Nguyễn Phương
Mai
Gửi cho BBC từ Sydney
Cập nhật: 11:53 GMT - thứ sáu, 19 tháng 7, 2013
Tuần trước tôi có ghé qua quán Ms Chu ở Sydney ăn trưa.
Quán nhỏ, thiết kế như một quầy hàng lợp mái kiểu nông thôn Việt Nam.
Người tị nạn Việt Nam dùng thuyền cá để vượt biên
Điều đặc biệt là trên tường quán được phủ toàn bộ bằng
những bức ảnh đen trắng mờ nhạt, chụp những khuôn mặt người Việt hốc hác trên hộ
chiếu lấm lem nước biển. Thực đơn của quán cũng được thiết kế theo hình cuốn hộ
chiếu cũ kỹ, ố vàng.
Ở đây tôi gặp anh Triều. Tôi kiếm chuyện, hỏi anh chắc
cũng sang đây cỡ mấy chục năm rồi. Anh nói: “Tôi là thuyền nhân thế hệ mới, qua
đây mới được mấy năm thôi!”
Quán Ms Chu khá nổi tiếng, đơn giản vì hình ảnh người
Việt ở Úc cũng như nhiều quốc gia khác thường gắn liền với hình ảnh một triệu
thuyền nhân vượt biển suốt 2 thập kỷ sau chiến tranh Việt Nam năm 1976. Hầu hết
những người phải ra đi thuộc chế độ miền Nam chạy trốn khỏi sự quản thúc và
cuộc sống mới dưới chế độ cộng sản.
Hội chữ thập đỏ quốc tế ước tính hơn một nửa số thuyền
nhân bỏ thây ngoài biển, 60-70% bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, phụ nữ bị cưỡng
hiếp, đàn ông bị giết chết, nhiều người phải ăn thịt đồng loại. Thảm cảnh của
thuyền nhân là những câu chuyện và thước phim kinh hoàng làm chấn động cộng
đồng thế giới.
Với con số chính thức gần 10 tỷ đô la kiều hối, khoảng
10% GDP cả nước, với chính sách thân thiện Việt Kiều, với hình ảnh Việt Nam
vươn lên về kinh tế, ai cũng tưởng hình ảnh thuyền nhân sẽ mãi là một quá khứ
cần khép lại.
Ngày 15-7 vừa qua, Úc tuyên bố con số người Việt Nam vượt
biển đến xin tỵ nạn tại đây đã tăng lên gấp 30 lần. Riêng trong 6 tháng đầu năm
nay đã có 759 người, chắc chắn sẽ cao hơn cả con số 868 người vào đỉnh điểm năm
1977.
Theo lời ông Ian Rintoul của cơ quan phụ trách vấn đề tị
nạn thì nguyên nhân của đợt sóng thuyền nhân mới này là do chính sách của chính
phủ với các đối tượng đấu tranh dân chủ và các tôn giáo thiểu số.
'Sô cô la và chăn ấm'
Anh Triều ở quán Ms Chu kể cho tôi nghe rằng anh bị công
an đánh nhiều lần, hộc máu mồm, riết rồi sợ mà phải tìm đường trốn. Ở xứ đạo
của anh, những người tham gia phản đối chính quyền cướp đất của dân cũng gặp
rất nhiều đe dọa. Anh theo một nhóm người sang Indonesia, rồi thuê ghe vượt
biển từ đó sang Úc.
Tuy nhiên, The Daily Telegraph ngày 19-7 cho rằng những
thuyền nhân Việt Nam mới chỉ đơn giản là tị nạn kinh tế và muốn tìm việc làm.
Tờ báo này phỏng vấn một sô người Úc gốc Việt và họ đều cho rằng thuyền nhân
bây giờ chỉ muốn cải thiện cuộc sống: "Họ vượt biển với sô cô la và chăn
ấm. Còn chúng ta thậm chí nước uống còn không có" - ông Diệp, 43 tuổi nói.
Trong thời gian ở lại Úc lần này, tôi nhận thấy những
cuộc tranh luận về vấn đề thuyền nhân của chính phủ tăng đột ngột. Hầu như ngày
nào cũng có diễn đàn, thương thảo. Thủ tướng mới của Úc, ông Kevin Rudd vừa mới
trở về từ Indonesia sau cuộc nói chuyện với tổng thống nước này về vấn đề hơn
40.000 người tị nạn mỗi năm vượt biển đến Úc, hầu hết dùng Indonesia là nơi
trung chuyển. Hàng trăm người bỏ mạng trên biển.
