Chủ nhật 14 Tháng Bẩy 2013
Các tuần báo Pháp quan tâm tới Trung Quốc ở nhiều khía
cạnh khác nhau. Tờ Le Courrier International đăng lại ý kiến của đồng nghiệp
Matxcơva về chiến lược bành trướng của Bắc Kinh tại khu vực Trung Á. Tiếp theo
là nhận định của một tờ báo nổi tiếng của Hồng Kông về tình hình bạo động ở Tân
Cương diễn ra thời gian vừa qua. Về vấn đề xã hội, tạp chí cuối tuần Le Monde
phản ánh thực tế quan hệ giữa con cái với bố mẹ trong xã hội Trung Quốc hiện đại.
Người láng giềng Trung Quốc phiền toái
Dưới tiêu đề : « Người láng giềng Trung Quốc phiền
toái », tuần báo nổi tiếng tại Nga, Argoumenty i Fakty, quan tâm tới việc
Trung Quốc háu ăn một cách đáng sợ tại khu vực Trung Á.
Từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, các nước thành viên đã
lần lượt trao cho Trung Quốc một phần lớn đất đai lãnh thổ của mình, ví dụ :
Tadjikistan giao cho Trung Quốc 1 358 km2, Kirghizistan 1 160 km2 và Kazakhstan
407 km2. Tác giả bài báo đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có dừng lại ở đây hay sẽ
nuốt hết các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ?
Câu hỏi trên cũng hàm ý việc Trung Quốc ngày càng bành
trướng tại các nước trên. Quốc gia lớn nhất thế giới này là chủ nợ quan trọng
số một tại Tadjikistan, chiếm 40% các khoản vay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay
nhà máy điện. Ngoài ra, từ năm 2009, 30% lượng dầu mỏ khai thác tại nước láng
giềng Kazakhstan thuộc về các tập đoàn Trung Quốc và hàng chục nghìn chủ trang
trại Trung Quốc được nhận đất để làm nông nghiệp tại đây. Còn người
Kirghizistan cho người Trung Quốc thuê các mỏ sắt khổng lồ ở Jetim-Too với thời
hạn 50 năm.
Một doanh nhân ở thủ đô Astana ví mối quan hệ Trung Quốc
với các quốc gia Trung Á như con rồng và những con chuột đồng. Dù mọi trao đổi
có thoải mái đến mấy thì tất cả đều kết thúc trong miệng con rồng. Còn một nhà
phân tích ở Hồng Kông nhận xét : « Hiện nay, Trung Quốc không cần đất đai mà
chỉ kiếm các nguồn tài nguyên ». Quả thực, từ sáu năm trở lại đây, đất nước
đông dân nhất thế giới không còn khả năng tự cung cấp nguồn than. Chính vì thế
mà người Trung Quốc quay sang ve vãn các nước láng giềng. Ở thế kỷ XXI, không
nhất thiết phải có quân đội hùng hậu để chiếm một quốc gia : Tiền là giải pháp
chắc chắn nhất và ít nguy hiểm nhất.
Tại Tân Cương, Bắc Kinh mất bình tĩnh
Cũng tại khu vực Trung Á, tờ Shun Po (Hồng Kông) quan tâm
tới mối quan hệ giữa trung ương và các dân tộc thiểu số, sau vụ bạo động xảy ra
ngày 26/06 vừa qua. Với tựa đề : « Tại Tân Cương, Bắc Kinh mất bình tĩnh
», le Courrier International đăng quan điểm của tờ báo trên, cho rằng những
hành động trấn áp của chính quyền Trung Quốc sẽ không giải quyết được vấn đề
một cách sâu sắc.
Từ lâu, Bắc Kinh coi những người ly khai tại Tân Cương là
những kẻ khủng bố miền đông Turkistan. Điều nguy hiểm hơn là lần này, phiến
quân giết hại cả dân thường. Họ có một quá trình luyện tập kỹ lưỡng cả về tinh
thần lẫn thể chất trước khi ra tay hành động tại Tân Cương. Theo thông tin từ
chính quyền Trung Quốc, những kẻ ly khai đã tham gia đào tạo với phiến quân
Taliban và thậm chí, đứng trong hàng ngũ quân đội nổi dậy tại Syria.
