04:38:am 18/07/13
Ý nghĩa các buổi hội thảo về TLVĐ từ trong nước ra ngoài nước
Ngày 7-7-2013, đã có một buổi hội thảo Văn học về
Nhất Linh với tựa đề: Hội thảo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại
hội trường báo Người Viêt. Người chủ trì, sắp xếp, ai được mời, ai không
nên mời phát biểu là ông Phạm Phú Minh.
Buổi hội thảo được cho biết là thành công. Phần đông
những thuyết trình viên là những người có quan hệ thân tộc với dòng họ Nguyễn
Tường. Trong cái sự vắng mặt ý nghĩa ấy hình như thiếu Duy Lam- tôi không dám
chắc – Không biết vì lý do sức khỏe mà anh không tham dự được hay không được
mời.
Đối với tôi, anh là người biết rất nhiều về Nhất
Linh hơn bất cứ ai cả về mặt chính trị, mặt họ hàng và đồng chí cũng như mặt
văn học. Qua những chúc thư văn học của Thế Uyên để lại trước khi chết thì hai
anh em trở thành những thành phần Unwanted của dòng họ Nguyễn Tường mặc dầu cả
hai đều rất quý mến người Bác.-mặc dù có đôi chỗ không đồng ý-. Duy Lam đã viết
bài: Những gì tôi học được từ Bác tôi, Nhất Linh, đăng trong Tân Văn số 13,
tháng 8, 2008. Có dịp, tôi sẽ viết về Thế Uyên như đã hứa với anh ta khi anh
còn khỏe mạnh.
Đề tài giới hạn rất rõ ràng: Chỉ nói về Phong
Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn. Sẽ tránh nói đến Nguyễn Tường Tam, nhà Chính
Trị và cuộc quyên sinh của ông để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm cũng trùng
vào hai ngày hội thảo này!!
Buổi hội thảo này nó cũng nhắc nhở mọi người trước
đây đã có một buổi Hội Thảo về Phạm Quỳnh. Hình như cũng do Phạm Phú Minh tổ
chức? Người ta cũng đã tìm cách làm thế nào tránh nói đến các hoạt động chính
trị của Phạm Quỳnh khi ông cộng tác với Pháp cũng như về cái chết còn nhiều mờ
ám của ông.
Trong nước, hiện nay đã có đến hai ba giả thuyết về
cái chết của Phạm Quỳnh với các nhân chứng trong cuộc. Khó ai mà biết sự thật
ra sao..
Nhưng mọi người tạm yên tâm với câu nói của Hồ Chí
Minh với hai người con gái họ Phạm là bà Phạm Thị Giá và bà Phạm Thị Thức như
sau:
Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh
giá lại sau này, con cháu cứ vững tâm đi theo Cách Mạng.
Quả nhiên lời nói của Hồ Chí Minh có thể chỉ là nói
cho qua chuyện nay đã thành sự thực. Cụ Phạm Quỳnh được đánh giá lại và được
vinh danh về những công trình khảo cứu của cụ.
Vì thế, hiện nay nói chung, mọi người quên hay lờ đi
những giai đoạn làm chính trị và hợp tác với Pháp và chỉ chú trọng đến hoạt
động văn hóa của Phạm Quỳnh với rất nhiều bài viết ca tụng ông.
Cũng thế, sau này có thể người ta chỉ biết đến nhạc
Phạm Duy, nhạc Trịnh Công Sơn mà không cần biết đến con người và những hành
trạng của họ.
Nhưng nếu như thế thì những bài viết của Trần Huy
Liệu trong các tập san Sử Địa vào những năm 1953-1954-1955 nay chỉ là những thứ
đáng vứt vào sọt rác chăng!! Tôi đọc lại tiểu sử đời của Trần Huy Liệu do con
trai ông viết mà thấy buồn. Lịch sử cuộc đời có những chòng chéo oái ăm đến là
trớ trêu đến không hiểu được.
