Saturday 20 July 2013

TIỀM NĂNG CÁCH MẠNG Ả RẬP : SẼ CÒN BAO NHIÊU CUỘC BỂ DÂU NỮA ? (The Economist)





20/07/2013

Sáu tháng trước cuộc cách mạng Ai Cập vào tháng 1/2011, tạp chí The Economist (Anh) nhận xét rằng đất nước có vẻ thanh bình nhất trong các quốc gia Ả rập sắp sửa rúng động tận gốc. Ngay cả sau ba thập niên ngột ngạt do không có gì thay đổi dưới chế độ cai trị liên tục của Hosni Mubarak, điều đó dường như là hiển nhiên. Chính sự thanh bình của Ai Cập khiến ta dễ dàng nhận ra những yếu tố đang hội tụ báo hiệu sắp sụp đổ.

Người biểu tình giương cao cờ của các nước Ả rập trong một cuộc mít-tinh tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, Ai Cập. (AFP)

Ở thời buổi biến động liên tục như hiện nay mà tiên đoán này nọ quả là quá liều lĩnh, nhưng lịch sử Châu Âu có thể giúp ta rút ra một số bài học. Năm 1848, người dân đảo Sicily nổi dậy để lật đổ kẻ bạo chúa bị căm ghét. Sau khi chế ngự quân đội của tên bạo chúa, họ công bố hiến pháp và bầu cử quốc hội. Đó là cuộc nổi dậy đầu tiên trong một loạt những cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, tổng cộng khoảng 50 cuộc, làm run sợ giai cấp thống trị trên toàn lục địa Châu Âu. Cộng hòa Sicily chỉ tồn tại 16 tháng, và trong vòng hai năm tất cả những cuộc nổi loạn khác đều bị dẹp tan tương tự. Chỉ có ở Đan Mạch những nhà cách mạng mới đạt được đôi chút thành công: nhà vua chấp nhận những yêu sách đòi có một nền quân chủ lập hiến.

Tuy nhiên, những ngọn lửa cách mạng vẫn còn âm ỉ. Trong vòng một thế hệ sau năm 1848, toàn bộ Châu Âu đã biến đổi căn bản. Những ranh giới sắc tộc, chứ không phải ranh giới vương triều, xác định các quốc gia mới như Đức và Ý. Chế độ nô lệ và nông nô bị bãi bỏ. Sự cai trị cha truyền con nối đã thoái lui trước dân chủ tự do.

Một thế kỷ sau, vào tháng 5/1968, sự bùng nổ tâm lý phẫn nộ của giới trẻ ở Paris đã khởi xướng làn sóng biểu tình đại chúng. Rốt cuộc chẳng có gì lớn lao xảy ra ngay sau đó, ngoài việc xe tăng Liên Xô tràn vào Tiệp Khắc và sự phổ biến rộng rãi của quần jeans xanh, nhạc rock và những quan niệm về tự do cá nhân. Song, trong những năm sau đó các chế độ độc tài đổ nhào, trước tiên là trên khắp Nam Âu trong thập niên 1970, rồi ở Nam Mỹ trong thập niên 1980, và cuối cùng trên toàn đế chế Xô Viết đang rệu rã vào cuối thập niên đó.

Người Ả rập cũng từng trải qua những làn sóng thay đổi. Làn sóng trước đây bắt đầu vào tháng 3/1949 khi một nhóm sĩ quan quân đội đảo chánh lật độ tổng thống dân cử của Syria, Shukri Kouatly, một vị anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi Pháp. Ba năm sau, binh lính Ai Cập, gạt Vua Farouk sang một bên. Vua Faisal của Iraq bị phế truất trong một biến cố đẫm máu hơn vào năm 1958. Lãnh tụ  Muhammad al Badr của Yemen bị lật đổ năm 1962 và Vua King Idris của Libya bị hạ bệ năm 1969.

Đến thập niên 1970, làn sóng này gần như đã lắng xuống. Bản đồ chính trị Ả rập đã ổn định thành một mảng chắp vá đa dạng gồm các vương quốc, tiểu vương quốc, chế độ độc tài dân sự, nền cộng hòa do quân đội cầm quyền, có nước nghèo xơ xác và có nước giàu nứt đố đổ vách, có nước quyết liệt theo chủ nghĩa thế tục, có nước, như Saudi Arabia, vẫn bảo thủ giữ tôn giáo thuần khiết.

