Monday 15 July 2013

TƯ SANG CÓ NGHE ĐƯỢC GÌ . . . (Trần Khải - Việt Báo)




07/14/2013

Đó là chuyện tất nhiên, khi những khúc ruột xa ngàn dặm rủ nhau phất cờ vàng, kéo về thủ đô Hoa Kỳ, tới trước Tòa Bạch Ốc để biểu tình chống ông Chủ Tịch Nước VN Trương Tấn Sang tới thăm Tổng Thống Obama cuối tháng này.

Không ai bất ngờ hết. Vì kiểu muôn đời ở Hoa Kỳ là thế: hễ bất bình, là xuống đường biểu tình. Không hề có chuyện công an đưa xe tới hốt về Lộc Hà và đánh đập...

Nhưng Tư Sang và Obama sẽ nói gì? Kinh tế, hiển nhiên. Quân sự, cũng phải có nghị trình này. Điều chắc chắn là Obama sẽ yêu cầu VN phải nới lỏng nhân quyền, vì Obama đã từng nói thẳng với Tập Cận Bình về nhu cầu cởi mở nhân quyền Trung Quốc, tất là cũng sẽ nói thẳng với Tư Sang như thế. Và có vẻ như hoãn vụ xử LS Lê Quốc Quân là vì cận ngày Tư Sang đi Mỹ.

Bản tin VOA ghi nhận:

“Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã được mời đến Washington để gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào ngày 25 tháng 7. Tin này được loan báo trong lúc vụ xét xử một luật sư bất đồng chính kiến ở Hà Nội nêu bật những vấn đề về nhân quyền tại quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản này.

Ông Trương Tấn Sang đã được mời đến gặp ông Obama tại Tòa Bạch Ốc trong chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ Việt Nam tới Hoa Kỳ kể từ năm 2007.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam của đại học New South Wales ở Australia cho biết, tuy Việt Nam đã vận động cho chuyến viếng thăm này hơn một năm qua, quyết định về chuyến đi dường như đã được thực hiện vào phút chót. Ông nói:

"Ông John Kerry lẽ ra đã đi Việt Nam vào tháng 7, nhưng vấn đề Syria làm ông quá bận, và phía Việt Nam cho biết họ không nghe phía Mỹ nói gì cả, không có chuyện gì xảy ra trong vụ này, nhưng thình lình một chuyện gì đó vừa xảy ra. Theo suy đoán của tôi, một phần của chuyện này là ông Sang đi thăm Trung Quốc và bầu không khí rất tích cực đã được tạo ra từ chuyến đi đó."

Các hoạt động ngoại giao của Việt Nam duy trì một sự cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt là đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biền Đông.

Trong chuyến viếng thăm của ông Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh hồi tháng trước, hai nước cộng sản này đã thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp để giúp giải quyết những vụ xích mích trên biển vẫn thường làm cho quan hệ đôi bên bị căng thẳng.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn hàng thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc, và hai nước đã gia tăng các cuộc thảo luận giữa quân đội với quân đội trong vài năm gần đây. Nhưng Hà Nội và Washington tiếp tục bất đồng ý kiến với nhau về việc Hoa Kỳ phản đối thành tích nhân quyền của Việt Nam.

Hồi đầu tuần này, giới hữu trách Việt Nam đã đình hoãn vô thời hạn vụ xét xử luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân. Blogger ăn nói thẳng thắn này là một trong những nhà tranh đấu nhân quyền hoạt động tích cực nhất ở Việt Nam.

Giáo sư Cral Thayer cho rằng việc hoãn lại vụ xét xử ông Quân có thể liên hệ tới chuyến đi của ông Sang:

"Việc hoãn lại vụ xét xử vào lúc này có thể có liên hệ tới chuyến công du của ông Sang. Tôi chỉ đoán vậy thôi. Sau đó thì phía Việt Nam sẽ có cơ hội để quyết định sẽ hành động như thế nào."

... Các nhà quan sát cho biết các vấn đề thương mại và vụ tranh chấp biển Đông sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận ở Washington giữa ông Trương Tấn Sang và ông Barack Obama.

Nhưng còn một vấn đề gai góc mà cả hai nhà lãnh đạo không ai có thế né tránh là vấn đề nhân quyền.”(
hết trích)

Trong khi đó, bản tin BBC cũng ghi nhận dư luận quốc tế về áp lực nhân quyền khi Tư Sang tới Mỹ:

“...tại Mỹ các dân biểu đang tăng áp lực lên chính phủ đòi phải đề cập với phía Việt Nam về tình trạng nhân quyền, mà họ cho là đang xấu đi.

Một số học giả như Giáo sư Carlyle Thayer từ Canberra, Úc châu, cho rằng "nhân quyền phải là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ, nhưng không nên trở thành trọng tâm làm kìm hãm tiến bộ trong hợp tác ở những lĩnh vực khác".