Sau đợt vinh danh Phạm Quỳnh thì nay đến lượt TLVĐ
và Nhất Linh.
Nếu tôi không lầm thì vai trò giao lưu văn hóa bằng
cách phục hoạt lại các công trình văn hóa, văn học của Phạm Quỳnh, Nhất Linh
cũng nằm trong chính sách văn hóa vận, nhằm hải ngoại hơn là người trong nước?
Đã có biết bao nhà văn, nhà trí thức cần được được
phục hoạt như Vũ Hoàng Chương, Trần Văn Tuyên vv thì chết vẫn không được nói ra
lời và hằng trăm, hằng ngàn các văn nghệ sĩ miền Nam khác. Đã có lần tiếp xúc
với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, bà cho biết bà có một lô sách truyện đã viết,
nhưng đành gác một xó.
Muốn hiểu lý do tại sao như thế thì may ra chỉ có
ông Phạm Phú Minh- người tổ chức bữa tiệc văn học này may ra biết được. Tôi
quen ông từ hồi ngồi trên ghế nhà trường, nhưng cuộc đời hoạt động của ông đối
với tôi vẫn là một ẩn số. Cũng báo cho ông biết, bạn chung của chúng ta, Nguyễn
Trọng Văn, kẻ đi ngược đường. Bị thất sủng, bị bẻ bút từ hơn 30 năm nay đã ra
đi trong im lặng. Bạn bè trong nước, không một ai báo tin. Số phận những kẻ
theo phía bên kia đầy cay đắng và tủi nhục! Để làm gương cho chúng ta! Những kẻ
thừa hưởng mọi ân sủng của miền Nam cần nhớ lấy điều ấy! Tôi nhắc chừng ông như
vậy.
Như vậy việc phục hoạt lại các công trình sáng tác
của TLVĐ đã bị bỏ quên lãng sẽ như bước khởi đầu để cho cộng đồng người Việt
hải ngoại xích gần lại với đường lối chính sách trong nước.
Và để làm được công việc ấy thì phải xóa bỏ quá khứ,
xóa bỏ những biên giới chính trị vốn tạo ra sự bế tắc giữa hai bên.
Vì thế, người ta không lấy gì làm lạ lả ở Hải ngoại
có các ông Đỗ Tuấn Khanh và nhóm ông Phạm Phú Minh, Nguyễn Tường Thiết dưới sự
hỗ trợ của báo Người Việt đã đứng ra làm công việc tổ chức khó khăn và tế nhị
này..
Thật ra ở tư cách cá nhân những vị này không có đủ
tài lực, vật lực, trí lực cùng lúc để triển lãm và hội thảo nếu không có sự hỗ
trợ ở đằng sau. Tôi nhận thấy thiếu Nguyễn Xuân Hoàng, bởi vì anh ta cho biết
bị đau nặng.
Gọi là hội thảo cho đẹp chứ thực ra là đến để nghe
những điều tán tụng ở mặt tích cực, chỉ nói cái hay, cái cái đẹp và có thể sau
này góp lại ra một tuyển tập. Đó là công việc dễ dàng nhất mà người ta có thể
làm được. Các tuyển tập được xuất bản từ trước đến nay đều theo một quy trình
giống nhau cả.
Vì thế tôi mới gọi buổi hội thảo là bữa tiệc người.
Trong dịp này Tú Mỡ, Xuân Diệu, Thế Lữ, Trần Tiêu
nay thì đại diện bằng con cái họ cùng ngồi chung chiếu văn học với Hoàng Đạo,
Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh. Cũng trong dịp này nếu Võ Nguyên Giáp còn khỏe
mạnh mời được ông thì nhất.. để ông có lời xin lỗi những người đại diện gia
đình Khái Hưng, anh Nguyễn Tường Triệu- một người hiền lành và ít lời xuất hiện
low profile nhất.