Thế nhưng, không phải một sớm một chiều sẽ tìm ra giải
pháp cho các vấn đề nảy sinh từ lâu đời. Từ năm 2009, bạo động bắt đầu bùng
phát tại Tân Cương do mâu thuẫn giữa hai tộc người Hán và Duy Ngô Nhĩ. Bí thư
tỉnh ủy Trương Xuân Hiền thực hiện rất nhiều chính sách ôn hòa nhằm đảm bảo
công bằng và an ninh tại đây : Bảo đảm việc làm cho người Duy Ngô Nhĩ, cử giáo
viên, bác sĩ và kĩ sư từ các thành phố lớn kết nghĩa với Tân Cương tới đây công
tác, hay ủng hộ các doanh nghiệp tới đầu tư. Cũng năm này, cuộc họp của Ủy ban
thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã đưa ra ba ý kiến nhằm làm dịu tình hình
tại đây : Thứ nhất, nhất thiết phải phát triển kinh tế ; thứ hai, nâng cao tầm
quan trọng các vấn đề đời sống hàng ngày và nâng cao hiệu quả của các hoạt động
giáo dục và việc làm, cuối cùng, ổn định trật tự công cộng và bắt buộc phải
kiềm chế một cách hiệu quả các lực lượng cực đoan.
Vụ bạo động ngày 26/06 vừa qua làm Bắc Kinh thay đổi hoàn
toàn ý kiến. Một cán bộ cao cấp tuyên bố phải thẳng tay đàn áp không thương
tiếc các hành động bạo loạn để loại trừ tận gốc các phe phái đòi ly khai. Tờ
báo quan ngại liệu các cuộc bạo động xảy ra vừa qua có khiến Bắc Kinh xem xét
lại chính sách áp dụng tại khu vực này trong thời gian vừa qua hay không ? Liệu
các biện pháp cương quyết, quay ngoắt 180 độ, mà Trung ương đang thực hiện chỉ
là giải pháp tạm thời trong lúc chờ đợi các cuộc đụng độ bớt đi ? Tác giả bài
báo nhận định rất khó có thể lạc quan về hiệu quả của các giải pháp đưa ra khi
mà người ta thay đổi nó cứ như thay áo…
Vì bị phạt tiền nên buộc phải phụng dưỡng cha mẹ
Với tiêu đề khá mỉa mai như trên, phóng viên tạp chí cuối
tuần Le Monde phản ánh một thực trạng đáng buồn tại Trung Quốc do xã hội thay
đổi một cách chóng mặt.
Tác giả nêu một ví dụ hi hữu tại Trung Quốc. Ngày 01/07,
một cụ bà 77 tuổi thắng kiện dựa vào « luật về quyền lợi và lợi ích của
người cao tuổi », buộc con gái và con rể phải phụng dưỡng mình.
Sự phát triển kinh tế đã làm mất những giá trị của xã hội
Trung Quốc truyền thống. Các thành phố lớn và các khu công nghiệp thu hút giới
trẻ các vùng nông thôn tới làm việc. Khoảng 194 triệu người già trên 60 tuổi,
chiếm 14% dân số, sống cô đơn tại các vùng nông thôn, miền núi. Con cái họ chỉ
về nhà một năm một lần vào dịp Tết. Thậm chí, một số người còn không muốn về vì
quá quen với cuộc sống tiện nghi ở thành thị.
Người Trung Quốc lấy làm tiếc giá trị truyền thống này
ngày một phai nhạt. Còn một số nhà quan sát thì cho rằng chính phủ đang cố lấy
lại uy tín vì không thực hiện được hệ thống hưu trí theo đúng nghĩa. Trên tờ
New York Times, nhà văn Dư Hoa trách chính phủ Trung Quốc đang ra sức kêu gọi
lòng hiếu thảo của con cái mà chính họ đã xóa bỏ trong quá khứ. Ông tố cáo : « Đó
là một điều khoản nực cười », nhằm « che dấu trách nhiệm của mình với tư
cách là đảng cầm quyền từ 60 năm nay ».