Cảnh sát Úc cho một phần lớn thuyền nhân ra đi vì lý do
kinh tế chứ không phải thực sự là người tị nạn. Họ cũng cho rằng thuyền nhân
thường vứt hết giấy tờ xuống biển để xóa bỏ các thông tin cá nhân.
Thái độ của người Úc khá bị chia cắt. Một nửa cho rằng
chính phủ cần chấm dứt tình trạng này bằng phương pháp cứng rắn, tiêu biểu là
việc kéo tàu trở lại Indonesia như đã từng làm trong thời gian của nội các
trước.
"Họ vượt biển với sô cô la và chăn ấm. Còn chúng ta
thậm chí nước uống còn không có."
Lý luận của phe này cho rằng nước Úc mỗi năm có chính
sách nhận một số lượng tị nạn từ các trại tập trung của Liên Hợp Quốc nơi hàng
triệu người đã chờ đợi cả hàng năm trời để được đón tiếp. Việc chấp nhận thuyền
nhân bất hợp pháp cũng giống như việc chấp nhận những kẻ không xếp hàng mà chen
lấn để được phục vụ trước.
Họ cũng cho rằng việc chấp nhận thuyền nhân khiến cho số
lượng những người liều mình vượt biển tăng thêm, và các vụ lật tàu với hàng
trăm người thiệt mạng cũng tăng thêm.
Nửa còn lại của chính phủ nghiêng về các chính sách nhân
đạo hơn và phản đối việc kéo tàu trở lại Indonesia. Hình ảnh những thuyền nhân
chỉ còn da bọc xương bị lôi trở về điểm xuất phát, mặc dù được trợ cấp phục sức
đầy đủ, bị lên án mạnh mẽ. Một chương trình thực tế có tên là “Go back where
you come from” (Hãy quay về đất nước của các người) đã gây tranh cãi lớn.
Trong chương trình này, những người Úc bản xứ được trải
nghiệm một hành trình khủng khiếp bằng thuyền hệt như các thuyền nhân để quay
về đất nước xuất xứ - nơi đói nghèo, sự đàn áp của chính quyền và các cuộc đụng
độ vũ lực khiến họ phải ra đi.
Sức ép cho thủ tướng
Chủ đề thuyền nhân đang tiếp tục được lãnh đạo Australia và Indonesia
thảo luận
Về bản chất, rất khó có thể đưa ra phán quyết ai đúng ai
sai. Vấn đề tị nạn là sự mâu thuẫn giữa hai quyền cơ bản: quyền mưu cầu hạnh
phúc của từng cá nhân và quyền bảo tồn sự phồn vinh cũng như an ninh của một
quốc gia.
Việc chấp nhận số lượng người tị nạn nhiều hơn so với
năng lực mà một đất nước có thể bảo đảm là điều không ai mong muốn. Vấn đề còn
lại là việc quyết định ngưỡng chấp nhận tị nạn ở một con số nào đó mà Úc vẫn có
thể tiếp tục phát triển bền vững, kể cả về kinh tế lẫn văn hóa và tôn giáo. Và
đó chính là tâm điểm của các cuộc tranh luận hầu như ngày nào cũng diễn ra ở
Úc.
Chương trình thời sự ngày 19-7 trên khắp nước Úc đổ dồn
vào việc Thủ tướng Úc Kevin Rudd tuyên bố toàn bộ những thuyền nhân vượt biển
sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để định cư ở Úc. Họ sẽ được chuyển đến Papua
New Guinea (PNG), một đất nước được mênh danh là điểm tận cùng của thế giới văn
minh nơi ngoài vài thành phố nhỏ thì phần lớn dân số vẫn cư trú trong rừng và
duy trì cuộc sống từ thời kỳ đồ đá và tục ăn thịt người mới chỉ được loại bỏ
cách đây vài chục năm.
Chính phủ PNG đã đồng ý nới rộng trung tâm dành cho người
tị nạn hiện nay từ sức chứa 200 người lên thành 3000 người.
Anh Triều bị giam giữ trong trại 2 năm, sau đó là một
trong số những người may mắn không bị gửi trả về và được đưa ra ngoài với số
tiền 200$/ tuần để tạm hòa nhập với xã hội tuy không được phép làm việc. Anh
vừa mới nhận được giấy phép cư trú chính thức năm ngoái.
Từ năm 2010, hơn 800 người đã thiệt mạng trên đường vượt
biên đến Úc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành
văn của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Phương Mai.
No comments:
Post a Comment