Người ta cứ nói người Việt chia rẽ và xấu xí.. Thì
hãy nhìn buổi Hội thảo Văn Học này. Chỉ có những lời lẽ tốt đẹp, chỉ có tiếng
cười, tiếng vỗ tay và những giọt nước mắt xúc động chia sẻ.
Nhưng tôi nhận thấy cùng lắm các ông trong ban tổ
chức chỉ là có cái công bàn giao, chuyển tải những công trình do người khác đã
làm sẵn, kế hoạch sẵn.
Vậy mà tôi nhìn thấy cái vẻ tự đắc và hãnh tiến lắm
trong các buổi phỏng vấn làm như thể tất cả công lao đến từ Phạm Phú Minh!! Cái
công của họ là điều phối và tổ chức triển lãm lại những công trình tìm kiếm của
những người như Tiến sĩ Martina Thucnhi Nguyễn, có nhận học bổng Fulbright-Hays
để về VN tìm kiếm tài liệu hay bà Phạm Thảo Nguyên, con dâu Thế Lữ đã mua được
khoảng 200 số báo Phong Hóa- Ngày Nay và ông Nguyễn Trọng Hiền, con thứ nhà
thiết kế thời trang Nguyễn Cát Tường.
Sự phối hợp cộng tác của ba người này cho văn học đã
đem lại một kết quả tốt đẹp là thực hiện số hóa các số báo trên. Hơn 400 số. Cả
một công trình.
Đó là những người làm văn hóa thiện nguyện, vô tư và
trong sáng nhất. Công trình của họ đã được trao cho các cơ sở thư viện như Đại
Học Hoa Sen, Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn ở trong nước. Và nay được trao
cho Phạm Phú Minh và công ty Người Việt.
Phần cô tiến sĩ Thục Nhi thì đã đợi đúng ngày 22
tháng 9, 2012 để gửi đến BBC theo đúng kế hoạch dự trù ở trong nước. Kỷ niệm 80
năm Phong Hóa ra đời. Nhưng bài viết của cô đã chỉ được BBC đưa lên ngày 25
tháng 9 , 2012, trễ ba ngày.
Ngoài ra ở trong nước, có một sự làm việc nhộn nhịp
như những ngày lễ hội để phục hoạt lại TLVĐ. Ông Vu Gia là người đã có một công
trình biên khảo nhiều nhất gồm 6 tập như: Khái Hưng, nhà tiểu thuyết, nxb Văn
Hóa, 1993. Thạch Lam, thân thế và sự Ngiệp, 1994, Nhất Linh trong tiến trình
hiện đại hóa Văn Học, Hoàng Đạo, nhà báo, nhà văn, Trần Tiêu, nhà văn độc đáo
của TLVĐ, Tú Mỡ, người gieo tiếng cười, 2008.
Trước đó, năm 2003, ông Vu Gia đã cho xuất bản cuốn:
Phan Khôi, Tiếng Việt- Báo Chí- và Thơ Mới. do nhà xuất bản Đại Học Quốc
Gia TP. Hồ Chí Minh, 2003. Trong cuốn sách ông có trích dẫn một câu: Trên
báo Nhân Dân, ngày 14-4-1958, Như Phong cũng cho rằng ” Phan Khôi, cả một đời
toàn làm những việc phản bội Tổ Quốc Phần Thế Lữ cũng cho rằng, “ Phan Khôi
phản cách mạng, ngấm ngầm chống Đảng lãnh đạo Cách mạng từ trong kháng chiến”.
Rồi tác giả hạ một câu: Thú thật, khi đọc qua
những dòng chữ ấy, tôi cũng hãi.
Nhưng cái thời đó thì người ta phải viết như thế,
phải nói như thế. Nói khác thì đi tù.
[1] Vu Gia, Phan Khoi, Tiếng Việt, Báo chí và thơ
mới, trang 94
Nay thì cái thời ấy đã qua rồi. Chẳng những không bị
cấm mà ông còn được khuyến khích viết về các tác giả TLVĐ. Và bây giờ là lúc
phải khen- khen lấy được.