Thế nhưng cũng có người như Phó Giáo sư Jonathan London từ City University of Hong Kong thì cho rằng nhân quyền là một trong những rào cản trong quan hệ Việt-Mỹ.

Ông London nói Việt Nam cần có bước đột phá trong quan hệ với Hoa Kỳ, và để làm điều này thì Đảng CSVN phải có những đổi thay thực sự.

Ông nói thay đổi hữu hiệu nhất mà lãnh đạo Việt Nam có thể làm là "cho phép toàn dân tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước một cách công bằng, chấm dứt đàn áp, và phát triển thể chế dân chủ ở trong nước"...”(hết trích)

Có thực nhân quyền là rào cản giữa Mỹ và VN hay không? Hẳn nhiên, vì luật pháp Mỹ là thế. Mỹ đã có những diễn tiến trong quan hệ với Miến Điện thấy rõ là tùy thuộc từng bước cải tổ nhân quyền. Sau khi Miến Điện tổng tuyển cử đa nguyên đa đảng năm 2010, Mỹ nới lỏng về viện trợ quốc tế cho Miến Điện tháng 11-2011, và nối lại bang giao Mỹ-Miến Điện tháng 1-2012, nhưng vẫn giữ một số hình thức cấm vận.

Nhưng thực tế, Mỹ vẫn xem nhẹ nhân quyền khi cần bang giao. Vì điển hình, bất kể Trung Quốc đàn áp thô bạo sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, Hoa Kỳ vẫn giữ bang giao, và chỉ ra lệnh áp dụng một hình thức cấm vận vũ khí (embargo on armament sales) – như thế là cũng chẳng quan trọng gì, đối với quốc gia khổng lồ như Trung Quốc. Nhưng tới khi chiến binh TQ đàn áp Tây Tạng, Tân Cương thì cũng chỉ là những lời chỉ trích từ phía Hoa Kỳ.

Nhìn cho đúng, dưới mắt Hoa Kỳ, đàn áp nhân quyền tại Việt Nam chưa thấm gì với tình hình ở Trung Quốc. Dĩ nhiên, khỏi kể tới Bắc Hàn và Cuba. Trong khi Hà Nội bắt giam vô tội vạ các nhà hoạt động như LS Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Lê Quốc Quân... chỉ vì họ có tiếng nói khác, thì Bắc Kinh từ lâu đã biểu diễn quyền lực bằng cách bắt cóc Đức Ban Thiền Lạt Ma, thậm chí ghép bản án 11 năm tù đối với Giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, và vân vân.

Nhưng áp lực của Mỹ đối với VN tất nhiên là dễ hơn, vì kinh tế VN chẳng thể nào so với TQ. Vấn đề là, như mọi người đều nói, lựa chọn của Đảng CSVN hiện nay là: “Theo Mỹ, cứu được đất nước; theo Tàu, cứu được Đảng CSVN.”

Chuyện đó ai cũng biết, và cách nói đã tùy hoàn cảnh được trình bày -- tất cả đều nhằm thúc đẩy VN phải dân chủ hóa, phảỉ cởi mở nhân quyền.

Nói vang dội nhất, là các đơn kiện chính phủ, kiện Thủ Tướng do Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đưa ra trước khi bị bắt vào tù.

Nói trí thức nhất, là như các Thư Ngỏ của Nhóm Bauxite VN.

Nói khéo léo nhất, là như lời của doanh gia Nguyễn Văn Đực, khi ông nói về nỗi nguy Tàu hóa đất nước Việt trước ông Trương Tấn Sang trong một hội nghị doanh nhân.

Nói thơ mộng và cay đắng, là như trong thơ Thái Bá Tân.

Nói thơ mộng và dữ dội, là như trong thơ của Nhóm Mở Miệng.

Và cuối tháng 7-2013, chỉ thẳng, nói rõ... sẽ là những cuộc biểu tình chống Tư Sang ở những thành phố Mỹ mà lãnh tụ này đặt chân tới.

Nhưng nói một cách dã man nhất là khi tàu Hải Giám 306 cuả TQ chận bắt 2 taù ngư dân Việt, đánh đập dã man, chặt cột cờ, cướp tài sản.

Ai biết, Tư Sang có nghe được gì chăng.