Nhận ra những điểm tương đồng

Tuy vậy, 19 nhà nước Ả rập đó vẫn còn nhiều điểm chung. Phần lớn có quốc hội, nhưng gần như tất cả các quốc hội này chỉ mang tính hình thức, chứ không có thực quyền. Quyền lực nằm trong tay các dòng họ hay đảng cầm quyền chịu sự thống lĩnh của một vài thị tộc. Nhà nước, thường được củng cố bằng lợi tức dầu hỏa tăng vọt trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973, mặc sức tự tung tự tác. Những bộ tuyên truyền, giáo dục và văn hóa hăng hái hoạt động để bảo đảm nhà nước được tôn trọng. Cảnh sát tàn bạo và tòa án phục tùng bảo đảm người dân nể sợ nhà nước. Nhiều tổ chức an ninh rình rập lẫn nhau bảo đảm sao cho nhà nước không bị đảo chánh.
Chuẩn mực Ả rập trong ba thập niên là như vậy: các nhà nước dựa theo mô hình các dòng họ gia trưởng tưởng thưởng cho lòng trung thành bằng cách ban phát lợi lộc. Trong giới cai trị Ả rập có người nhân từ và được đa số yêu mến, có kẻ thối nát hay tàn bạo, nhưng các lễ nghi và tiêu chuẩn chung, chẳng hạn như các ký ức về những cuộc đấu tranh chống thực dân, có tác dụng thể hiện một tính chính đáng giống nhau. Hàng năm, các lãnh tụ gặp nhau tại các hội nghị thượng đỉnh Ả rập để đề cao khối thống nhất Ả rập, tính đoàn kết Hồi giáo và chính nghĩa liêng thiêng của Palestine.

Đại gia đình Ả rập này chưa bao giờ là một gia đình rất hạnh phúc. Cuộc đấu tranh kéo dài cả trăm năm về Palestine cứ như một khối mủ nhức nhối. Thế nhưng, xét theo mức độ tử vong, cuộc xung đột Ả rập-Israel không hề là tổn thất nặng nề nhất mà khối Ả rập phải gánh chịu. Những cuộc nội chiến ở Sudan, Algeria, Lebanon và Iraq đã cướp đi nhiều sinh mạng hơn. Syria chắc chắn sắp gặp thực tế tàn nhẫn đó. Khi can thiệp ở Yemen vào đầu thập niên 1960, để ủng hộ phe chủ trương cộng hòa chống lại phe chủ trương quân chủ được Saudi Arabia hậu thuẫn, Ai Cập đã mất nhiều binh lính hơn ở vùng cát Bán đảo Sinai trong cuộc chiến sáu ngày với Israel vào năm 1967. Cuộc chiến Iran-Iraq trong thập niên 1980 đã làm đã cướp mất vô vàn sinh mạng, có lẽ là nửa triệu, có thể trên một triệu; chẳng ai biết chắc.

Oái ăm thay, người Palestine thường là nạn nhân của những xích mích nội bộ Ả rập. Nhiều người Palestine bị đuổi khỏi Jordan trong thập niên 1970, Lebanon trong thập niên 1980, Kuwait và Saudi Arabia trong thập niên 1990, và Iraq sau cuộc xâm lấn của Mỹ năm 2003. Chế độ Assad ở Syria, lâu nay vốn tự nhận vai trò lĩnh xướng cuộc đấu tranh chống Israel, hiện nay đang bận săn đuổi người Palestine. Hàng chục ngàn người đã chạy sang nước láng giềng Lebanon, chen chúc với những người đồng hương hiện đã ở chật ních trong các trại tị nạn nhếch nhác bẩn thỉu tại đó vì Lebanon không cho phép họ sở hữu đất đai nhà cửa.

Không nên phóng đại tầm quan trọng của việc giới cai trị Ả rập không giữ những lời hứa về Palestine. Ba phần tư các nước Ả rập không có biên giới chung với nhà nước Do Thái nhiều rắc rối. Tuy nhiên, việc không giữ lời hứa đó là biểu hiện của một nhược điểm tổng quát hơn. Nói trắng ra, các chế độ Ả rập đã không đáp ứng kỳ vọng của những mặc cả ngầm dùng làm nền tảng cho sự cai trị của họ.

Điều này không phải luôn đúng như vậy. Cho đến giữa thập niên 1980, nền kinh tế của hầu hết các nước Ả rập có thành quả tốt như các khu vực khác trên thế giới. Mức sống tăng đáng kể. Tuổi thọ và tỉ lệ biết chữ tăng cao. Những hạn chế về quyền tự do dường như là một cái giá đáng trả cho việc xây dựng các quốc gia bên trong những biên giới mà chủ yếu là những di sản của ách cai trị đế quốc của Châu Âu.