Trong nước khen, ngoài nước khen. Người Việt khen.
Cả dòng họ Nguyễn Tường hoan hỉ. Thi nhau viết bài, thi nhau cầm bút. Tôi có
thói quen coi gió là tên phản bội và tôi gọi đó là lúc Gió đã đổi chiều!!
Vậy mà tôi còn nhớ sau cái chết của Nhất Linh, Thế
Uyên đã viết dại dột về người Bác của mình như sau: ”Riêng hai đứa chúng tôi
(ám chỉ Duy Lam) thán phục Nhất Linh tiền chiến và chấp nhận Nhất Linh hậu
chiến”.
[2] Trích Văn Học miền Nam, truyện, Võ Phiến, trang
1226.
Nhận xét của Thế Uyên là chính xác, trung thực. Nhất
Linh chỉ thành công trong giai đoạn tiền chiến và bị lu mờ sau 1954. Chính Võ
Phiến khi viết về Nhất Linh cũng phải nhìn nhận. “Trong khi kiểm điểm sự
việc để viết về Nhất Linh của thời kỳ sau 1954, tôi có một cảm tưởng buồn”.
Tại sao Võ Phiến lại buồn, ông Nguyễn Tường Thiết có biết điều đó không?
Nhưng có người thù dai bám vào hai chữ “ chấp nhận”
mà Thế Uyên đã dùng và cho đó là xấc láo. Xin nhường cho Thế Uyên giãi bày về
chuyện này:
“Nhưng cuộc đời không dễ tính với nhà văn như vậy,
muốn im lặng nhiều khi đâu có dễ, cứ bút sa là gà chết ngắc, không chạy đâu
thoát, không còn cả chọn lựa làm gà quay hay gà luộc.. Gần đây, năm 2004, tại
Mỹ, một bạn thân và cũng là anh họ lại chơi vào một sáng mùa đông không có
tuyết nhưng đầy sương mù, đột nhiên nổ tôi một phát: Trong hồi ký “ Người Bác”,
ông đã dùng hai chữ “ chấp nhận Nhất Linh”, là xấc xược….
Rồi nữa! Một vấn đề, một bài văn đã cũ hơn 40 năm
sau lại được hâm nóng, mang ra mổ xẻ trở lại, một lần nữa. Đầu tôi đã có mầu
bạc thay cho bầu trời bên ngoài không có tuyết, nên kiên nhẫn ngồi giảng giải,
một lần nữa không biết thứ mấy, rằng vào một thời điểm viết bài ký, có tạp chí
Sáng Tạo và sau đó một tạp chí thân chính khác ồn ào phủ nhận Nhất Linh và Tự
Lực Văn Đoàn ”.
[3]Trích Tự thuật Văn Học, Âm thanh và cuồng nộ một
thời đã qua, trích trong Tiền Vệ, 2002-2013.
Đã có lúc tức giận, Thế Uyên thề: kể từ nay không
bao giờ viết về Nhất Linh nữa.
Nay Thế Uyên đã là người thiên cổ, tôi tự hỏi, nếu
ông còn sống, ông có được mời tham dự buổi hội thảo Văn Học này không. Và cả
Duy Lam nữa. Chắc là không. Bữa tiệc người đó không thể có mặt Thế Uyên được,
ví ông thuộc họ ngoại lại tỏ ra ăn nói xấc xược.
Xét một cách công bằng và khách quan thì trong nước
họ đã đi trước hải ngoại một bước dài về mọi phương diện về TLVĐ . Họ đã cố
gắng thực hiện nhiều công đoạn trong sự phục hoạt lại TLVĐ ít lắm từ mười năm
nay.
Công việc có ý nghĩa nhất, có tinh chính thức do sở
Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch do UBND huyện Cẩm Giang tổ chức và thực hiện tại
tỉnh Hải Dương vào ngày 9-5-2008.