5 comments:

  1. Bản thân tôi từng là một quân nhân dưới trướng của chú Cao Văn Viên. Tôi cho rằng, chỉ có độc lập tự chủ thực sự mới có dân chủ và nhân quyền. Thế mà Trần Khải-một tay bình bút thế hệ đáng tuổi con cháu tôi kém hiểu biết lịch sử quá nên viết: "Vấn đề là, như mọi người đều nói, lựa chọn của Đảng CSVN hiện nay là: “Theo Mỹ, cứu được đất nước; theo Tàu, cứu được Đảng CSVN.”. VNCH là minh chứng, theo Mỹ đâu có cứu được VNCH. Chỉ có tự lực cánh sinh mới có quyền tự định đoạt số phận của mình. Dựa dẫm vào kẻ khác thì luôn bị kẻ đó lợi dụng. Lính Mỹ đâu có tôn trong lính VNCH. Họ coi quân lực VNCH như những kẻ đánh thuê kém cỏi. Đơn vị tôi được những chuyên gia Mỹ đến huấn luyện. Sau các buổi tập, mấy chuyên gia ấy thì thầm với nhau: "huấn luyện mấy thằng này chúng cũng tiếp thu nhanh nhưng ra trận nhát như thỏ đế thì làm ăn được gì. Rồi chúng lại dựa dẫm vào không quân của chúng ta thôi. Lũ nhát gan". Rõ ràng, người Mỹ chẳng hề tôn trọng chúng ta.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị út nói có lý. Chỉ có kẻ ngu và bạc nhược mới để rơi vào hoàn cảnh phải cầu viện nước ngoài. Mà Mỹ đâu mang tới dân chủ, nhân quyền đến đất Sài Gòn, họ chỉ dựng những người thân Mỹ lên nắm quyền. Những cuộc bầu cử để đưa Thiệu và Diệm lên nắm quyền đều dối trá, lừa dân mà thôi. Lên youtude mà xem clip execute, học sinh, sinh viên Sài Gòn tức giận như thế nào khi chính quyền trưng kết quả bầu cử gian lận vào năm 1971. Chính tướng Cao Văn Viên cũng nói về Nguyễn Văn Thiệu và Ngô Đình Diệm ở trên cương vị tổng thống của chế độ Sài Gòn: "Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm duy trì chế độ như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống Cộng… Còn Nguyễn Văn Thiệu thì theo đường lối "độc tài trong dân chủ"

      Delete
  2. "Hồi đầu tuần này, giới hữu trách Việt Nam đã đình hoãn vô thời hạn vụ xét xử luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân. Blogger ăn nói thẳng thắn này là một trong những nhà tranh đấu nhân quyền hoạt động tích cực nhất ở Việt Nam"(trích từ bài viết). Làm sao có thể nói giới hữu trách đình hoãn xét xử Lê Quốc Quân vì chuyến thăm Huê Kỳ của Tư Sang khi tác giả không đưa ra dẫn chứng nào. Báo nội địa tuyên bố lý do rằng do thẩm phán Lê Thị Hợp, chủ tọa phiên tòa, bị cảm đột xuất, phải đi cấp cứu...Dù ở hải ngoại, dù có thân nhân tham gia quân lực VNCH đấy nhưng tôi không để những điều đó lấn át suy nghĩ công bình. Tôi cho rằng luật sư Lê Quốc Quân không phải người yêu nước, yêu dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền như ổng tuyên bố. Lê Quốc Quân học lớp bồi dưỡng do NED tổ chức. Nhưng NED là một tổ chức của Mỹ, thành lập vào năm 1983, trong thời Reagan, thời mà CIA bị điều tra từ thời Tổng Thống Carter về nhiều vụ lén lút nham nhở ở ngoại quốc. NED được tạo ra dưới bộ mặt của một “tổ chức tư nhân” để giải quyết những vấn nạn về CIA này. (nguồn: http://googletienlang.blogspot.com). Điều đó chứng tỏ Lê Quốc Quân đích thực là một tay sai của CIA chứ chẳng phải bất đồng chính kiến gì cả.

    ReplyDelete
  3. Ông Trương Tấn Sang thăm tòa bạch ốc. Cộng đồng hải ngoại chúng ta nên có thái độ đúng mực, đừng để bị kích động bởi những lời công kích trên các tạp chí. Tôi mong muốn hòa hợp dân tộc như cách phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã làm. Đừng tự biến mình thành những con rối bị kẻ khác cầm nắm xúi giục. Năm 2007, cựu Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ đã tham gia đón tiếp ông Nguyễn Minh Triết với tuyên bố: ở đây chỉ có tình đồng bào, tình anh em, hãy gác lại những đau buồn, hận thù của quá khứ. Chúng ta nên có thái độ như ông Kỳ. Đừng mãi cố chấp.

    ReplyDelete
  4. "Vì kiểu muôn đời ở Hoa Kỳ là thế: hễ bất bình, là xuống đường biểu tình. Không hề có chuyện công an đưa xe tới hốt về Lộc Hà và đánh đập..." câu này nực cười quá, hãy xem lại vụ biểu tình ở phố Wall đi xem cảnh sát ở Mỹ làm gì."Brian Glasscock - một cư dân Oakland 20 tuổi - nói cảnh sát đã dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng để xua đuổi người biểu tình. Căn lều của anh đã bị xé toạc." đây là lời kể của một cư dân Mỹ đó

    ReplyDelete

View My Stats