Tại Indonesia, khói mang lại lợi nhuận
Quay sang khu vực Đông Nam Á, tuần báo Le Courrier
International quan tâm tới một bài báo của tờ Tempo (Jakarta) : « Tại
Indonesia, khói mang lại lợi nhuận », đề cập tới nạn đốt rừng diễn ra hàng
năm. Dù bị cấm, song các chủ đồn điền trồng và sản xuất dầu cọ vẫn làm ngơ và
sẵn sàng vi phạm.
Tình trạng này tái diễn hàng năm vào mùa khô. Trước mức
độ trầm trọng của tình trạng đốt rừng năm nay, một số chính trị gia Indonesia
khẳng định sẽ công bố danh tính tám doanh nghiệp Malaysia vi phạm và kiện ra
tòa nếu có đủ bằng chứng. Song, thay vì nêu tên các doanh nghiệp này, tổng
thống Indonesia lại tỏ ra tức giận và quy trách nhiệm đối với những người đã để
lộ thông tin trên.
Trên thực tế, từ năm 2004, Indonesia có cả một bộ máy
pháp lý để trừng phạt tội đốt rừng gây ô nhiễm, với mức phạt tù có thể lên tới
10 năm và 10 đến 15 triệu rupi tiền phạt (khoảng 775 000 tới 1,1 triệu euro).
Song, các điều khoản bảo vệ rừng chưa bao giờ được áp dụng. Các doanh nghiệp
lớn quen thuê những nhóm nông dân nhỏ lẻ để khai hoang theo tiêu chí như vùng
càng lớn càng tốt với thời hạn ngắn nhất có thể và trị giá hợp đồng rất bèo
bọt. Vì vậy, biện pháp nhanh nhất là đốt rừng.
Đáng lẽ ra chính phủ phải theo dõi chặt chẽ việc cấp giấy
phép cho các khu vực trồng rừng và đồn điền. Năm 2011, một nhà nghiên cứu Anh
nhận định rằng nếu tỷ lệ phá rừng tăng 40% một năm trước cuộc bầu cử địa
phương, thì năm sau đó sẽ tăng lên 57%. Rất nhiều khả năng tốc độ tăng chóng
mặt này liên quan tới việc các cán bộ địa phương mới được bầu đã bán tràn lan
giấy phép khai thác đồn điền.
Tờ Tempo lấy làm tiếc là khói do đốt rừng gây ảnh hưởng
tới uy tín của quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng
22 triệu tấn hàng năm. Vì năm 2010, Unilever và Nestlé đã từ chối mua dầu của
Sinar Mas, một nhà sản xuất khổng lồ Indonesia, do tập đoàn này không tôn trọng
luật bảo vệ môi trường. Dầu cọ là vàng xanh của quốc gia này, có giá thành thấp
hơn so với một số nước sản xuất khác, nhưng không có nghĩa là giá thành thấp
phải kèm theo phương thức sản xuất không trong sạch.
Đừng gọi tôi là « Made in France » nữa
Quay sang tình hình tại Pháp, tuần báo L’Express có bài
điều tra về vấn đề tiêu dùng tại đây với tiêu đề khá hài hước : « Đừng gọi
tôi là « Made in France » nữa » . Bức ảnh quảng bá cho hàng hóa của Pháp
của Bộ trưởng Bộ Chấn hưng sản xuất, Arnaud Montebourg, đã gây không ít ý kiến
trái ngược nhau. Chính vì thế, báo chí cũng đặt cho ông tên mới « Bộ trưởng
« Made in France ». Song, một điều hiển nhiên là các doanh nghiệp Pháp đang
tận dụng chiêu bài « sản xuất tại Pháp » để chinh phục lại thị trường.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng Pháp quay lại xu hướng
dùng hàng sản xuất tại Pháp, vì điều này đồng nghĩa với tính độc đáo của mặt
hàng, chất lượng cao, cũng như tạo thêm việc làm mới và gây dựng lại nền công
nghiệp trong thời kì khủng hoảng. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại có những
chiến lược gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, mà thậm chí là « nói dối ».