Trong buổi hội thảo được gọi là khoa học này, điều
căn bản cần nêu ra ngay là Nhất Linh gồm hai con người: Con người tiến bộ và
con người phản động của ông. Và chỉ nên căn cứ vào chúc thứ 71 chữ ông để lại.
Và rằng có nhiều con đường yêu nước khác nhau. Và chưa biết con đường nào hay
hơn con đường nào.
Tháo gỡ được khúc mắc chính trị ấy là tháo gỡ được
mọi cửa ngõ từng đóng kín giữa đôi bên. Con người Nhất Linh phản động như thế
đừng nhắc tới nữa và chỉ còn con người tiến bộ của ông.
Gớm thay cho miệng lưỡi cộng sản. Đổi trắng ra đen,
đổi đen ra trắng
Nhưng sự có mặt trong buổi hội thảo lại có các nhà
văn như Phong Lê, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Chương Thâu bắt buộc mang tính
thuyết phục. Họ là những người làm công tác văn học theo nghĩa đàng hoàng,
chính đáng.
Và tính thuyết phục ấy cũng có thể được áp dụng ở
Hải ngoại trong buổi Hội thảo này? Làm Văn học thuần túy. Để lại cho đời một
cái gì.. Đó là sự lưỡng tính của một sự thật !!
Và ở trong nước người ta cũng đã dựng một bảng chì
đường: Nơi lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Bao giờ ở Hải Ngoại cũng sẽ dựng lên một
cái bảng như thế như thể bảng chỉ đường ấy sẽ đưa chúng ta đi đâu, về đâu?
Sự phục hoạt mang tính cách nhà nước với những chỉ
thị rõ ràng và những số tiền bỏ ra cho các địa phương như Hải Dương, Cẩm Giàng,
Hội An là một toan tính chính trị, văn hóa du lịch, không thuần túy văn học.
Phải hiểu rõ ràng như thế.
Nó đã được dựng lên ở những nơi có liên hệ xa gần vớ
nơi cư ngụ, quê quán và gốc gác với nhóm Nhất Linh, Hoàng Đạo đã làm chúng ta
kinh ngạc.
Đến ngay các nhà văn thuộc loại công thần của nhà
nước như Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, nhất là Tố Hữu cũng không được hưởng những
vinh danh đã dành cho nhóm TLVĐ. Đã có tượng đài, Hội thảo quốc tế chuyên đề về
Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Lẽ nào không thể xây dựng một tượng đài dành cho
Nhất Linh?
Trong nước làm được, tại sao ngoài nước không bắt
chước làm theo. Làm tới đi Phạm Phú Minh!
Trong suốt 20 năm miền Bắc trước 1954 và ít nhất 25
năm sau 1975, nhóm TLVĐ vẫn là những đối tượng bị cấm kỵ, nếu không nói là
những kẻ thù của chế độ.
Điều gì đã làm cớ sự biến kẻ thù thành bạn? Đó là
điều mà mọi người cần suy nghĩ và tự đặt câu hỏi cho mình..Những người làm văn
hóa thì có thể đều là những người chân thực, nhưng chính sách văn hóa có tính
cơ hội, chính trị, thủ đoạn thì khó mà biết được.
Bộ Văn Hóa Thông tin Việt Nam đã có công văn chính
thức yêu cầu tỉnh Hải Dương là nơi sinh quan của dòng họ Nguyễn Tường tập trung
tư liệu hình ảnh và gia phả có tên trong Tự Lực Văn Đoàn để thành lập những khu
kỷ niệm. . Những nhà văn như Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo được chính thức
yêu cầu tỉnh Hải Dương xem xét và tập trung tài liệu xác minh những thành quả
mà các nhà văn này đạt được..
[4] Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, dài RFA, Mặc
Lâm, ngày 20-8-2007
Ngoài ra còn có các tuyển tập cửa một số nhà văn của
TLVĐ được xuất bản.
