hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Quốc, thế hệ trẻ
lớn lên sau chiến tranh càng không biết vì sách sử chưa ghi chép.
Ông
Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo ở Hà Nội trình bày cảm nhận của mình
trong sự kiện 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Ông nói:
“Tính từ 1975 đến giờ đây là lần đầu tiên các báo
được đăng về Hải chiến Hoàng Sa, nhiều báo nói về các chiến sĩ VNCH hy sinh ở
Hoàng Sa với sự ngưỡng mộ khâm phục. Đấy là sự thay đổi tư duy rất là lớn và
chính quyền không còn gây khó cho chuyện này nữa. Tôi nghĩ đấy là xu hướng tất
yếu, ngày xưa viết về binh sĩ VNCH họ gọi là ngụy quân ngụy quyền. Đến nay các
báo vinh danh họ nêu tên các chiến sĩ đó như Ngụy Văn Thà, Võ Thành Trí và vừa
rồi còn nói cả đến Hạm Trưởng Vũ Hữu San nữa, thì đấy là các thay đổi rất tích
cực. Tiến tới làm thế nào để lòng người không chia cách nữa.”
Chính phủ không chính thức tổ chức lễ tưởng niệm 40
năm ngày mất Hoàng Sa vì những liên hệ với Trung Quốc. Nhưng có thể từ năm nay
các tổ chức dân sự sẽ bớt chịu sự can thiệp thô bạo của công an, mỗi khi có
những hoạt động phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.
Ông
Nguyễn Hữu Vinh, một nhà hoạt động ở Hà Tĩnh phát biểu:
“Hẳn nhiên người dân làm những chuyện đó là quyền
của người ta, chứ bây giờ không phải đi xin nữa hoặc phải được mớm lời. Trước
đây rõ ràng quyền của tôi nhưng tôi không biết sử dụng quyền đó, tôi phải đi
xin. Bây giờ đến lúc xã hội Việt Nam không phải xin như vậy nữa, những hành
động vừa qua trong xã hội dân sự cái gì không trái pháp luật là người ta đang
làm. Đơn giản là như vậy, người dân dám rủ nhau đứng ra tổ chức tưởng niệm, vấn
đề không phải là là nhà nước đứng đàng sau bật đèn xanh hay đèn đỏ nữa mà vấn
đề là nhận thức của người dân đã có những thay đổi như vậy, chứ không phải vì
nhà nước muốn hay không muốn.”
Những hoạt động thiết thực được ghi nhận từ xã hội
công dân, Quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa do nhóm Huy Đức khởi xướng được Người Việt
trong ngoài nước hưởng ứng mạnh mẽ với hy vọng giúp một mái nhà cho bà quả phụ
Ngụy Văn Thà và các gia đình tử sĩ khác cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó hai nhóm
No-U Hà Nội-Saigon cũng tổ chức quyên góp để giúp đỡ 10 gia đình chiến sĩ Hoàng
Sa.
Trong các hoạt động hiếm hoi do chính quyền tổ chức,
theo Lao động Online bản tin trên mạng ngày 16/1, một sự kiện đặc biệt diễn ra
vào đêm 18/1 tại Công viên Biển Đông Đà Nẵng, lần đầu tiên chính quyền tổ chức
“Thắp nến tri ân” những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa, trong đó có 74 binh sĩ
quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Theo tờ báo, kỷ niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa
bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, Bộ Thông tin và Truyền Thông phối hợp
UBND Huyện đảo Hoàng Sa TP.Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triễn lãm quy mô
lớn nhất từ trước tới nay với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những
bằng chứng lịch sử.” Ngoài ra còn tổ chức tọa đàm, hội thảo Hoàng Sa, triễn lãm
lưu động đến các trường đại học.
Trước đó ngày 11/1 tại Hà Nội Chương trình Minh
triết làm chủ biển Đông đã tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị TQ chiếm
đoạt bằng vũ lực và 74 chiến sĩ hải quân VNCH vị quốc vong thân. Theo Tuổi Trẻ
Online, nhiều nhà nghiên cứu có mặt tại lễ tưởng niệm cùng với gia quyến của tử
sĩ Hoàng Sa Ngụy Văn Thà, hạm trưởng Hộ Tống hạm Nhật Tảo đã người đã tử trận cùng
chiến hạm mà ông chỉ huy. Phát biểu tại Lễ Tưởng niệm, Cựu Đại sứ Nguyễn Trung
nói rằng: “Chúng ta không thể làm lại lịch sử nhưng từ lịch sử phải rút
ra bài học cần thiết.”
Về hoạt động của các tổ chức dân sự tưởng niệm 40
năm ngày Hoàng Sa thất thủ vào tay Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A, nguyên
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS từng nhận định:
“Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ
Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính
thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính
phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc
đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường
và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những
người con thân yêu của đất nước.”
Và tất cả các cựu binh Hoàng Sa trong suốt chiều dài
dựng nước và giữ nước đều được tổ quốc ghi công, đặc biệt là 74 chiến sĩ hải
quân VNCH đã bỏ mình vì đất nước. Ngày 19/1/2014 này chính là ngày tưởng niệm
40 năm những anh hùng tử sĩ đã vùi thây đáy biển để bảo vệ tổ quốc chống lại
quân xâm lược phương Bắc.
No comments:
Post a Comment