Một cuộc mặc cả dựa trên dầu hỏa

Tuy nhiên, thành công này dựa trên những nền tảng không vững chắc. Lợi tức khổng lồ trời cho từ dầu hỏa trong thập niên 1970 đã khiến các nước Ả rập xuất khẩu dầu nuông chiều người dân bằng những công trình cơ sở hạ tầng khổng lồ và các phúc lợi từ lúc lọt lòng cho tới khi xuống mồ. Khi giá dầu sút giảm trong thời gian dài, nền kinh tế các nước này đình trệ. Giới trẻ ở các nước như Saudi Arabia và Algeria bị sốc trước viễn cảnh nghèo khổ hơn cha mẹ của mình và không thể an cư lập nghiệp cho chính mình. Những cuộc bạo động của thanh niên ở Algeria năm 1988, điềm báo trước cho cuộc nội chiến bùng nổ năm 1992, là dấu hiệu tiên đoán biến động ở những nơi khác. Tương tự như vậy là một làn sóng đấu tranh của thanh niên Hồi giáo ở Saudi Arabia vào thập niên 1990, việc đàn áp làn sóng này đã khiến một số người đi theo chủ nghĩa thánh chiến cực đoan do một triệu phú Saudi Arabia lưu vong, Osama bin Laden, truyền bá.

Tình hình ở những nước Ả rập nghèo cũng chẳng khá hơn. Hầu hết các nước cộng hòa Ả rập đã áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chủ nghĩa tư bản nhà nước và thay thế nhập khẩu. Đến thập niên 1980, những nền công nghiệp kém hiệu quả và bộ máy hành chính xơ cứng của họ bắt đầu rệu rã. Các tầng lớp quản trị ở những nơi như Ai Cập và Syria, được đào tạo sơ sài ở các trường học giống như nhà máy được xây dựng để đáp ứng số lượng trẻ em ngày càng tăng, lại càng tụt hậu xa hơn so với giới quản trị ở các nước khác.

Đầu thế kỷ 21, tỉ lệ người lao động Ả rập làm việc cho nhà nước gần gấp đôi con số trung bình trên thế giới, và ở các nước nhiều dầu hỏa còn cao hơn nhiều. Tuy vậy, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Ả rập cao gấp hai lần con số trung bình trên thế giới. Các chính phủ chật vật duy trì các khoản trợ cấp toàn diện về thực phẩm và năng lượng; đó là các di sản của chủ nghĩa gia trưởng [nhà nước bảo bọc, cung cấp mọi thứ cho dân để đổi lại sự phục tùng tuyệt đối] mà cơ quan mật vụ khuyên các chính phủ đó không nên đụng tới vì sợ bùng nổ bạo động.

Để đáp lại, những nhà cầm quyền trước kia lảng tránh các chính sách thân thiện với giới kinh doanh nay lại vội vàng áp dụng các chính sách đó. Điều này dễ dàng hơn đối với các nước giàu tài nguyên năng lượng vì giá dầu tăng cao hóa ra thuận tiện cho họ. Đối với các nước còn lại, sự đột ngột chuyển sang chủ nghĩa tân tự do cũng mang lại nhiều lợi ích dưới hình thức tỉ lệ tăng trưởng nhanh hơn và dòng vốn đầu tư đổ vào nhiều hơn. Nhưng lượng của cải mới tích lũy được chủ yếu thuộc về những ai có quan hệ với các thị tộc cầm quyền. Các dòng họ ngông nghênh của giới cầm quyền và thân hữu của họ giành được những lợi ích béo bở từ nhượng quyền khai thác [tài nguyên]. Thỏa thuận mặc cả trước đây với người dân đã ngày càng bị lãng quên.

Điều quan trọng nhất là nhân dân các nước đó đã thay đổi. Đến năm 2010, gần hai phần ba người Ả rập sống ở thành phố. Trong những người dưới 30 tuổi, ba phần tư biết chữ và ngày càng kết nối với thế giới thông qua truyền hình vệ tinh và Internet. Tuy nhiên, khoảng 40% dân số Ả rập vẫn sống vất vưởng với mức chưa tới 2,75 Mỹ kim mỗi ngày, chi tiêu hơn một nửa lợi tức của mình cho thực phẩm. Tình cảnh này như một khối thuốc nổ, và ngòi nổ đã được châm lửa.
Tháng 9/2000, một nhóm 99 trí thức ở Damascus, thủ đô Syria, đệ đơn thỉnh nguyện lên tổng thống mới của đất nước. Đó là thời điểm của hy vọng. Nhà độc tài của ba thập niên trước, Hafez Assad, đã chết. Con trai và người kế vị ông, Bashar, có hình ảnh mềm mỏng hơn. Những người ký đơn chỉ khiêm tốn yêu cầu chấm dứt các luật về tình trạng khẩn cấp áp dụng từ năm 1963, ân xá cho những người bất đồng chính kiến, và có quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận.