Tỉnh Hội An, nơi gốc gác dòng họ Nguyễn Tường, đã
lập tủ sách Tự Lực Văn Đoàn tại phố Cổ Hội An sưu tầm và lưu trữ các tác phẩm
của TLVĐ. Họ vận động các nhà văn, các nghệ sĩ, nhà xuất bản và các con cháu
tộc Nguyễn Tường ủng hộ sách cũng như tài liệu liên quan về nhóm TLVĐ kể cả
kinh phí mua các loại sách, tư liệu có liên quan.
Tủ sách sẽ được đặt tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường của
anh em nhà họ Nguyễn Tường, đường Nguyễn Thị Minh Khai, khối Hoài Phô, phường
Cẩm Phô, không xa chùa Cầu.
Tôi tự hỏi giá Nhất Linh còn sống trước việc khôi
phục lại TLVĐ như trên, phản ứng của ông sẽ có thái độ như thế nào.
Các nhà văn, nhà phê bình trong nước thuộc đủ các
nhóm từ những người bất đồng chính kiến như nhóm beauxit, các nhà phê bình văn
học như Nguyễn Huệ Chi, Lại Nguyên Ân, nhà thơ như quý ông Nguyễn Trọng Tạo các
nhà văn trong Hội nhà văn đều đồng loạt hưởng ứng khôi phục lại Tự Lực Văn
Đoàn..
Người ta quên hết quá khứ hay xóa sạch quá khứ. Quên
đi các vụ thảm sát đường Ôn Như Hầu, quên đi các vụ thanh toán ám sát các người
của đảng phái và tiêu biểu nhất là vụ ám sát nhà văn Khái Hưng..
Và như thế, người ta cũng nên dành thì giờ đốt hết
các tập san Sử Địa miền Bắc, đốt hết các tài liệu chống Nhân Văn Giai Phẩm và
theo cô tiến sĩ Thucnhi Nguyễn và hàng ngàn những bài viết chống phá TLVĐ từ
thời Thực Dân..
Tôi không biết anh Nguyễn Tường Triệu, khí nói về
người cha nuôi ở hội trường báo Người Việt, anh có còn nói về cái chết thảm
thương của ông Khái Hưng nữa hay không?
Tôi tin chắc rằng chính sách giao lưu văn hóa nảy mở
đường cho việc bắt tay giữa đôi bên- giữa trong nước và ngoài nước.
Nhưng
trước hết, có bốn thắc mắc gửi đến ông Phạm Phú Minh- trưởng ban tổ chức buổi
hội thảo này.
*
Một là là trong phần triển lãm các tài liệu về báo Phong
Hóa, Ngày Nay, ông có thể cho biết rõ gốc gác các nguồn tài liệu mà ông có được
như thể nào? Những ai đã cung cấp cho ông? Có sự liên lạc với trong nước có thể
là bán chính thức để có được những tài liệu được coi là hiếm quý?
Ông và ông Nguyễn Tường Thiết có liên lạc với Hà Nội
trong việc sưu tầm tài liệu không? Theo tôi được biết trong một bản tin có nhan
đề: Sắp công bố toàn bộ Phong Hóa – Ngày Nay của TLVĐ có viết như sau: TP-
Ngày 22-9-2012 tới là ngày kỷ niệm 80 năm báo phong Hóa (sau đổi thành Ngày
Nay) ra đời. Cũng trong ngày nay, dự kiến một số trang mạng trong và ngoài nước
đồng loạt khởi đăng báo này dưới dạng số hóa lần lượt từ số đầu tiên cho đến số
cuối cùng.(…) Đặc biệt, anh Nguyễn Tường Thiết con trai của nhà văn Nhất Linh,
đã chia sẻ một tư liệu vô cùng quý giá: Di cảo viết tay” Đời làm báo” của Nhất
Linh.