Tác giả cuộc điều tra khẳng định, Trung Quốc, cũng như
các nước công xưởng của thế giới, vẫn là nhà sản xuất bí mật cho nhãn hiệu « xanh
dương-trắng-đỏ ». Chính vì thế, người tiêu dùng Pháp mua phải « hàng sản
xuất bởi nước Pháp » thay vì « hàng sản xuất tại Pháp ». Ví dụ, «
France Espadrille », mác giầy bện thừng với tên 100% Pháp, nhưng đa phần
được sản xuất tại Bangladesh. « Cristal de Paris » là mác của một nhà
sản xuất đồ thủy tinh luôn ca ngợi « bí quyết sản xuất tại Pháp » của
mình, nhưng phần lớn lọ hoa hay ly cốc đều được sản xuất tại Châu Á hoặc Đông
Âu. Cụm từ « sản xuất tại Pháp » cũng là một khái niệm tù mù vì thành
phần bên trong có thể tới từ nhiều nước khác nhau.
Edouard Berreiro, một nhà kinh tế chuyên về công nghiệp,
thất vọng cho biết : « Người ta đặt cái cày trước con trâu. Chúng ta phải
tái tạo nền công nghiệp trước đã, sau đó mới cung cấp các nhãn hiệu (ví dụ «
Bảo đảm nguồn gốc từ Pháp » hay « Nhãn hiệu Pháp ») cho những người có khả năng
nắm bắt toàn bộ hệ thống sản xuất ». Bộ trưởng Arnaud Montebourg thì cho
rằng : « Điều quan trọng là phải giành lại cuộc chiến văn hóa ». Trong
khi đó, tác giả bài báo lo lắng : « Liệu không phải là quá muộn rồi sao ?
»
Hoa Kỳ : Đất nước ngày càng pha trộn
Hoa Kỳ : Đất nước ngày càng pha trộn
Le Courrier International quan tâm tới một bài báo độc
đáo của tờ New York Times : « Hoa Kỳ : Đất nước ngày càng pha trộn », đề
cập tới dự luật về người nhập cư đang được Quốc hội Mỹ xem xét. Đồng thời, tờ
báo cũng phân tích tình hình ngày càng có nhiều người Mỹ lai và pha trộn, cũng
như những hệ quả xã hội liên quan tới thực trạng này.
Tờ báo cho biết, dù chính sách cải cách vấn đề nhập cư có
được thông qua hay không thì trong vòng 20 năm nữa, nước Mỹ sẽ nhận thêm hơn 20
triệu người nhập cư. Khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp có thể sẽ thoát
được cuộc sống chui lủi nhờ dự luật này. Những người đã sống tại Mỹ trên 13 năm
có thể xin nhập quốc tịch. Luật cũng tạo điều kiện làm việc cho những người lao
động trong các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp, hay thậm chí cả những người
lao động không có tay nghề mà nền kinh tế Mỹ đang cần.
Nếu được thông qua, một nước Mỹ mới sẽ được hình thành.
Thành phần người nhập cư sẽ đa dạng hơn và tỉ lệ người gốc Âu sẽ ít đi. Tờ New
York Times dự đoán nền kinh tế sẽ trở nên năng động hơn. Nhu cầu thăng tiến xã
hội sẽ tăng gấp bội, người nhập cư sẽ có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn. Họ sẽ
tiết kiệm nhiều hơn và tạo ra nhiều doanh nghiệp.
Về mặt cấu tạo xã hội, trật tự dân tộc cực đoan sẽ chấm
dứt. Nhóm người cai trị (người Mỹ trắng) sẽ không còn tồn tại. Các đám cưới hỗn
hợp đang diễn ra ngày càng nhiều. Con cái lai của họ sẽ vượt qua các tách biệt
văn hóa hay tôn giáo và là cầu nối giữa các cộng đồng khác nhau. Kết quả sẽ
không phải là « sự pha trộn kiểu Mỹ », mà có thể một thuyết dân tộc mới
sẽ xuất hiện. Nguồn gốc sẽ không tạo nên sự khác biệt mà chính là nền giáo dục.