Thoạt tiên, tổng thống Assad có vẻ lắng nghe. Ông thả các tù nhân chính trị và mời những người lưu vong hồi hương. Nhưng mùa xuân Damascus nhanh chóng trở nên u ám. Chỉ trong vài năm, gần như tất cả những người ký đơn thỉnh nguyện đã đi tù hoặc lưu vong. Giống như các lãnh tụ Ả rập lúc đó cũng chịu các áp lực tương tự, tổng thống Assad phán đoán rằng nhóm tranh đấu này chỉ là thiểu số, và chỉ nhận được sự ủng hộ ít ỏi từ đại đa số dân chúng.

Ông đã đúng khi giả định rằng người dân thường e ngại những người gây rối, nhưng không nhận thấy rằng các tư tưởng của nhóm tranh đấu và tấm gương hy sinh của họ đang có tác động. Các chế độ Ả rập nói chung cũng chậm nhận thức được sự truyền bá các phương pháp phản kháng mới. Một số phương pháp này lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel. Các sự kiện ở Lebanon (oái ăm thay có thể đã do chính ông Assad kích động) cũng là một ví dụ. Sau một vụ đánh bom nổ xe vào năm 2005 giết chết một chính khách được người dân quý mến, Rafik Hariri, một phần tư trong số 4 triệu người Lebanon tự phát xuống đường để tổ chức những cuộc biểu tình bất bạo động trên quy mô lớn. Nhiều người trong số họ cho rằng Syria, vốn từ lâu đã can thiệp vào nội tình của nước láng giềng, chịu trách nhiệm về vụ sát hại này. Cuộc nổi dậy này buộc chính phủ ủng hộ Syria của Lebanon từ chức và đuổi về nước đội quân Syria “gìn giữ hòa bình” còn sót lại sau cuộc nội chiến thời kỳ 1975-1990 của Lebanon.

Nhân dân ngày càng cảm thấy bất an ở các nước Ả rập chỉ cần thêm vài mồi lửa nữa để bùng phát, và những mồi lửa đó cũng sắp xuất hiện. Khi các mồi lửa bắt đầu xuất hiện ở Tunisia vào cuối năm 2010, truyền hình vệ tinh, Internet và điện thoại di động có máy ảnh đã sẵn có để thổi bùng thành đám cháy lớn – cũng giống như thời 1848, điện tín mới ra đời, đường sắt và các nhật báo với các phụ trương minh họa đã nhân rộng tác động của các cuộc khởi nghĩa trên khắp Châu Âu.

Những cuộc cách mạng Ả rập đến nay đã lật đổ năm chính phủ (hai ở Ai Cập), làm rúng động tận gốc hai chính phủ, và khiến hầu hết các chính phủ khác hoảng sợ. Ngay cả các nước yên tĩnh và giàu có Kuwait và Oman cũng đã có những cuộc biểu tình đại chúng đòi cải cách. Tuy nhiên, hiện thời làn sóng này gần như đã hụt hơi. Một số chính phủ đã xoay xở giải quyết được tâm lý bất mãn bằng những biện pháp thanh bình. Muhammad VI, vua Morocco, bóp chết các cuộc phản kháng từ trong trứng nước vào lúc cao trào của mùa xuân Ả rập hồi năm 2011 bằng cách ban hành một hiến pháp mới hạn chế một số quyền hạn của chính ông, và bổ nhiệm một thủ tướng Hồi giáo chủ trương ôn hòa.

Nhà cầm quyền ở Algeria, Sudan, Iraq và Jordan đều dùng đến những phương pháp đã được thực tế chứng minh: đó là [dùng các quyền lợi để thu phục và] thâu nhận phe đối lập và chia sẻ quyền lực, và hăm dọa. Những phương pháp này đến này dường như đã có hiệu quả. Ở Algeria, Sudan, và Iraq, kinh nghiệm gần đây về những cuộc nội chiến kinh khủng đã khiến công chúng không còn muốn xảy ra xung đột. Còn người Jordan xưa nay tận mắt chứng kiến các thảm kịch ở các nước láng giềng. Với những người tị nạn từ Iraq và Syria đổ vào tràn ngập Jordan, người dân Jordan hiểu rất rõ rằng dù có nôn nóng mong muốn thay đổi đến đâu, người dân của chính họ vẫn còn chia rẽ đến mức nguy hiểm giữa những người bản địa bờ Đông và đa số con cháu của những người Palestine tị nạn, cũng như giữa phe Hồi giáo và giới phê bình theo chủ nghĩa thế tục.