Trích nguồn: báo Tiền Phong, ngày 16-09- 2012
Báo Thế kỷ 21 có nằm trong số các trang mạng ở ngoại
quốc nhằm phổ biến đồng loạt các tài liệu của Phong Hóa-Ngày Nay đã được số hóa
và chính thức đưa lên mạng cùng ngày là 22-9-2012 không?
Vai trò của bà Phạm Thảo Nguyên hẳn là không nhỏ. Bà
đã đi về Việt Nam để phổ biến tại nhiều cơ sở văn hóa, trường học tại nhiều địa
phương để phổ biến, phát không các công trình đã được số hóa này.
Riêng về việc số hóa các số báo ấy thì tôi được biết
do công sức của bà Phạm Thảo Nguyên- bà là góa phụ của ông Nguyễn Thứ Lễ, con
trai út của ông nhà thơ Thế Lữ.
Bà Phạm Thảo Nguyên cùng với ông Nguyễn Trọng Hiền,
con trai thứ của họa sĩ Le Mur và cô tiến sĩ trẻ Thục Nhi Nguyễn là người đã có
công lớn phục hoạt lại hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay, bà Phạm Thảo Nguyên cũng
là một người thuyết trình viên trong buổi Hội Thão tổ chức tại Cali trong ngày
6 và 7- tháng 7. Tôi cũng được nhìn thấy ông Nguyễn Trọng Hiền được mời từ
trong nước đến tham dự đứng giữa đám đông phụ nữ triễn lãm các loại áo dài..
Tôi không có gì để nói về những người đã góp công sức trong việc số hóa này, vì
họ làm vì một mục đích cao cả.
Điểm
thắc mắc thứ hai của tôi là tờ báo Phong Hóa kỷ niệm 80 năm rơi vào
ngày 22-9-2012 Ngày ra báo Phong Hóa số đầu tiên..Ông Phạm Phú Minh lại chọn
các ngày 6 và 7- 2013, nghĩa là gần một năm sau và không phải là tháng 9 mà là
tháng 7. Cũng không phải ngày thành lập Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1933 mà rơi
đúng vào mồng 6 và 7 tháng bảy.. Ngày này, ông thừa biết cũng là ngày kỷ niệm
ông Nhất Linh quyên sinh? Sự chọn lựa này có hậu ý gì không. 80 năm trong nước
tính từ 1932-2012 thì phải kỷ niệm vào năm 2012. 80 năm ngoài nước là tính từ
1933-2013. Xin ông giải thích để cho mọi người hiểu để không gây hiểu lầm về
việc này.
Điểm
thắc mắc thứ ba khi cho công bố các tài liệu đã được số hoa về
Phong Hòa-Ngày Nay, ông đã thực sự đưa lên mạng ngày nào? Hay là ông cho công
bố toàn bộ các số báo Phong Hóa-Ngày Nay trên Diễn Đàn Thế kỷ 21 vào cùng ngày
22-9-2012 như dự kiến của Hà Nội cho một số trang mạng trong nước và ngoại quốc
như dự liệu không? Về đìều này, bản thân tôi không có cách chi để có thể biết
được sự thật?
Điểm
thắc mắc thứ tư liên quan trực tiếp đến kẻ viết bài này. Được biết
buổi hội thảo tránh né đề cập đến vấn đề chính trị. Và chỉ nhằm cổ xúy khía
cạnh văn hóa, nghệ thuật cũng như đóng góp của tờ Phong Hóa-Ngày nay vào sự đổi
mới xã hội cũng như văn học.
Cứ xét về phương diện khách quan và bề ngoài thì tôi
thật sự hoan ngênh và không có gì để nói thêm. Chỉ trừ khi có những ẩn ý chính
trị thì không biết được. Thế nhưng, bên cạnh đó, tờ Người Việt cho đăng lại bài
viết của Nguyễn Tường Thiết nhan đề: Sự thật về cái chết của Nhất Linh.. Bài
viết cho rằng tôi bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử và xuyên tạc cái chết. Bài
viết này thật ra là đăng lại, bởi vì nó đã được đưa lên tờ Người Việt- nếu tôi
không lầm- là từ ngày 07-12-2012.