Các đám cưới giữa hai người thuộc chủng tộc khác nhau thường diễn ra ở những
người có bằng cấp. Vì thế, tầng lớp cao trong xã hội thường là người tới từ
khắp nơi trên thế giới, có giáo dục và rất đa dạng về mặt dân tộc.
Tác giả bài báo lạc quan kết luận dù thế nào, tương lai
tràn đầy hứa hẹn. Vấn đề là ở chỗ phải tạo ra một nền văn hóa mới vừa mang tính
quốc tế, vừa đậm chất Mỹ. Dù vấn đề nhập cư có được cải cách hay không, tương
lai của nước Mỹ sẽ vẫn là pha trộn.
Thụy Sĩ : Xì căng đan những đứa trẻ bị ruồng bỏ
Đặc phái viên tạp chí L’Express điều tra một thực tế đau
xót liên quan tới hàng chục nghìn đứa trẻ Thụy Sĩ bị bỏ tù mà không có cáo
trạng, bị buộc tới sống tại các gia đình tiếp nhận hay vào trại cải tạo. Tình
trạng này kéo dài trong vòng nhiều thập niên, cho tới những
năm 1980. Họ bị kết tội vì hành vi của họ bị cho là nguy hiểm đối với một xã
hội được xây dựng trên cơ sở trật tự và thủ cựu. Thực tế, những người trẻ tuổi
này là nạn nhân của một chính sách mà mới đây chính phủ Thụy Sĩ bắt đầu lên
tiếng công nhận sai lầm.
Chính sách tập trung vào những phụ nữ có con ngoài giá
thú, các bà mẹ nghèo khó, nghiện rượu, mại dâm hay thiếu trí tuệ. Những phụ này
thường bị kết tội « có hành vi hay thói quen xấu ». Còn một số khác, bị
đáng giá là « ngu ngốc », « trẻ con » hay « thiểu năng »,
thì buộc phải phá thai trước khi bị ép triệt sản. Đàn ông trong trường hợp trên
cũng bị đối xử tương tự. Còn con cái của họ bị gửi tới các gia đình nông dân.
Một số khác thì vào trại trẻ mồ côi hay tu viện và thường bị các cha xứ lạm
dụng.
Khó có thể biết được con số chính xác nạn nhân của chính
sách này vì rất nhiều hồ sơ bị tiêu hủy. Một ban điều tra gồm các nhà sử học
được Bộ Tư pháp ủy nhiệm tìm cách đưa ra ánh sáng những thảm kịch khuất tất
này. Bà Jacqueline Fehr, nghị sĩ Quốc hội thuộc Đảng Xã hội-Dân chủ, công nhận
: « Cả một huyền thoại của nước Thụy Sĩ bị sụp đổ : Huyền thoại về một đất
nước chuẩn mực với một lịch sử hoàn hảo, không chê trách được ». Càng ngày
càng nhiều nhóm nạn nhân bước ra khỏi bóng tối. Cha mẹ của những đứa trẻ bị bắt
cũng có cơ hội tìm lại con mình. Một nạn nhân cho biết có nhiều thông tin cho
rằng những trẻ nạn nhân trên còn bị dùng cho thí nghiệm của các nhà sản xuất
tân dược. Tuy nhiên, không một đại diện nào của các tập đoàn này có mặt tại
buổi lễ tạ lỗi được tổ chức tại thủ đô Berne.
"Cả một huyền thoại của nước Thụy Sĩ bị sụp đổ : Huyền thoại về một đất nước chuẩn mực với một lịch sử hoàn hảo, không chê trách được"(trích). Một đất nước tư bản luôn xếp top đầu thế giới về GDP đầu người nhưng quyền con người không được đảm bảo. Những phụ nữ có con ngoài giá thú, các bà mẹ nghèo khó, nghiện rượu, mại dâm hay thiếu trí tuệ" đều bị ép phải phá thai rồi triệt sản. Những đứa con của họ thì buộc bị gửi đến cho những gia đình không có con ở nông thôn hoặc vào các tu viện nhưng thường bị các cha đạo lạm dụng tình dục. Một số khác lại trở thành vật thí nghiệm trong các nhà máy thuốc tân dược. Cuộc sống mà đồng tiền là thước đo của mọi giá trị là thế đấy.
ReplyDelete