Sunday, 28 July 2013

WHAT'S IN A NAME ? (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, July 27, 2013 2:50:33 PM

Trong Romeo & Juliet, Shakespeare đã cho Juliet hỏi Romeo “What's in a name? that which we call a rose. By any other name would smell as sweet,” xin tạm dịch là “Tên là cái gì chứ? Cái mà chúng ta gọi là một bông hồng, dầu có tên gì nữa cũng vẫn thơm.” Nhưng trong đời này cái tên quan trọng lắm.

Tuần vừa rồi nước Anh đã ồn lên vì chờ tên cho hoàng tử mới chào đời. Sau cùng bố mẹ cậu đã loan tin là hoàng tử sẽ mang tên George Alexander Louis Windsor-Mountbatten, và sẽ được biết dưới tước hiệu Hoàng Tử George của Cambridge.

Sự việc Hoàng Tử William và vợ đã chọn cái tên đó có rất nhiều ý nghĩa. George là vương hiệu của ông cố của cậu bé, một vị vua đầy tinh thần phục vụ và rất được kính nể, đã giúp nước Anh trải qua những năm tháng khó khăn của Ðệ Nhị Thế Chiến. George VI, như danh hiệu cho thấy là vị vua George thứ sáu của dòng họ hoàng gia đã kéo dài một ngàn năm nay của vương quốc này. Cái tên như vậy vừa truyền thống và vừa bảo thủ, là điều mà cả Hoàng Tử William lẫn Quận Chúa Katherine muốn. Cặp vợ chồng hoàng gia trẻ tuổi này hầu như đã nhận thức được là trong giai đoạn thay đổi quá nhanh chóng của Thế kỷ 21, người ta cần một sự gì vĩnh cửu và sự đó ở Anh Quốc là sự tôn trọng quá khứ, tục lệ. Hôn lễ của họ chẳng hạn đã được cử hành theo nghi thức mà đến cả lời thề giữa hai người cũng theo tục cũ.

Qua cái tên George, William và Catherine đã muốn duy trì sự tồn cổ đó. Ðiều đáng ngạc nhiên là tuy Thánh George là thánh bổn mạng của Anh quốc, phải đến khi một vị vua Ðức, George I lên ngôi thì cái tên này mới có trong dòng dõi Hoàng gia Anh. Nguồn gốc cái tên là từ tiếng Hy Lạp, nhưng rất thông dụng ở Ðức.

Dĩ nhiên trong năm vị vua George sau đó không phải vị nào cũng là minh quân. George III, người đã để mất thuộc địa Mỹ, vốn đã nổi tiếng là điên cuồng. Cuốn phim “The Madness of King George” đã nhắc nhở cho thế giới về bệnh tình của ông. Con trai của ông, George IV thì nổi tiếng về uống rượu và chơi gái, nhưng ông cũng là một nhà kế hoạch hóa đô thị đầy sáng tạo và là một người bảo trợ cho nghệ thuật, và chắc chắn không phải là một kẻ khù khờ. Gần đây hơn, Goerge V, người đã tuyên chiến với Ðức năm 1914, đưa ông trở thành kẻ thù của một người anh em họ, Ðức hoàng Wilhelm II. Nhà vua cũng hiểu rõ sức mạnh của tinh thần bài Ðức của dân chúng và đã đổi tên gia đình hoàng gia từ Saxe-Coburg and Gotha sang một cái tên Ăng-lê hơn nhiều là Windsor. Con trai thứ của ông, George VI, bố của Nữ Hoàng Elizabeth II, là một người hiền lành nhưng đầy tinh thần trách nhiệm. Không bao giờ muốn làm vua, ông đã bị buộc phải lên ngôi khi ông anh từ ngôi để đi theo tiếng gọi của tình ái. Mặc dầu có lẽ chúng ta biết ông nhiều hơn qua cuốn phim “The King's Speech,” ông là một vị anh quân, được dân chúng mến mộ và đầy tinh thần phục vụ, một tinh thần ông đã truyền cho cô con gái.

Alexander cũng là một cái tên được hoàng gia ưa chuộng. Nó là tên đệm của nữ hoàng và hẳn ai nghe Alexander cũng đều nhớ đến Alexander đại đế. Nhưng còn có một ý nghĩa tế nhị hơn. Với Scotland đang lăm le trưng cầu dân ý để ly khai ra khỏi Liên Hiệp Vương Quốc Thống Nhất Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan, thì đặt cho vị vua tương lai tên của hai vị vua của Scotland cũng là một nhắc nhở cho Scotland nhớ là họ có thể ly khai nhưng vẫn có thể duy trì hoàng gia.

Còn cái tên sau cùng, Louis là tên của Lord Mountbatten, chú ruột của Hoàng Tử Phillip và người đã bị IRA ám sát khi họ đặt bom trên cái du thuyền của ông. Louis cũng là một trong những tên của William và Louis là để vinh danh bên nội của William.

Dĩ nhiên với một hoàng gia như Hoàng gia Anh, việc chọn tên là một điều tính toán kỹ và suy nghĩ sâu xa.