Đây là một hậu ý xấu của tờ Người Việt mà đã có lần
vào tháng 5-2007, họ đã lấy bài: Đi tìm thời gian đã mất của tôi dài 80 trang
đăng nhiều kỳ trên tờ Người Việt- không xin phép, cũng không trả tiền nhuận
bút- Điện thoại cho chủ bút thì cãi chầy cối nói bài do tôi gửi đến. Tôi lúc
bấy giờ cũng đang làm chủ bút một tờ báo, hà cớ gì lại phải gửi cho báo khác
đăng? Tôi cần một lời xin lỗi cũng không có.
Việc chọn cho đăng lại bài viết của Nguyễn Tường
Thiết không có lợi gì cho Nhất Linh và NTT, tự nó làm cho buổi hội thảo một
cách gián tiếp tự các ông bôi bẩn mình. Hội thảo thì né tránh chính trị, nhưng
mặt khác lại dùng tờ báo phê phán người khác. Và hậu quả của nó ra sao còn chưa
biết được !!
Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời Võ Thị Hảo
trong tác phẩm Dạ tiệc quỷ
Trong phần Tự Bạch:
“ Tôi sinh ra cùng một món nợ của người khác.
“ Tôi sinh ra cùng một món nợ của người khác.
Bắt đầu bằng Cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Người
bước vào cuộc ấy ở cửa này, khi bước ra cửa sau sẽ biến dạng.
Và còn nhiều cuộc bước ra bước vào
Chẳng còn ai có thể sống như cũ nữa
Từ đó nhiều người lấy sự phản trắc và cướp bóc cùng
dối trá để được sống, được hơn người, lấy sự giả mù, sự câm, sự điếc làm gậy dò
đường.
Những rường mối gia đình, xã hội bỗng bở nát như bị
mối xông. Con tố cha, vợ đổ oan cho chồng, bội phản ân nhân, đó là cách tồn tại
khốn khổ của của những người nô lệ không có nơi nào để di, không có gì để bấu
víu, thôi đành vô cùng tự mãn về cách hành xử của mình”
[5] Võ Thị Hảo, Dạ tiệc quỷ,nxb trang 23
Tôi thực tình không muốn tham dự vào bữa Dạ tiệc quỷ này! Trong bài viết trước đây của tôi: Cần cảnh giác về những buổi tưởng niệm mà tiêu biểu là nhắm vào một nhóm cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, cầm đầu là tiến sỉ Huỳnh Tấn Lê và ông Vũ Ánh, tờ Người Việt. Tôi do dự khi viết xong bài này phải chăng có nên đưa thêm vào danh sách những người cầm đầu buổi hội thảo này cũng của tờ Người Việt vào chung danh sách đó chăng?
Mùa Pháp nạn năm 1963, phải chăng đã có nguy cơ sống
lại tại cộng đồng người Việt.- đặc biệt là tại quận Cam này. Xưa nó nổ ra ở
thành phố Huế, nay nó nổ ra quận Cam- nơi có số đông người Việt Nam nhất- nơi
cũng là có nhiều máu thanh mưa gíó nhất với những buổi DẠ TIỆC QUỶ.
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt
——————————————–
Ghi
chú:
Vu Gia, Phan Khoi, Tiếng Việt, Báo chí và thơ mới,
trang 94
[2] Trích Văn Học miền Nam, truyền, Võ Phiến, trang 1226
[2] Trích Văn Học miền Nam, truyền, Võ Phiến, trang 1226
[3]
[4] Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, dài RFA, Mặc
Lâm, ngày 20-8-2007
[5] Võ Thị Hảo, Dạ tiệc quỷ,nxb trang 23
[5] Võ Thị Hảo, Dạ tiệc quỷ,nxb trang 23
No comments:
Post a Comment