Giới cai trị cha truyền con nối ở Vùng Vịnh lại khác hẳn. Với dân số ít ỏi và tài sản khổng lồ và vẫn tiếp tục tăng lên, họ có thể “không bận tâm đến chính trị”, nói theo cách của Hilal Khashan, một nhà chính trị học ở Đại học American University of Beirut. Saudi Arabia công bố tăng 120 tỉ Mỹ kim chi tiêu xã hội hồi tháng 3/2011. Nguồn ngân quỹ tăng thêm cho trợ cấp nhà ở, học bổng, hưu bổng và phúc lợi thất nghiệp tạm thời là một biện pháp nhất thời, nhưng dù sao cũng được hoan nghênh ở một đất nước mà đáng ngạc nhiên là có đến một phần tư các gia đình ở dưới mức nghèo đói của quốc gia.

Không một nước nào trong sáu thánh viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh có nước đi nghiêm túc hướng tới cải cách chính trị hay dân chủ. Thay vì thế, họ đều đàn áp mạnh tay hơn đối với phe bất đồng, bỏ tù những người chỉ trích, khống chế truyền thông và áp dụng những luật mới hà khắc hơn về tụ tập công cộng. Bộ thông tin ở các nước này cật lực tuyên truyền rằng những thay đổi ở Ai Cập và Tunisia là thảm họa và mô tả tình hình ở Syria là tận thế.

Song, nếu lịch sử là cẩm nang hướng dẫn, những làn sóng như mùa xuân Ả rập không thể bị đảo chiều. Paul Salem, giám đốc tổ chức nghiên cứu Trung tâm Carnegie Centre ở Beirut, tin rằng khu vực này đã trải qua sự biến đổi hệ thống (paradigm shift). Ông nói: “Một biến chuyển lớn về ý thức chính trị đã được khắc sâu vào tâm trí bằng tấm gương hy sinh và hành động anh hùng. Giờ đây không ai nghi ngờ rằng điều mà công chúng Ả rập muốn là chính phủ dân cử, hợp hiến”. Trong hai năm qua, khoảng 124 triệu người Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya đã hướng tới mục tiêu đó. Nếu kể luôn Iraq, với 33,8 triệu dân, đã tổ chức bầu cử hợp lệ vào năm 2005, thì gần một nửa số dân Ả rập đã công nhận rằng chỉ có chế độ dân chủ mới có tính chính đáng.


Nguồn: The Economist, Revolutionary potential – How many more to go?, 13/7/2013.

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 17/7/2013.)


5 comments:

  1. nếu có tìm hiểu kỹ về những sự việc gọi là cách mạng ả rập này thì sẽ không khó để nhận ra đó là những cuộc đảo chính của những phe đối lập tại những quốc gia đó có sự giật dây của phương tây, và trên thực tế thì sau khi xảy ra những vụ việc như vậy thì tình hình các nước đó toàn là xấu đi không có chuyển biến tích cực nào cả

    ReplyDelete
  2. những việc như vậy thực ra chẳng hay ho gì cả, nước nào mà có những sự việc như vậy thì chẳng có gì lấy làm mừng cả, những việc như vậy sẽ khiến tình hình của bất cứ quốc gia nào cũng đều gặp bất ổn, và như vậy thì làm sao có thể phát triển được kinh tế cũng như cuộc sống của nhân dân làm sao mà ổn định được

    ReplyDelete
  3. nói thẳng ra thì những sự việc như vậy là điều mà mỗi quốc gia nên tránh, không hề có lợi đối với nhân dân và đất nước khi có những biến cố như vậy , đó thực chất là hệ quả của việc những nước đó không thể chống lại đối với những sự chống phá từ những thế lực bên ngoài, không nên để tình hình đất nước diễn ra theo chiều hướng như vậy

    ReplyDelete
  4. những quốc ả rập ở vùng trung đông và bắc phi luôn luôn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề phức tạp, có nhiều nguyên nhân để dẫn tới tình trạng này, nhưng có nguyên nhân rất đáng chú ý đó là đó là những mỏ dầu của thế giới, những cường quốc trên thế giới rất muốn tranh chấp ảnh hưởng ở đây, và đó cũng là nguyên nhân xảy ra những rắc rối như hiện nay

    ReplyDelete
  5. những quốc gia ả rập này xảy ra hiện tượng như vậy chẳng có gì hay ho cả, đất nước vá nhân dân họ sẽ là những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất, đó là những điều mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới cần phải rút ra kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng như vậy

    ReplyDelete

View My Stats