Nhưng danh xưng nhiều khi còn để cố tình che giấu nữa. Ðã từ lâu rồi, báo chí và truyền thông Tây Phương dịch danh xưng “chủ tịch nước” của Trung Quốc và Việt Nam là “President” tức là tổng thống. Nếu tôi nhớ không sai thì chuyện đó bắt đầu từ giữa thập niên 1990. Tôi còn nhớ hồi đó còn làm đài BBC và một đồng nghiệp một hôm sau khi đi họp biên tập buổi sáng về đã hớn hở tuyên bố “Việt Nam có tổng thống rồi.” Ngạc nhiên hỏi ra mới biết là kể từ lúc đó, chính phủ Trung Quốc và do đó chính phủ Hà Nội đã dịch danh xưng của quốc trưởng nước mình là “President” tức là tổng thống. Họ đã từ bỏ chữ “Chairman” tức chủ tịch trong bản dịch sang các tiếng Tây phương.

Ðiều nực cười là danh xưng đó chỉ áp dụng khi phiên dịch sang các tiếng Tây phương chứ không được ứng dụng trong nước. Ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, danh xưng của vị nguyên thủ vẫn là “chủ tịch.” Sở dĩ chính quyền của hai quốc gia cộng sản này đã đổi danh xưng dịch ra ngoại ngữ vị nguyên thủ của mình là tổng thống thay vì chủ tịch là có chủ đích.

Với Liên Xô sụp đổ, chế độ cộng sản ở Âu Châu tan rã, chế độ cộng sản ở Á Châu cũng lo sốt vó. Và chính trong giai đoạn này họ cảm thấy cần đổi tên nguyên thủ quốc gia từ “chủ tịch” sang “tổng thống” (Chairman sang President). Ðây thực sự là một hành động tiếp thị và quảng cáo ngoạn mục mà sáng kiến hẳn là từ Bắc Kinh. “Chairman” có ngầm ý xấu. Nó gắn liền với chế độ độc tài cộng sản mà thế giới bên ngoài không mấy ưa chuộng, thành ra giữ cái tước vụ đó y nguyên thì Tây phương sẽ khó tin họ hơn. “President” trong khi đó là một cái danh xưng phổ biến ở Tây phương. Ðổi từ Chairman sang President đã là sáng kiến tiếp thị và quảng cáo mà đến Hoa Kỳ cũng phải kính nể.

Ấy là nếu họ biết. Cho đến nay báo chí và các phương tiện truyền thông khác đều lập đi lập lại “President” Tập Cận Bình, hay “President” Trương Tấn Sang, không hiểu thực sự đó không phải là danh hiệu của họ. Ðáng lẽ họ phải là “chairman- chủ tịch” chứ không phải là “tổng thống.”

Dĩ nhiên trong nước họ không đổi. Chủ tịch gắn liền với chế độ, kể cả chế độ đàn áp của công an. Ðổi sang tổng thống nhỡ dân chúng lại bắt đầu “đòi hỏi” thêm về dân chủ, tự do và công bằng thì phiền lắm.

Hồi còn ở tuổi sinh viên, tôi đã từng nghe tiếng hát tâm ca của Phạm Duy khi ông bảo: “Kẻ thù ta... mang cái vỏ thật to... mang cái rổ danh từ” nhưng thật ra kẻ thù ta là những kẻ biết lợi dụng danh từ và danh xưng. Chỉ cần đổi từ “chairman” sang “president” họ đã đạt được một sự lột xác khiến Tây Phương tưởng họ đã thay đổi.

Mà họ còn nham hiểm hơn thế nữa. Trong lời tuyên bố cùng với Tổng Thống Barack Obama của Hoa Kỳ, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước của Hà Nội, đã “bày tỏ sự cảm tạ đối với sự chăm sóc mà Hoa Kỳ đã đưa ra cho người Việt đến định cư tại Hoa Kỳ.” Chỉ một câu nói đó thôi, một câu nói hầu như là nói thêm đã khẳng định một điều đó là cộng đồng người Việt hải ngoại là “người Việt.” Câu nói rất thản nhiên đó đã mặc nhiên bác bỏ mọi vấn đề của chế độ khiến người Việt đã phải bỏ quê hương ra đi, để ông Sang có thể thản nhiên nói với cộng đồng “Chúng tôi muốn thấy (cộng đồng người Mỹ gốc Việt) đóng góp hơn cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia cũng như phát triển thêm liên hệ trong tương lai.”

Cộng đồng người Việt hải ngoại và đặc biệt cộng đồng ở Hoa Kỳ như vậy đã lại thua một lần nữa. Mặc dầu chúng ta có lá phiếu, có tiếng nói, nhưng chế độ là kẻ thù của chúng ta đã ngang nhiên bắt tay với chính quyền của chúng ta để chà đạp lên ký ức và nguyện vọng của chúng ta. Và tất cả cũng chỉ là từ danh xưng.


No comments:

Post a Comment

View My Stats